Kháng Chiến Ca, Mối Tình Đầu của Phạm Duy
- Chi tiết
- Lê Hữu
- Lượt xem: 7105
“Ôi quê hương, những con đường kháng chiến...”
(Ngọn Trào Quay Súng, Phạm Duy)
“Nhạc sĩ Phạm Duy về nước là một tin vui, một ‘tín hiệu’ đáng mừng,” một ông nói.
“Tôi chịu dân ca và kháng chiến ca của Phạm Duy,” một bà nói và còn... cao hứng hát ít câu để “minh họa”, “Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày...”
“Tôi chịu tình ca quê hương của Phạm Duy,” một ông khác không chịu kém, cất giọng hát rất tự nhiên, “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời...”
“Nhạc Phạm Duy, theo tôi, còn mang lại cho người nghe cái gì đó, ngoài âm nhạc,” anh chàng ở độ tuổi trung niên, trông dáng có vẻ là thầy giáo, phát biểu.
“Em mới nghe nhạc Phạm Duy chừng vài tháng nay thôi, bố mẹ em thì vẫn hay hát nhưng em không biết đấy là nhạc Phạm Duy,” cô gái tuổi đôi mươi vừa cười cười vừa cho biết.
“Em ở ngoài Bắc, chưa hề nghe đến tên Phạm Duy bao giờ,” một cô khác vừa nói vừa lúc lắc đầu.
Tôi cho đấy là câu trả lời thú vị nhất trong số những câu trả lời. Ngắn, gọn. Có sao nói vậy.
Ðó là phần mở đầu của DVD “Phạm Duy–Ngày Trở Về”, chương trình âm nhạc gồm một số ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, được chính thức giới thiệu và trình diễn trong nước tại nhà hát Hòa Bình, Saigon, vào tháng Ba năm 2006. Nghe lại những bài nhạc cũ của Phạm Duy, đối với những người còn nhớ đến ông và yêu mến ông, có cảm giác như gặp lại người thân vừa đi xa trở về sau nhiều năm vắng bóng. Trong lúc, đối với không ít người, nhất là lớp trẻ, đấy là lần đầu tiên làm quen với nhạc Phạm Duy. Sau câu trả lời “thú vị” trên, người xem lại càng... thú vị hơn nữa khi được thưởng thức, ở phần tiếp theo của chương trình, những giọng hát của một thế hệ mới, thế hệ ca sĩ trẻ, lớn lên sau chiến tranh, những người trước đó “chưa hề nghe đến tên Phạm Duy bao giờ”, hát say sưa, hát ngon lành những ca khúc một thời của Phạm Duy. Ðiểm đặc biệt, không phải chỉ những bài tình ca thôi mà cả những bài dân ca kháng chiến nữa.Từ dân ca mới đến dân ca kháng chiến
“Lần nào hát bài này tôi cũng khóc,” nhạc sĩ Phạm Duy dẫn lời ca sĩ Thái Thanh, khi ông–trong vai người dẫn chương trình–giới thiệu nhạc phẩm Bà Mẹ Gio Linh và ca sĩ trình diễn trước đông đảo khán giả trong đêm nhạc ấy. Thực ra, không phải chỉ riêng Thái Thanh mà rất nhiều người cũng muốn khóc khi nghe lời ca tiếng hát ấy, và cũng không phải chỉ riêng Bà Mẹ Gio Linh mà rất nhiều bài dân ca kháng chiến khác của Phạm Duy cũng làm người nghe chảy nước mắt. Cái hay của bài hát là cái hay của đoạn tả người mẹ “không nói một câu” trong phút giây đau đớn nhất. Khi nỗi đau xót và lòng căm thù đã lên đến tột cùng thì mọi cảm xúc trở thành tê dại, lạnh băng, đến gần như dửng dưng, bình thản. Cái bình thản đến rợn người.
Quân thù đã bắt được con, đem ra giữa chợ cắt đầu...
Nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu...
Mẹ nhìn chiếc đầu con mình bê bết máu, môi trắng bệch, hai mắt mở trừng trừng, gần như... hóa điên.
Ta yêu con ta, môi trắng bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta...
Nghe mà nổi gai ốc, lạnh cả người. Thế nhưng, đoạn làm cho Thái Thanh, làm cho người nghe phải khóc, theo tôi, không phải là đoạn mô tả cảnh tượng kinh khiếp, thương tâm ấy, mà chính là đoạn cuối của bài hát:
Khi trông con nuôi xúm xít dưới túp nhà
Mẹ nhìn đàn con, thương nhớ đứa con xưa
Con, con, con ơi! Uống hết bát nước đầy
Ngày một ngày hai, con nhớ ghé chơi đây...
Nhìn thấy những bè bạn, những đồng đội của con trai mình đến chơi nhà, bà mẹ nuôi càng thêm nhớ con mình chết thảm. Lòng mẹ quặn thắt. Mẹ nấu nồi khoai bốc khói. Mẹ nhìn bàn thờ con “khói hương mờ bay”. Mẹ mời các con uống cạn bát nước đầy tình mẹ, đầy tình nước... Bằng những câu cuối ấy, bà mẹ Gio Linh đã hóa thành bà mẹ chiến sĩ, hóa thành bà Mẹ Việt Nam. Ðất nước, trong kháng chiến, đã có rất nhiều bà mẹ Gio Linh như thế. Những bà mẹ yêu con và yêu nước.
Bà Mẹ Gio Linh được phổ biến, được nhiều người yêu thích và “sống” mãi đến ngày hôm nay vì hai lẽ: thứ nhất, do tính thời sự (vào lúc xảy ra câu chuyện thực), dễ gây xúc động; thứ hai, do tính quần chúng, dễ được đón nhận. Hơn thế nữa, như phần lớn các bài kháng chiến ca khác của Phạm Duy, người nghe cảm thấy gần gụi, quen thuộc vì âm hưởng ngọt ngào của làn điệu dân ca cổ truyền vốn nằm sẵn đâu đó trong máu trong tim. Tôi cho đấy là đặc tính, là nét riêng của kháng chiến ca Phạm Duy. Nhạc mang âm hưởng dân ca, và lời, nếu không phải phổ từ ca dao thì cũng là bắt nguồn từ câu ca, điệu hò...
Em ở lại nhà, em ơi, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương, tình tang (Dặn Dò)
Xa xa tiếng chuông chùa gieo
Hò ơi... ơi ới hò! Hò ơi... ơi ới hò!... (Bà Mẹ Gio Linh)
Ðây chốn biên khu, lòng ta như nước sông Lô
Khoan hỡi khoan hò, hò hò khoan! (Tiếng Hát Sông Lô)
Từ ngày, từ ngày chinh chiến mùa thu
Có chàng ra lính
Biên khu ai ơi tung hoành (Nhớ Người Thương Binh)
Hò hố!... Hò hô!...
Hò hớ hơ!... Nhớ thương về chiến khu mờ....
