PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Phạm Duy: vẫn còn đó nỗi buồn

Bùi Văn Phú
7.4.2009

Trong vài tháng qua có những buổi trình diễn nhạc Phạm Duy ở Hà Nội. Báo chí trong nước đã viết nhiều về những sinh hoạt văn nghệ này và độc giả có thể hiểu đó lại như là một cách phô trương chính sách hoà giải của nhà nước đối với người Việt ở nước ngoài.


Bích Liên (trái), Khánh Ly, Mai Hương, Phạm Duy và Nguyễn Thành Vân trong đêm nhạc Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn do Viet Arts Association tổ chức tại San Jose, 10.1998

Mấy năm trước đây khi nhạc sĩ Phạm Duy quyết định về sống cuộc đời còn lại của mình trên mảnh đất đã sinh ra ông, tại hải ngoại đã có người lên án quyết định của ông. Trong nước có nhiều lời khen về sự trở về của người nhạc sĩ đã "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi" nhưng cũng có những tiếng nói phản đối cho rằng một nghệ sĩ đã bỏ kháng chiến về thành, rồi vào miền Nam sinh sống, sáng tác nhiều bài ca mang tính "phản động" thì không đáng được vinh danh.

Sự trở về của Phạm Duy đưa đến một vài quyết định của cơ quan văn hoá thông tin cho phép phổ biến, tức không còn cấm, một số sáng tác của nhạc sĩ. Con số ghi nhận cho đến nay là khoảng 50 bài nhạc Phạm Duy đã được chính thức cho phép phổ biến lại [1], trong số đó có một số bài được nhiều ca sĩ thể hiện, qua các CD sản xuất trong nước, như "Ngày xưa Hoàng thị", "Ngậm ngùi", "Tiếng đàn tôi", "Tiếng sáo Thiên Thai". Ngoài ra cũng đã có ít nhất hai chương trình nhạc Phạm Duy được tổ chức tại Sài Gòn, sau đó hãng phim Phương Nam sản xuất thành DVD phổ biến trong và ngoài nước, trong đó có chương trình Phạm Duy: ngày trở về.

Ca khúc "Để lại cho em", phổ nhạc từ thơ Nguyễn Đắc Xuân trước năm 1975. Phạm Duy viết lại và phổ biến tại Hoa Kỳ cuối thập niên 1970.
Ca khúc "Để lại cho em", phổ nhạc từ thơ Nguyễn Đắc Xuân trước năm 1975. Phạm Duy viết lại và phổ biến tại Hoa Kỳ cuối thập niên 1970.

So với gia tài âm nhạc mà Phạm Duy đã để lại thì 50 bài hát chỉ là một con số nhỏ. Nhưng quan trọng hơn cả là sự kiện khi lên phát biểu trong đêm văn nghệ ở Hà Nội mới đây nhạc sĩ Phạm Duy đã phải cầm giấy đọc, như bạn đọc Thanh Tâm đã nhận xét. Đây không phải lần đầu Phạm Duy cầm giấy đọc trước khán giả. Trong các chương trình ca nhạc tổ chức ở Sài Gòn vài năm trước đây Phạm Duy cũng trong tình cảnh đó khi lên sân khấu. Một sự việc mà khán giả nước ngoài có lẽ chưa bao giờ thấy Phạm Duy làm như thế.

Cuối năm 2003 tôi có dịp phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy. Bài phỏng vấn này đăng lần đầu trên tuần báo Việt Mercury ở San Jose, nay đã đình bản, vào dịp Tết 2004; sau đăng lại trên vietbao.com ngày 9.11.2004 nhân dịp thân hữu miền Nam California tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 84 của Phạm Duy.

Khi nhạc sĩ chính thức trở về sống tại Việt Nam thì trang nhà của Phạm Duy cũng không còn nữa.

*

Những năm cuối ở bậc trung học tôi có người bạn thân sống trong khu cư xá Chu Mạnh Trinh, ngã tư Phú Nhuận, Sài Gòn. Sau những giờ học chúng tôi hay kéo nhau về những hàng quán ở đầu ngõ cư xá để ăn bò viên, chè sâm bổ lượng.

