Bài Mở Đầu
- Chi tiết
- Georges E. Gauthier
- Lượt xem: 2669
(nguyên bản Pháp Văn - Võ Phiến dịch)
Khởi đăng trên báo Bách Khoa từ số 332 (1/11/70) qua các số 334, 335, 337, 339, 340, 342, 345, 346, 347, 350, 354, 355, 363, 367, 372 và chấm dứt trong số 375, tháng 7-1972.
Lời Toà Soạn.- Tác giả bài này, Georges Etienne Gauthier, sinh quán ở Bonaventure miền cực Ðông của Gia-nã-đại, tòng học tại Ecole Supérieure de Musique Vincent d'Indy ở Montreal, nơi có gần 300 sinh viên Việt nam theo học trong ba trường đại học lớn. Có thể do sự tiếp súc với những sinh viên Việt nam tại Montreal và cũng có thể do cuộc chiến tranh dai dẳng ở Việt nam -- đã làm cho cả thế giới xúc động và lưu ý đến đất nước đau khổ này -- mà Gauthier để tâm nghiên cứu nhạc Việt từ nhiều năm nay, từ nhạc cổ truyền đến nhạc mới, từ sáng tác phẩm của các nhạc sĩ miền Bắc Việt tới các nhạc phẩm của nhạc sĩ Nam Việt, sưu tập rất nhiều ấn phẩm, đĩa hát, băng nhạc của nhạc Việt hai miền. Mộng ước của Gauthier là giới thiệu niềm rung cảm của dân tộc Việt qua âm nhạc, giới thiệu các nhạc sĩ Việt nam với thế giới.
Trong khi nghiên cứu nhạc Việt, Gauthier đã ''gặp'' nhạc Phạm Duy và nảy sinh lòng cảm mến sâu xa đối với người nhạc sĩ Việt nam, trong ba mươi năm, đã sáng tác trên 400 bản nhạc đủ loại. Cũng do đó mà Gauthier đã muốn viết một loạt bài về nghệ thuật của Phạm Duy để đăng trên tạp chí Bách Khoa và sau đây là bài đầu của loạt bài này mà tác giả đã viết bằng Pháp ngữ, Thu Thủy (Võ Phiến) dịch sang tiếng Việt.
Phạm Duy và nhạc Phạm Duy, từ Bắc đến Nam, từ thôn quê đến thành thị, đã trở thành quá quen thuộc với tất cả mọi người. Các bài viết về nhạc Phạm Duy, về Phạm Duy, khen có chê có, cũng đã đến tay bạn đọc từ trước tới nay khá nhiều. Bởi vậy trong bài sau đây bạn đọc thấy những nhận xét của Gauthier về Phạm Duy có thể không còn gì mới lạ nữa. Nhưng điều làm cho chúng ta xúc động ở đây, chính là, qua nhạc Phạm Duy, qua tâm tình cảm mến đối với Phạm Duy, tác giả loạt bài này đã mến yêu và xót thương đất nước Việt nam, dân tộc Việt nam như một tổ quốc thứ hai của mình.
Toà Soạn Bách Khoa
Mức Khởi Hành
Tôi nghĩ rằng không bao giờ tôi quên được một buổi chiều tháng bẩy 1968 ấy... một người thân vừa trao cho tôi một cuốn băng với giọng ca tuyệt vời của Thái Thanh trình bày bốn bài tâm ca đầu và nhiều bài khác của Phạm Duy. Sự hiểu biết của tôi về Việt ngữ hãy còn hạn hẹp, nhưng vì đã có người dịch cho tôi một số tác phẩm của Phạm Duy nên tôi hiểu khá rõ những lời của các bài tâm ca ấy. Bởi vậy, những nỗi đau thương của Tôi Ước Mơ và của Tiếng Hát To, những niềm hi vọng của Ngồi Gần Nhau và những giọng thống thiết của Giọt Mưa Trên Lá càng thấm sâu vào tôi thì càng làm cho tôi bị xúc động đến chỗ sâu thẳm nhất của tâm hồn.Hồi đó, tôi đã quá quen thuộc với nghệ thuật của Thái Thanh và Phạm Duy, nhưng qua những giọt nước mắt cảm xúc ràn rụa trong chiều ấy, tôi đã hiểu thêm được rất nhiều điều. Tôi hiểu rằng một xứ sở đã hun đúc nên những tâm hồn nghệ sĩ như thế, xứ sở ấy dù điều linh đến đâu vẫn là một xứ sở đã được cứu độ. Tôi lại còn hiểu được những gì gọi là phổ quát và vĩnh cửu trong nghệ thuật của Phạm Duy và Thái Thanh.