Biết bao người sống mong chờ... (Về Miền Trung)
Vào lúc bình minh của tân nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy là người đã sớm có ý thức việc cần phải phục hồi và phát huy nhạc dân ca với quan niệm “làm mới dân ca cổ truyền”. Ông gọi hình thức “làm mới” này là “dân ca mới”, trong ý nghĩa phát triển và “hiện đại hoá” những truyền thống về nhạc điệu, tiết điệu và ca từ của dân ca cổ. Vẫn sử dụng âm giai ngũ cung cố hữu nhưng ông đã khéo vận dụng nhạc thuật chuyển hệ (métabole) khiến giai điệu trở nên phong phú, uyển chuyển hơn, không nằm chết trong một ngũ cung nào đó như trong dân ca cổ mà chạy dài trên nhiều hệ thống ngũ cung khác nhau.
Phải tạo hướng đi mới, phải đưa dân ca vào nhạc kháng chiến, Phạm Duy đã suy ngẫm và đã không ngần ngại đi tới quyết định ấy. Hào khí của kháng chiến khiến ông mạnh dạn làm cuộc thử nghiệm và tung ra thể nhạc “dân ca mới” ấy, bất kể những “dị ứng” lúc ban đầu của một số người làm công tác văn hóa, văn nghệ có khuynh hướng bảo thủ. Trong số những người tán đồng và lên tiếng ủng hộ cuộc “cách mạng” ấy có nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, người gần đây đã thẳng thắn đưa ra lời nhận định: “Chính Phạm Duy đã mở ra không chỉ cho riêng tôi mà cho các nhạc sĩ đàn em khác, con đường đưa dân ca vào ngôn ngữ âm nhạc mới. Ông ấy là người đầu tiên đã chuyển tải dân ca Việt Nam vào nhạc mới một cách nhuần nhuyễn, đằm thắm... Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Phạm Duy là nhạc sĩ đi vào quần chúng trước nhất.” (1)
Từ những biến dạng của giai điệu ngũ cung, nhạc sĩ Phạm Duy khởi sự viết các giai điệu mới cho những bài dân ca kháng chiến (ông gọi “dân ca kháng chiến” để phân biệt với những bài dân ca soạn ra về sau này) với chủ ý làm sao đưa được tân nhạc dưới hình thức “dân ca mới” ấy vào thôn quê. Lý do, theo ông, “quân ca” hoặc “thanh niên ca” chỉ phản ánh tâm tình của tuổi trẻ thị thành, trong lúc 90 phần trăm người dân trong nước (vào thời ấy) là dân quê, và chỉ có dân ca mới phản ánh được tâm tình của người dân quê.
Bài “dân ca mới” đầu tiên của Phạm Duy, của tân nhạc Việt Nam có nội dung và tinh thần kháng chiến là Nhớ Người Thương Binh (1947). Tiếp theo, trong cùng một năm, là một loạt những bài Mùa Đông Chiến Sĩ, Dặn Dò, Nhớ Người Ra Đi... Các “dân ca kháng chiến” ấy đều chan chứa những tình tự dân tộc, tình yêu quê hương, tình cảm gia đình và đặc biệt rất giàu hình ảnh đất nước. Từ mảnh vườn, thửa ruộng đến luống cày, liếp rau, từ bụi chuối, buồng cau đến bờ tre, khóm trúc...
Thử “nghe” lại bất cứ bài nào trong số những dân ca kháng chiến của Phạm Duy, Quê Nghèo (2) chẳng hạn, cũng thấy ngay được điều này.
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi
Chữ “còm” ấy mới thật hay! Nói “lũy tre già” (như nhiều ca sĩ vẫn hát sai) nghe... thường quá. Ðã còm cõi lại còn “tả tơi” nữa thì quả là... quê “nghèo” thật. Nghèo xác nghèo xơ, nghèo như không thể nào... nghèo hơn!
Ruộng khô có những ông già rách vai
cuốc đất bên đàn trẻ gầy
có người bừa thay trâu cầy
Hình ảnh thật sắc nét, làm nổi bật cảnh thương tâm, vừa nghèo nàn, vừa... lạc hậu.
Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy
thấp thoáng bóng người bên ngòi
tát nước với giọt mồ hôi
“Thấp thoáng”, vì khi đất trời còn chạng vạng, khi sương mai còn “rơi mờ trên rẫy” người nông phu đã phải tất tả ra đồng hì hục tát nước, mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng. Nghèo thế này quả là nghèo... khổ. Ở đây là tả chân đến từng “giọt mồ hôi”.
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
hiu hắt tiếng bà mẹ cười
vui vì nồi cơm ngô đầy
Thực khó mà tìm được chữ nào hơn “thoi thóp” để tả những tia nắng yếu ớt, vàng vọt, hấp hối của buổi hoàng hôn. Cười “hiu hắt”, chưa từng nghe có ai nói thế bao giờ. Nghe mà buồn... hiu buồn hắt!
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
vỗ về trẻ thơ bùi ngùi...
Quê Nghèo là bức tranh “sống”, là tiếng thở dài của những làng quê thời kháng chiến. Nét đẹp trong lời nhạc Phạm Duy rất dễ nhận biết qua những đoạn tả cảnh, đặc biệt cảnh chiều trên quê hương trong những bài dân ca kháng chiến, như bức họa đồng quê mang vẻ đẹp tự nhiên, sinh động, đượm thêm vẻ thi vị với ít nhiều tình ý.
Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh
có nàng gánh lúa cho anh ra đi giết thù... (Nhớ Người Thương Binh)
Chiều vương tiếng diều
trên bờ đê vắng xa.... (Em Bé Quê)
Chiều nay thời gian đứng im để nghe.
nghe gió trong tim tràn trề... (Người Về)
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai... (Quê Nghèo)
Chiều lặn tà, anh bước ra
vườn khuya sáng mờ, ruộng đất hoang vu... (Ngày Trở Về)
Cảnh nào đẹp hơn và cảm động hơn cảnh người thương binh sau những hy sinh và mất mát trong chiến tranh, trở về với ruộng đồng, với làng cũ quê xưa để bắt đầu lại cuộc sống êm đềm, như một giấc mơ thanh bình. Lại còn có cả một bài nhạc kháng chiến, Nương Chiều, với bao nhiêu là cảnh chiều rất quê hương, rất Việt Nam, không tìm thấy ở bất cứ bài nào khác cùng thể loại:
Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều!...
Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai
in hình vào sườn núi chơi vơi, ơi chiều!...
Chiều ơi! Lúc chiều về là lúc yên vui
qua đường mòn ngửi lúa thơm hơi, ơi chiều!...
Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều!...
Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u
cô nàng về để suối tương tư, ơi chiều!...
Chiều ơi! Biết chiều nào còn đứng trên nương
phố phường nhiều chiều vắng quê hương, ơi chiều!...