Nhiều buổi chiều ngồi ăn uống chúng tôi thấy nhạc sĩ Phạm Duy thả bộ ra đầu ngõ mua báo, có khi thấy ca sĩ Duy Quang lái xe mẹc-sơ-đéc đi ra, có khi lại thấy Thái Hiền đạp xe đi đi, về về. Lần đầu tiên thấy người nhạc sĩ với dáng đi gật gù, anh bạn hất đầu nói với chúng tôi: "Bố Phạm Duy đấy!". Từ đó trong anh em chúng tôi mỗi khi nhắc đến Phạm Duy thì thường gọi là "Bố" luôn.

Ngày đó ngoài việc học chúng tôi còn hay ôm đàn ghi-ta, nghêu ngao hát tình ca, hát những lời ca phản ánh tình cảnh quê hương: "Nghìn trùng xa cách", "Gia tài của Mẹ", "Trả lại em yêu", "Huế Sài Gòn Hà Nội", "Tóc mai sợi vắn sợi dài", "Người già và em bé", "Để lại cho em", "Tôi sẽ đi thăm", "Thà như giọt mưa", "Lời chào bình yên", "Kỷ vật cho em", "Còn chút gì để nhớ", "Ca dao Mẹ". Những bài hát, lời ca của hai nhạc sĩ Phạm Duy và Trịnh Công Sơn mà chúng tôi yêu thích nhất. Đó là những nỗi buồn ray rứt của tình yêu, nỗi đau của thân phận quê hương và cũng là những ước mơ hy vọng của thanh niên lớn lên trong một đất nước phân chia, mịt mù khói lửa chiến tranh. Những lời nhạc chúng tôi thuộc phần nhiều nghe được từ những quán cà phê.

Biến cố 30.4.1975 đưa tôi xa rời Việt Nam, chuyên chở trong tim tình cảm quê hương thương nhớ qua những dòng nhạc của Bố và cứ lo sợ những lời ca, tiếng nhạc đó sẽ bị mất đi mãi mãi. Lúc biết Bố ở Florida, tôi gửi thư mua băng nhạc, ấn phẩm của Bố. Tiếng hát giờ chỉ còn Thái Hằng là mẹ, Thái Hiền là con vì định mệnh đã an bài Thái Thanh cùng những người con trai của Bố phải ở lại bên kia bờ đại dương. Nhạc in lại do Bố viết tay, nét chữ bay bướm, lả lướt – bây giờ nét chữ của Bố cũng vẫn thế – có nhiều bài in rời trên những tờ giấy cứng màu cam, chữ nâu.

Tôi thấy lại Bố trên đất Mỹ khi ban nhạc Gia đình Phạm Duy – giờ chỉ có Bố ôm đàn cho ba mẹ con Thái Hằng, Thái Hiền và Thái Thảo hát – kéo nhau đến vùng Vịnh San Francisco "hát xẩm", tiếng Bố đặt cho những buổi đi trình diễn trong cộng đồng người Việt thời đó, phần tư thế kỷ trước.

Ngục ca, 20 bài thơ của Nguyễn Chí Thiện, Phạm Duy phổ nhạc, Hội Văn hoá Việt Nam Bắc Mỹ in năm 1982
Ngục ca, 20 bài thơ của Nguyễn Chí Thiện, Phạm Duy phổ nhạc, Hội Văn hoá Việt Nam Bắc Mỹ in năm 1982

Khi Ngục ca ra đời thì Bố đã về miền Nam Cali nắng ấm. Thơ Ngục sĩ vừa phổ biến ở Mỹ vào đầu năm 1980, không lâu sau Bố phổ nhạc 10 bài, rồi 20 bài ngục ca. Sinh viên Đại học U.C. Berkeley tiên phong tổ chức những "Đêm nghe Tiếng vọng từ đáy vực". Tôi liên lạc và được Bố gửi ngay cho băng và tập nhạc. Nhạc của Bố thật dễ hát. Sinh viên chúng tôi được ca sĩ Thu Hà – nay là bác sĩ Nguyệt – của ban Tam ca Đông phương ngày trước giúp tập dượt nên chỉ vài ba lần là có thể lên sân khấu trình diễn. Tôi thích nhất "Những thiếu nhi điển hình chế độ", "Chuyện vĩ đại bi ai", "Sẽ có một ngày".

Theo năm tháng, tôi hân hoan đón nhận những sáng tác, cải tiến theo thời đại trong nét nhạc của Bố: Bầy chim bỏ xứ, Rong ca, Thiền ca, Hàn Mặc Tử ca. Những ca khúc trong hai trường ca Mẹ Việt Nam, Con đường cái quan nay được hòa âm và phổ biến dưới dạng CD giúp sinh viên làm văn nghệ dễ dàng hơn, lôi cuốn hơn. Tôi cũng thường nghe lại Đạo ca do bố phổ nhạc từ thơ Phạm Thiên Thư như là những lời nhắc nhở về triết lý nhân sinh trong cuộc sống.