Khởi đầu loạt bài viết về nghệ thuật của Phạm Duy, tôi hoàn toàn ý thức được tầm rộng lớn và nỗi khó khăn của công việc mình làm. Cũng như tôi biết rõ sự quan trọng và -- xin thú thực -- sự liều lĩnh của tôi. Nhưng đúng ra vì Phạm Duy chưa bao giờ được một cái nhìn chăm chú của giới nhạc học Tây phương. Bởi vì nếu con người Phạm Duy thuộc về nước Việt Nam, nhưng tác phẩm Phạm Duy thuộc về toàn thể nhân loại. Ðã có nhiều báo viết về Phạm Duy -- tôi được biết một số lớn những bài ấy -- và người ta đã bảo rằng tất cả những gì đang nói về người nghệ sĩ ấy, từng được nói lên rồi.
Quả thực đã có nhiều điều nói về Phạm Duy, nhưng theo ý tôi thì không phải tất cả đã được nói lên. Trái lại, tôi còn dám bảo rằng có lẽ điều quan trọng nhất chưa được nói lên hoặc viết ra. Vả chăng, tôi cũng không nghĩ rằng mình nắm được cái chân lý về Phạm Duy. Vậy những bài này, trước tiên chỉ mong diễn đạt được một chân lý, chân lý của tôi mà thôi. Tuy vậy, vì lòng mến yêu và kính trọng đối với Phạm Duy, vì lòng trung thực đối với nghệ thuật và đối với chính mình, dĩ nhiên tôi sẽ cố gắng tiến gần đến cái chân lý tuyệt đối, được bao nhiều hay bấy nhiêu. Ðộc giả sẽ phán đoán tôi có đạt được mục đích hay không.
Ðây đó, trong loạt bài này, người ta sẽ có cảm tưởng gặp một Phạm Duy được duyệt lại và sửa chữa. Tuy nhiên tôi không hề dám có dụng ý chỉ vẽ cho người Việt Nam biết ''thưởng thức tác giả của những thiên trường ca''. Không, thực ra là vì ngay từ lúc đầu, tôi thấy cần phải đề cập đến tác giả và tác phẩm bằng một cách mới mẻ, gạt bỏ hết những huyền thoại chung quanh người ấy và nhạc ấy. Vâng, tôi thấy việc phác họa ra những lực tuyến chân chính của vũ trụ Phạm Duy một cách chính xác và thông minh mới là quan trọng. Tôi thấy việc tìm hiểu những lý do đã khiến cho tác phẩm của Phạm Duy thành ra tác phẩm duy nhất và tuyệt vời, đó mới là quan trọng. Chỉ ca ngợi, không đủ. Chứng nhận thiên tài là dễ, quá dễ nữa, bởi vì thường thường điều ấy ngăn cản không cho ta phải băn khoăn tìm tòi.
Không, con người và tác phẩm Phạm Duy luôn luôn sẽ cần được tái khám phá, bởi vì cả hai đều phức tạp và phong phú. Tôi nhận thấy chỉ có sự ngạc nhiên sâu xa, luôn luôn đối mới, mới có thể làm căn bản cho một thử thách tìm hiểu Phạm Duy. Và trong loạt bài này, tôi chỉ có một tham vọng duy nhất là chia xẻ với độc giả sự ngạc nhiên, lòng ngưỡng mộ và niềm tin của tôi đối với tác phẩm của con người nghệ sĩ tài tình là Phạm Duy.Tôi cũng cần phải nhấn mạnh thêm về điểm này, là mối cảm tình của tôi đối với Thái Thanh và Phạm Duy không hề làm suy giảm cảm tình đối với nhạc sĩ hay ca sĩ Việt Nam nào khác. Nghệ thuật của các nhạc sĩ và ca sĩ khác của Việt Nam cũng được tôi hiểu biết kỹ càng như trường hợp Thái Thanh và Phạm Duy, và nghệ thuật của các vị ấy đáng được đặt giá trị đúng mức: ai cũng có chân lý của mình. Nhưng không một ai có thể phủ nhận tầm quan trọng đặc biệt của Phạm Duy và Thái Thanh trên tiền trường nghệ thuật Việt Nam suốt ba mươi năm nay. Rõ ràng nghệ thuật của hai nghệ sĩ này đã vượt khỏi biên giới nước Việt Nam.
Georges Etienne Gauthier
Võ Phiến dịch
(Tạp chí Bách Khoa 1970-1972)