Thật khó mà viết được những lời đẹp đến như thế, khó mà vẽ được những bức tranh sinh động đến như vậy nếu không có trái tim nặng trĩu tình yêu quê hương. Ðôi lúc tôi tự hỏi làm sao mà ngày ấy người ta lại viết được những lời hát câu ca đẹp đến vậy. Không nói chi dài dòng, chỉ phác qua nghệ thuật tả tình tả cảnh qua lối sử dụng những tính từ, trạng từ của Phạm Duy:
Nghe gió trong tim tràn trề...
Nụ cười nhăn nheo bỗng dưng lệ nhoè...
Me ơi, me ơi, chuông chùa nào la đà...
Như gió thu sau tháng hè, thổi về ruộng nâu lúa tươi xanh rì... (Người Về)
Ôi quê hương xứ dân gầy...
Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng... (Về Miền Trung)
Không ngưng tiếng rừng xao xuyến...
Bâng khuâng mắt nhìn tay kiếm...
Không sao dấu đôi lệ hiền... (Chinh Phụ Ca)
Có lũy tre còm tả tơi...
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai...
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười... (Quê Nghèo)
Và cả động từ nữa
Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ...
Lúc chiều về rợp bóng nương khoai...
Mái nhà sàn thở khói âm u...
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh...
Cô nàng về để suối tương tư... (Nương Chiều)
Chiều nay thời gian đứng im để nghe...
Con ơi, tiếng cười nở chan hòa...
Tuổi thơ nở trên biết bao ê chề... (Người Về)
Và hồn nương bóng quốc kỳ...
Có tiếng diều trong đậu trước khuê phòng... (Chinh Phụ Ca)
Vườn rau trước hè cười đón người về... (Ngày Trở Về)
Quê hương ơi, bóng đa ôm đàn em bé... (Tình Hoài Hương)
Mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười... (Quê Nghèo)
Chữ “đùa” vẫn hay được ông dùng trong những câu hát.
Nhớ thương đàn trẻ nhỏ đùa trong nắng ngây thơ... (Nhớ Người Ra Ði)
Lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ...
Ðàn trẻ đùa bên lũ trâu, tiếng hát bình minh thoáng trên bãi dâu... (Ngày Trở Về)
“Ðùa” là thứ hạnh phúc thật đơn sơ, bình dị. Không riêng gì tả cảnh, những bài hát, những câu hát tả về con người trong kháng chiến của Phạm Duy (những bà mẹ chiến sĩ, những bà mẹ quê, đôi vợ chồng quê, em bé quê, bác nông phu, người chiến binh, anh thương binh...) cũng rất đẹp, rất gây ấn tượng và sắc nét như ống kính đặc tả chân dung của người thợ chụp ảnh. Những con người bình dị, chân chất trong lao động, chiến đấu, vẫn thường gặp đâu đó trong suộc sống ở quanh ta, khiến ta thấy gần gũi, thân thiết. Hơn thế nữa, trong những dân ca kháng chiến ấy ta còn nhặt ra được những từ ngữ rất “Phạm Duy”: ruộng khô, ruộng nâu, áo nâu, con trâu xanh, con trâu lành, lũy tre còm, đàn trẻ gầy, xứ dân gầy, con sông xưa, thành phố cũ... khiến nhạc kháng chiến của Phạm Duy như mang dấu ấn đặc biệt, khó mà lẫn lộn với kháng chiến ca của các nhạc sĩ khác. Nghe một bài nhạc tình đôi lúc người ta không nhớ hoặc nhầm lẫn tác giả này với tác giả khác, thế nhưng nghe một bài dân ca và dân ca kháng chiến, người ta có thể nói ngay được mà không ngại nói sai, “bài này của Phạm Duy” hoặc “không phải của Phạm Duy”.
Nếu “quân ca kháng chiến” có Gươm Tráng Sĩ thì “dân ca kháng chiến” có Chinh Phụ Ca, đều là những bài kháng chiến ca đầu tiên của Phạm Duy và đều mang nội dung khá cổ điển, nhuốm vẻ bi tráng, hào hùng và lãng mạn (chàng tráng sĩ mài kiếm dưới trăng, người chinh phụ mòn mỏi chờ tin chồng thuở chinh chiến điêu linh...).
Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y,
và hồn nương bóng quốc kỳ
Nàng ngừng con thoi, có khi nhớ chàng
có muốn gì đâu, lệ thấm tơ vàng...
Nếu “quân ca kháng chiến” có Bông Lau Rừng Xanh Pha Máu thì “dân ca kháng chiến” có Tiếng Hát Trên Sông Lô, được Phạm Duy ghi lại để ngợi ca chiến công đầu tiên của kháng chiến, trận Sông Lô (1947), trận phục kích đường sông nhằm bẻ gãy gọng kìm bao vây tiến công Việt Bắc của quân Pháp. Trong lúc nhiều nhạc sĩ dùng nhạc thuật tây phương để ghi lại chiến công này như Văn Cao với Trường Ca Sông Lô, Lương Ngọc Trác với Lô Giang... thì ông vận dụng nhạc thuật Việt Nam dưới hình thức dân ca mới để soạn thành ca khúc có tầm vóc “sử ca” ấy:
Tôi nhớ sông Lô, ngày qua chôn xác quân thù
Khoan hỡi khoan hò, , hò... hò... khoan!...
Hỡi anh vệ quốc cầm súng ngang tàng
thuyền tôi đậu bến Tuyên Quang
nửa đêm trông ánh trăng vàng (tôi) nhớ anh...
Ca rằng, “Khoan hỡi hò khoan
hôm nào chiến sĩ Việt Nam
trên dòng sông mênh mang
súng thần công vang vang
Sông mờ hoen máu thực dân
hai nghìn quân Pháp vùi thân
oai hùng thay Lô Giang...”
Tình nước, tình nhà luôn đặt nặng trên hai vai những chàng trai đi kháng chiến. Trong tim Phạm Duy luôn có một bà mẹ Việt Nam. Những câu hát về Mẹ trong dân ca kháng chiến Phạm Duy luôn làm người nghe xúc động.
Mẹ lần mò, ra trước ao
nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ... (Ngày Trở Về)
Cảnh nào cảm động hơn cảnh “nắm áo người xưa...”. Lời nào cảm động hơn lời mẹ nghẹn ngào, “Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ...”
Me có hay chăng con về
chiều nay thời gian đứng im để nghe
nghe gió trong tim tràn trề
nụ cười nhăn nheo bỗng dưng lệ nhoè... (Người Về)
Cả đất trời, cả không gian, thời gian như đọng lại giữa phút giây tương phùng.
Nhưng mỗi khi dưới mái nhà mênh mang
ngừng chơi nắm tay mẹ, hỏi rằng,
rằng: “Cha chúng con đâu?
về mua bánh cho con, mẹ ơi!”... (Nhớ Người Ra Đi)
Câu hát, mỗi lần nghe là mỗi lần xót xa đến muốn chảy nước mắt. Nỗi nhớ thương được kích động thành nỗi căm ghét giặc thù...
Nhớ thương cha, oán thù loài thực dân
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh...
