Phạm Duy, “Nhớ người ra đi”
- Chi tiết
- Lê Hữu
- Lượt xem: 5565
2.2.2013
"Mộ tôi sẽ nằm trên môi
những người hát Tình Ca."
(Phạm Duy)
"Trong đợt lưu diễn ở miền Cao-Bắc-Lạng, một buổi nọ, sau ít màn trình diễn ca-vũ-kịch cho đồng bào thưởng thức, một 'bà mẹ quê' bước ra xin được hát tặng anh chị em trong đoàn văn nghệ một bài hát cổ truyền. Chúng tôi vỗ tay hoan nghênh. Bà mẹ đằng hắng, lấy giọng, rồi hát:
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
mà không nhớ thương người mẹ già...
Tôi đứng lặng người. Đấy là bài "Nhớ người ra đi" của tôi. Nhưng bây giờ nó không còn là... của tôi nữa. Nó đã là của quần chúng mất rồi! Tôi cảm động quá, muốn khóc òa lên..."
Người kể câu chuyện trên là nhạc sĩ Phạm Duy. Câu chuyện làm ông "cảm động quá, muốn khóc òa lên" ấy xảy ra vào năm 1950, năm ông 29 tuổi. Ông đã ghi lại những dòng cảm xúc ấy trong tập hồi ký của mình (Hồi Ký Phạm Duy–Tập II, Chương 17) vào năm 1989, năm ông 68 tuổi.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc.
Hơn năm mươi năm sau kỷ niệm khó quên ấy, trong một chuyến về thăm quê hương vào năm 2002, nhạc sĩ Phạm Duy được một sử gia, ông Lê Văn Lan (trong "Ủy Ban Nghiên Cứu thực hiện dự án khôi phục thành Thăng Long cũ"), tặng cho món quà nhỏ, nhưng có giá trị rất lớn đối với ông: một video tape ghi lại phóng sự về một bà cụ vừa tròn 100 tuổi ở một làng quê hẻo lánh (thôn Lập Chí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn). Bà cụ có hai người con trai đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh. Trong một đoạn phim ngắn, cụ Nguyễn Thị Ngoan, tên bà cụ, bỗng cất tiếng hát gần như trọn bài "Nhớ người ra đi" với lời nguyên bản, chính xác đến từng câu, từng chữ. Hát dứt bài dân ca kháng chiến ấy, bà cụ còn đọc lại với giọng ngân nga một câu hát trong bài, "Cầu cho đứa con trai, ở đâu đó con ơi, được vui...", rồi nói với giọng run run, "Cứ mỗi lần nhớ thương con là tôi lại hát cái bài ấy, lòng thấy nguôi ngoai, cũng được an ủi phần nào."
Vẫn là bài nhạc kháng chiến ấy nhưng đã có một khoảng cách thật là dài về thời gian. Người viết bài hát ấy đã đi xa (Phạm Duy rời miền Bắc năm 1951, năm ông 30 tuổi), thế nhưng bài hát, sau hơn năm mươi năm, vẫn còn ở lại. Bài hát vẫn sống, vẫn như có một linh hồn.
Cả hai câu chuyện đều là chuyện thực. Chuyện thứ nhất do chính người trong cuộc kể lại. Chuyện thứ hai, chuyện "người thật, việc thật", được thu hình thu âm đầy đủ, rõ ràng (tôi may mắn có được một copy của đoạn phim ấy). Người hát bài hát ấy không phải là ca sĩ trẻ đẹp, không có giọng trong trẻo, ngọt ngào, mà là một bà mẹ quê, bà mẹ chiến sĩ già lão. Bà "Mẹ Việt Nam" ấy đã hát bằng giọng nghẹn ngào và bằng trái tim thổn thức của mình.
"Khi xem khúc phim này, tôi... quá cảm động!" nhạc sĩ Phạm Duy nói trong nỗi xúc động đến nghẹn lời. "Một bà cụ trăm tuổi đã thuộc và giữ mãi trong lòng bà bài hát của tôi trong suốt bao nhiêu năm. Quả thực không có phần thưởng nào quý báu hơn, làm cho tôi vui sướng hơn."
Theo tôi, không chỉ là "phần thưởng quý báu" nhất đối với Phạm Duy, mặc dầu ông không hề nói ra, tôi tin rằng đấy còn là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc ông đi tới quyết định "trở về mái nhà xưa", trở về thăm lại một phần đời ông còn gửi lại nơi chốn ấy. Trở về với những người còn yêu, còn nhớ, còn nhắc tên ông, còn hát vu vơ một, hai câu hát của ông một thời nào xa lắc xa lơ, tưởng như đã chìm vào quên lãng sau bao mùa tang thương dâu bể. Trở về với những "bà mẹ quê", với những đóa hoa không phải chỉ "thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa" mà gấp nhiều lần những tháng năm biền biệt. Tất cả, đã đánh thức ông, như tiếng còi tàu ngân nga trong trí tưởng.
