Trường Ca Hàn Mặc Tử
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 5302
Phải nói rằng thơ Hàn Mặc Tử đã ám ảnh tôi từ khi tôi biết yêu những bài thơ đầu đời của ông và còn yêu cho tới bây giờ. Tôi làm quen với thơ Hàn Mặc Tử từ lúc còn đi học. Rồi theo rõi thơ ông cũng như những bài viết về ông. Đọc cuốn THI NHÂN VIỆT NAM thì thấy Hoài Thanh cho thơ Hàn Mặc Tử là quái dị.
Vũ Ngọc Phan thì viết :
'' Thơ Hàn Mặc Tử có những thi hứng dồi dào nhưng phần nhiều khúc mắc, nhạc điệu hình như không phải là phần quan hệ, lời thơ nhiều khi rất thô. Bệnh ông lại làm cho ông có những ý tưởng khác thường nên nhiều bài thơ của ông chỉ là những bằng chứng rất lạ cho những ai muốn khảo sát về một tâm trạng, một tâm hồn đau khổ...''
Người hết lòng bênh vực thơ Hàn Mặc Tử như Trần Thanh Mại thì đưa thơ Hàn Mặc Tử lên ngang hàng với thơ của Byron, Edgar Poe, Tourgeniew.
Đọc Phạm Thế Ngữ trong VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ thì thấy nhà khảo cứu này cho rằng thơ Hàn Mặc Tử, vào lúc đầu, ca tụng ái tình với một giọng suồng sã đắm đuối, rồi vì ác bệnh nên thi sĩ lấy Đạo như một lẽ sống tuyệt vời và trút vào thơ những chứng nghiệm của tâm hồn ông ráng leo lên đỉnh Thượng thanh.
Bị quyến rũ bởi thơ Hàn Mặc Tử cho nên vào năm 1958, tôi đã phổ nhạc bài thơ Tình Quê. Bài Giết Người Trong Mộng soạn vào cuối thập niên 60 thì xuất xứ từ hai câu thơ của thi sĩ mà có lẽ vì tôi không cực kỳ đau khổ như ông nên tôi kết luận là nên Giữ Người Trong Mộng.
Vào khoảng 1993, sau khi đi vào đạo khúc, thiền ca vì lý do tôi cảm thấy đời sống VN thiên quá nhiều về nhạc trần tục và cần phải có nhạc tâm linh... đột nhiên tôi thấy chủ đề này có thể biểu lộ một cách hùng hồn bằng cách dùng thơ Hàn Mặc Tử, vì thi sĩ đã lấy Đạo như một lẽ sống tuyệt vời và trút vào thơ những chứng nghiệm của tâm hồn mình.
Trước khi soạn Trường Ca hay Chương Khúc Hàn Mặc Tử, tôi đã đọc hầu hết những bài thơ của thi sĩ. Thì ra tôi tìm thấy trong thơ ông những chủ đề mà tôi theo đuổi từ lâu là chủ đề về Tình Yêu, về Sự Đau Khổ, về Cái Chết và về Đạo.
Tôi chia nhạc phẩm này ra làm 3 phần :
Phần I nhan đề TÌNH QUÊ gồm những bài Tình Quê, Đây Thôn Vĩ Giạ, Dalat Trăng Mờ. Phần này diễn tả sự bình thản trong lòng của một con người trong thời Việt Nam thanh bình để, trước hết... có anh thơ thẩn trước sân nhà, có anh đắm đăm trông nhạn về. Rồi anh nhìn thấy mây chiều phiêu bạt, anh bước ra khỏi sân nhà để lang thang trên đồi quê... Anh là thi sĩ Hàn Mặc Tử mà cũng là chúng ta trong thuở Việt Nam thanh bình đó.
Trước đây, chúng tôi thử thách đi vào nhạc đa điệu với những selections Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam - Nhạc Hòa Tấu, Rong Ca, Thiền Ca mà phần giai điệu thiên về nhạc ngũ cung... thì bây giờ với Trường Ca Hàn Mặc Tử, vì tính chất siêu thực của thơ, nhạc thất cung phải chiếm đa số trong giai điệu. Để cho không khí Việt Nam không bị bỏ quên, trong phần phối khí (orchestration), Duy Cường quyết định dùng âm thanh của nhạc cụ dân tộc, ví dụ dùng tiếng sáo Mèo để mô tả sự đau đớn tới tê dại của bệnh phong hay sự hãi hùng của cái chết.
