Phạm Duy: "Tôi luôn vui buồn với nước non"
- Chi tiết
- BBC
- Lượt xem: 3680
14.12.2012
Nhạc sỹ Phạm Duy nói với BBC về những kỷ niệm, bước ngoặt và quan điểm nghệ thuật trong cuộc đời làm âm nhạc của ông.
Trong cuộc trao đổi với BBC, nhạc sỹ kỳ cựu thừa nhận ông từng có giai đoạn sáng tác tuyên truyền trong các giai đoạn chiến tranh, nhưng cho rằng ông chỉ làm như vậy vì yêu nước.
Nhạc sỹ cho rằng âm nhạc của ông đa dạng và luôn biến đổi vì thân phận và tâm trạng của ông luôn "vui buồn" và "trôi nổi" theo vận nước.
Mở đầu cuộc trao đổi gồm hai phần, nhạc sỹ nói về nhạc cải cách được khởi xướng ở Việt Nam từ đầu thập niên 1930 và lý do vì sao ông lựa chọn dòng nhạc này để khởi nghiệp.
Phạm Duy: Về nhạc cải cách, trước năm 1930, nhạc ở Việt Nam là dân ca cổ (ancient oral poetry), được hát lên với âm giai ngũ cung và tùy theo sự sử dụng mà mang những cái tên như là "hò làm việc", "hò nghỉ ngơi", tuồng cổ, chèo cổ, hát quan họ, hát thờ, hát văn v.v... Nhưng vì trong nước đang có phong trào cải lương, nên một vài loại phải mang thêm cái tên là "tuồng cải lương", "chèo cải lương". Tuy nói là cải lương, nhưng vẫn nằm trong hệ thống Trung Hoa.
Và về ca nhạc cũng thế, bài bản được viết ra mang tên là nhạc cải cách, nhưng đặc biệt đã ra khỏi hệ thống nhạc Tàu, chịu ảnh hưởng nhạc Pháp, do sự du nhập vào Việt Nam của những đĩa hát 78 tours.
Bài "Cô hái mơ" của tôi là một trong nhiều bài ca cải cách, sơ khởi của nền nhạc mới Việt Nam. Trong những năm 1943-1945, tôi lại là người có may mắn là một ca sỹ đầu tiên đi khắp mọi nơi ở trong nước, để biểu dương một loại nhạc mới mẻ và rất hấp dẫn, so với những loại nhạc cổ đang đi dần vào quên lãng.
BBC: Tại sao ông lại chọn nhạc cải cách để sáng tác, mà không sáng tác theo nhạc dân tộc?
Rất giản dị là tôi soạn nhạc mới, thì tôi phải bỏ cái cũ. Tuy nhiên, nhạc gọi là nhạc cải cách của tôi vẫn giữ được những yếu tố của nhạc dân ca cũ. Nó làm giàu cho nhạc Việt Nam, vì có trợ giúp của những đặc tính như là láy, lót, melisma, metabole, khiến cho phần melody vẫn giữ được tính cách của nhạc dân ca cổ truyền.
BBC: Nhạc mới của ông chịu ảnh hưởng như thế nào của nhạc dân tộc?
Nhạc cổ truyền ở ba miền, tức là miền Bắc, miền Trung, rồi miền Nam, thì cũng cùng một truyền thống. Nó là nhạc ngũ cung. Nhưng bởi vì giọng nói của người Bắc hơi khác giọng nói của người miền Trung và miền Nam, cho nên nó cũng có một vài ba chi tiết nho nhỏ.
BBC: Ảnh hưởng của âm nhạc Pháp đối với nhạc của ông và nhạc của Việt Nam nói chung thời Pháp như thế nào?
Người Việt Nam có may mắn là giao tiếp với nhiều nguồn văn hóa mới. Ví dụ, đầu tiên là âm nhạc ảnh hưởng nhạc Tàu, sau rồi tới nhạc Mỹ, rồi tới nhạc mà các ông gọi là nhạc Xô Viết. Thành thử nhạc Việt Nam là một sự kết hợp của nhiều luồng nhạc khác nhau.
BBC: Còn về ảnh hưởng của âm nhạc Hoa Kỳ?