Cuối năm ta, tôi được tản mạn qua e-mail với Bố.

Bùi Văn Phú: Năm nay Bố bao nhiêu tuổi rồi? Bố cầm tinh con gì?

Phạm Duy: 82 years young. Tuổi con gà, Tân Dậu.

Nghĩ lại từ ngày Bố có trí nhớ, hình ảnh đầu tiên nào về nước Việt Nam còn in sâu trong tâm tưởng của Bố?

Việt Nam thanh bình, thành phố lặng lẽ, đồng quê êm đềm, người dân ở mọi nơi hiền hậu, ai cũng tốt bụng hết.

"Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi..." Trong khung cảnh, tâm trạng nào Bố đã sáng tác bản "Tình ca" bất hủ đó?

Năm 1953. Từ kháng chiến trở về Hà Nội, rồi vào Nam đã thấy mình độc lập rồi, cần đưa ra một bài hát tình tự quê hương trong đó bản sắc quốc gia nổi bật: người Việt Nam khác người Tàu, người Tây ở tiếng nói, cảnh vật và con người. Bản nhạc này cũng là tuyên ngôn đầu tiên của tôi. Nghĩa là âm nhạc của tôi phải "khóc cười theo mệnh nước", phải khởi hành từ dân ca, phải yêu quý non sông Việt Nam, phải xót thương người quê, mẹ quê, bé quê. Đó là bài thứ hai trong loại Tình tự Quê hương, Tình tự Dân tộc. Những bài khác, trước sau là "Tình hoài hương", "Bà mẹ quê", "Em bé quê", "Vợ chồng quê", qua những dân ca, trường ca, tổ khúc rồi liên tục cho tới Minh họa Kiều bây giờ.

Hai bài "Tình ca" và "Việt Nam, Việt Nam" có liên hệ gì với nhau?

Chỉ là một loại: tình ca quê hương, tình tự dân tộc. Không có hai thứ "tình" đó thì sẽ cứ loạn ly hoài hoài.

Trong nhạc của Bố, nhiều khi là sông và nước. Đặc biệt bài "Thuyền viễn xứ" đã là câu hát trên môi đưa Phú rời xa Việt Nam bằng tàu, mắt nhòa lệ vì không biết trôi dạt đi đâu. Nguồn cảm hứng nào đưa Bố đến với "Thuyền viễn xứ"?

"Thuyền viễn xứ" ra đời đúng lúc một triệu người – trong đó có gia đình tôi – di cư vào Nam, ai cũng nhớ miền Bắc với con sông Đà Giang, với hình ảnh con thuyền, hình ảnh bà mẹ già là những gì tiêu biểu. Lúc đó nhổ neo từ Bắc vào Nam đã là viễn xứ rồi. Bây giờ mới thực là viễn xứ xa xôi, cánh máy bay hay thuyền buồm đưa ta ra đi "nghìn trùng xa cách!"

So sánh bài hát trên với bài "54 cha bỏ quê, 75 con bỏ nước" [2] thì sao?

[Nhạc sĩ Phạm Duy xin không trả lời câu hỏi này.]

Nhiều bài hát khác của Bố cũng có sông, nước, như "Viễn du", "Chiều về trên sông". Bài thứ hai Bố muốn nói đến con sông nào?

Cửu long giang.

Đây cũng là một bài trong Trường ca Mẹ Việt Nam?

Truờng Ca Mẹ Việt Nam là một tác phẩm có tính cách tượng trưng (symbolic). Những con sông tượng trưng cho các con của Mẹ. Thành ra không cần mang tên là Cửu long giang, Hồng hà, Sông Lô hay sông gì gì đó.

Gần một phần ba đời, Bố sống ở nước ngoài và có nhiều sáng tác, trường ca cũng như đoản khúc. Những loại ca khúc nào phản ánh đúng một Phạm Duy sống lưu vong nhất?

Chúng ta phải theo thuyền viễn xứ ra đi, thấm thoát đã gần 30 năm rồi. Trong thời gian này, có người không chịu thay đổi gì hết, có người không chịu để tâm hồn bị đóng khung một chỗ. Nhạc Phạm Duy trong 30 năm nay, nghiên cứu kỹ sẽ là nhạc đa dạng, loại nhạc này, loại nhạc nọ đều phản ánh trung thực cuộc đời trước mặt.

