Phạm Duy và Huế
- Chi tiết
- Đặng Tiến
- Lượt xem: 5236
12.10.2010
Nhạc sĩ Phạm Duy không có quan hệ dây mơ rễ má gì với đất Huế và người Huế, nhưng xứ Thần kinh đã để lại trong nhạc phẩm anh nhiều âm hưởng và hình ảnh sâu đậm, đặc biệt sau bốn lần ghé Huế: 1944 khi đi hát rong ; 1946 sau Cách mạng Tháng 8, từ chiến khu Nam Bộ về Bắc; 1948 trong kháng chiến chống Pháp ; và 1953 khi về thành.
1948, từ chiến trường Bình Trị Thiên chống Pháp, Phạm Duy về hoạt động tại vùng địch hậu Đại Lược và nhiều đêm bí mật về gặp gỡ cán bộ, nghệ sĩ nội thành tại Vỹ Dạ, thời điểm sáng tác bài Về Miền Trung:
Ôi quê hương xứ dân gầy, ôi bông lúa,
Con sông xưa, thành phố cũ...
Ngần ấy chữ thôi là cô đọng tất cả hình ảnh chủ yếu về một vùng đất và một thành phố; không cần đến những "Huế đẹp và thơ", "áo tím, áo trắng, nón nghiêng..." là những vẽ vời, lâu ngày sáo mòn trở nên phù phiếm.
Con sông xưa, thành phố cũ, là đầy đủ, hàm súc và tình nghĩa.
Mùa Xuân 1944, Phạm Duy lưu diễn trong gánh Đức Huy Charlot Miều, từ Bắc vào Nam, ghé Huế, hát tại rạp Tân Tân, trên đường Paul Bert, nay là Trần Hưng Đạo. Nhạc sĩ chưa sáng tác nhiều, nhưng 1944 là bước ngoặt quan trọng vì anh khám phá ra dân nhạc Huế, trong nhiều đêm nằm đò lắng nghe những câu hò mái nhì, mái đẩy, những bài Nam Ai, Nam Bình mà trước kia anh chỉ nghe qua đĩa hát. Lần này Phạm Duy nghe trực tiếp, ghi lại nhạc lý, viết thành biên khảo "Những điệu hát bình dân Việt Nam".
Anh nhắc lại: "Âm giai ngũ cung lơ lớ của hò mái nhì khác hẳn với âm giai điều hòa (harmonie tempérée) của Âu Tây và âm giai ngũ cung đúng của dân nhạc miền Bắc. Các cung bực của hò Huế có những cao độ (intervalles) non hơn hay già hơn cung bực trong âm giai Âu Tây, hay âm giai Miền Bắc.
Hò mái nhì hay hò mái đẩy là tiếng nói điển hình của người dân tại một miền nên thơ nhất của đất nước Việt. Tiếng hát xây dựng trên một âm giai lơ lớ đã thể hiện được sự thần bí của cõi lòng, vì vậy dễ dàng đi sâu vào tâm hồn người nghe hơn là nhạc ngũ cung đúng của Miền Bắc".
Nhạc sỹ Phạm Duy trong đêm nhạc Ngày trở về tại Huế, tháng 1 năm 2006
1944, Phạm Duy chỉ mới là ca sĩ phụ diễn trên sân khấu bình dân, ngoài hai mươi tuổi; anh học hỏi thêm về nhạc dân tộc và trao đổi với các vị Vĩnh Phan, Bửu Lộc, Vĩnh Trân.
Về tân nhạc, anh tiếp xúc với Ngô Ganh, Văn Giảng, Nguyễn Văn Thương. Anh cũng nếm mùi ái tình tại Huế, như đã nhắc lại trong bài Tình Ca, sáng tác mười năm sau, 1953:
Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương...
Cách mạng Tháng Tám xảy ra khi Phạm Duy đã trở về Hà Nội, 1946. Anh tham dự đoàn quân Nam Tiến, vào Nam Bộ chiến đấu trong chiến khu Bà Rịa, bị thương nhẹ trên cánh tay. Mùa thu 1946, trên đường về Bắc, anh dừng chân mấy tháng tại Huế, cũng để trình diễn "âm nhạc cải cách" theo tên gọi thời đó, chủ yếu là tại phòng trà ca nhạc Quán Nghệ Sĩ, có khi hát cho Đài Phát thanh. Anh có gặp gỡ Hải Triều, Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh. Nhưng chủ yếu là gặp lại bạn cũ, như Vĩnh Phan, Võ Đức Duy và nhất là Lưu Trọng Lư, mà anh vừa phổ nhạc bài thơ Tiếng Thu nổi tiếng.
Huế, mùa thu 1946, thời nghỉ ngơi của người chiến sĩ. Phạm Duy tranh thủ để sáng tác, hoàn chỉnh, biên tập nhiều ca khúc: Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh, Nợ xương máu, nhạc kháng chiến phổ biến một thời.