Âm nhạc của Mỹ có vẻ ảnh hưởng nhiều nhất. Nhạc Mỹ thì không chỉ Việt Nam bị ảnh hưởng mà thôi, kể các dân tộc châu Phi hay châu Á, hay ở đâu cũng vậy, đều bị ảnh hưởng. Bởi vì loại nhạc Pop, Rock, hay Pop Songs của Mỹ cũng ngũ cung, chứ không phải là thất cung, cho nên nó dễ du nhập vào Việt Nam lắm. Thứ nhất là cái hồi lính Mỹ có mặt ở Việt Nam, họ mang theo rất nhiều những đĩa hát nổi danh của thời 1960.
BBC: Thời đó, ông có đi xem một số ban nhạc Mỹ, hay ban nhạc Việt nào mà họ chơi nhạc Rock của Mỹ không?
Có chứ, các con tôi thành lập một ban nhạc, gọi là ban nhạc bốn người. Vì thế tôi cũng được biết qua về loại nhạc Mỹ, loại nhạc Pop songs như thế tôi cũng đã biết qua rồi.
BBC: Và ông nghĩ gì về nhạc Rock của Mỹ thời gian đó?
Âm nhạc thì nước nào cũng hay cả. Nhưng trước hết tôi là người Việt Nam, thì tôi phải cho rằng loại nhạc Việt Nam là hay nhất.
BBC: Ông có hay xem các ban nhạc Rock của Mỹ không, nếu có thì ông thấy thế nào?
Nếu kể ra thì dài lắm, bởi vì 30 năm trời ở bên Mỹ, tôi chu du khắp các nơi, tôi phải được nghe nhiều Ban nhạc nổi danh. Những loại như tứ quái Beatles tôi cũng được nghe. Rồi những loại nhạc như Folk Rock, James Taylor chẳng hạn, tôi cũng được đi xem. Hay lắm, bởi vì nước Mỹ lúc đó, cũng phải công nhận rằng cuộc chiến tranh gợi hứng cho nhiều nhạc sỹ. Mà thứ nhất là cuộc chiến tranh đó lại ở Việt Nam. Có nhiều bài nhạc dính líu tới Việt Nam. Thành ra, tôi rất thích. Đi nghe thì rất thích.
BBC: Ông bắt đầu học chơi guitar khi nào?
Nói cho đúng ra, khi tôi bắt đầu học nhạc, tôi cũng chẳng học ở trường nào cả. Lúc đó, năm 1930, guitar cũng được sử dụng ở Việt Nam rồi. Tiện thì dùng cái đó để sáng tác, cũng như để đệm đàn, bởi vì tôi đi hát rong, thì tôi phải cầm đàn tôi hát. Tôi cầm cái đàn nhẹ nhất, dễ đánh nhất là đàn guitar.
BBC: Đàn guitar đi vào âm nhạc Việt Nam từ bao giờ?
Tôi cũng không nghiên cứu về vấn đề đó, nhưng tôi chỉ biết rằng khi tôi sinh ra, thì ở Việt Nam, người ta đã dùng cây đàn guitar đó rồi.
BBC: Ảnh hưởng của cha ông tới ông như thế nào?
Bố tôi là ông Phạm Duy Tốn. Tôi bị ảnh hưởng của bố tôi. Bởi vì đó là một nhà văn phê bình xã hội, như là tiểu thuyết "Sống chết mặc bay" chẳng hạn. Hay ông là nhà văn trào phúng với ba tập tiếu lâm. Trong âm nhạc của tôi, tôi rất yêu bố tôi, nên tôi cũng đả động tới hai chủ đề đó. Tuy nhiên, bố tôi đã phải mang một bí danh là Thọ An để viết truyện Tiếu Lâm, thì tôi cũng không muốn cho xuất bản Tục ca, hay Nhục tình ca của tôi.
BBC: Tại sao ông muốn sáng tác dân ca mới?