Phạm Duy, người ta có thể yêu hay ghét ông, ca ngợi hay chê trách ông. "Mai sau dù có bao giờ", người ta có thể quên ông nhưng khó mà quên được, khó mà ngoảnh mặt quay lưng đuợc với những bài hát như thế. Những bài hát vẫn cứ "sống" mãi, vẫn cứ "nhớ người ra đi". Những bài hát, nói như ông, "đã là của quần chúng mất rồi".
Có người hỏi Phạm Duy, "Trong nhạc kháng chiến có những bài 'rằng hay thì thật là hay' nhưng nghe sao... buồn quá! Nhạc sĩ viết làm gì 'nỗi buồn chiến tranh' ấy?" Ông trả lời, "Như cuộc sống có hai mặt, thành tựu của kháng chiến cũng có vinh quang, có khổ nhục. Tôi muốn ca ngợi cả hai mặt ấy."
Tôi nghĩ, chính vì từng để lòng mình nghiêng xuống những khổ đau, những hy sinh của cả một dân tộc, chính vì tính nhân bản thể hiện rõ nét trong từng lời ca tiếng hát ấy, mà mãi đến nay, sau bao nhiêu năm, những bài nhạc viết từ thời kháng chiến như "Nhớ người ra đi", như "Bà mẹ Gio Linh", như "Nhớ người thương binh", như "Chiến sĩ vô danh"... vẫn còn được nghe, được hát, vẫn còn làm dậy lên những cảm xúc bi thương lẫn hào hùng.
"Lần nào hát bài này tôi cũng khóc," Phạm Duy dẫn lời ca sĩ Thái Thanh mỗi lần hát dứt bài "Bà mẹ Gio Linh". Thực ra, không phải chỉ Thái Thanh và cũng không phải chỉ "Bà mẹ Gio Linh", nhiều bài dân ca kháng chiến khác của Phạm Duy cũng làm người nghe chảy nước mắt.
Thời kháng chiến, đấy là tuổi trẻ Phạm Duy. Dẫu có hay dở, tốt xấu thế nào, kháng chiến ca vẫn là chặng đường thứ nhất của "hành trình âm nhạc Phạm Duy", vẫn là mối tình đầu tiên của một đời âm nhạc Phạm Duy (sau "khúc dạo đầu" là "Cô hái mơ", năm 1942, một bài... tình ca).
Tình đầu làm sao quên. Tình đầu vẫn để lại nhiều nuối tiếc. Mối tình ấy vẫn cứ âm thầm theo chân ông suốt một đời, cho dù "con đường tình ta đi" của ông có đến trăm ngàn lối, cho dù ông có đi đến tận cuối đường.
Trong "đêm nhạc Phạm Duy" đầu tiên diễn ra trên đất nước mà ông đã xa lìa gần ba mươi năm, nghe lại những bài nhạc của một mùa kháng chiến cũ cất lên từ những giọng hát của một thế hệ ca sĩ mới, trẻ trung, đầy sức sống, nhạc sĩ Phạm Duy nghĩ gì? Ông có gặp lại tuổi trẻ của ông, gặp lại chàng trai "trong tim thì sôi máu, khóe mắt có trăng sao" của những năm sống sôi nổi, yêu thiết tha?
Khán giả của ông thì sao? Lớp khán giả trung niên và cao niên chắc cũng khá ngỡ ngàng khi gặp lại ông, gặp lại con người có lúc tưởng như một "huyền thoại", con người đã bao năm tưởng như "tuyệt tích giang hồ", nay bỗng nhiên như từ phía sau tấm màn quá khứ bước ra, nói cười, đi lại như trong một giấc mơ kỳ lạ.
Lớp khán giả trẻ trung, lần đầu tiên làm quen với âm nhạc Phạm Duy, sau những thoáng bỡ ngỡ ban đầu, đã tỏ ra hào hứng (qua vẻ mặt, ánh mắt, những tràng pháo tay không ngớt) và chăm chú lắng nghe các ca sĩ của thế hệ lớn lên sau chiến tranh hát say sưa, hát ngon lành những ca khúc một thời của Phạm Duy, những tình ca quê hương, những kháng chiến ca và dân ca.
