Tạ ơn đời, tạ ơn anh
- Chi tiết
- Nguyễn Mộng Giác
- Lượt xem: 3919
Văn Học số 21
Lần tôi và Nguyễn Xuân Hoàng đến nhà Phạm Duy ở Midway City (mà Phạm Duy ưa dịch thành "Thi Trấn Giữa Ðàng") thực hiện một cuộc phỏng vấn, anh có trách chúng tôi viết quá bi quan. Nguyễn Xuân Hoàng vừa cho xuất bản cuốn truyện "Người đi trên mây", nên Phạm Duy trách Nguyễn Xuân Hoàng hờ hững với cuộc sống hôi hổi trước mắt. Còn tôi, anh nửa đùa nửa thật bảo đã "Ngựa nản chân bon" quá sớm.
Thú thật lúc đó tôi ậm ừ chấp nhận ý kiến của anh mà lòng ấm ức. Tôi thầm chống chế bằng lý luận rằng thế hệ chúng tôi trải qua những kinh nghiệm khác với thế hệ đi trước. Chúng tôi, những kẻ nay ở vào tuổi từ 40 đến 50, đã từng sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, bước vào tuổi trưởng thành đúng vào lúc cuộc chiến tranh lên đến hồi ác liệt nhất, chiến trường thì đẫm máu, thành thị thì xáo trộn, lòng người thì phân hóa, hoang mang. Còn nhớ thời thập niên 60, hai câu thơ Vũ Hoàng Chương tôi thích nhất là trong kịch thơ Vân Muội:
Thuở đường đi thênh thênh ấy là thuở Phạm Duy. Tôi nghĩ vậy.
Tôi còn thầm trách Phạm Duy chưa đọc kỹ truyện ngắn "Ngựa Nản Chân Bon"của tôi nên mới chê tôi bi quan. Truyện tuy kể về bốn cuộc tự vận, nhưng ở phần cuối, tôi có mượn lời một ông cán sự già tâm sự:
"Nhà tư tưởng của Cha lấy thế đẩy chồng sách là xong, để lại cá một lô messages, một lô sứ điệp. Ông trung tá đoành một cái, được bạn nhà giáo khen là thâm trầm. Nhà văn bỏ dở cuộc nhưng được bạn bè thông cảm. Còn bạn tôi, than ôi, biết làm sao đây! So với các bạn, tôi chịu lỗi đã kể chuyện buồn và nản. Biết làm sao được! Trong Chinh Phụ Ngâm có câu:
Dòng nước sâu ngựa nản chân bon.
Tôi có khác nào con "ngựa nản chân bon " ấy! Gần kề bên dòng nước sâu là cái chết, tôi phải làm gì? Lấy hết sức hí lên cho vang động núi rừng? Uống nước suối độc tù hãm bên cầu Nại Hà rồi lăn ra chết? Hay là nhảy đại qua vực để hy vọng đạp vó lên Mé Vĩnh Cửu?
Làm gì thì làm, nhưng tôi nhất định không "vì nản chân bon " mà làm con ngựa gỗ! Tôi mệt quá rồi, xin cha cho tôi chút nước !"
Những lập luận thầm kín ấy giúp tôi tự biện hộ cho không khí văn chương của mình. Tôi không chịu soi gương để thấy cho hết cái thế giới tiểu thuyết u ám phức tạp sầu thảm, đám nhân vật lạc lõng đáng xót thương mà tôi đã tạo ra từ lúc bước chân vào làng văn.