Tôi nghĩ rằng tôi là người Việt Nam, nếu tôi muốn được gọi là một nhạc sỹ Việt Nam, thì tôi phải làm nhạc dân ca. Đó là chuyện rất giản dị. Chứ không có lý do mà tôi là người Việt Nam, tôi lại đi thờ phụng ông Beethoven, hay ông Mozart, hay là ông gì. Tuy là các ông rất hay, nhưng không phải của tôi. Tôi phải khởi sự sáng tác của tôi bằng những bản nhạc mang tinh thần Việt Nam và với chất liệu của Việt Nam nữa.
BBC: Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã viết nhiều bài như "Xuất quân", "Khởi hành", "Tiếng hát trên sông Lô", "Chiến sỹ vô danh", "Thư chiến trường" v.v..., ông viết những bài đó vì tuyên truyền phải không?
Đúng, bởi vì lúc đó, cuộc kháng chiến chống Pháp, người Việt Nam lúc đó không có phương tiện nào hay bằng cách có những bản nhạc để khuyến khích người thanh niên đi kháng chiến. Thì phải có những bài đó. Nhưng bên cạnh những bài đó, tôi cũng có những bài không có dính líu gì về chính trị hay về chiến đấu gì cả. Những bản nhạc tình vẫn có như thường.
BBC: Các bài đó, như bài "Xuất quân", có ảnh hưởng gì với người dân?
Có chứ. Nhờ có bài "Xuất quân" đó mà nhiều người Việt Nam, lúc đó họ hát nhiều lắm, nhờ thế mà họ có can đảm để họ xông vào đánh nhau với giặc Pháp. Tất nhiên không chỉ của tôi, mà còn của nhiều nhạc sỹ khác. Hồi đó ai đi theo kháng chiến, cũng làm những bản nhạc hay. Ngoài những bài như bài "Xuất quân" của tôi, còn những bài của những người khác nữa. Thường thường cuộc kháng chiến thành công như vậy là vì những bản nhạc tuyên truyền đó.
BBC: Miền Bắc có vẻ rất thành công trong việc dùng âm nhạc để tuyên truyền đối với nhân dân. Những người Việt Minh đã làm điều đó như thế nào?
Việc đó không có gì là lạ cả. Bởi vì những người thanh niên trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, những người nào không phải là nhạc sỹ, thì họ đi lính, họ cầm súng. Còn người nhạc sỹ thì cầm đàn, thế thôi.
BBC: Ông đồng ý với việc dùng cây đàn để tuyên truyền, khuyến khích người dân đi chiến đấu?
Lẽ tất nhiên bổn phận của chúng tôi là thế. Bổn phận của người nhạc sỹ khi đi theo kháng chiến, thì phải dùng cái đàn của mình để xưng tụng cuộc kháng chiến. Tôi chỉ biết rằng tôi có bổn phận phải làm những bản nhạc đó. Ngoài những bản nhạc về tình ái, hay về những chuyện khác, thì những bản nhạc có tính chất gọi là tuyên truyền đó thực ra cũng là những bản nhạc yêu nước thôi. Đừng nói là tuyên truyền hay không tuyên truyền.
BBC: Nhưng miền Nam có dùng nhạc để tuyên truyền không?
Ở đâu thì cũng thế. Ví dụ như nước Việt Nam mình tự nhiên bị các đế quốc lớn chia ra làm hai nước. Người Việt Nam mình lúc đó không chủ động được. Thành hai nước lại đánh lẫn nhau. Thế thì phải dùng âm nhạc hay là cũng phải dùng súng đạn, thì chuyện đó là giản dị, nó như thường thôi. Nó rất thường tình. Không có gì phải làm lạ.
BBC: Ông muốn nói gì khi viết bài "Chiến sỹ vô danh"?
Bài đó nằm ở trong những bản nhạc xưng tụng những người lính, những chiến sỹ vô danh. Đó là những chiến sỹ không ai biết tên mà chết vì đất nước.
BBC: Trong cuốn hồi ký của ông có nói về bài "Bên cầu biên giới", bài đó thì sao?
Đó là một bản nhạc tình, chứ không phải là bản nhạc chiến tranh hay tuyên truyền gì cả. Lúc đó tôi đang ở Lào Cai, tôi nhớ tới một người tình, thì viết bài đó thôi.
BBC: Ông phổ nhạc nhiều bài thơ, ông có thể giải thích quan hệ giữa nhạc và thơ trong âm nhạc Việt Nam?