Ðiều thú vị, không hẹn mà gặp. Tuổi trẻ trong và ngoài nước đã "gặp" nhau. Cũng đã từng có một đêm nhạc Phạm Duy như thế, với những ca khúc Phạm Duy như thế, với những ca sĩ của một thế hệ mới như thế, được các bạn trẻ ở hải ngoại (Nam California) tổ chức nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 84 của nhạc sĩ Phạm Duy vào tháng Mười, năm 2004.
Mộng Thủy, cô ca sĩ có giọng hát trong veo như tiếng suối, trong Ban Tổ Chức, đã có những phút tâm tình, "Khi chúng cháu cảm thấy tuổi trẻ chúng cháu ở hải ngoại cần phải tìm về nguồn, chúng cháu đã tìm ngay đến những nhạc phẩm của Phạm Duy. Hình như những lời ca trong các nhạc phẩm ấy đã thấm đâu đó trong tâm hồn chúng cháu. Một bà mẹ quê, một con trâu cày, chú mục đồng thổi sáo, tiếng võng ru trưa hè..., tất cả những gì ba mẹ cháu thường mô tả lại khi nhắc nhở chúng cháu về một quê hương đích thực, một gốc gác tuy chưa một lần được sống qua nhưng trong tâm tưởng thì lại thấy rất là thân quen." Cô nói thêm, "Tổ chức chương trình nhạc Phạm Duy, chúng cháu mong muốn tuổi trẻ chúng cháu cùng hát nhạc Phạm Duy, là nhạc có 'hồn dân tộc' mình." (*)
Như câu nói quen thuộc, "Mỗi người đều cần có một quê hương, một nơi chốn để trở về", những người trẻ ở hải ngoại đã "trở về", đã tìm về nguồn cội, tìm về những nét đẹp của văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc khi đến với âm nhạc Phạm Duy.
"Xa quê hương / yêu quê hương...", câu hát cuối bài "Tình hoài hương", mở đầu chương trình nhạc Phạm Duy, qua tiếng hát Mộng Thủy và các bạn trẻ ban "Mây Ngàn", đã khiến không ít khán giả phải rưng rưng lệ.
Đối với những giọng hát trẻ thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư hát nhạc Phạm Duy trong đêm ấy, âm nhạc Phạm Duy, nói như Mộng Thủy và Đại Dương trong Ban tổ chức, "tuy mới 'gặp' lần đầu mà tưởng chừng quen biết tự bao giờ". Hát lên một, hai câu hát Phạm Duy, để nghe, để thấy quê hương trong lòng mình, để biết, để nhớ rằng mình còn có một quê hương khác nữa. Một quê hương để yêu, để quý, để tự hào và mang theo mãi trong mỗi trái tim mình.
Qua giọng ca, qua cách diễn đạt của các ca sĩ trẻ, những bài nhạc cũ của Phạm Duy nghe như có sức sống mới. Và người nghe, những lớp khán giả tuy cách biệt về tuổi đời, nhưng đều có chung mối đồng cảm, có chung những cảm xúc bồi hồi. Kháng chiến ca, cùng với những dân ca, tình ca quê hương của Phạm Duy, trong ý nghĩa đó, đã như chiếc cầu nối của sự cảm thông, chiếc cầu nối được lòng người và đem con người lại gần nhau hơn.
"Những thống kê về dân số ở Việt Nam gần đây cho thấy, hai phần ba dân số là giới trẻ ở độ tuổi dưới 30, liệu đối tượng chiếm 'hai phần ba dân số' ấy hiểu gì nhiều về Phạm Duy và sẽ đón nhận nhạc Phạm Duy ở mức độ nào?" tôi nhớ từng hỏi nhạc sĩ Phạm Duy câu ấy, những tháng đầu sau ngày ông hồi hương. "Tôi không trả lời được câu anh hỏi, ngay lúc này," ông trả lời hết sức thành thật. Sau đêm nhạc Phạm Duy ấy (và những "đêm Phạm Duy" tiếp theo ở nơi này, nơi khác) tôi nghĩ là bây giờ ông đã thở ra được một hơi nhẹ nhõm, và có thể phần nào trả lời được câu hỏi ấy.
* * *
Sau chiến tranh, tuổi trẻ vẫn hát tình ca. Hơn thế nữa, vẫn hát tình ca quê hương, vẫn hát dân ca, kháng chiến ca. Khi mà tuổi trẻ Việt Nam còn muốn nghe, muốn hát và còn biết rung cảm vì những câu hát như là "Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời.../ Tôi yêu biết bao người, Lý, Lê, Trần và còn ai nữa / Những anh hùng của thời xa xưa, những anh hùng của một ngày mai...", ta có thể tin rằng ta gặp được những tâm hồn hướng thiện, những con người yêu cái đẹp, yêu đất nước và tự hào về lịch sử dân tộc.