Tập "Ngàn Lời Ca "(1) của Phạm Duy vừa xuất bản đã cho tôi một tấm kính trong sáng để nhận diện mình rõ hơn. Và tôi công nhận Phạm Duy đã trách đúng. Phạm Duy chưa hề được may mắn đi trên những quan-lộ thênh thang hơn con đường chông gai thế hệ tôi đã đi. Ngược lại, anh đã từng phải lựa chọn những quyết định sinh tử nguy hiểm hơn những lựa chọn của chúng tôi. Anh tham dự vào lịch sử sâu hơn chúng tôi, yêu buồn giận hờn đến một cung bậc cao hơn chúng tôi, chịu ràng buộc với vinh nhục của kiếp nghệ sĩ nặng hơn chúng tôi, trôi nổi theo vận nước nhiều hơn chúng tôi, thế mà lời ca của anh lúc nào cũng dẫn người nghe đến một tia hy vọng, một niềm tin tưởng. Tâm hồn nhạy cảm của anh là cái phong vũ biểu đo tâm cảm của dân tộc Việt nam suốt chiều dài lịch sử hiện đại, từ l945 cho đến ngày nay. Anh vui buồn theo cái vui buồn của dân tộc, đau đớn hay hân hoan theo cái thăng trầm của lich sử, đến nỗi toàn thể sự nghiệp âm nhạc và thi ca của anh đã trở thành tấm gương phản chiếu đời sống của cả dân tộc suốt hơn 40 năm. Khát vọng độc lập của một dân tộc bị trị, tinh thần kháng chiến chống thực dân thể hiện trọn trong những bài ca kháng chiến của anh. Dân tộc tính của người Việt được phổ hết vào những bài dân ca mới của anh. Nét đẹp quê hương từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu gần như có đủ trong hai trường ca "Con đường cái quan" và "Mẹ Việt Nam". Rồi Tâm Ca, Phẫn Nộ ca, Ðạo ca, Tục ca, Bình ca, Ngục ca .... lúc nào thời nào Phạm Duy cũng là phát ngôn viên trung thực nhất của dân tộc, đến nỗi anh trở thành người đồng thời của mọi thế hệ. Điều đáng quí hơn nữa, với thế hệ nào, anh cũng đem lại cho họ một tia nắng, một đóa hoa, một nụ cười, một lời tình tự. Anh có đủ thẩm quyền hơn ai hết để trách chúng tôi hờ hững và bi quan.
Mái tóc anh đã bạc trắng, những vết hằn của tháng năm in rõ trên trán. Đôi mắt anh mệt mỏi. Giọng anh đã khàn, dấu hiệu của tuổi già hiện rõ trong thế ngồi dựa buông thả vào lưng ghế nệm. Ở vào tuổi 66, như người khác, anh có thể đóng vai người ngoại cuộc phó mặc mọi sự cho lớp sau để ngồi "kiểm kê" lại những lưu niệm. Nhưng không. Anh làm việc hăng hái và cầu toàn như một thanh niên mới bước vào đời. Như lời anh nói, lúc nào. Ở đâu anh cũng bắt đầu một cuộc lên đường.
***
Bên cầu biên giới, tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi, Sông núi xa xôi, mây núi khắp nơi... không tỏ một đôi lời Ôi giấc mơ qua mộng đời phiêu lãng giang hồ Sống trong lòng người đẹp Tô châu . Hay là chết bên dòng sông Danube, những đêm sáng sao... Nhưng đường quá xa vời, hương trời vẫn mê mải Lòng tôi sao vẫn còn biên giới ? Ðời tôi sao vẫn ngừng nơi đây ? (Bên cầu biên giới)
Phạm Duy viết những lời ca này năm l947, ở một tỉnh biên giới Hoa-Việt. Có thể gọi đây là giấc mộng hải hồ, giấc mộng chung của tuổi thanh xuân, cái tuổi mà hai mươi năm sau khi muốn quay trở lại từ đầu, Phạm Duy mô tả một cách thi vị và đầy đủ:
Trong tim thì sôi máu Khoé mắt có trăng sao Bông hoa cài trên áo Trên môi một nguyện cầu (Kỷ niệm)
Cái tuổi không chấp nhận chuyện dừng lại. Không bằng lòng với lằn ranh trước mặt. Với những người trẻ đồng thời, ở mức khởi hành, Phạm Duy không có gì khác họ. Mộng hải hồ gửi đến tận Tô Châu hay xa hơn, vượt biển dài đề được chết hoan lạc bên sông Danube có thể cũng có ở những Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận... Nhưng Phạm Duy vượt cao và xa hơn những nhạc sĩ cùng thế hệ anh, nhờ tài ba đã đành, mà còn nhờ anh quả cảm, dám tìm cách trả lời. Lòng tôi sao vẫn còn biên giới? Anh đáp: Phải xóa nó đi. Ðời tôi sao vẫn ngừng nơi đây? Anh