Theo truyền thống văn hóa của Việt Nam, những bài thơ ngày xưa làm ra đều phải thêm chữ ca hay là ngâm vào đó. Ví dụ như "Trinh phụ ngâm", hay là "Gia huấn ca". Bởi vì ngày xưa, người Việt Nam vẫn còn thất học, dân chúng không phải người nào cũng đọc, cũng biết chữ. Thế thì phải dùng giọng hát để phổ biến tác phẩm văn thơ. Khi tôi phổ nhạc bài thơ, vào thời nay, là tôi chỉ muốn đóng góp, tôi dùng âm nhạc chắp cánh cho thơ bay lên, thế thôi.
BBC: Vào năm 1954, ông đi Pháp và bắt tay sáng tác trường ca "Con đường cái quan". Thời gian ở Pháp, ông còn làm gì?
Tôi học âm nhạc hai năm ở bên đó. Khi tôi đi Pháp học, không phải để học nhạc Pháp, học các tác giả, hay học âm nhạc nói chung, mà tôi chỉ học cách, lối, làm sao mà người Pháp, là ông Debussy, dùng âm giai ngũ cung, âm giai Piano mà toàn là nốt đen, để làm thành âm nhạc ngũ cung. Tôi nghiên cứu thế thôi, chứ tôi không phải đi nghiên cứu, học về lịch sử nước Pháp, âm nhạc nước Pháp, lịch sử của các nhân tài nước Pháp, bởi vì cái đó tôi thấy không quan trọng bằng cái lề lối làm việc của các ông. Ví dụ, như ông Debussy chẳng hạn.
BBC: Các đạo Phật, Lão, Nho có ảnh hưởng gì với âm nhạc của ông hay không?
Cái đó giản dị lắm. Nền văn hóa Việt Nam thừa hưởng kết quả của đạo lý Á Đông như là Khổng Giáo, Phật Giáo và Đạo Giáo. Do đó nhạc của tôi phù hợp dễ dàng với thị hiếu của người dân Việt Nam. Còn những bản nhạc Mỹ, Tàu hay Pháp, dù hay đến đâu chăng nữa, vẫn không vào được người Việt Nam. Bởi vì không phải của họ. Đó là những tác phẩm là kết quả của thời đại Phong Kiến. Ví dụ thế kỷ thứ 16, 17 là thế kỷ vàng son của nhạc cổ điển, phần nhiều các nhạc sỹ đều thoát thai từ ở những lớp người quyền quý, phong kiến mà thôi. Còn đối với người Việt Nam, thì người Việt Nam không nghe được.
BBC: Khi ông vô Nam năm 1954, ông đã muốn viết ca khúc về những điều gì?
Tất cả các chuyện tôi ở miền Bắc hay ở miền Nam, hay tôi ở bên Mỹ, thì chỉ là vì tôi thay đổi chỗ ở thôi. Cái đó là chuyện riêng tư mà không cần phải nói ra đây. Nhưng chỉ biết rằng từ khi tôi bắt đầu soạn nhạc, thì tôi đã có ý thức là âm nhạc là để "harmoniser l'homme et la société". Âm nhạc thường thường dùng để điều hợp lại xã hội và con người. Từ lúc đó đến bây giờ, tôi không thay đổi gì cả. Có thể tôi ở chỗ này thì chính quyền đó như thế, tôi ở chỗ khác thì chính quyền ở đó như khác, nhưng tôi không theo chính quyền đó. Tôi theo ý của tôi thôi. Ý của tôi là thế này, nói cho đúng hơn, vấn đề là tôi chỉ muốn nước Việt Nam thống nhất, không bị chia rẽ nữa. Có thế thôi.
BBC: Nhưng nhạc của ông cũng bám sát thời cuộc đúng không?
Không thì làm sao mà tránh được. Thứ nhất, tôi có một bài hát mà tôi viết là "tôi phải khóc, cười, theo mệnh nước nổi trôi", là trong bài "Tình ca" của tôi đó. Thế thì nươc tôi vui thì tôi vui, mà nước tôi buồn, thì tôi phải nói cái buồn, thế thôi.