Không phải là không có những bài nhạc vui trong những dân ca mới ấy, Gánh Lúa chẳng hạn, ca khúc sau cùng của Phạm Duy trong loạt dân ca kháng chiến, với tiết điệu nhịp nhàng, khỏe khoắn như nhịp chân rảo bước, như “gánh lúa rung rinh, rung rinh” trong tiếng “kĩu kịt quang gánh” vui tai của ngày mùa và trong niềm hưng phấn “hai vai đem sức nuôi toàn dân”...
Tiếng người ơi ới qua làn nắng mới
vui chân đi tới phiên chợ mai
Gánh gánh gánh, gánh thóc về
gánh gánh gánh, gánh thóc về
gánh thóc về, gánh thóc về
Gánh về! Gánh về! Gánh về! Gánh về!...
Tiếp theo Chinh Phụ Ca (Bà Rịa, 1945) là một loạt những dân ca kháng chiến của Phạm Duy trong giai đoạn lịch sử mà ông đã dấn thân vào, với vai trò khá khiêm tốn là một người làm công tác văn nghệ:
Nhớ Người Thương Binh (Vĩnh Yên, 1947), Mùa Đông Chiến Sĩ (Thái Nguyên, 1947), Dặn Dò (Bắc Giang, 1947), Ru Con (Thái Nguyên, 1947), Nhớ Người Ra Đi (Thái Nguyên, 1947), Tiếng Hát Trên Sông Lô (Tuyên Quang, 1947), Người Lính Bên Tê (Tuyên Quang, 1947), Cô Gánh Gạo (Tuyên Quang, 1947), Nương Chiều (Lạng Sơn, 1947), Về Miền Trung (Ðại Lược, 1948), Quê Nghèo (Quảng Bình, 1948), Bà Mẹ Gio Linh (Quảng Trị, 1948), Mười Hai Lời Ru (Quảng Trị, 1948), Gánh Lúa (Thanh Hóa, 1949)...
Riêng Người Về và Ngày Trở Về, được Phạm Duy soạn ra trong năm sau cùng của kháng chiến (1954), tuy có một khoảng cách về thời gian sau loạt dân ca kháng chiến kể trên, nhưng nội dung vẫn là nội dung tiếp nối của kháng chiến ca, được xem như một kết thúc đẹp cho dòng nhạc kháng chiến giành độc lập của đất nước. Cũng phải kể thêm Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà, ca khúc được nhiều người yêu thích, phổ biến chính thức tại miền Nam năm 1971 (trong tập nhạc “Thương Ca Chiến Trường”) tuy được sáng tác từ nhiều năm trước đó, phổ từ một bài thơ kháng chiến nổi tiếng của Hữu Loan, “Màu Tím Hoa Sim”.
Có người hỏi Phạm Duy, “Trong nhạc kháng chiến có những bài ‘rằng hay thì thật là hay’ nhưng nghe sao... buồn quá! Nhạc sĩ viết làm gì ‘nỗi buồn chiến tranh’ ấy?” Ông trả lời, “Như cuộc sống có hai mặt, thành tựu của kháng chiến cũng có vinh quang, có khổ nhục. Tôi muốn ca ngợi cả hai mặt ấy.”
Tôi nghĩ, chính vì từng để lòng mình nghiêng xuống những khổ đau, những hy sinh của cả một dân tộc, chính vì tính nhân bản thể hiện rõ nét trong những ca khúc ấy mà mãi đến nay, sau bao nhiêu năm, những bài nhạc viết từ thời kháng chiến của ông vẫn còn “mới” như thuở nào và vẫn còn được nghe, được hát.
Từ thanh niên ca đến quân ca kháng chiến
“Nhạc Phạm Duy đôi lúc mang lại phiền hà cho chúng tôi không ít,” một viên chức nhà nước than phiền với nhạc sĩ Phạm Duy, “chẳng hạn như tình trạng xây cất nhà cửa tùy tiện, thiếu qui hoạch, làm mất vẻ mỹ quan thành phố hiện nay là do nhiều người tích cực làm đúng theo câu hát ‘đường ta, ta cứ đi; nhà ta, ta cứ xây’...”
Chỉ là câu nói đùa, tất nhiên, nhưng cũng cho thấy một điều, những bài hát, những câu hát của một mùa kháng chiến ấy đã trở nên hết sức quen thuộc trên môi ít nhất một thế hệ.
Câu hát ấy, “đường ta, ta cứ đi...”, nhiều người đã từng nghe, từng hát, nhưng có khi không biết hoặc không nhớ tên bài nhạc, thậm chí không biết tác giả là ai(?). Câu hát khá phổ biến và từ lâu lắm đã đi vào sinh hoạt thường ngày, thành câu nói (có khi là nói... đùa) biểu lộ quyết tâm quyết chí, kiên định lập trường vững chắc, không gì ngăn cản hoặc thay đổi được (vô hình trung cũng thể hiện cá tính độc lập mạnh mẽ của... người viết nên câu hát ấy).
Bài nhạc ấy, Nhạc Tuổi Xanh (nói về hào khí của thanh niên trong “cách mạng mùa thu”) được Phạm Duy sáng tác năm 1947 tại Phú Thọ, sau “toàn quốc kháng chiến” và sau khi gia nhập Ðoàn Văn Nghệ Giải Phóng trực thuộc Cục Thanh Niên, được kể là bài “thanh niên ca” đầu tiên của Phạm Duy thời kháng chiến, do nhu cầu soạn bài hát cho thanh niên thuở ấy. Tiếp theo là một loạt “thanh niên ca” khác ra đời cùng thời điểm, như: Đoàn Quân Văn Hóa (hay Ðàn Nhịp Trầm Hùng), Đường Về Quê, Về Đồng Hoang, Thanh Niên Ca (theo thơ Ðào Duy Kỳ), Thanh Niên Quyết Tiến...
Khán giả trong đêm “Phạm Duy–Ngày Trở Về” đã chỉ nghe được... một nửa kháng chiến ca, một nửa kia là những hành khúc từng được gọi là “quân ca kháng chiến” (để phân biệt với “dân ca kháng chiến”) tuy rằng cách gọi ấy không được chính xác lắm vì có những hành khúc không hẳn là “quân ca”. Những bài nhạc hùng ấy, theo tôi, có thể gọi là “chiến đấu ca”, như: Gươm Tráng Sĩ (Hà Nội, 1944), Xuất Quân (Chiến khu Mây Tào, 1945), Chiến Sĩ Vô Danh (Huế, 1946), Nợ Xương Máu (Huế, 1946), Thu Chiến Trường (Huế, 1946), Khởi Hành (Tuyên Quang, 1947), Việt Bắc (Việt Bắc, 1947), Ðường Lạng Sơn (Lạng Sơn, 1947), Bông Lau Rừng Xanh Pha Máu (Lạng Sơn, 1947), Thi Ðua Ái Quốc (Thanh Hóa, 1947), Thiếu Sinh Quân (Việt Bắc, 1947), Dân Quân Du Kích (Việt Bắc, 1947), Ngọn Trào Quay Súng (Bắc Giang, 1947), Một Viên Đạn Là Một Quân Thù (Thái Nguyên, 1948), Đường Ra Biên Ải (hay Văn Nghệ Sĩ Ra Tiền Tuyến, Thanh Hóa, 1948)... Tất cả, những bài “thanh niên ca” và “chiến đấu ca”, có thể gọi chung là “hùng ca”. Gươm Tráng Sĩ, kháng chiến ca đầu tiên của Phạm Duy được ông viết ra ngay từ đầu mùa kháng chiến (cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp chính thức khởi động tháng 12/1946) năm ông 23 tuổi, lúc đất nước đang chuyển mình, với trái tim rực lửa và tình yêu nước nồng nàn.
