Ai Mang Bụi Đỏ Đi Rồi
- Chi tiết
- Nguyễn Đăng Khoa
- Lượt xem: 6183
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng hòa mau..."
(Ngày xưa Hoàng Thị - Thơ :Phạm Thiên Thư)
Phạm Duy và Phạm Thiên Thư
Những bước chân trên cát, rất nhẹ mà lại rất sâu. Nhưng, dù rất sâu nhưng cũng lại rất mong manh, dễ nhạt nhòa, dễ hòa vào dĩ vãng ...Như chưa từng có một điều gì chạm vào tim cả ... Thật đáng tiếc là trong bài hát cùng tên mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc lại không có bốn câu thơ rất hay vừa nêu trên. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị" trở thành một tuyệt khúc - hiện tượng được hầu hết mọi người yêu mến thời bấy giờ, giai đoạn khoảng những năm 1970. Mỗi lần nghe bài hát này là lại nhớ đến bố tôi. Kể rồi vẫn muốn kể lại nhiều lần rằng mỗi khi bố có ít men say là lại hát. Mà độc đáo, ông lại chỉ hát có mỗi một bài này :
"Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay"
Bố hát tương đối truyền cảm, trầm ấm. Tôi cảm thấy vậy. Cho đến bây giờ, khi đã cao tuổi thì tôi cũng ít thấy bố hát hơn. "Ngày xưa Hoàng Thị" có thể đơn giản hiểu là một bài thơ viết về những kỷ niệm về tình cảm học trò nhẹ nhàng của ông dành cho cô gái có tên Hoàng Thị ngày xưa - Cô Hoàng Thị Ngọ. Sở dĩ cô có cái tên là lạ như thế là do cô sinh năm Ngọ, ông bà ngày xưa thường có nhiều con, nên chắc có lẽ họ đặt luôn cho cô tên Ngọ, để dễ nhớ. Có điểm rất thú vị với tôi khi đọc những tài liệu về bài thơ này là ngày đó nhà thơ Phạm Thiên Thư sống gần nhà tôi, đường Trần Khắc Chân, khu Tân Định. Còn cô Ngọ lại sống ở đường Trần Quang Khải, ngay sát bên. Thú vị hơn, ngôi trường mà họ học chung lại là trường Văn Lang, là trường mà sau này cả cuộc đời nhà giáo của mẹ tôi gắn bó ở đó. Cô Ngọ - nữ sinh ngày ấy có dáng người thanh mảnh, tóc buông xõa hai vai. Theo lời kể của nhà thơ Phạm Thiên Thư thì khi lớp đứng xếp hàng, cô Ngọ thường đứng đầu hàng bên nữ, ông thì đứng cuối dãy bên nam, nên tha hồ ngắm nàng để đêm về mơ tưởng... Ở cái tuổi trăng tròn, với bọn nam sinh thì những cô nữ sinh hiền thục, đoan trang, mảnh mai như sương rất dễ theo các anh chàng vào giấc mơ lạ lẫm đầu tiên trong đời . Để rồi, các anh chàng dẫu có người chưa từng trồng được một cây gì ra hoa, quả thì lại bắt đầu tập tễnh học cách trồng cây ... si :
"Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Anh đi theo hoài
Gót giày thầm lặng..."
Phạm Thiên Thư kể lại những kỷ niệm của tôi thật giản dị như thế này :
"Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của tôi không cho bất cứ ai biết". Không rõ là cô gái "vai nhỏ tóc dài" ấy có biết anh chàng này theo mình "trưa trưa chiều chiều" hay không, nhưng chắc chắn rồi cô sẽ nhận ra tình cảm của anh chàng. Khi đến một hôm, anh ta tỏ tình. Bằng một cành hoa. Dĩ nhiên là bằng cả một sự can đảm phi thường nào đó, của một cậu thư sinh :
"Em tan trường về
Mưa bay mờ mờ
Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ép vào cuốn vở
Muôn thuở còn thương còn thương...."
Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc từ thơ Phạm Thiên Thư như vậy. Không hề giống bản thơ gốc. Do có giai điệu, âm thanh cho nên lời hát được Phạm Duy viết lại, thoáng ra, bay bổng hơn theo nhạc nhưng vẫn giữ được hoàn toàn những điểm mấu chốt của bài thơ. Chẳng hạn với đoạn hát trên thì đoạn thơ được phổ tương ứng là:
"Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuốn vở
Thương ơi! Vạn thuở
Biết nói chi nguôi..."
Đoạn thơ có nét hay riêng, và đoạn nhạc lại có nét đẹp riêng của nó. Mỗi tác phẩm có một đời sống tương đối riêng tư, và tỏa sáng theo cách riêng của mình. Đó là điều rất hay chỉ có trong nghệ thuật. Khi "phượng nở, sang hè", thì họ chia tay nhau. Nhiều năm về sau, chàng thư sinh kia - lúc này đã là một người đàn ông trưởng thành, có lần quay về đường xưa. Nhưng khi ấy, anh ta chỉ biết hỏi rằng : "Ai mang bụi đỏ đi rồi" mà thôi... Và mối tình "như đi trên cát" ấy lại không dễ hòa mau mà lại đi vào lòng mọi người, trở thành một chuyện tình thơ mộng khó quên .
Nguyễn Đăng Khoa
3/2014
Nguồn: Bài do tác giả gởi về