Mở đầu là bài Tình Quê vốn là bản hát đã có sẵn từ những năm trước... lần này, bài hát không cần phải hát ngay và hát liên tục mà có thể hát lên từng đoạn. Nhạc Duy Cường ở đây là nhạc chiều (serenade), là nhạc ấn tượng (impressionist) rất tha thẩn, quanh co, lang bạt, man mác. Giọng hát Duy Quang rất bình thản, nhẹ nhõm bởi vì dường như con người và cảnh vật vào lúc này đều chìm đắm trong một hạnh phúc êm đềm...
Một đoạn intro (không ghi lại ở đây) mượn câu nhạc đầu (re si, la la fa#, fa# mi, re si la...), dùng tiếng sáo để diễn tả cảnh buổi chiều Việt Nam rất yên tĩnh, rất an bình... rồi mới vào đoạn có ca từ (Duy Cường dùng nhiều hợp âm minơ 7, nghe rất lãng mạn) :
Sau đó là đoạn B :
Đoạn sau là sự nhắc lại đoạn A (thành đoạn A’) :
Cách xa nhau muôn dặm
Nhớ chi tới trăng thề
Ai dù không lắng đợi
Hay ai không lặng nghe.
Cấu trúc gồm ba đoạn :
1. cấu trúc chính là A
2. biến thể của cấu trúc là B
3. cấu trúc ban đầu là A’
Rồi tới một đoạn nhạc major (coi như là bridge ngắn) không lời, êm đềm nhưng giục giã, để chuyển qua đoạn minor có vẻ nhộn nhịp hơn :
Một đoạn bridge (nhạc không lời) nữa... rồi Duy Quang hát lại mấy đoạn A, B để hết, cuối cùng là đoạn ending với motif chính.
Diễn tiến âm nhạc của bài đầu vừa rồi là sự mô tả con người đi trên hành trình hồn nhiên của tuổi nhỏ. Bây giờ là đoạn nói tới sự xôn xao của tình trẻ :
... Tình yêu đến, anh đi khỏi vùng đồi quê miền Bắc để vào gặp em ở vùng cố đô Huế. Em bèn mời anh... về chơi thôn Vĩ để nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, đôi tình nhân đắt nhau vào vườn ai mướt quá xanh như ngọc với lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Từ giai điệu qua hoà điệu tới tiếng hát Thái Hiền, tất cả đều phải rất mượt mà, rất đậm đà, rất ngọc ngà... dù áo em chỉ là áo trắng, hoa đây chỉ là hoa bắp, dòng nước kia chỉ là nước buồn thiu...
Intro do Duy Cường viết, rút từ leitmotif la si (do) re mi fa#,với tiếng sáo réo rắt trên một nền giai điệu với hơi Huế, rồi có giàn violins phóng một nét dài mô tả sự im lìm của giòng nước buồn thiu và hoa bắp lung lay... Rồi Thái Hiền mới hát, với giọng hát không cần phô diễn tình cảm, có thể nói giấu diếm tình cảm là khác.
Đoạn B tiếp theo chuyển qua Mi minor nhưng vẫn là cảnh thôn Vỹ Dạ trong đêm. Yên tĩnh, trong trẻo, như con thuyền chờ trăng lên để chở trăng đi...
Trở về đoạn A (bây giờ là A’), rồi chuyển qua đoạn C để hết :
Bài thứ ba của Phần I, Dalat Trăng Mờ, là tiếng gọi sâu lắng của nội tâm đã biết băn khoăn thao thức trong sự tìm kiếm...
... Rồi con thuyền đậu trên sông trăng xứ Huế hay lối gió đường mây nào đó sẽ đưa đôi tình nhân đi xa hơn nữa, đi vào một miền huyền mơ thực huyền mơ, tức là miền Dalat Trăng Mờ, có hàng thông lấp loáng đứng trong im lìm, có làn sương nhạt, có tiếng nước hồ reo, có tơ liễu run trong gió...