Giờ xin hỏi Bố về những ca khúc gắn liền với chiến tranh như "Nhớ người thương binh", "Tưởng như còn người yêu" và "Kỷ vật cho em". Ca khúc sau có người cho là mang tính phản chiến. Nếu so sánh với Trịnh Công Sơn trong "Cúi xuống thật gần" hay "Hát trên những xác người" thì cũng chỉ là diễn tả những đau thương có thực, phải không?

Nghệ sĩ thuộc loại giết người thì mới có những bài mang tinh thần "hiếu" chiến. Nghệ sĩ chân chính là phải biết "khóc" theo hệ lụy của cuộc đời, là chiến tranh và ly loạn.

"Mang giầy vớ tốt, mang khăn áo lành. Tôi chào đất nước tôi nay thái bình..." là lời của một Bình ca. Lúc Bố viết bài này, đầu thập niên 70, thì nước mình có hòa bình không?

Trong loại Bình ca này còn có thêm bài "Dường như là hòa bình".

Dân Việt mình có bao giờ được hưởng hòa bình chưa?

Dường như là hòa bình mà thôi.

Còn bài "Chúa Hòa bình" có lời rằng: "Nếu có ai giận dữ, nếu có ai bất hòa, sẽ tát tôi một cái, tôi chìa luôn ngay má kia..." Bố muốn nhắn gửi gì qua bài hát đó và tại sao Bố lại đề tặng cho Linh mục Đinh Bình Định?

Mười bài bình ca, trong đó có những bài "Chúa Hòa bình", "Sống sót trở về", "Lời chào bình yên" v.v... không nói tới hòa bình trên đất nước, mà nói tới hòa bình trong lòng người. Hòa bình trong lòng người mới là quan trọng. Lòng người Việt Nam than ôi, bị chiến tranh và chính trị lũng loạn. Tôi tặng bài "Chúa Hòa bình" cho Linh mục Đinh Bình Định vì ông rất yêu nhạc Phạm Duy. Ông mời tôi và các con tôi tới thánh đường để hát bài đó. Lúc đó ông cũng còn là người đấu tranh chống tham nhũng nữa.

Trong những chuyến đi Việt Nam, Phú được nghe lại "Huyền sử ca một người mang tên Quốc" vang vang trong một xóm dân lao động; nghe "Nha Trang ngày về", "Còn chút gì để nhớ" ở một thành phố biển. Nhạc của Bố có được phổ biến trong nước không? Hay đây chỉ là những sự tình cờ?

Người dân ở vùng biển đó đã theo đúng khẩu hiệu của tôi ngày xưa: "đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cầy". Bây giờ họ chủ trương: "thuyền ta ta cứ bơi, biển ta ta cứ câu, nhạc hay ta cứ hát", bất chấp bài hát bị cấm hát hay được phép hát. Phép vua thua lệ làng mà.

Những bài Đạo ca như "Một cành mai", "Suối mây hồng", "Quán thế âm", "Đại nguyện" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Tạm buông rơi nhạc tình ca, nhạc xã hội năm 1972, tôi làm bạn với nhà thơ Phạm Thiên Thư để soạn nhạc tâm linh. Đạo ca đã được nối tiếp bằng Rong ca, Thiền ca, Hàn Mặc Tử ca... vì tôi đã thấy trước việc người Việt Nam sẽ có ngày trở về với mình, tức là về với tâm linh đó, sau khi cái "tâm" đã hết bị giao động. Hình như bây giờ là lúc "gạn đục khơi trong," tâm hồn lắng xuống, con tim đập đều, nhiều người trong chúng ta đang lắng tai nghe nhạc tâm linh. Ham đi chùa, ham tới giáo đường tức là đã nghe được tiếng mõ chuông. Tiếng mõ chuông, tiếng niệm kinh, tiếng cầu kinh cũng là một thứ nhạc tâm linh đấy.


"Nhạc của tôi đi vào lòng người thì dễ, nhưng đi vào lòng ông Đỗ Mười sao khó thế!" - Phạm Duy phát biểu tại Đại học Berkeley 11.1995

Trường ca Con đường cái quan Bố viết từ cả nửa thế kỷ trước. Gần đây Bố có đi lại con đường xuyên Việt đó chứ? Cảm giác của Bố so với gần nửa thế kỷ trước?