Xưa nhớ tới người trai chí lớn
xếp bút nghiên từ chốn thư phòng...
Gươm tung lên như gió như mưa
như muôn nghìn đấng linh hồn xưa
như bao năm lòng dân đợi chờ...
Ở độ tuổi thanh niên ấy, với bầu máu nóng hừng hực khí thế cách mạng ấy, Phạm Duy viết về những chàng trai thời loạn mang tổ quốc trên vai, mang tình yêu nước trong tim, hàng hàng lớp lớp theo nhau lên đường theo tiếng gọi của non sông, bỏ lại sau lưng những mộng ước chưa tròn...
Một ngày qua thanh niên giã từ giấc mơ...
Đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây
ruộng ta, ta cứ cầy đợi ngày...
Ngày mai bao ấm no, diệt xong quân Pháp kia
cười vang ta hát câu Tự Do... (Nhạc Tuổi Xanh)
Không ai ngăn nổi những bước chân đi tới... “Thanh niên ca” là những ca khúc vẽ lên những hình tượng đẹp, lãng mạn và đầy hào khí của những chàng trai thời kháng chiến. Xuất Quân, đúng như tên gọi của bài nhạc, như tiếng trống thúc quân, như điệu kèn xung trận. Nhịp quân hành mạnh mẽ, chắc nịch và uy nghiêm. “Xuất Quân” là một trong những bài hùng ca đẹp nhất, “hùng” nhất trong những bài hùng ca Việt Nam. (Những chữ gạch dưới trong ca từ tương ứng những nốt nhạc rớt vào những nhịp mạnh).
Ngày bao hùng binh tiến lên
bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành
quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành
Đi là đi chiến đấu
đi là đi chiến thắng
đi là mang mối thù thiên thu
Đi là đi chiến đấu
đi là đi chiến thắng
bước lên đây người Việt Nam.
Khởi Hành, một bài hành ca khác, thể hiện những trạng thái biến đổi tình cảm khác nhau. Khởi đầu là phấn khích, giục giã nhau “lên đường”.
Một đoàn người trai hiên ngang
đeo trên vai nợ máu xương
vui ra đi không buồn, nhớ, thương
Một nụ cười tươi trên môi, mắt sáng quắc
đang âm thầm hẹn cùng non nước đi muôn phương...
Chuyển đoạn tiếp theo là trầm thống, sâu lắng, gợi nỗi bi thiết của những hy sinh thân xác, trả nợ máu xương.
Ngày nào phơi xác nhớ không?
thây rơi mênh mông trên khắp phố phường
Thân ôm tường, đầu gục đâu?
ai trên đường, người nhuộm máu
thây rơi trong đêm khuya lấp chiến hào...
Sau cùng chuyển sang hờn căm, kích động lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu.
Dòng máu căm hờn của muôn dân ta
thiết tha kêu gào bao trai tráng lên đường
Quân đi chung một lòng thương
Quân đi với tình yêu nước...
Đem vinh quang tô thắm nước nhà
Giờ đây đoàn quân cứ tiến...
Câu nhạc kết thúc nhưng không thực sự... kết thúc mà là khởi đầu, là “khởi hành”, với hai nốt nhạc cuối rướn cao lên đột ngột, mạnh mẽ, như bước chân hăm hở xốc tới... Ðường Ra Biên Ải (bài sau cùng trong loạt “quân ca kháng chiến”), có thể xem như bài nhạc đầu tiên về những “em gái hậu phương”. Những anh trai tiền tuyến nô nức lên đường, chút tình riêng đành gác lại vì tình nước sâu hơn tình lứa đôi. Nhạc điệu rộn rã, thúc giục...
Ra biên cương! Ra biên cương!
Thiết tha lòng gái
hôm nay nâng khăn hồng
đưa chân anh hùng ngàn phương....
Người ngàn trùng
quên niềm son phấn...
Người đi không về,
chắc rằng có người nhớ...
Những bài hành ca khác như Về Ðồng Hoang, Ðường Về Quê... được Phạm Duy soạn ra nhằm cổ xúy phong trào thanh niên rời bỏ thành thị, “biệt ly đời gấm hoa, vui say đời áo nâu” để đi về đồng quê xây làng kháng chiến (trong lúc các nhạc sĩ khác cũng cho ra đời những sáng tác cùng một đề tài và thể nhạc, như Con Ðường Vui của Lê Vy–Phạm Duy, Ðoàn Lữ Nhạc của Ðỗ Nhuận, Nhạc Ðường Xa của Phạm Duy Nhượng...).
Từ phố phường rời ra thôn quê
anh em ta quyết chí về đồng hoang...
Anh em ta sống với gió với trăng ngàn
Đồng quê bát ngát
nuôi toàn quốc đấu tranh muôn năm... (Về Ðồng Hoang)
Người đi tìm chân trời nơi miền quê
lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa... (Ðường Về Quê)
Nếu “dân ca kháng chiến” có Tiếng Hát Trên Sông Lô thì “quân ca kháng chiến” có Bông Lau Rừng Xanh Pha Máu, một chiến tích được Phạm Duy ghi lại sau vụ phục kích và tiêu diệt quân Pháp ở Bông Lau (một địa danh trên “Ðường Số 4”, con đường chiến lược nằm giữa biên giới Việt-Trung, từ Móng Cáy, Tiên Yên qua Lạng Sơn, Cao Bằng).
Bông Lau! Bông Lau! Rừng xanh pha máu!
Biên cương lưu danh ngàn đời về sau
Khi quân ta tiến ra như phong ba oán thù
là quân Pháp một đi không về...
Việt Bắc, một chiến đấu ca khác đầy “hùng khí cách mạng”, viết về chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), vốn được xem là “an toàn khu”, căn cứ địa vững chắc của kháng chiến.
Rừng sâu với ngọn núi cao
lập nên an toàn chiến khu
Ầm ầm, ầm ầm súng vang
Một lòng bảo vệ nước non
người Việt cùng rừng núi đang lập công...
Rừng còn mịt mù
đang chờ loài giặc đến
Núi rừng chập chùng lên
sẽ là mồ thực dân...