Tính chất thiêng liêng phải được nổi bật trong đoạn này qua sự nhắc đi nhắc lại một nhạc đề có nét nhạc minơ hơi giống âm giai Nhật Bản cho nên dùng tiếng sáo shakuhachi... để rồi chuyển qua đoạn majơ trong sáng ở cuối bài. Hoà âm của Duy Cường càng làm tăng giọng rất đắm đuối của Tuấn Ngọc. Bời vì thi sĩ Hàn Mặc Tử đã thấy ĐẠO ở tất cả, ở đáy nước hồ reo, nhất là ở TÌNH YÊU cho nên toàn thể ca khúc là một sự nín thinh. Khi nghe trời giải nghĩa chữ YÊU thì phút thiêng liêng đã khởi đầu. Cả bầu trời nhuộm một mầu trăng. Tất cả nín thinh. Cả lòng tôi cũng im tiếng. Không một tiếng gì nghe đụng chạm dù rằng có tiếng nổ vỡ của sao băng tức là của vũ trụ.
Motif, giai điệu của Dalat Trăng Mờ nằm trong âm giai Do reb fa sol lab sib do với Intro dùng tiếng kèn oboe để mô tả cảnh đêm huyền mơ, đắm đuối... và đàn harp thì diễn tả sóng nước lăn tăn trên mặt hồ... trước khi Tuấn Ngọc hát 2 lần câu hát chính, mỗi lần khác nhau trong melody (giống như nhạc thuật tôi thường dùng) :
Láy lại (repetition) đoạn A :
...nhiều
Xin hãy nín thinh chẳng nói nhiều
Ðể nghe đáy nước hồ reo nước hồ reo
Ðể nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa chữ YÊU
. . . . . . .
Ðây phút thiêng liêng đã khởi ý đầu
Qua tới đoạn B là sự chuyển cungqua giọng majơ, vẫn là cảnh Dalat trăng mờ và hàng thông lấp loáng...
Đoạn A’ (tức là A) là repetition của nhạc điệu chính. Cuối cùng, thêm đoạn C với giọng majơ là sự kết thúc của Phần 1.
Phần 1 vừa rồi với ba đoạn. Đoạn khởi đầu, từ hành âm êm ả thanh thoát đến đoạn vẳng xa u uẩn, rồi chuyển sang đoạn sâu lắng ngẩn ngơ. Xin nhắc lại : Diễn tiến âm nhạc gợi được hình ảnh con người đi trên hành trình hồn nhiên của tuổi nhỏ đến xôn xao tình trẻ, rồi đến tiếng gọi sâu lắng của nội tâm đã biết băn khoăn thao thức trong sự tìm kiếm. Không gian âm nhạc là không gian chiều tà đi vào đêm sâu, tính cách của nhạc cũng vì thế mà êm ả lãng đãng như sérénade hay nocturne của nhạc cổ điển.
Qua tới Phần II, phần Trăng Sao, phần nói tới sự đau thương và điên loạn đến tột cùng của thi sĩ. Khiến cho thi sĩ nhiều lần phải ngất đi, hồn lìa khỏi xác. Phần này gồm các phân khúc 4, 5 và 6 :
Phân Khúc 4 là đoạn tán thán về sự mầu nhiệm của ánh trăng. Tính cách của âm nhạc là tính cách thánh ca, nhưng đối tượng của lời tán thán không là hình tượng siêu nhiên mà chỉ là ánh trăng. Nhà thơ bị trăng mê hoặc và tắm đẫm mình trong ánh trăng. Ðấy là khởi điểm của những xúc cảm thơ trong THƠ ÐIÊN - ÐAU THƯƠNG, tập thơ HMT làm từ khi phát bệnh phong. Hành âm của phân khúc lần lượt đi qua bốn biến điệu : vầng trăng --> chơi với trăng --> trăng tự tử --> rượt trăng.
