PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Hương Thời Gian Thanh Thanh

"Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh..."
(Màu thời gian - Đoàn Phú Tứ)

Màu Thời Gian - Phạm Duy phổ thơ Đoàn Phú Tứ - Thái Hiền trình bày


Nằm trong ngàn lời ca để lại của nhạc sĩ Phạm Duy, ca khúc "Màu thời gian" được phổ từ bài thơ cùng tên của Đoàn Phú Tứ có một vẻ đẹp đặc biệt. Dường như đó là vẻ đẹp cổ phong bàng bạc một thời quá vãng. Cũng có thể do bản thân bài thơ sử dụng hầu hết thanh bằng làm chủ đạo để diễn dịch cảm xúc cho nên âm nhạc nương vào đó cũng mang lại sự lắng đọng, sự tĩnh yên hiếm có đến cho thính giả lắng nghe.

Những ngày Sài Gòn của tôi với nhạc Phạm Duy thật đặc biệt. Lùng sục mọi ngốc ngách, chỉ để lắng nghe âm nhạc Phạm Duy. Có những bài nghe qua đã có thể hát lại, hát theo một cách say sưa. Mặt khác cũng có một vài bài nghe đi nghe lại đã rất nhiều lần nhưng chưa khi nào nghĩ bản thân có thể đủ chững chạc, đủ trưởng thành để thấu trọn vẻ đẹp kín đáo của nó. Có lẽ đó là những sự ám ảnh cho đến nhiều năm về sau mà tôi phải tự "trả nợ" với bản thân. "Màu thời gian" là một ca khúc như vậy.

"Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình..."

Bài thơ "Màu thời gian" riêng nó đã có một vị trí đặc biệt vượt thời gian. Đây là bài thơ duy nhất của tác giả Đoàn Phú Tứ được tuyển chọn đưa vào tập "Thi nhân Việt Nam" (Hoài Thanh - Hoài Chân) và cũng là bài duy nhất nhận được lời bình của chính tác giả "Thi nhân Việt Nam". Về sau này, có rất nhiều bài bình chuyên sâu khác đã chỉ ra được mọi ngóc ngách vẻ đẹp của bài thơ. Từ sự chuyển thể từ thơ tự do sang ngũ ngôn và thất ngôn cổ, về nghệ thuật sử dụng âm bằng, về những từ ngữ được dùng rất đắt làm nên nét đẹp hiếm có của "Màu thời gian"...

Bản thân tôi thì đặc biệt yêu thích những tích xưa được đưa vào bài thơ này. Nó gắn liền với nét trầm mặc của triều vương phong kiến, của hoàng cung, vua chúa, phi tần, những cổng hoàng thành nằm âm u trong một miền nào đó, xa lắm thời đại hiện nay.

"Ngàn xưa không lạnh nữa - Tần Phi!
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian."

Thời cổ, một hoàng đế có rất nhiều phi tần để sủng ái. Chuyện rằng có một Vương phi là Lý phu nhân trước khi qua đời đã kiên quyết không cho vua gặp mặt. Phu nhân sợ rằng nhà vua trông thấy tôi già cỗi, không còn huyền diễm nữa thì vua sẽ hết yêu, sẽ thất vọng về dung nhan của bà.

Chữ "Tần" và "Phi" được biết là tên hiệu riêng của các Cung phi thời đó.

"Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng"

Tích thứ hai liên qua đến lọn tóc mây rơi dưới chiếc dao vàng để dâng phụng quân vương. Đó là chuyện của Dương Quý Phi khi mới vào cung do tính khí hay ghen tuông nên có thời gian bị Đường Minh Hoàng biệt giam một cõi. Tuy nhiên, nhà vua nhiều khi nhớ mỹ nhân nên sai thuộc hạ là Cao lực sĩ đến thăm. Dương Quý Phi xin chiếc dao vàng cắt một lọn tóc mây để nhờ gửi đến Vua. Vua trông thấy xúc động cho vời mỹ nhân về lại Hậu cung.

Hai câu chuyện xưa được Đoàn Phú Tứ gom chung vào một nỗi niềm, dâng lại cho người xưa bằng một "Trời mây phảng phất nhuốm thời gian"...

Nằm bên ngoài tích cũ thì trong bài tiểu luận rất đặc sắc "Tím ngát màu thời gian" của tác giả Chế Diễm Trâm có đề cập trực tiếp đến một câu chuyện của riêng Đoàn Phú Tứ. Đây lại chính là hoàn cảnh ra đời trực tiếp của bài thơ bất hủ này. Xin được lược trích dưới đây :

"Câu chuyện khác tương tự" gắn với "giai nhân quá cố" của thi sĩ họ Đoàn chính là ái nữ của nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh. Nàng chánh tên Nguyễn Thị Vân (1913 – 1938) mất năm hai lăm tuổi do bệnh nan y về phổi. Hồi ký của Nguyễn Lương Ngọc viết: "Ngày ấy, tôi có đi học ký xướng âm ở Nhạc viện. Tôi cùng học với một thiếu nữ con nhà quan, người mềm mại, mặt đẹp, đặc biệt nàng có đôi mắt mở tròn, toàn lòng đen, đôi mắt bồ câu. Tôi đã nói chuyện với anh Tứ về sự hội ngộ này. Và chúng tôi thường đạp xe lên Hồ Tây nghe nàng dạo đàn. Được ít lâu sau, chúng tôi nghe tin nàng ốm nặng. Anh Tứ bạo dạn xin được vào thăm. Không biết ý tứ ra sao mà nàng khước từ. Anh Tứ liền nghĩ đến điển xưa, có một nàng cung phi đã từ chối không tiếp "quân vương", có lẽ không muốn để lại trong con mắt của quân vương hình ảnh tàn tạ của mình. Điển cố này đã làm thành tứ thơ..."[1]

Như rất nhiều bài hát phổ thơ khác thì cái hay của Phạm Duy nằm ở chỗ người làm nhạc không ép thơ phải bay theo nhạc của riêng mình mà người nhạc sĩ tài hoa này đem nhạc hoà cho đượm vào thơ, cùng thơ thăng trầm theo nhịp cảm vốn có của bài thơ. "Màu thời gian" vì thế không những giữ được nét đẹp riêng có của một bài thơ đáng nhớ mà còn được yêu hơn ở hình hài là một bản nhạc tuyệt vời.

"Màu thời gian" là một bài hát không thường được trình diễn trước sân khấu sáng đèn. Nhưng có lẽ như thế thì người thưởng ngoạn lại ưu ái hơn cho "Màu thời gian". Người ta sẽ để cho bài hát vang lên ở một không gian nào đó thật riêng, thật tĩnh cho bản thân của tôi được hoà vào âm nhạc, lời thơ.

Và mỗi khi nghe lại bài hát thì ai đó lại tự hỏi rằng có chăng một nét đẹp nào là vĩnh cửu chống lại được bước đi tàn nhẫn của thời gian?

Nếu không tìm được câu trả lời, tất cả hãy cùng ngậm ngùi với "Màu thời gian tím ngát" cùng Đoàn Phú Tứ, cùng Phạm Duy trong một giây phút ngắn ngủi.

Rồi thôi.


Nguyễn Đăng Khoa

[1] Tím Ngát Màu Thời Gian - http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18979