Nghe những bài dân ca, kháng chiến ca ấy, lớp người trẻ lớn lên sau chiến tranh sẽ hiểu được rằng đất nước đã có những trang sử như thế, đã có một thời kỳ như thế, sẽ hiểu được rằng vì sao "mẹ quê" lại "vất vả trăm chiều", vì sao lại "nửa đêm thanh vắng không một bóng trai", vì sao lại "có người bừa thay trâu cày"...
Nghe những bài dân ca, kháng chiến ca ấy, lớp người trẻ lớn lên sau chiến tranh cũng sẽ học được lòng yêu nước và cũng hiểu được cái giá của độc lập, của tự do (có lắm khi phải trả bằng máu và nước mắt), của những hạnh phúc thật đơn sơ, thật bình dị, như "vui vì nồi cơm ngô đầy" hay "mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười"...
Nghe lại những dân ca, những kháng chiến ca, những tình ca quê hương của Phạm Duy mới hiểu được tại sao người ta nói ông để lại một "gia tài âm nhạc" đồ sộ và quý giá cho đất nước, cho dân tộc. "Kháng chiến ca", "dân ca" và "tình ca quê hương" của Phạm Duy, ba mảng ấy thật khó mà tách rời nhau được. Ba mảng ấy kết hợp thành một "bộ ba", thành "Tình Nước".
Thành tựu của kháng chiến là niềm tự hào của cả nước. Chiến tranh đã đi qua nhưng những bài hát của một thời kháng chiến ấy, mỗi lần nghe lại, vẫn như "còn chút gì để nhớ", vẫn làm dậy lên một niềm kiêu hãnh, một nỗi tự hào về một thiên anh hùng ca của dân tộc.
"Cuộc đời là một chuỗi những tai nạn lịch sử", tôi thích câu nói ấy của Phạm Duy, con người từng bao phen "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi". "Không ai tránh được đâu," ông nói thêm, "tất cả chỉ là can đảm để rũ sạch quá khứ."
Phạm Duy, ông đã rũ sạch quá khứ. Nhưng chắc phải là quá khứ nào chứ không phải quá khứ mà ông vẫn muốn "xin đi lại từ đầu". Chắc không phải là quá khứ trong bài hát "Kỷ niệm" ấy và cũng không phải là quá khứ trong những bài nhạc kháng chiến ấy. Làm sao mà quên được, vì mọi người vẫn muốn nghe ông kể lại, như vẫn muốn nghe lại những bài nhạc cũ mà lúc nào cũng "mới" ấy. Tôi đã hình dung, mọi người xúm xít, quây quần bên ông để nghe "trong bếp vui anh nói chuyện nghe...", để nghe ông kể chuyện đời mình, và nghe những nỗi niềm, những tâm sự "đường xa lắm khi nương hồn về quê".
Một người như Phạm Duy, tôi hiểu, làm sao có thể sống bên ngoài đất nước, làm sao có thể sống xa lìa quê hương! Tôi cũng hiểu được vì sao những văn nghệ sĩ lưu vong, vào buổi hoàng hôn của đời người vẫn muốn quay về lại đất nước mình, nơi từ đó ra đi, để sống những năm cuối đời và để chết trên quê hương mình, cho dù "chốn quê hương" không hẳn lúc nào cũng "là đẹp hơn cả".
Người ta không thể chọn nơi để sinh ra, nhưng có thể chọn nơi để chết. Như Phạm Duy, như cánh chim đã bay một vòng bay quá dài qua bao mùa giông tố của lịch sử dân tộc, như lữ khách đã đi tới gần cuối đường cuộc "hành trình âm nhạc" dài đến hơn nửa thế kỷ, sau cùng ông đã quay về miền đất mà ông đã viết nên bài "Tình ca". Về lại, để yêu thêm một lần nữa mối tình đầu kháng chiến của ông. Về lại như "người tình già", tóc đã trắng như bông nhưng trái tim thì vẫn nguyên vẹn là trái tim chàng trai trẻ Phạm Duy, đắm say và sôi nổi, của một mùa nào kháng chiến.
Phạm Duy, tôi hiểu được vì sao ông chọn về để sống và chết trên quê hương.
Lê Hữu
(trích "Kháng chiến ca, mối tình đầu của Phạm Duy")
(*) Nguyên Huy, Tình trẻ Việt Nam hải ngoại với Phạm Duy, nhật báo Người Việt, CA, 31/10/2004
Những chữ in nghiêng trong bài là tựa bài hát hoặc câu hát của Phạm Duy
"Tình hoài hương", Phạm Duy:
Nguồn: http://www.diendantheky.net/2013/02/pham-duy-nho-nguoi-ra-i-pham-duy-nho.html