Trăng Sao là cái gì cao xa lắm, sáng láng lắm. Cho nên có ai ở trên đời này mà chẳng mê trăng sao ? Kể từ William Shakespeare, Lý Bạch tới Tản Đà... Và Hàn Mặc Tử của chúng ta cũng đã yêu trăng.
Cho nên với đoạn mở đầu của Phần II, trong đoạn A, Trăng Sao Rớt Rụng, sau khi đã tìm thấy sự thiêng liêng, thi sĩ lạy xin Chúa :
Lạy Chúa tôi ! Lạy Chúa tôi ! Lạy Chúa tôi !
Ôi vầng trăng cao sáng
Lạy Chúa tôi ! Lạy Chúa tôi ! Lạy Chúa tôi !
Xin ban cho sáng thêm lên.
Sáng thêm lên cho không gian rất đẫm,
Cho hồn thơ mát rợn tới hương nguyền...
Thế rồi cũng như những người chạy cuống cuồng đi tìm hạnh phúc ở trăng sao, thi sĩ cũng chạy theo trăng sao. Có lẽ đây là lần đầu tâm trạng khúc mắc của HMT được thể hiện một cách cụ thể qua hình tượng gợi tả của âm nhạc. Nhạc vờn múa như trong cơn say trong một kết cấu đẹp : hình tượng âm nhạc tăng cường độ xúc cảm dần qua từng biến điệu, cho đến cuối biến điệu thứ tư.
Đoạn B trước tiên là câu nhạc chuyển (modulation) từ Mib của đoạn trước sang giọng Sol (dù cho armature chỉ định 3 bemol) hát với hành điệu moderato :
Sol sol / la si sol re
Tôi đi trong ánh trăng mờ...
. . . . . . . .
Sol sol / la si sol re
Ban khuya ý tứ tôi dò
. . . . . . . .
(chú ý : thay đổi tiết điệu trong đoạn này)
Sol mi sol re / sol do sol sol
Tôi gò mây lại tôi tìm sao bay
Si sol si mi / si sol si si
Gió nào, gió tràn, gió ngập nơi đây
La mi la si / la mi sol mi
Không tràn nước mắt, không thảm thê buồn
Sol mi sol la / sol mi sol re
Tôi doạ không gian, tôi rủa tới cùng
La si la sol / si la sol / si la sol
Tôi khát vô cùng, khát vô cùng, khát vô cùng,
(qua sol minor) sib la sol...
Khát vô cùng...
Tiếng hát Tuấn Ngọc vút lên cao như cơn thảng thốt của nhà thơ vừa tắt khi nhà thơ vừa ngất lịm trong cơn xuất thần. Nhạc đi những bước ma quái làm nổi bật xúc cảm của người nghệ sĩ trước nỗi cô đơn vì cảm nhận vẻ Ðẹp mê hồn mà nhân gian không thể hiểu được. Cường độ cảm xúc trong phân khúc này, về mặt bố cục, rất là thành công : Hoà âm của Duy Cường đầy tính tưởng tượng khi tận dụng khả năng gợi tả của tiếng sáo Mèo xa vắng, chìm lẩn như chiều sâu của thế giới nội tâm sừng sững thách đố cuộc đời chung quanh.
Tới đoạn C là đoạn thi sĩ chơi với trăng :
(tiết điệu khác trước)
Tôi riết thời gian / trong nắm tay
Cất tiếng cười ròn / đụng vùng mây
Tôi nhập hồn mình / trong khúc hát
Ðể nhờ khúc hát / đẩy lên trăng (chú ý nét chromatic reb re re)
Lên chơi cung Quế / đây lần đầu
Ðể hớp tinh anh / của Nguyệt Cầu
Ðể thoát ly ra / ngoài thế giới
Ðể cười để khóc / để yêu nhau...
(8 câu cùng có chung một rythm, nhưng contour melodic đều khác nhau)
Với đoạn D, thi sĩ lại đuổi theo trăng : (câu dài hơn trước) Ha ha tôi đuổi theo trăng / Trăng bay tơi tả trăng tan trăng ngã trên cành ngã trên cành vàng / Về đây tôi sẽ gặp nàng / Về đây tôi lại gặp nàng nàng ơi...