Trong thời kỳ Kháng Chiến Nam Bộ (1945–46), ngoài Xuất Quân (soạn trên đường Nam Tiến tại chiến khu Mây Tào, 1945), nhạc sĩ Phạm Duy còn soạn thêm ba bài hùng ca: Nợ Xương Máu (trước khi từ chiến khu miền Nam trở ra Bắc, 1946), Chiến Sĩ Vô Danh (Huế, 1946) và Thu Chiến Trường (sau khi từ chiến khu trở ra Bắc, 1946). Chiến Sĩ Vô Danh và Nợ Xương Máu là hai bài hành ca rất “lạ”, theo tác giả, “vẫn còn mang vẻ cổ điển (tiếp theo những bài về ‘tráng sĩ’, ‘chinh phu’, ‘chinh phụ’...) nhưng có thêm tính siêu thực, với hình ảnh đoàn quân ma đi trong rừng chiều hay những xác không đầu đi lang thang trên chiến trường, cất tiếng cười vang rú...”
Mờ trong bóng chiều
một đoàn quân thấp thoáng...
Ra biên khu trong một chiều sương âm u
âm thầm chen khói mù
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
là hồn người Nam nhớ thù... (Chiến Sĩ Vô Danh)
Ai nghe không tiếng cười vang the thé
Tiếng người la, những tiếng rồn rập ca
Ai lang thang, tiếng cười lên chới với
Xác không đầu mà vui
Người đi chiến đấu, xác rơi ngoài đồng
Nợ nần máu xương, ai nấy trả xong!... (Nợ Xương Máu)
Ở đâu ra những hình ảnh ma quái, những âm thanh ghê rợn ấy? Nỗi ám ảnh chết chóc nào chăng? Không phải là... “nhạc kinh dị” chứ? Tác giả Chiến Sĩ Vô Danh và Nợ Xương Máu giải thích về nguồn cảm hứng sáng tác: do “chỉ muốn làm một người tuổi trẻ ‘vô danh’ trong một cuộc chiến đấu chỉ với danh nghĩa rất giản dị: ‘đánh Tây, cứu nước’” và do “chứng kiến những cái chết âm thầm và thảm khốc của các đồng đội, có những xác đã mất đầu, chỉ được vội vàng vùi nông trong một khu rừng không tên không tuổi...” (Hồi Ký Phạm Duy–Tập II, Chương 9). “Kháng chiến”, với Phạm Duy, không chỉ được nói đến như một giai đoạn lịch sử ý nghĩa nhất, sôi động nhất, vinh quang nhất, mà còn là giai đoạn của những mất mát, những hy sinh xương máu, đền nợ nước...
“Kháng chiến giành độc lập”, không phải là khẩu hiệu, không phải là chuyện phiêu lưu mạo hiểm, mà có những cái giá phải trả, đôi khi rất đắt. Kháng chiến ca Phạm Duy ít nhiều cho thấy điều này.
Sống và chết trên quê hương
“Trong đợt lưu diễn ở miền Cao-Bắc-Lạng, một buổi nọ, sau những màn trình diễn ca-vũ-kịch cho đồng bào thưởng thức, một ‘bà mẹ quê’ xin được ra hát tặng anh chị em trong đoàn văn nghệ một bài hát cổ truyền. Chúng tôi vỗ tay hoan nghênh. Bà mẹ đằng hắng, lấy giọng, rồi hát:
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
mà không nhớ thương người mẹ già...
Đó là bài Nhớ Người Ra Đi của tôi. Nhưng bây giờ nó không còn là... của tôi nữa. Nó đã là của quần chúng mất rồi. Tôi cảm động quá, muốn khóc òa lên...”
Người kể câu chuyện trên là nhạc sĩ Phạm Duy. Ông đã ghi lại những dòng cảm xúc ấy trong tập hồi ký của mình (Hồi Ký Phạm Duy–Tập II, Chương 17) vào năm 1989, năm ông 68 tuổi.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc.
Trong một chuyến về thăm quê hương vào năm 2002, nhạc sĩ Phạm Duy được một sử gia (ông Lê Văn Lan, làm việc trong ủy ban nghiên cứu thực hiện dự án khôi phục lại thành Thăng Long cũ) tặng cho món quà nhỏ, nhưng có giá trị rất lớn đối với ông: một video tape ghi lại phóng sự về một bà cụ vừa tròn 100 tuổi ở một làng quê hẻo lánh (thôn Lập Chí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn). Bà cụ có hai người con trai đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh... Trong một đoạn phim ngắn, cụ Nguyễn Thị Ngoan, tên bà cụ, đã hát gần như trọn bài Nhớ Người Ra Đi với lời nguyên bản, chính xác đến từng câu, chữ. Hát dứt bài dân ca kháng chiến ấy, bà cụ còn đọc lại với giọng ngân nga một câu hát trong bài, “Cầu cho đứa con trai, ở đâu đó con ơi, được vui...”, rồi nói với giọng rưng rưng, “Cứ mỗi lần nhớ thương con là lại hát bài ấy, thấy nguôi ngoai, thấy lòng cũng được an ủi phần nào!”
Vẫn là bài nhạc kháng chiến ấy nhưng đã có một khoảng cách khá lớn về thời gian. Người viết bài hát ấy đã đi xa, đã rời miền Bắc năm 1951, thế nhưng bài hát, sau hơn năm mươi năm, vẫn còn ở lại. Bài hát, như có một linh hồn.
Cả hai câu chuyện đều là chuyện thực. Chuyện thứ nhất do chính người trong cuộc kể lại. Chuyện thứ hai, chuyện “người thật, việc thật”, được thu hình thu âm đầy đủ, rõ ràng. Người hát bài hát ấy không phải là ca sĩ trẻ đẹp, không có giọng líu lo, ngọt ngào, mà là bà mẹ quê, bà mẹ chiến sĩ già lão. Những bà Mẹ Việt Nam ấy đã hát bằng cả tấm lòng, bằng cả trái tim.
Phạm Duy, người ta có thể yêu hay ghét ông. Mai sau dù có bao giờ, người ta có thể quên ông nhưng vẫn không quên những bài hát ấy. Những bài hát vẫn cứ “sống” mãi, vẫn cứ “nhớ người ra đi”. Những bài hát, nói như ông, “đã là của quần chúng mất rồi”.
“Khi xem khúc phim này, tôi... quá cảm động,” nhạc sĩ Phạm Duy xúc động đến nghẹn lời. “Một bà cụ trăm tuổi đã thuộc và giữ mãi trong lòng bà bài hát của tôi trong suốt bao nhiêu năm, quả thực không có phần thưởng nào quý báu hơn và làm tôi vui sướng hơn”.