BBC: Sau Tết Mậu Thân, ông đã viết 10 bài gọi là "Tâm phẫn ca" đúng không?
Không thì chuyện đó cũng lại nằm ở trong vấn đề tùy lúc. Có lúc tôi giận, tôi làm "Tâm phẫn ca". Có lúc không. Có lúc tôi lại làm những bài thường thôi. Thế thôi.
BBC: Mục đích của ông khi viết những bài "Tâm phẫn ca" là gì?
Lúc đó chiến tranh đã đến chỗ gần như là cao độ nhất. Nhiều người chết quá, thì tôi phải nói lên. Tôi không ưa chiến tranh, có thế thôi. Cũng như ông Trịnh Công Sơn cũng vậy, ông ấy cũng không thích chiến tranh.
BBC: Ông có thể nói gì về "Tục ca"?
Đó là những cảm xúc của tôi trước nhiều vấn đề. Nước Việt Nam đâu chỉ có một vấn đề. Nó nhiều vấn đề lắm. Có lúc người ta nói tục lên, có lúc người ta nói thanh. Hiểu không? Thì tôi phải theo người dân. Lúc đó ai cũng tức, cũng bực mình cả, thì phải làm tục ca. Có thế thôi. Nhưng mà tôi phải đắn đo một tí là tôi làm 10 bài tục ca thật đấy, nhưng tôi có phát hành. Ai muốn phê bình cái đó, không có bài đó để phê bình, là vì tôi không phát hành. Những bài đó không bao giờ xuất bản vì tôi không muốn.
BBC: Những bài đó có người hát không?
Bạn bè thì có người biết, nhưng mỗi người biết một bài, hai bài là cùng thôi. Bài tục ca của tôi là 10 bài. Anh phải nghe đủ 10 bài thì anh mới phê bình tôi.
BBC: Ông có thể giải thích chi tiết hơn về "Tâm phẫn ca", như trong đó có bài "Tôi không phải là gỗ đá," ý của ông thực ra là gì?
Tôi không phải là gỗ đá, có thế thôi. Tôi không thể coi cuộc đời, người ta chết là người dưng nước lã, đâu có được. Người Việt Nam mà chết vì chiến tranh thì làm chúng tôi cũng đau khổ lắm. Cũng như ông Trịnh Công Sơn thôi.
BBC: Ông đã trình diễn một số lần với ông Trịnh Công Sơn?
Không, tôi không có bao giờ cả, nhưng tôi có đi hát chung với Khánh Ly.
BBC: Khi đi hát chung với Khánh Ly thì ông có cảm xúc như thế nào?
Bà ta hát hay lắm. Bây giờ bà vẫn được nổi tiếng lắm. Thì đó cũng là tình đồng nghiệp thôi, chứ không có gì khác. Có gì đâu mà phải quan trọng.
BBC: Theo tôi hiểu, ông đã viết "Tâm phẫn ca" sau Tết Mậu Thân và sau đó thì vào Mùa Hè Đỏ lửa 1972, ông cũng đã viết một số bài nói về Quân đội Cộng hòa phải không? Chẳng hạn như "Điệp khúc Trần Thế Vinh".
Thường thường các anh ở ngoại quốc hay dựa vào những mảnh sống của tôi để nói về cái đó. Nhưng riêng tôi thì thấy là nó nằm chung ở trong sự nghiệp của tôi. Có lúc tôi vui, có lúc tôi buồn. Có lúc tôi chửi đổng. Lại có lúc tôi ngọt ngào. Đối với tôi không có quan trọng gì cả.
BBC: Ông có thể nói về kinh nghiệm của ông với mùa Hè 1972?
Đừng nhắc gì tới mùa Hè 1972 hay 1975 gì cả. Đối với tôi, thời gian là lúc đó, cái humour của tôi, cái cảm xúc của tôi nó ra. Ngày hôm sau thì tôi quên rồi. Thế thì anh nhắc cũng là vô ích.
BBC: Và ông cũng viết "Tình ca" vào năm 1972 đúng không?