Chạy theo trăng, thi sĩ cùng trăng vờn quanh miệng giếng, với đoạn E (tiết điệu giống nhau và khác nhau) :
Lòng giếng lạnh / sao chẳng ai hay /
Nghe nói mùa thu / ẩn náu nơi này /
Cả âm dương đều tụ họp /
Ðể cả trăng mây / ngừng lại nơi đây
Bên bờ giếng, với đoạn F, thi sĩ nghe tiếng si mê và oán hận của bầy trai gái đang tự tình ở đó :
Ðể nghe, à để nghe / lời nói thời loạn ly
Giọng buồn thương gió / trăng gió đã thề
Của bầy trai gái / trong gió não nề / tự tình bên giếng
Lời oán hận của tuổi si mê...
Thế rồi với đoạn G, đoạn kết. Thấy giếng lạnh mở miệng nuốt trăng sao, thi sĩ vội vàng nhẩy ùm xuống giếng để vớt trăng lên :
Lòng giếng lạnh / mở miệng bao la
Giếng nuốt vì sao / rụng với trăng ngà
Loạn rồi loạn rồi / tôi hoảng hốt (3 lần, khác nhau về melody)
Nhẩy ùm xuống giếng / vớt trăng lên.
Ít khi có một đoản khúc của tôi có nhiều đoạn như thế, tính ra tới 6 cấu trúc khác nhau về tiết điệu, âm điệu (rythm, contour melodic...)
Phân Khúc 5 (trong Phần II, phần Trăng Sao), nhan đề Hồn Là Ai, mở đầu bằng tiếng sáo Mèo rền ma quái để rồi sẽ đeo đẳng mãi suốt phân khúc. Hồn nghệ sĩ vừa thoát ra khỏi thân xác và được thân xác dẫn đi suốt một đêm, qua những biến điệu đầy kịch tính : Lúc thì cả hai cười như điên sặc sụa cả mùi trăng, lúc thì cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình, lúc thì dìm nhau xuống một vũng trăng êm, lúc thì lặng yên trong thổn thức, lúc thì bay lên cho tới một hành tinh...
Thi sĩ tự hỏi :
Hồn là ai ? Hồn là ai ? Hồn là ai ? = 9 chữ
Tôi chẳng biết ? = 3 chữ
Hồn theo tôi, hồn theo tôi, hồn như muốn = 9 chữ
Cợt tôi chơi ! = 3 chữ
Sự u uẩn của người nghệ sĩ đã lẩn khuất đâu đó từ đoạn cuối của đoạn A và tăng lên dần theo diễn tiến phát triển hình tượng âm nhạc trong đoạn B này (so với đoạn A với những câu 9 chữ và 3 chữ), bây giờ mỗi câu là 8 hay 9 chữ):
Tôi chết giả và no nê vô vạn = 8 chữ
Cười như điên sặc sụa sụa cả mùi trăng = 9 chữ
Tôi đã cấu đã cào nhai ngấu nghiến = 8 chữ
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên = 8 chữ
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm = 8 chữ
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực = 8 chữ
Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức = 8 chữ
Rồi bay lên cho tới một hành tinh... 8 chữ
(mỗi câu đều là biến khúc của câu chính)
Hình tượng âm nhạc tràn trề sức quyến rũ: sự phân thân của người nghệ sĩ trong cơn say nghệ thuật. Tâm sự HMT trong tập THƠ ÐIÊN - ÐAU THƯƠNG dễ thường tới bây giờ mới được dẫn giải một cách cụ thể, sinh động. Thể hiện được kịch tính của các biến điệu âm nhạc trong hai phân khúc này là một thành công xuất sắc của Duy Cường và các giọng hát. Nỗi lòng u uẩn của người nghệ sĩ đã lẩn khuất đâu đó từ những câu cuối của phân khúc 1 rồi tăng lên dần theo diễn tiến phát triển hình tượng âm nhạc trong phân khúc này.