đáp: Phải mạnh dạn bước qua cái có sẵn, cái khuôn thước, cái gò bó. Nhờ thế, anh tái tạo cho dân ca một bản sắc mới, cứu dân ca ra khỏi không khí ẩm mốc của những viện bảo tàng dân tộc học. Năm l95l , khi hào quang của cuộc kháng chiến giành độc lập biến thành ảo ảnh, và những nanh vuốt bắt đầu nhô ra sau tấm bao tay nhung, anh dứt khoát bước qua một biên giới khác, bỏ lại đằng sau những bằng hữu khép nép hớt hải. Những lựa chọn dứt khoát và đúng lúc ấy không chỉ xảy ra một lần, mà nhiều lần, nhờ thế, suốt bốn mươi năm qua, Phạm Duy trôi nổi theo vận nước mà không hề bị dòng lich sử cuốn đi, nhận chìm xuống đáy sâu của cuồng lưu chính trị. Giấc mộng hải hồ không quan trọng bằng lòng dũng cảm thực hiện cho được giấc mộng ấy, khát vọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ không quan trọng bằng khả năng vừa hòa nhập vào thời thế mà lại vừa bảo tồn được vị trí tự do độc lập của mình. Tôi nghĩ Phạm Duy không hề có ý chí sắt đá vượt bậc hay sự sáng suốt vượt bậc để giữ trọn vẹn được thế độc-lập quí giá. Nhạc của anh, lời ca của anh mềm như lá liễu, mỏng như cánh hoa, nhiều khi mong manh như một giọt sương. Tâm hồn anh nhất định cũng thế. Anh mềm yếu trước tình yêu, buông xuôi theo xúc cảm. Nhưng nhờ sự nhạy cảm thiên phú của anh, lúc nào Phạm Duy cũng nghe trước mọi người đâu là "tiếng lòng" tự nhiên của đám đông, đâu là khát vọng chính đáng và thầm kính của dân tộc. Anh là con ve báo trước cái nóng oi ả của mùa hè. Là con chim nhạn bay về phương Nam báo bão. Nhiều bài hát của anh nhờ thế trở thành lời tiên tri. Như bài Viễn Du anh làm từ năm 1952, ở Sài gòn:
Hơn nửa triệu người Việt đã từng "viễn du" bất đắc dĩ trên những chiếc thuyền mong manh để đi tìm tự do hai mươi ba năm sau khi bài hát tiên tri này ra đời đều cảm thấm thía từng tiếng bài Viễn Du. Phải trải qua những ngày đêm bấp bênh trên một mặt biển tím bão tố, giữa một bầu trời xám quạnh hiu và sự thờ ơ mênh mông của loài người, ta mới cảm nhận được thế nào là sự hãi hùng, viễn vông của kiếp sống. Phải chen chúc trong lòng thuyền chật nồng nặc mùi hôi chua, phải quay cuồng điên đảo đến mửa ra mật xanh mới hiểu thế nào là "bão bùng xô tới xô lui". Phạm Duy viết bài "Kinh vượt biên" cho hơn nửa triệu đồng bào tị nạn 23 năm trước khi phong trào thuyền nhân bắt đầu.
Chưa đủ ! Sau khi báo trước hoặc nhận diện giùm cho người đồng thời những hoàn cảnh nghiệt ngã khốn cùng, bao giờ Phạm Duy cũng dâng tặng cho đồng bào mình một lối thoát hiểm.
Có khi chỉ là một cách nhìn, như đổi vị trí đứng để thấy mặt sáng của bóng tối, mặt tích cực của thảm trạng:
Vâng, điều quan trọng là biết tìm một chỗ đứng thích hợp để thấy thương và vui, thay vì ghét và hận cuộc đời. Một chiếc xe tang nặng nhọc lăn bánh ở ngoại ô. Còn cảnh nào sầu thảm hơn. Ôn Như Hầu Nguyền Gia Thiều chọn lối nhìn đen. Nguyễn Du, nhìn xám. Tản Đà tâm hồn lớn hiểu thấu lẽ biển dâu đến thế vẫn bật tiếng thơ ngậm ngùi khi thăm mả cũ bên đường. Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử... nói đến cái chết như một ám ảnh hãi hùng. Phạm Duy không thế. Anh nhìn ra "chiếc nôi trong vườn hoa", như đã nhìn ra viễn ảnh những hạt lúa vàng thơm ngon do sức cấy cày cần cù của cô hàng xóm có tà áo rách. Cuộc đời trở nên đáng yêu biết chừng nào, cuộc tử sinh huyền diệu biết chừng nào. Không còn những ra đi, chỉ còn những trở về. Nhạc của anh, lời ca của anh không hề nhắm mắt phủ nhận những thăng trầm thống khổ của cuộc sống, những tàn tạ mất mát qua sinh lão bệnh tử, nhưng anh nhắc mọi người nhớ rằng tất cả đều không ra ngoài định luật chung của vòng hóa sinh bình thường.
Nhìn những giọt mưa rơi trên lá, giữa thời kỳ chiến tranh Việt Nam lên đến chỗ tàn nhẫn bi thảm nhất, chuyện chết chóc xảy ra khắp nơi, mẹ mất con, vợ để tang chồng, Phạm Duy không thể nào không liên tưởng đến:
Nhưng ngay sau đó, anh nâng bà mẹ già mất con đứng lên, an ủi vỗ về người mẹ bất hạnh đồng thời cũng nhắc nhở hàng trăm hàng nghìn người bất hạnh khác.
Ðây không phải là một lối chạy trốn thực tại. Phạm Duy vẫn đối diện, trực diện với thực tại. Không có một tiếng thở dài nào, một giọt nước mắt nào của đám người vô danh bất hạnh (từ bà mẹ quê Gio Linh cho đến em bé mồ côi trên vỉa hè Sài gòn, từ anh kép hát mất giọng cho đến cô gái bán phấn buôn hương...) mà không được Phạm Duy ân cần quan tâm đến. Tấm lòng anh như tơ trời, một làn gió nhẹ đủ lay động mạnh mẽ, làm bật lên lời ca xót thương.
Nếu anh có quyền vạn năng, anh đã làm phép lạ cho cuộc đời chỉ còn là hòa hợp thông cảm:
thế giới không còn những ác mộng :
Nhưng Phạm Duy hiểu hơn ai hết "biên giới" của tác động văn nghệ lên trên nhân gian đời sống, hiểu cái sở trường sở đoản của mình. Anh vui buồn đầy đủ, trọn vẹn với cuộc đời, với dân tộc, với đất nước. Cất lên đúng tiếng cười tiếng khóc chung, điều đó anh làm được. Làm cho tiếng khóc không còn, tiếng cười rộn rã khắp chốn, điều này anh không làm được. Anh chỉ mơ ước như thế. Nhưng mơ không thể thành sự thực. Phạm Duy chỉ có thể cố làm giảm bớt những khổ đau bằng một số "giải pháp" nào đó.
Khi thì anh đề nghị trở về với tuổi thơ hồn nhiên:
Khi thì anh đề nghị tránh không để cho thực tế làm tan những giấc mơ đẹp:
Những "giải pháp" hết sức văn nghệ, có thể bị những người làm chính trị nhẹ tay thì chê là không tưởng huyền hoặc, nặng tay thì kết tội tiêu cực, cầu an, ngụy tín, phản động. Nhiều lần Phạm Duy đã bị kết án như thế, từ bên này lẫn bên kia.
Nhiều bọn lùn đã cố sức kéo đổ anh xuống, nhưng thất bại. Vì những người trung thực bênh vực anh. Vì đám đông ở về phía anh. Vì những người bất hạnh, những kẻ khổ đau (là cái đám đông luôn luôn chiếm đa số tuyệt đối, trên đất nước Việt Nam) được Phạm Duy chẳng những nói hộ cho họ những gì chất chứa trong lòng họ, lại còn mang cho họ khi một vạt nắng ấm, khi một thoáng gió hiền, khi một làn hương dịu. Anh mang đến cho người những hạnh phúc đơn giản lâu nay bị người bỏ quên:
Ðúng ra đó một thứ chân lý tuy đơn giản, nhưng hằng cửu, vì vũ trụ vạn vật hòa điệu theo một nhịp chung, vui buồn, phải trái, sướng khổ, yêu ghét... tất cả chỉ là nhịp thở của một cuộc tuần hoàn bao la huyền diệu.
Lúc đó, cái chết trở thành phục sinh, trở về; không còn là chia lìa dứt bỏ, mà là hò hẹn đoàn viên, như lời Phạm Duy ru người hấp hối:
Niềm tin tưởng, lòng yêu đời yêu người trong bất cứ cảnh huống nào, đấy là quà tặng Phạm Duy thân ái gửi cho tất cả chúng ta. Xin cảm ơn anh Phạm Duy!
(1) "Ngàn Lời Ca ", của Phạm Duy, do Phạm Duy Cường Musical Productions xuất bản tháng 9/1987 nhà xuất bản Văn Nghệ đã phát hành khắp nơi.
Nguồn: nguyenmonggiac.info