Bài đó là bài tôi phản đối sự chia đôi đất nước Việt Nam. Lúc đó là hội nghị Geneve đã chia đôi đất nước Việt Nam. Mà tôi không đồng ý. Tôi đưa hình ảnh một người lữ khách đi con đường, và đi đến đâu, dân chúng ca tụng người nghệ sỹ đi nối lại lòng người và đất nước. Lúc đó đất nước bắt đầu gần như là bị chia rồi. Lúc đó mới bắt đầu thôi, từ năm 1954 tới 1975 là 20 năm. Hai mươi năm đó, lúc nào tôi cũng đau đáu trong lòng. Và tôi cũng thấy trường hợp vô lý quá.
Tại sao nước Việt Nam tự nhiên lại chia đôi ra như thế, lại bị người ta làm cho cắt đôi ra như thế? Thế nhưng khổ nhất là vấn đề cái lịch sử nó là như vậy mất rồi. Không riêng gì nước Việt Nam bị cắt đôi mà Triều Tiên, Đại Hàn, nước Đức cũng bị cắt đôi. Cái đó cho ta thấy rõ rang vấn đề là do tính cách lịch sử thôi.
BBC: Âm nhạc Mỹ tràn vào Việt Nam những năm 1960, ông nghĩ sao về nhạc Mỹ vào và nó ảnh hưởng tới nhạc Việt Nam ra sao?
Không, tôi không có ý nghĩ gi cả. Làm sao mà tôi ngăn cản không cho họ vào được, dù rằng không bao giờ tôi muốn nước Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nhạc Mỹ đâu, nhưng làm sao tôi ngăn cản được? Việc làm của tôi là xưng tụng dân ca Việt Nam.
BBC: Cảm xúc của ông khi từ Bắc vô Nam hồi năm 1954 như thế nào?
Tôi chẳng thấy gì cả. Tôi chỉ thấy cuộc đời của tôi cũng giống như cuộc đời của những người dân thường khác. Trước kia thì không có vợ, có con. Từ khi có vợ có con thì phải có trách nhiệm với vợ con, thế thôi. Thế còn về việc tôi phải thay đổi chỗ ở như vậy là vì phải tránh nạn chiến tranh. Nó đến nơi, thì nó không cần biết là anh theo ai cả, mà chiến tranh đến là anh phải chạy thôi.
BBC: Ca khúc quan trọng nhất của ông là gì?
Nếu nói như vậy thì nó dài dòng quá. Thứ nhất là mỗi một bài hát nói thẳng ra đâu có gì là quan trọng. Nó như là bông hoa, sớm nở tối tàn. Hát xong rồi, có khi dân chúng họ quên ngay rồi. Họ cũng quên nữa, huống chi là tôi. Thế thì anh hỏi những câu đó thì tôi cũng khó trả lời lắm.
BBC: Ông cũng thuộc phong trào du ca phải không?
Lúc đó nhạc Việt Nam bị thương mại hóa, thành thử, tôi và một số anh em trẻ thành lập ban nhạc, đi hát cho anh chị em sinh viên, học sinh nghe, để chống lại phong trào thương mại hóa nhạc Việt. Du ca là đi hát du ca, đi hát mọi nơi, mà không lấy tiền. Đi như là những người hát rong. Tôi đi hát luôn luôn đấy. Còn nhiều những bức ảnh của tôi hát ở những nơi toàn học sinh, sinh viên nghe thôi.
BBC: Phản ứng của sinh viên như thế nào?
Họ thích lắm, bởi tự nhiên họ được nghe những bài nhạc mà không phải là nhạc thương mại. Nhạc thương mại lúc đó nó tầm thường lắm. Nó cũng chỉ có anh yêu em, em yêu anh thôi. Không có những trường hợp sâu sắc như những bản nhạc mà chúng tôi muốn dựng lên.
BBC: Ông có thể nêu một bài là ví dụ của phong trào Du ca?
Nhiều lắm, "Trả lại tôi tuổi trẻ", tuổi trẻ lúc bấy giờ cũng bị người ta mê hoặc. Tôi phải làm bài hát "Trả lại tôi tuổi trẻ". Nhiều lắm, rồi "Mùa đông du ca", toàn những bản nhạc hay.
Theo http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2012/12/121214_phong_van_pham_duy.shtml