Có một bridge, gọi là đoạn C :
Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình = một giai điệu
Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình = biến thể của giai điệu
Tiếp theo là đoạn D, là sự gào thét ở cả BA nơi : Thiên Ðàng, Ðịa Ngục, Trần Gian... Sự đau khổ tới kiệt cùng của ĐAU KHỔ. Sự điên dại tới lăn lộn của ĐIÊN DẠI. Vẻ ma quái kinh hoàng của MA QUÁI...
Ðể gào thét một hơi cho rởn óc /
Cả Thiên Ðàng / Ðịa Ngục / Trần Gian...
Trở về đoạn A (bây giờ là A’) trước khi hát đoạn cuối (để HẾT)
Hồn là ai, là ai, hồn là ai, tôi chẳng biết
Hồn là ai, là ai, hồn là ai, tôi chẳng biết
Hồn là ai, là ai, hồn là ai, tôi chẳng biết
Dẫn hồn đi, hồn đi ròng rã một đêm nay.
Tiến tới Phân khúc 3, Trút linh hồn. Có thể xem như một thoái trào của đợt sóng hình tượng âm nhạc trong Phần II.
Ba biến điệu Trăng Sao Rớt Rụng, Hồn Là Ai, Trút Linh Hồn... nối tiếp nhau nặng nề như cảnh tha ma mộ địa lẫn khuất tiếng sáo Mèo nghẹn ngào như tiếng cú đêm khuya. Hình tượng âm nhạc trong Trút linh hồn cũng dàn trải như khoảng trống mênh mông của không gian tịch lặng. Nhạc đi êm nhẹ mà sao vương vấn nỗi thê lương. Lời thì thầm của nhà thơ là lời bộc bạch về tâm tình của ông dành cho cuộc đời thân mến. Ba trích đoạn thơ ghép lại thể hiện khá rõ tâm sự HMT trong giai đoạn sáng tác tập Thơ Điên - Đau Thương. Nghệ thuật phát triển hình tượng âm nhạc trong phần II này là dâng cảm xúc lên từng đợt như sóng tràn. Không gian nghệ thuật là đêm tối mênh mang. Giai điệu và hoà âm đều đẫm vẻ quái dị.
Trong đoạn đầu của Trút Linh Hồn, ta thấy ngay thi sĩ Hàn Mặc Tử biết rằng : Ngòi viết của ông...
...sáng như gươm và lạnh như ma,
Mực lùa khí vị vô hồn chữ,
Văn hút hào quang ở miệng ta.
Giấy trắng tinh khôi tuôn huyết mạch,
Lời vàng nguyên vẹn trổ tài hoa...
Nhưng thi sĩ nói ngay :
Thơ chưa ra khỏi bút, giọt mực đã rụng rời (2 lần, melody khác nhau)
Lòng tôi chưa kịp nói, giấy đã toát mồ hôi (2 lần, melody khác nhau)
Thi sĩ chưa kịp nói, giấy đã toát mồ hôi... rồi qua đoạn C là lời thi sĩ than rằng máu và thơ cũng đã khô rồi, từ nay cuộc tình đã chết...
Máu đã khô rồi thơ cũng khô rồi
Tình ta cũng đã, đã chết từ lâu
Từ nay trong gió và mây gió
Lời thảm thương rền mọi nẻo mơ (2 lần, melody khác nhau)
Cuối cùng là đoạn D, thi sĩ trút linh hồn mà lòng còn trìu mến biết bao người...
Ta còn trìu mến biết bao người
Vẻ đẹp xa hoa của một thời
Ðầy lệ đầy thương đầy tuyệt vọng
Ôi giờ hấp hối sắp chia phôi.
Ta trút linh hồn giữa nơi đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay gì cả ?
Xin để tang anh đến vạn ngày
Đến vạn ngày...
Và có tiếng sáo Mèo của Duy Cường vọng lên đễ tiễn đưa thi sĩ về cõi Chúa...
Sau phần I (những hoa mộng thời hồn nhiên lúc đầu đời) và phần II (những đau khổ điên loạn của thi sĩ)... phần III mang tên AVE MARIA phải là : khi giã từ cõi đời, thi sĩ tìm thấy tình yêu thanh khiết trong thế giới vĩnh hằng...
Phần này có ba bài :
Phân Khúc 7 : Lạy Bà Là Đấng Tinh Truyền Thánh Vẹn
Phân Khúc 8 : Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en,
và
Phân Khúc 9 : Phượng Trì Ôi Phượng Trì.
Phân Khúc 7 là một lời xưng tụng đấng tinh truyền (hay tinh tuyền???) thánh vẹn. Nhạc bắt đầu bằng đoạn hợp xướng nghiêm trang, thánh thiện. Toát ra từ toàn thể phân khúc là vẻ đẹp thuần khiết của hình tượng người nữ trong nghệ thuật muôn đời. Ai cũng phải rung động trước vẻ Ðẹp nguyên mẫu đó. Trong thế giới nguyên vẹn tinh tuyền chỉ còn sự yêu thương, sự yên nghỉ. Không còn những dằn xóc của những hệ lụy của cuộc đời dưới thế. Kĩ thuật đồng ca của nhạc cổ điển tây phương đã làm tăng tính cách thánh đường của phân khúc.
Ma ri a Ma ri a
Ma ri a linh hồn tôi ớn lạnh
Ma ri a Ma ri a
Run như run thần tử thấy long nhan
Ma ri a Ma ri a
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Ma ri a Ma ri a
Nhưng lòng nhuần ơn trìu mến
Ma ri a Ma ri a
Motif, giai điệu vẫn còn là nhạc ngũ cung (Fa sol sib do re) nhưng phong cách (style) là nhạc nhà thờ theo trường phái cổ điển Tây Phương. Duy Cường cho nghe những tiếng chuông giáo đường quen thuộc trước khi ban hợp ca cất tiếng xưng tụng Mẹ Maria của thi sĩ.
Đoạn B là sự tiếp tục tán tụng Đức Mẹ bằng nhạc thất cung (với giai điêu fa fa# sol la sib do re)
Trong bài Trút Linh Hồn trước đây, thi sĩ thấy : thơ chưa ra khỏi bút, giọt mực đã rụng rời, lòng tôi chưa kịp nói, giấy đã toát mồ hôi... thỉ bây giờ, vì có Niềm Tin vào Đức Mẹ, ông lại thấy : trí tôi hút bao nhiêu là khí vị, bút tôi reo như châu ngọc đền vua. Bao nhiêu đau thương, khổ lụy đã tan... thi sĩ đã thảnh thơi đi vào Đạo !
Tiếp tục là periphrase của đoạn B... cảm động nhất là thi sĩ tự thấy mình là Thánh Thể kết tinh :
Chuyển qua đoạn C là sự chuyển cung từ Bb qua D (hay Bm), rồi G... lại là những cadences đẹp :
Và ca khúc cũng như Phần II kết thúc với đoạn B’ :
Bài thơ AVE MARIA đã được viết ra như lời thì thầm cảm tạ ơn cứu thoát của Đức Mẹ. Bài thơ này đưa thi sĩ đi rất xa trong cõi trời mênh mông mơ ước, pha trộn mộng và thực với những hình ảnh quen thuộc của Đức Mẹ, của Sứ Thần Gabriel. Những kinh KÍNH MỪNG vang dội không dứt : AVE, AVE, AVE...
Nhạc Ðề sẽ phát triển nhất quán khi nhà thơ sẽ biểu tượng Maria bằng những tiếng gọi khác nhau: Ðức Bà tinh truyền thánh vẹn, Sứ thần thiên chúa Gabriel, Phượng Trì. Ngôn từ ở đây chỉ là những chiếc bè giả tạm để chuyên chở một cảm nhận về một thế giới vĩnh cửu của Mỹ thể.
Phiên Khúc 8, Hỡi sứ thần thiên chúa Gabriel xưng tụng một nguồn thơ bất diệt, ra đời một lần với Chúa Giê Su theo lời chào của Thiên Sứ Gabriel. Giọng hát cũng như nhạc điệu phải trong trẻo, trinh bạch như giọng hát của nữ đồng trinh và như nhạc của thiên thần.
Motif, giai điệu là nhạc ngũ cung nhưng phong cách là nhạc nhà thờ. Những âm thanh về người Mẹ trong phân khúc này vẫn quyến rũ, vẫn mới nguyên như vẻ đẹp gặp gỡ lần đầu, giai điệu láy lả lướt vẻ đẹp dân ca đã khép lại cảm xúc kì lạ về sự thanh thoát an nhiên trong vòng tay yêu thương của sứ thần thiên chúa Gabriel. Nghệ thuật diễn tả trong phân khúc hai là nghệ thuật độc thoại khá quen trong đối thoại nội tâm của kịch : nhân vật thì thầm những lời nói với chính mình. Hành âm của nhạc ở đoạn này cũng chìm khuất kín nhiệm như ý thơ.
Ca khúc tiếp tục với việc láy lại (repetition) đoạn B :
Lạy Bà là Ðấng ban đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn trong mạch máu
Lạy Bà là Ðấng ban đầy ơn phước
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
Cho vỡ lở cả muôn nghìn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương...
Qua một bridge giản dị, thi sĩ cho biết nhờ ơn phước của Bà khiến cho chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng :
Ca khúc lại nhắc lai đoạn B :
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga bri en
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Người có nghe náo động cả muôn trời
Người có nghe xôn xao nghìn tinh tú
Ðể ca tụng bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm Xuân là rất đỗi anh linh
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga Bri en...
Để kết thúc, đoạn C thong thảróng lên, cho biết loài người sẽ ngất ngây vì sự thiêng liêng của Mẹ sầu bi :
Lòng vua chúa như lòng lê thứ
Sẽ ngất ngây bởi thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu Mẹ Sầu Bi
Nguồn thiêng liêng yêu Mẹ Sầu Bi...
(Chú ý hai câu cuối cùng tuy là một lời nhưng khác nhau về giai điệu)
Với phiên khúc 9, ca khúc cuối của trường ca này, mang tên Phượng Trì ôi Phượng Trì... tôi xin được giải nghĩa hai chữ Phượng Trì. Nhờ được đọc cuốn sách HÀN MẶC TỬ, ANH TÔI của Nguyễn Bá Tín, tôi mới biết ý của Hàn Mặc Tử khi dùng hai chữ Phượng Trì. Nhân đi coi phim Tầu HOẢ THIÊU HỒNG LIÊN TỰ, thấy trong phim có đoạn nhân vật anh hùng Cam Phượng Trì phi thân lên ngọn núi rồi lấy đà dùng thuật phi hành bay lên mất dạng trên trời cao. Người tình là nữ hiệp Diệp Tiểu Thanh chạy đi tìm, cất tiếng gọi: '' Phượng Trì ! Phượng Trì ! Phượng Trì ! '' Tiếng gọi này cho Hàn Mặc Tử ý niệm '' bay về trời '' giống như hai chữ Au Ciel vốn là câu mở đầu của một bài hát nằm ở tập Cantiques De La Jeunesse.
Phiên khúc 9, Phượng Trì ôi Phượng Trì là repetition của đoạn A trong phiên khúc 7 :
Ma ri a linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng nhuần ơn trìu mến.
Tới đoạn hát đuổi (duetto) đoạn B là bản đồng ca cổ điển kết hợp với nghệ thuật diễn xướng dân ca : hát đuổi, hát đối. Hình tượng âm nhạc toát ra tính cách trữ tình, rất người mà vẫn trong suốt như vẻ đẹp thiên thần...
Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì
(Lạy Bà là Ðấng tinh truyền)
Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì
(Lạy Bà là Ðấng tinh truyền)
Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì
(Lạy Bà là Ðấng tinh truyền)
Phượng Trì ôi Phượng Trì ôi Phượng Trì
(Lạy Bà là Ðấng tinh truyền)
. . . . . . .
Nói tóm lại, phần AVE MARIA này là lời reo như châu ngọc, thơm tho như hoa hương, sáng láng như thất bảo, làm xôn xao tinh tú, làm náo động muôn trời và vạn vật. AVE MARIA là nguồn vô tận để...
(vẫn là hát đuổi)
...Thơ (của Hàn Mặc Tử) bay suốt một thời chưa thấu
Hồn (của thi sĩ) bay biết bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.
Phạm Duy