Yes. Tôi đã có hạnh phúc to lớn là được đi lại suốt dọc Con đường cái quan, chụp ảnh, quay phim những nơi tôi soạn ra những bài hát đầy kỷ niệm. Ví dụ tới Lạng Sơn, ngồi trên cột Cây số 1, nghe reo lên trong lòng bài "Nương chiều", hay bài "Bông lau rừng xanh pha mầu". Vào miền Trung, tìm về tận nhà của "Bà mẹ Gio Linh". Rảo Chơi trên bãi biển Nha Trang hay trên đồi hồng Đà Lạt để tìm hình bóng xưa, ôi biết bao là thương mến. Tôi thật là có phúc.

Quê hương mình giờ đây có còn gì gợi hứng cho Bố sáng tác?

Soạn nhạc cho quê hương, cho dân tộc, tôi chỉ còn mắc nợ với ông Nguyễn Du và cô Thuý Kiều 45 phút âm nhạc – mà tôi đang hoàn tất – nữa thôi. Xong rồi thì tôi giải nghệ hoàn toàn.

Nhạc Phạm Duy với giọng hát Thái Thanh đã được nhiều người mê thích, sau năm 1975 thì ca sĩ nào thể hiện nhạc của Bố hay nhất?

Nhiều ca sĩ có giọng tốt, nhưng đa số không hiểu linh hồn của bài ca. Thái Thanh rất intelligent (thông minh), hiểu ngay và đem linh hồn bài ca vào giọng hát Nàng.

Bố có nhận xét gì về những nhạc sĩ trong nước thời nay như Dương Thụ, Bảo Chấn, Thanh Tùng?

Tôi không biết một tí gì về các nhạc sĩ đó cả nên không có ý kiến.

Còn về các ca sĩ như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Lam Trường thì sao?

Tôi chưa được nghe các ca sĩ đó hát. Chỉ quen biết Hồng Nhung, ăn cơm với nhau vài lần và nghe vài dĩa hát của nàng. Nàng hát rất khoẻ, hát nhạc Trịnh Công Sơn rất hay, hình như chưa hát nhạc Phạm Duy, thành ra chưa biết ra sao.

Ca sĩ hải ngoại, ai có triển vọng sẽ mãi mãi đi vào lòng người Việt hải ngoại?

Tôi ít đi nghe nhạc ở bên Mỹ nên không có ý kiến.

Bố đã sống rất thọ, 82 rồi còn gì. Nhìn lại đời mình, Bố có gì hài lòng, cũng như thất vọng?

Hài lòng vì được làm những gì mình muốn trong suốt một đời, nhờ được may mắn có tự do sáng tác. Không có tính tham lam nên chẳng bao giờ thất vọng cả.

Còn nhìn về đất nước, con người Việt Nam trong suốt cuộc đời Bố, Bố có nhận xét gì?

Tôi đã về hưu và có lời tạ ơn tất cả dĩ vãng, trong đó có đất nước và con người, bằng chương 29 trong hồi ký tập 4..., như thế còn cần nhận xét gì nữa.

Giờ hỏi Bố chuyện ngày xuân. "Xuân trong tôi, đã khơi trong một đêm vui..." bản "Xuân ca" đó bố viết năm nào?

Tôi có nhiều bài hát về muà xuân: "Xuân ca", "Hoa xuân", "Xuân thì", "Xuân nồng", "Trên đồi xuân", "Thiền ca xuân", "Mùa xuân yêu em", "Mừng xuân". Bài "Xuân ca" soạn vào khoảng năm 1953 nói rằng: "mùa xuân đầu tiên của ta khởi sự vào đêm động phòng của cha và mẹ, sét nổ của cha làm chói chan lòng mẹ, làm thành mùa xuân của ta!"

Năm con Dê sắp đến Bố có những chương trình sinh hoạt gì?

Vài ba nơi đã mời tôi và các con đi trình bày chương trình Phạm Duy: một đời nhìn lại. Có nơi mời trình diễn Minh họa Kiều. Dĩa nhạc Ái Vân hát dân ca Phạm Duy đang trong giai đoạn "final mixing."

Còn hồi ký của Bố, bao giờ tập kế tiếp sẽ xuất bản?