Theo tôi, không chỉ là phần thưởng quý báu hay kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất đối với Phạm Duy mà hơn thế nữa, mặc dầu ông không hề nói ra, tôi tin rằng đấy còn là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc ông đi tới quyết định dứt khoát “trở về mái nhà xưa” (3), trở về thăm lại một phần đời ông còn gửi lại nơi chốn ấy. Trở về với những người còn yêu, còn thích nhạc Phạm Duy. Trở về với những người còn nhớ, còn nhắc tên ông, còn hát vu vơ một, hai câu nhạc của một thời nào xa lắc xa lơ, tưởng như đã chìm vào quên lãng sau bao mùa tang thương dâu bể, sau bao nhiêu vật đổi sao dời. Trở về với những “bà mẹ quê”, về với những đóa hoa không phải chỉ “thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa” (4) mà gấp nhiều lần hơn thế nữa, dễ chừng có đến năm mươi, sáu mươi năm chứ ít sao. Trở về với miền đất ông từng viết nên những khúc hát của một mùa kháng chiến cũ. Tất cả, đã đánh thức ông, như tiếng còi tàu ngân nga trong trí tưởng.
Thời kháng chiến, đó là tuổi trẻ Phạm Duy. Dù có nói thế nào đi nữa, kháng chiến ca vẫn là chặng đường thứ nhất của “hành trình âm nhạc Phạm Duy”, vẫn là mối tình đầu tiên của một đời âm nhạc Phạm Duy (sau “khúc dạo đầu” là Cô Hái Mơ, năm 1942, một bài... nhạc tình).
Tình đầu làm sao quên. Tôi tin rằng mối tình ấy vẫn cứ âm thầm theo chân ông suốt một đời, âm thầm theo chân ông mãi tới bây giờ, cho dù “con đường tình ta đi” (3) của ông có trăm ngàn lối, cho dù ông có đi đến cuối đường.
Tình đầu vẫn để lại nhiều nuối tiếc. Dẫu cho có đúng sai, hay dở, tốt xấu như thế nào đi nữa, tình đầu vẫn là mối tình đẹp nhất, vẫn không hề nhạt phai, như câu hát của ông, “trăm năm dù lỗi hẹn, nghìn năm vẫn không quên” (5).
Tôi tin chắc, nếu lời khẩn cầu tha thiết “xin đi lại từ đầu” (6) của ông được chấp thuận, ông vẫn muốn được đi lại từ đầu như ông đã đi, vẫn muốn được khởi đầu cuộc hành trình âm nhạc bằng chặng đường thứ nhất ấy.
Trong đêm “Phạm Duy–Ngày Trở Về”, nghe lại những bài nhạc kháng chiến cũ cất lên giữa lòng đất nước, cất lên từ những giọng hát của một thế hệ ca sĩ mới, trẻ trung, đầy sức sống, nhạc sĩ Phạm Duy nghĩ gì? Ông có gặp lại tuổi trẻ của ông, gặp lại chàng trai Phạm Duy “trong tim thì sôi máu, khóe mắt có trăng sao” (6), gặp lại những năm tháng tươi đẹp nhất của một đời người?
Khán giả của ông thì sao? Lớp khán giả trung niên và cao niên chắc cũng khá ngỡ ngàng khi gặp lại ông, con người đã bao năm tưởng như “tuyệt tích giang hồ”, nay bỗng nhiên như từ phía sau tấm màn quá khứ bước ra, nói cười, đi lại như trong một giấc mơ kỳ lạ. Gặp lại Phạm Duy, gặp lại những bài nhạc cũ làm thức dậy cả “một trời kỷ niệm”...
Lớp khán giả trẻ trung như được ông dọn lên những món ăn lạ, trông cũng ngon mắt và hấp dẫn. Ðiều này dễ thấy qua vẻ mặt, ánh mắt và những tràng pháo tay không ngớt. Các thực khách đặc biệt–những ca sĩ và khán giả của một thế hệ mới–đã nhanh chóng làm quen được “món ăn lạ” ấy: kháng chiến ca Phạm Duy.
Ðiều thú vị, không hẹn mà tuổi trẻ trong nước và ngoài nước đã “gặp” nhau. Ðã từng có một đêm nhạc Phạm Duy như thế, với những bài nhạc Phạm Duy như thế, với những ca sĩ của một thế hệ mới như thế, được các bạn trẻ ở hải ngoại (Nam California) tổ chức nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 84 của nhạc sĩ Phạm Duy vào tháng Mười, 2004. Mộng Thủy, cô ca sĩ có giọng hát trong như tiếng suối, trong Ban Tổ Chức, đã có những phút tâm tình, “Khi chúng cháu bắt đầu cảm thấy rằng tuổi trẻ chúng cháu ở hải ngoại cần phải tìm về nguồn cội, chúng cháu đã tìm ngay đến những nhạc phẩm của Phạm Duy, như tìm đến những nét đẹp văn hóa và bản sắc của người Việt. Không hiểu sao những lời ca trong các bài nhạc ấy chúng cháu nghe thấy rất gần gũi, rất thân thuộc như đã thấm đâu đó trong tâm hồn chúng cháu từ thuở nào. Từ một bà mẹ quê, một con trâu cày, chú mục đồng thổi sáo, đến tiếng võng ru trưa hè..., đúng như những gì mà ba mẹ chúng cháu vẫn thường kể lại.” Cô nói thêm, “Tổ chức đêm nhạc này, chúng cháu mong muốn tuổi trẻ của chúng cháu cùng hát nhạc Phạm Duy. Cũng là ngũ cung như âm nhạc người Á đông vậy, nhưng nhạc Phạm Duy có ‘hồn dân tộc’ mình, nghe khác hẳn với nhạc Trung Hoa, Ðại Hàn hay Nhật Bản, và hay hơn nhiều...”
“Xa quê hương..., yêu quê hương...,” câu hát cuối của bài Tình Hoài Hương, mở đầu chương trình nhạc Phạm Duy, qua tiếng hát Mộng Thủy và các bạn trẻ ban Mây Ngàn, đã làm không ít khán giả rưng lệ.
Những câu hát, những bài hát ấy của Phạm Duy, đối với các ca sĩ trẻ ấy, đúng như Mộng Thủy nói, tuy mới “gặp” lần đầu mà tưởng chừng quen biết tự bao giờ. Hát lên một, hai câu nhạc Phạm Duy, để nghe, để thấy quê hương trong lòng mình, để biết, để nhớ rằng mình còn có một quê hương khác nữa. Một quê hương để yêu, để quý, để tự hào và mang theo mãi trong mỗi trái tim mình.
Qua giọng ca, qua cách diễn đạt của các ca sĩ trẻ, những dân ca, kháng chiến ca Phạm Duy nghe như có một sức sống mới. Và người nghe, những lớp khán giả tuy cách biệt về tuổi đời, nhưng đều có chung mối đồng cảm, đều cùng chia sẻ những cảm xúc bồi hồi. Kháng chiến ca, cùng với những dân ca, tình ca quê hương của Phạm Duy, trong ý nghĩa đó, đã như chiếc cầu nối của sự cảm thông, chiếc cầu nối được lòng người, đưa người Việt lại gần nhau hơn.