Và Khối Tình Trương Chi phảng phất ít nhiều âm hao Huế:
Êm êm dần lan
Cung Nam Thương mờ vang
Cung Nam Ai thở than
Ai thương em lầu buồn mỗi lúc khuya tàn cung
Ngoài nhạc điệu ảo não, hình ảnh người khuê nữ trong bài hát gần với cô gái Huế tân thời, cuổi triều Bảo Đại hơn là cô Mỵ Nương thời các vua Hùng.
Sự thật là có một nàng Tôn Nữ như thế, cấm cung trong một dinh thự phía Nam Giao. Anh Trương Chi là chàng ca sĩ trẻ tuổi đẹp trai, nhưng "xa cách nhau vì đời" do hoàn cảnh và tình huống đôi bên. Chút tình riêng thầm lặng này giải thích, nhạc và lời lãng mạn, tha thiết của bài Khối tình Trương Chi, mà chất trữ tình dào dạt không có trong những nhạc phẩm kể chuyện cổ tích khác, như Trầu Cau của Phan Huỳnh Điểu chẳng hạn.
Bức tranh vẽ Phạm uy của của họa sỹ Bửu Chỉ
Sau đó là toàn quốc kháng chiến. Từ Hà Nội, Phạm Duy tham gia kháng chiến chống Pháp, chủ yếu là ở khu Tư, có lúc công tác tại chiến trường Bình Trị Thiên non sáu tháng, 1948 Phạm Duy đã sáng tác Mười hai lời Ru, Bà mẹ Gio Linh, Bao giờ anh lấy được đồn Tây, sau đổi thành Quê Nghèo. Và đặc biệt Về Miền Trung.
Phạm Duy kể: "tôi đã làm công việc phát triển mạnh mẽ cái thanh âm lơ lớ (PD nhấn mạnh) của miền thùy dương này (...) Tuy nhiên đối với tôi, hình thức không quan trọng bằng nội dung. Bài Về Miền Trung là một bài ca Huế hùng dũng, không bi quan yếm thế như một bài Nam Ai, Nam bình chẳng hạn".
Tại Sài gòn, đài Pháp Á đầu thập niên 1950 là cơ quan phổ biến tân nhạc mạnh nhất. Trong mục nhạc yêu cầu, trong hai năm 1951-1952, Về Miền Trung là ca khúc được thính giả yêu cầu nhiều nhất, không nhất thiết phải từ Huế. Có thể vì nó là khúc ca tiêu biểu nhất cho người Huế đất Huế.
Tháng 5-1951, Phạm Duy về thành, cùng với gia đình nhà vợ. Năm 1953, anh có dịp trở lại Huế sống dài ngày hơn ba lần trước "có đủ thời giờ để biết Huế hơn xưa". Cuộc sống êm đềm đưa đến dạ khúc Dạ Lai Hương, 1953, một sérénade theo kỹ thuật Âu Tây. Lời ca tràn đầy hạnh phúc "đời vui như ong bay, ngọt lên cây trái... Đẹp duyên người sống cho người..." Phạm Duy gọi là "cảnh sắc đêm thơm xứ Huế".
Thời điểm này Phạm Duy không sáng tác nhiều nhạc trữ tình, nhưng âm hưởng Huế lắng sâu vào tâm thức và sẽ tái hiện trong trường ca Con đường Cái Quan sáng tác rỉ rả từ 1954 đến 1960, nhất là đoạn II Qua Miền Trung với đoản khúc Nước non ngàn dặm ra đi. Ca khúc mới nhất của Phạm Duy về Huế là Huế đa tình, anh vừa mới phổ thơ Bích Khê, đang thu đĩa và sẽ phát hành cuối năm nay 2010.
*
Nhạc dân gian Huế, những cảnh sắc và tình người cố đô đã để lại âm hưởng đậm đà trong tác phẩm Phạm Duy, mà đã có nhiều người Huế nhận ra, từ đó gìn giữ nhiều cảm tình với anh Thời trước đổi mới, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một bài viết dũng cảm, có mơ ước một cuộc đoàn viên giữa giới văn nghệ trong và ngoài nước, trong một bữa tiệc tại cồn Giã Viên. Năm 2005, Phạm Duy được về nước lâu dài, các bạn Huế, trước mọi nơi, đã nồng nhiệt đón tiếp, đưa về Gio Linh thăm người Mẹ năm xưa. Họa sĩ Bửu Chỉ cao hứng vẽ một chân dung và tự hào rằng đã phác họa được tất cả chủ đề chính trong nhạc phẩm Phạm Duy.
Ngày 5/10 là sinh nhật Phạm Duy, sinh 1921. Tính tuổi ta là anh lên 90, mà sức sáng tác còn sung mãn.
Ấy là cũng do tinh thần yêu nghệ thuật, yêu con người, yêu quê hương qua bao nhiêu cuộc khóc cười qua mệnh nước nổi trôi.
Mừng thượng thọ Phạm Duy.
Orléans, 10/9/2010
Đặng Tiến
Nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn