Bài 1 - Khuôn Mặt Người Nghệ Sĩ
- Chi tiết
- Georges E. Gauthier
- Lượt xem: 3539
(nguyên bản tiếng Pháp - Võ Phiến dịch)
Tôi biết đến tên Phạm Duy đã năm năm nay. Bởi vì, đối với tôi, Phạm Duy thoạt tiên là một cái tên. Một cái tên với thanh âm nghe lạ tai -- đối với người Tây phương như tôi -- một cái tên của huyền thoại, thứ huyền thoại xa xăm, như thể từ thuở hồng hoang truyền về. Một cái tên mà người ta nhắc đi nhắc lại với tôi một cách nhiệt thành, và đôi khi có thoáng một chút ái ngại, dường như tiếc cho tôi không biết được tất cả ý nghĩa của cái tên ấy. Nhưng chẳng bao lâu tôi đã biết tất cả những cái đó.
Bởi vì, sau đó, Phạm Duy đối với tôi là những bài hát mà người ta hát và dịch cho tôi nghe và hiểu, là những đĩa hát và nhất là những cuộn băng mà người ta cho tôi nghe rồi cho mượn để ghi lại, là những bản nhạc mà tôi chụp lại để có thể đánh lên với chiếc dương cầm của tôi, là những loại ca mang tên Dân Ca, Trường Ca, Hành Khúc, Tình Ca, Tâm Ca, Nhi Ðồng Ca... và những bài khác mà tôi tìm biết, là những nhan đề, những lời ca và những âm điệu đã khắc sâu vào tâm trí tôi một cách rất nhanh và cũng rất sâu. Từ đó Phạm Duy đã trở thành một người bạn thiết, một người anh dẫn bước tôi trên con đường gian nan và hứng thú của đời nghệ sĩ.
Chúng ta hãy nghiêng nhìn xuống khuôn mặt của con người ấy trong khoảng ba mươi năm nay : nó sẽ cho ta hiểu được nhiều điều.
Một bức hình... Phạm Duy năm 1948 -- bức hình in trên bìa tạp chí VĂN HỌC số 102 xuất bản cách đây mấy tháng và hoàn toàn nói về Phạm Duy -- khuôn mặt hơi kín nhiệm nhưng trước hết là trầm mặc của người nghệ sĩ mà cuộc sống và sự phong phú thực sự dồn vào cả bên trong. Khuôn mặt của một chàng còn thanh niên mà đã sáng tạo nên những tuyệt phẩm như Cô Hái Mơ, Khối Tình Trương Chi, Chinh Phụ Ca, Thu Chiến Trường, Thương Binh, Nương Chiều, Nhớ Người Ra Ði, Quê Nghèo, Về Miền Trung... và mấy bài khác. Tuy nhiên cái nhìn quả quyết có vẻ cho ta biết rằng cái đích hãy còn xa, còn rất xa mới đạt được, và rồi đây sẽ còn nhiều tác phẩm đẹp hơn, vĩ đại hơn, phong phú hơn và thâm trầm hơn nữa.
Hãy tiến xa thêm và dừng lại ở khuôn mặt Phạm Duy do họa sĩ Lê Trung vẽ vào năm 1957. Họa phẩm này -- mang tên Chân Dung Một Nghệ Sĩ -- là một bức vẽ vừa giống vừa biểu lộ được tinh thần của người mẫu, hiện vẫn do họa sĩ cất giữ, tuy nhiên ta có thể thưởng thức ấn bản trong cuốn Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Ðại ra đời cách đây nhiều năm. Ðây là một khuôn mặt của một người đã chín chắn. Ðây là khuôn mặt nhiễm vẻ cao nhã và sang trọng của bài Chiều Về Trên Sông sáng tác một năm trước đó (1956). Nhưng đây cũng là một khuôn mặt đã đạt nhã, đã cởi mở và thoải mái, có thể nói là đã hé lộ một phần nào thứ tình cảm man mác và khoan hậu của Thương Tình Ca và Tìm Nhau, những nhạc phẩm ra đời vào độ ấy. Hãy nhìn kỹ hơn nữa các điểm nối bật của gương mặt này : trán cao -- vầng trán của thiên tài -- những lợn tóc lòa xòa xuống trán, dấu hiệu duy nhất ở đây chứng tỏ một Phạm Duy giang hồ; hai vành tai sinh ra để đón nhận mọi âm thanh và nhịp điệu của cuộc sống; đôi môi đây nhục cảm của kẻ yêu đời. Tóm lại khuôn mặt ấy dung hoà cả sinh lực lẫn sự tinh tế. Ðó là khuôn mặt của một người đã đạt tới đỉnh cao nhất của nghệ thuật mình, đó là khuôn mặt của một nghệ sĩ mà tác phẩm tiến triển cả về hai mặt phẩm lượng.
Mười năm nữa trôi qua và bây giờ chúng ta ở vào ở những năm sáu mươi. Lại một tấm hình khác... tấm hình này được in ở mặt trong của ấn phẩm mới nhất của Phạm Duy là tuyển tập Cho Nhau, Riêng Nhau Một Ðời nhưng người ta sẽ thấy hình đó ở ngoài bìa của một ấn phẩm khác sắp ra đời : Tình Ca Quê Hương. Ðây là khuôn mặt của một người đã sống, đã hoàn tất nhiều tác phẩm : Con Ðường Cái Quan, Mẹ Việt Nam, những bài tâm ca và nhiều nhạc phẩm khác vừa đẹp đẽ vừa thâm trầm. Nhưng đây cũng là khuôn mặt của một người mang nhiều dấu vết của tác phẩm của chính mình. Ðó là khuôn mặt mệt mỏi và già trước tuổi -- ở Việt Nam, người ta già sớm, quá sớm -- khuôn mặt phảng phất băn khoăn; trên mặt, thời gian đã làm xuất hiện rõ ràng một nét buồn man mác và có lẽ thêm một chút mỉa mai. Khuôn mặt càng ngày càng đẹp thêm lên từ buổi thanh xuân cho đến ngày nay -- cũng đẹp thêm dần như các tác phẩm -- khuôn mặt mà người ta trông thấy phải yêu. Nhưng đây cũng lại là một khuôn mặt vẫn còn ẩn tàng nhiều sức mạnh, một sức mạnh rất cần cho người Việt Nam Phạm Duy, một thứ Phù Ðổng mới và đau khổ này, để khỏi gục ngã dưới gánh nặng của một Việt Nam chất chứa những đau khổ và xót xa, để khỏi gục ngã trước những cơn giông tố dồn dập xẩy đến cho con người nghệ sĩ và con người nội tâm đó. Một chi tiết cuối cùng nhưng quan trọng -- chi tiết ấy, ngọn bút của Lê Trung cũng như bức hình sau chót đều ghi nhận rõ ràng -- là đôi mắt.
Hãy xem xét từng con mắt một. Mắt bên trái dịu dàng, lý tưởng. trốn lánh thực tại và mất hút vào giấc mơ nghệ thuật. Mắt bên phải, ngược lại, thì nồng nàn, độc đoán, và còn hơi rắn rỏi nữa. Ðôi mắt ấy biểu lộ con người thầm kín của Phạm Duy : vừa mong manh vừa mạnh mẽ, vừa cao khiết vừa soi mói, vừa mơ mộng vừa thực tế, vừa giầu tưởng tượng lại vừa quả quyết. vừa là con người của suy tư, vừa là con người của hành động. Tính cách lưỡng diện ấy ở nơi con người cũng phản ảnh vào tác phẩm, có lẽ đặc biệt nhất và điển hình nhất là ảnh hưởng vào tác phẩm thuộc loại Về Miền Trung hay Viễn Du, ở đây cứ một đoạn yên tĩnh và trầm lặng lại xen với một đoạn linh hoạt và hùng dũng. Tất cả những điều này là cốt để nhấn mạnh vào sự thu hút của cái nhìn Phạm Duy. Ðó là cái nhìn lôi cuốn và lưu giữ kẻ khác. Cũng như tác phẩm vậy.
Cần phải nói ra mối liên hệ giữa con người và tác phẩm, giữa cuộc đời và tác phẩm. Muốn thế, phải quên đi cái ''huyền thoại'' Phạm Duy, hơn nữa, phải giải thích nó đúng đắn được chừng nào hay chừng ấy. Có nhiều nghệ sĩ mà các huyền thoại lưu truyền quanh tên tuổi họ trong những thế kỳ qua đã làm hại nhiều hơn là làm lợi cho họ : đây là trường hợp Phạm Duy, kẻ đã đi vào huyền thoại ngay tự lúc sinh thời. Một phần lớn của huyền thoại về Phạm Duy thì đúng -- nó chứng tỏ sự phong phú của bản chất con người, của đời sống nội tâm -- nhưng một phần khác không kém quan trọng của huyền thoại này, theo tôi, thì có vẻ vừa đáng ngờ, vừa sai lạc : đây là sản phẩm của những trí óc ngây thơ hay cuồng nhiệt. Ta hãy thử phân biệt chân giả.
Bảo rằng Phạm Duy là một người như mọi người khác là không đúng, mà bảo rằng ông là một thứ người linh cảm lúc nào cũng thoát ra ngoài vòng thực tại hay lơ lửng giữa lưng trời cũng không đúng. Sự thực ở giữa hai quan điểm ấy. Có lúc ông là một người như mọi người khác, có những cử chỉ như phần đông đồng loại, không hơn không kém; lại có những lúc khác ông là người linh cảm, vâng, là con người bị một ám ảnh vượt lên khỏi chính mình, vượt lên khỏi những gì là nhân tính nơi mình, ông là con người biến thái, được giấc mơ nghệ thuật đẩy vượt lên tận những đỉnh cao, vâng, cao hơn cả Trường Sơn, đẩy lên tận những miền chỉ có các nghệ sĩ lớn biết đến, những miền gần với cõi trời hơn mặt đất, nơi đó bao nhiều mâu thuẫn ở mặt đất này và của nhân loại này đều được giải quyết và hoà đồng trong một thứ mông lung mà những người bản chất tầm thường như chúng ta không thể nào nhận ra, hiểu hết.
Lại có những lúc khác -- và có lẽ là nhiều nhất -- Phạm Duy gồm cả hai con người : con người bình thường và con người nghệ sĩ linh cảm. Vì không thể đem ông ra mổ sẻ như một con vật trong phòng thí nghiệm. Ông là một toàn thể, duy nhất và bất khả phần. Ðó là một con người có nhiều bộ mặt, nhưng những bộ mặt ấy lồng vào nhau và làm ra một con người nhất trí và hợp lý. Qua cái dị biệt giữa các tác phẩm và cuộc sống, vẫn có một liên tục. Chính con người Phạm Duy của những năm 30 đã tạo thành con người Phạm Duy những năm 40, chính Phạm Duy của những năm 40 đã làm ra Phạm Duy những năm 50, và cứ thế tiếp tục... chính con người Phạm Duy của hôm qua đã làm ra Phạm Duy hôm nay và chính con người Phạm Duy hôm nay đang làm ra con người Phạm Duy của ngày mai. Như tôi đã viết ở đoạn trên, đó là con người do các tác phẩm tạo thành. Công bình ra thì đang lẽ phải tìm hiểu tác phẩm trước khi tìm hiểu cuộc đời tác giả. Nhưng tôi không quên rằng Phạm Duy đang sống phây phây. Chưa phải mọi sự đã nói xong, còn lâu!
Con người là một người quá độ. Và sự quá độ đầu tiên của chàng thanh niên trong những năm 40 là đã chọn nghệ thuật làm trung tâm cuộc sống của mình. Tôi sẽ thiếu sót nếu không nếu ra đây vấn đề đối với nghệ sĩ nói chung trong xã hội Việt Nam. Trong một nước lẽ ra cần những tâm hồn nghệ sĩ hơn là tâm hồn chiến sĩ, người ta tuy vẫn yêu mến và thán phục nghệ sĩ, nhưng mặt khác tại sao người ta lại coi họ gần như là những kẻ tệ mạng, những phần tử tiện dân trong xã hội? Vâng, tôi biết và tôi hiểu nguyên nhân mọi sự tình ấy, nhưng tất cả những cái đó không thể nào chấp nhận được ở năm 1970. Tại Việt Nam hay ở tại các nơi trên thế giới, người ta vẫn còn quá chậm chạp bởi vì chưa đặt đúng được địa vị của nghệ sĩ trong xã hội và bao lâu người nghệ sĩ chưa đứng vào đúng chỗ của mình thì các xã hội của chúng ta còn tiếp tục xâu xé nhau và tiếp tục đau yếu.
Người ta đã dám trách rằng Phạm Duy bây giờ không còn nghèo như trước nữa! Nhân danh cái chân lý thần thánh nào, nhân danh cái nguyên tắc nào, mà bắt buộc nghệ sĩ phải nghéo nàn, phải sống cơ cực? Riêng tôi, mà con đường còn dài mới đi đến đia vị một nghệ sĩ thực sự, tôi dám xác nhận rằng vị trí của người nghệ sĩ trong xã hội chúng ta đang lẽ phải là một trong những vị trí cao nếu không phải là vị trí cao nhất. Nghệ sĩ là linh hồn, là sức mạnh của một xứ sở, là một đảm bảo cho sự liên tục và sự trường tồn của cuộc sống một nước qua thời gian. Sở dĩ cái tiếng Việt Nam có thể gợi nơi tôi một chút ý tưởng hoà bình và đẹp đẽ, nhân ái và từ thiện, sở dĩ trải qua nhiều tháng nhiều năm, tôi đã có thể yêu mến nước Việt Nam ít ra cũng như yêu mến chính nước tôi, sở dĩ như thế trước hết và trên hết là chính nhờ Phạm Duy và một số nghệ sĩ Việt Nam khác. Tôi có cần nói thêm chăng? Vâng, tôi kính trọng và ngưỡng mộ Phạm Duy, con người phi thường, vào những năm 40, đã quyết định trung thành với định mệnh gian nan và độc đáo của mình.
Những sự quá độ sau này trong cuộc đời của Phạm Duy sẽ có tính cách khác hẳn, và một số đã bị lên án quá nghiêm khắc. Tôi không hề có ý phán xét về các hành động và cử chỉ của Phạm Duy trong đời, bởi vì muốn thế, trước hết phải phán xét một số xã hội mà nền đạo lý khắt khe nghiêm túc chỉ là ngụy thiện : ở Việt Nam cũng như ở mọi nơi khác trên hoàn cầu, thường thường người ta hể hả với tội lỗi của kẻ khác để đền bù lại sự thiệt thòi của mình không phạm được tội lỗi đó. Tôi cũng không hề có ý định bênh vực Phạm Duy để bênh vực luôn cả các... ông chồng Việt Nam bay bướm ! Tuy nhiên có lẽ tôi thấy nên nói rằng không phải ông chồng Việt Nam hư nết nào cũng đều là Phạm Duy cả, và còn lâu thì những chuyện lăng nhăng của họ mới đưa đến những nhạc phẩm như Ngày Ðó Chúng Mình hay Kiếp Nào Có Yêu Nhau.
Nhưng có điều này quan trọng hơn : là những ai lấy làm khó chịu hay bất bình vì cử chỉ hay hành vi của con người ấy, nhưng lại yêu thích các bản nhạc ấy, xin hãy hiểu rằng những hành động quá độ đã bắt nguồn từ những tình cảm quá độ, đã từng tạo ra những cái đẹp quá độ, cái súc động tuyệt vời của bao nhiều nhạc phẩm Phạm Duy. Ðó không phải là mối liên hệ duy nhất của con người và tác phẩm, nhưng -- theo tôi -- đó là mối liên hệ quan trọng nhất. Ðó là mối liên hệ nhân quả. Những bản Trường Ca, Dân Ca, Tình Ca, Tâm Ca và bao nhiều tác phẩm khác không thể được như thế -- và còn không thể ra đời được -- nếu con người sáng tạo ra chúng không phải là con người như thế, nồng nàn, nhiệt liệt, quá độ. Người tầm thường thì làm ra tác phẩm tầm thường. Người phi thường thì làm ra tác phẩm phi thường. Nếu tác giả Giọt Mưa Trên Lá là một kẻ tầm thường thì có lẽ người ta chỉ biết một Phạm Duy Cẩn, mà cả Việt Nam và thế giới không bao giờ biết đến một Phạm Duy. Bởi vì tôi cần phải nói rằng nếu tôi không thể tưởng tượng nối Phạm Duy mà không có Việt Nam thì tôi cũng không thể nào tưởng tượng ra một Việt Nam mà không có Phạm Duy.
Cá tính mạnh mẽ của con người ấy, sự gắt gao, sự trung thành gan dạ đối với sứ mệnh của mình, với tình cảm của mình, với bốn phận của mình, chính giá trị của bản chất tâm hồn nhiệt thành và quá độ ấy -- một lần nữa -- đã đem đến cho chất thơ chất nhạc của Phạm Duy sự xúc động tuyệt vời, sức lôi cuốn, làn dư hương nhân ái thống thiết độc nhất và chưa hề có.
Chúng ta cần phải tha thứ rất nhiều cho Phạm Duy bởi vì con người ấy để cống hiến rất nhiều. Hơn ai hết, nghệ thuật của Phạm Duy là một cống hiến của con tim. Vả lại hành vi của người nghệ sĩ là thứ yếu, cái chúng ta cần lưu ý là tác phẩm, luôn luôn và mãi mãi là tác phẩm. Các hành động của nghệ sĩ trong cuộc đời trần thế, thuộc về họ, và chỉ là những hành động nhất thời. Chỉ có tác phẩm là vĩnh cửu.
Montréal, 8/1970
Georges Etienne Gauthier
Võ Phiến dịch
(Tạp chí Bách Khoa 1970-1972)