Hồi Ký tập 4 đã hoàn tất từ năm 2000. Tôi không ấn hành vì in sách là lạc hậu rồi. Tôi làm thành một thứ E-book và cho lên NET. Mời độc giả đọc "free" vì tôi đủ sống rồi, không cần tới tiền bản quyền nữa. Mời dzô website: www.phamduymusic.com

Cuối cùng, cám ơn Bố đã để lại cho đời quê hương và tình người với biết bao yêu thương, trìu mến.

*

Sau bài phỏng vấn này ít tháng, nhạc sĩ Phạm Duy phổ biến trong giới thân hữu hai CD: Hương ca gồm 14 sáng tác mới nhất viết về quê hương và những ca khúc phổ thơ của thi sĩ trong và ngoài nước, và Minh họa Kiều 3 là chủ đề mà nhạc sĩ đã liên tục sáng tác trong vài năm qua.

Dù tuổi đời đã 84, hai tác phẩm trên cho thấy sức sáng tạo của nhạc sĩ Phạm Duy cũng vẫn còn rất phong phú.

 



DVD Phạm Duy: ngày trở về do hãng phim Phương Nam sản xuất năm 2006

[ảnh trong bài của tác giả]

[1] Ghi lại từ báo chí trong nước, những bài hát sau đây của Phạm Duy đã được nhà nước cho phép phổ biến: Áo anh sứt chỉ đường tà, Bà me Gio Linh, Bà mẹ quê, Cành hoa trắng, Cây đàn bỏ quên, Chỉ chừng đó thôi, Chiếc kẹp tóc thơm tho, Chuyện tình buồn, Cỏ hồng, Con đường tình ta đi, Còn gì nữa đâu, Đố ai, Đưa em tìm động hoa vàng, Đường em đi, Em bé quê, Em lễ chuà này, Gánh luá, Hoa xuân, Hoa xuân ca, Kiếp nào có yêu nhau, Kỷ niệm, Mộ khúc, Ngậm ngùi, Ngày đó chúng mình, Ngày trở về, Ngày xưa Hoàng thị, Nghìn trùng xa cách, Nha Trang ngày về, Nụ tầm xuân, Nương chiều, Ông trăng xuống chơi, Phượng yêu, Quê nghèo, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Tây tiến, Thương tình ca, Thuyền viễn xứ, Tiếng đàn tôi, Tiếng sáo Thiên Thai, Tìm nhau, Tình ca, Tình Cầm, Tình hoài hương, Trăm năm bến cũ, Tuổi ngọc, Vợ chồng quê, Vô thường, Xuân ca.

[2]
54 cha bỏ quê, 75 con bỏ nước

Một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa
Chốn đã chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời
Một ngày năm bốn, cha bỏ phương trời
Một miền Bắc tối tăm mưa phùn rơi

Một ngày năm bốn, cha bỏ Sơn Tây
Dắt díu con thơ, vô sống nơi Biên Hòa
Dù là xa đó, cũng là nước nhà
Và miền nắng soi vui gia đình ta!

Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi
Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ
Giờ cha lưu đày ở nơi trên đất ta
Và giờ con lưu đày ở đây nơi xứ lạ!

Một ngày năm bốn, cha lià quê hương
Lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường
Một ngày bảy lăm, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương!

Một ngày năm bốn, xa mộ ông cha
Với lũy tre xanh, khóm chuối bên sau nhà
Một ngày năm bốn, cha phải chia lià
Cùng mảnh đất, nóc gia cha làm ra

Một ngày năm bốn, ôi Thành Đô ơi!
Tiễn bước cha đi, vẫn giữ tên muôn đời
Hà Nội yêu quý không thể ngăn người
Vì người đã ra đi theo Tự Do

Một ngày bảy lăm, con bỏ hết giang sơn
Hai mươi năm tình, yêu người yêu cuộc sống!
Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui
Sài Gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người

Một ngày dĩ vãng, ôi gần hay xa!
Đất nước hai phen chứng kiến bao chia lià
Đời của cha con: hai lần vẫy chào
Chào từ giã quê hương trong hận đau

Đời hai lần ta bỏ quê bỏ nước
Phải nuôi ngày sau về ôm Tổ Quốc.

© 2009 Buivanphu

___

Nguồn: talawas blog 31.03.2009

Theo: http://buivanphu.wordpress.com/2009/04/07/ph%E1%BA%A1m-duy-v%E1%BA%ABn-con-do-n%E1%BB%97i-bu%E1%BB%93n/