“Những thống kê về dân số ở Việt Nam gần đây cho thấy, hai phần ba dân số là giới trẻ ở độ tuổi dưới 30, liệu đối tượng chiếm ‘hai phần ba dân số’ ấy hiểu gì nhiều về Phạm Duy và sẽ đón nhận nhạc Phạm Duy ở mức độ nào?” tôi nhớ đã từng hỏi nhạc sĩ Phạm Duy câu ấy, sau ngày ông chính thức quyết định về sống ở Việt Nam. “Tôi không trả lời được câu anh hỏi...,” ông đã trả lời hết sức thành thật. Sau đêm “Phạm Duy–Ngày Trở Về” ấy (và những “đêm Phạm Duy” tiếp theo ở nơi này nơi khác) tôi nghĩ là bây giờ ông đã thở ra được một hơi nhẹ nhõm, và cũng đã có thể trả lời được phần nào câu hỏi ấy.
Sau chiến tranh, tuổi trẻ vẫn hát tình ca. Hơn thế nữa, vẫn hát tình ca quê hương, vẫn hát dân ca, kháng chiến ca. Khi mà tuổi trẻ Việt Nam còn muốn nghe, muốn hát và biết rung cảm vì những câu hát như “tôi yêu tiếng nước tôi..., tôi yêu biết bao người, Lý, Lê, Trần và còn ai nữa, những anh hùng của thời xa xưa, những anh hùng của một ngày mai...”, ta có thể tin được rằng ta gặp được những tâm hồn hướng thiện, biết yêu cái đẹp, yêu điều tốt điều lành, yêu đất nước và yêu nguồn cội.
Nghe những bài kháng chiến ca ấy, lớp người trẻ lớn lên sau chiến tranh cũng sẽ hiểu được rằng đất nước đã có những trang sử như thế, đã có một thời kỳ như thế, cũng sẽ hiểu được tại sao “mẹ quê” lại “vất vả trăm chiều” (7), tại sao lại “nửa đêm thanh vắng không một bóng trai” (8), tại sao lại “có người bừa thay trâu cầy” (8) (?)...
Nghe những bài kháng chiến ca ấy, lớp người trẻ lớn lên sau chiến tranh cũng sẽ học được lòng yêu nước và cũng hiểu được cái giá của độc lập, của tự do (có lắm khi phải trả bằng máu và nước mắt), của những hạnh phúc thật đơn sơ, thật bình dị, như “vui vì nồi cơm ngô đầy” (8) hay “mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười” (8)...
Nghe lại những kháng chiến ca, những dân ca, những tình ca quê hương của Phạm Duy mới hiểu được tại sao người ta nói ông để lại một “gia tài âm nhạc” đồ sộ và quý báu cho đất nước, cho dân tộc. “Kháng chiến ca”, “dân ca” và “tình ca quê hương” của Phạm Duy, ba mảng ấy thật khó mà tách rời nhau. Ba mảng ấy hợp lại thành một, thành “Tình Nước”.
Thành tựu của kháng chiến là niềm tự hào của cả nước. Chiến tranh đã đi qua nhưng những bài hát của một thời kháng chiến ấy, mỗi lần nghe lại, vẫn như “còn chút gì để nhớ” (9), vẫn làm dậy lên một niềm kiêu hãnh, một nỗi tự hào về một thiên anh hùng ca của dân tộc.
“Cuộc đời là một chuỗi những tai nạn lịch sử...”, tôi thích câu nói ấy của Phạm Duy, của con người từng bao phen khóc cười theo mệnh nước nổi trôi (10). “Không ai tránh được đâu,” ông nói thêm, “tất cả chỉ là can đảm để rũ sạch quá khứ.”
Ông đã rũ sạch quá khứ. Nhưng chắc phải là quá khứ nào chứ không phải quá khứ mà ông muốn “xin đi lại từ đầu”. Chắc không phải là quá khứ trong bài hát “Kỷ Niệm” ấy, không phải là quá khứ trong những bài nhạc kháng chiến ấy. Làm sao mà quên được, vì mọi người còn muốn nghe ông kể lại, như còn muốn nghe lại những bài nhạc cũ mà lúc nào cũng vẫn “mới” ấy. Tôi đã hình dung, mọi người xúm xít, quây quần bên ông để nghe “trong bếp vui anh nói chuyện nghe...” (4), để nghe ông kể chuyện đời mình, để nghe những nỗi niềm thương quê, những tâm sự “đường xa lắm khi nương hồn về quê” (4).
Một người như Phạm Duy, tôi hiểu, làm sao có thể sống bên ngoài đất nước, làm sao có thể sống xa lìa quê hương (?). Tôi cũng hiểu được tại sao những văn nghệ sĩ lưu vong vào lúc hoàng hôn của đời người, vẫn quay về lại đất nước mình, nơi từ đó ra đi, để sống những năm cuối đời, để chết trên quê hương mình, mặc dù “chốn quê hương” không hẳn lúc nào cũng là “đẹp hơn cả”.
Người ta không thể chọn nơi để sinh ra, nhưng có thể chọn nơi để chết. Như Phạm Duy, như cánh chim đã bay một vòng bay quá dài qua bao mùa giông tố, như lữ khách đã đi tới gần cuối cuộc “hành trình âm nhạc” dài đến hơn nửa thế kỷ, sau cùng ông đã quay về lại mảnh đất yêu thương. Về lại để yêu thêm một lần nữa mối tình đầu kháng chiến của ông, về lại như “người tình già trên đầu non” (3), tóc đã trắng như bông nhưng trái tim thì vẫn nguyên vẹn là trái tim chàng trai trẻ Phạm Duy của một mùa nào kháng chiến.
Phạm Duy, tôi hiểu được tại sao ông chọn về để sống và chết trên quê hương.
Lê Hữu
(1) Nguyễn văn Tý, Phạm Duy–Người Bạn, Người Anh, Người Thầy Của Tôi, Chuyên San Người Viễn Xứ, Quận 1, TP.HCM, 22/4/2005
(2) Tựa ban đầu: Bao Giờ Anh Lấy Ðược Ðồn Tây. Lời nguyên bản:
Chiều qua, tôi đi qua vùng chiếm đóng
không bóng trâu cầy bên đồng
vắng tiếng heo gà trên sân.
Chiều qua gánh nước cho vệ quốc quân
nghe tiếng o nghèo kể rằng:
“Quân thù về đây đốt làng...”
Bao giờ anh lấy được đồn Tây, hỡi anh?
để cho cô con gái không buồn vì chiến tranh... v.v...
(3) Tên một ca khúc của Phạm Duy
(4) Ngày Trở Về, Phạm Duy
(5) Nghìn Năm Vẫn Chưa Quên, Phạm Duy
(6) Kỷ Niệm, Phạm Duy
(7) Bà Mẹ Chiến Sĩ, Phạm Duy
(8) Quê Nghèo, Phạm Duy
(9) Còn Chút Gì Ðể Nhớ, Phạm Duy (thơ Vũ Hữu Ðịnh)
(10) Tình Ca, Phạm Duy
Phụ chú của PhamDuy.com - Các bạn có thể nghe phần lớn những bài Kháng Chiến Ca trong collection này: