PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Thiền Ca (Hát Trên Ðường Về)

Những Trang Hồi Âm - Thiền Ca (Hát Trên Ðường Về)

image001

Vào năm 1988, soạn xong Mười Bài Rong Ca, tôi tưởng chừng như đã có thể kết thúc cuộc đời soạn nhạc của mình. Quá bận bịu với việc đi hát rong trên thế giới, tôi không có nhiều thì giờ để ngồi sáng tác. Vả chăng, vào lúc cuộc đời lưu dân đã trở nên khá buồn tẻ, coi như tôi đã cạn nguồn cảm hứng. Vậy mà không ngờ vào năm 1992, tôi lại viết thêm được một chương khúc 10 bài ca nữa !

Mười Bài đó (gọi là Thiền Ca) gồm :

Thinh Không, Võng, Thế Thôi, Không Tên, Xuân, Chiều, Người Tình, Răn, Thiên Đường Địa Ngục, Nhân Quả.

Cũng như mọi người, trong cuộc đời xê dịch không ngừng, phải sống dưới nhiều chế độ, nhiều khi tôi phải hứng chịu những ngộ nhận chết người ! Làm cho tôi buồn tủi và đôi khi tôi muốn bỏ cuộc chơi. Nhưng cứ mỗi lần khổ đau thì hình như là lại có một bàn tay thơm mùi gỗ quí gỡ tôi ra... và tôi lại tạ ơn đời :

Trong trăm mùa xuân héo, tay hái biết bao niềm yêu.
Dăm eo sèo nhân thế, chưa phải lòng say mê,
Với đôi ba lần gian dối, đời vẫn ban cho ngọt bùi...

Cứ mỗi lần có điều ong tiếng ve quá đáng làm cho mình hoa mắt và tưởng như đã thật sự lầm đường lạc lối (đường nào? lối nào?) thì dù tôi ở đâu, tâm trí tôi lại tìm về quê hương, đắm mình trong dòng suối quê, lắng lòng xuống, lắng nghe lại tiếng gọi nhiệm mầu của thiên thu trong tâm hồn mình. Và tiếng gọi nhiệm mầu ấy lại réo rắt ru tôi, vỗ về tôi, phả cho tôi niềm tin yêu, sức sống để cho tôi hồi phục, hồi sinh. Có một sự tranh chấp giữa vô cùng và hữu hạn trong lòng tôi, trong cuộc đời. Điều này đã được tôi từng cảm nhận trong bài Bên Cầu Biên Giới (1947).

Với Thiền Ca, đây là lần thứ 6 tôi đi vào nhạc tưởng tâm linh :

1 Tâm ca là dòng nhạc dấn thân hành thế theo phong cách Thiền.

2 Đạo ca là biểu tượng của cuộc đi tìm chân lý đang bị thành quách sương mù phong tỏa.

3 Rong Ca là hát về thế kỷ.

4 Thiền Khúc mở ra một chân trời siêu thoát.

Tháng Sáu 1992, tôi đi hát ở Boston. Vì từ nơi cực Ðông của Hoa Kỳ qua Pháp không xa lắm, tôi đi Paris chơi một tuần. Bỗng nhiên, tôi có một ngày chủ nhật đi lang thang một mình trong thành phố để gậm nhấm rồi hoá giải một nỗi buồn. Trong dĩ vãng, mỗi khi gặp phải chuyện buồn, tôi đều phản ứng như vậy. Ít lâu nay, trong cuộc đời về già không dễ dàng tung hoành như trước nữa, tôi luôn luôn bị vài nỗi buồn ám ảnh : buồn vì đang sắp sửa phải kết liễu một chuyện tình, buồn vì tình hình dân chúng -- tôi cảm thấy -- ở hải ngoại cũng như ở trong nước không còn thiết tha với người nghệ sĩ nữa, buồn vì sức khoẻ mỗi ngày một giảm sút v.v...

Thế nhưng, trong một buổi sáng lãng đãng đi một mình giữa Paris nắng rực và vắng vẻ này, tôi lại đánh đuổi được sự dằn vặt trong tôi. Một lần nữa, sau đạo ca, rong ca, tôi bỏ rơi con đường nhạc đời để tìm về nhạc đạo. Tôi lại tìm thấy an ủi trong siêu nhiên. Trong chỉ có một đêm (16-6-1992), tôi hoàn thành 10 bài hát -- tôi muốn được gọi là thiền ca.


Thiền Ca 1 : Thinh Không, hát về cõi thinh không, nhưng không chỉ là một không gian thuần túy mà còn là cõi không sinh động, cõi không đầy ắp sinh trùng, những vi bản của đời sống. Cái thinh không đầy ắp sinh trùng ấy là một vũ trụ hành tinh có hai dòng sữa tình yêu, đồng quy ở một điểm tạo ra sự sống... Rồi thì cái vũ trụ hành tinh ấy cũng chỉ là hư vô, hư ảo.

Thiền ca sẽ là những ca khúc mà phần nhạc nhiều hơn phần lời.

Bài số 1, Thinh Không có một intro do Duy Cường viết, phỏng theo một nhạc đề của tôi : sol sib do re fa, nhưng luôn luôn chuyển hệ thống khiến cho toàn bài nhạc mang tính chất vô thể, dù khởi nguồn từ nhạc ngũ cung. Cấu trúc rất giản dị : chỉ cần một giai điệu, chia ra hai đoạn A và biến điệu của nó, đoạn A’.

Nhờ có phần hòa điệu làm tăng ý nghĩa của bài hát cho nên nữ phê bình gia Thụy Khuê đã có nhận xét :

Hoà âm của Duy Cường ở đây là một thử nghiệm : nghiệm âm. Âm nhạc, bình thường chỉ là nghệ thuật âm thanh dội lên trong một khoảnh khắc thời gian nhất định. Nhưng ở đây, Duy Cường đã tạo được chiều dày thứ hai, chiều dày không gian rồi từ đó biến tiết, tạo thêm các chiều khác, dương gian, nhân gian khiến cõi thinh không của Phạm Duy dày thêm, sâu thêm, biền biệt, trở thành vô cùng vô tận... Giữa không gian sinh động ấy, giọng ca Thái Hiền, xuất thần, cất lên, mê hoặc, quyến rũ người nghe từ lúc nhập thiền :

Thinh Không, trống trải mênh mông, rộng rãi vô cùng
Cao thấp vô lường À à a a bỗng đầy ắp sinh trùng
Tất cả là tôi mà cũng là chung...

image004

Bản chất thiền được ghi lại khi ý thức vô ngã từ từ xâm nhập thinh không âm nhạc : là thinh không trống trải, rồi đầy ắp sinh trùng... nhưng rốt cuộc tất cả là tôi mà cũng là chung. Về phần nhạc, tôi muốn cống hiến cho người nghe một giai điệu khác với những âm điệu cũ : một câu dài, đi lên đi xuống, đi xuống đi lên, rất vô cảm nghĩa là không cần gây cảm súc. Phần hòa âm của Duy Cường đưa thính giả vào một thế giới giàu âm sắc nhưng cũng rất vô cảm.

Thinh Không vắng vẻ trầm ngâm lặng lẽ âm thầm
Yên tĩnh vô cùng À à a a bỗng rộn rã tưng bừng
Nhất nhất trùng trùng nhưng cũng là không...

image006


Thiền Ca 2 nhan đề Võng, là một cách nhìn rất đạo :Tôi nằm võng, võng đưa, võng đưa... tôi đang lắc lư trong cuộc đời, cuộc đời thì động với muôn nghìn trầm luân : cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận, núi đợi, vực chờ, niềm vui, nỗi khổ. Nhưng tôi nằm đó, tôi nằm im ở mọi chỗ dù tôi theo cuộc đời di chuyển không bao giờ ngừng. Cuộc đời động, mặc, tôi không động, tôi yên tĩnh, tôi nằm im. Tôi vẫn sống trong đời, mà tôi đã ra khỏi đời. Vượt thoát, an nhiên. Ðến và đi, mất và còn, khổ đau và hạnh phúc. Hai mặt âm dương làm nên biến sinh, hai phần đối kháng của qui luật biện chứng. Nhưng hai mà vẫn là một...

image008

Duy Cường, dựa vào melody để soạn một hòa âm tuyệt diệu : với một tiết điệu nhịp đôi nhanh nhẹn và chỉ cần tiếng mouth harp hòa với tiếng đàn tranh, tiếng đàn trống nhỏ... tạo nên được sự chao đảo của nhịp võng đưa.

Hai mặt âm dương làm nên biến sinh, hai phần đối kháng của qui luật biện chứng. Nhưng hai mà vẫn là một... Thấy ra lẽ đó, là thấy cõi sinh vẹn toàn. Vẹn toàn như một vườn hồng, dù nơi đó có nhiều gai đâm. Vẹn toàn như một cuộc tình, dù tình nào cũng chênh vênh. Nhìn gai hay nhìn hồng? Sống tình hay cảm thức chênh vênh? Mọi sự tùy thuận mà hình thành cuộc đời nhân ái. Nhân sinh chỉ cần thế thôi. Nhân sinh không hề cần -- vì không thể -- đồng thuận kiểu nhất trí của đám quan lại chính khách, mới dám sống.

Do đó tôi soạn Thiền Ca 3 nhan đề Thế Thôi. Tôi sớm nhìn thấy những yếu tố chính của cuộc đời như tình yêu, sự khổ đaucái đẹp không bao giờ là tuyệt đối cả. Chúng đều rất chênh vênh ! Cho nên lúc nào thấy hạnh phúc thì hưởng hạnh phúc ngay. Ðừng chờ đợi, đừng đòi hỏi.

Một vườn hồng Một vườn hồng Một vườn hồng
Chao ôi, rất nhiều gai đâm
Một cuộc tình Một cuộc tình Một cuộc tình
Thật bền, rồi cũng chênh vênh...

image012


Một giọt lệ Một giọt lệ Một giọt lệ
Mặn nhạt, đau thương, hạnh phúc
Một cuộc đời Một cuộc đời Một cuộc đời
Ừ, chỉ cần thế thôi.

image014


Bài này là gần như nhạc thất cung (do re fa sol la sib) Sự tồn sinh biểu lộ qua giai điệu nhẹ nhàng, êm ái và chuyển hoá theo ba nốt chính của cung âm là âm chủ (tonique), thang âm năm (quinte) và thang âm bốn (quarte). Hòa âm của Duy Cường do đó cũng có vẻ classic.


Thiền Ca Bốn nói tới cái ta vô ngã của trùng trùng pháp giới hay trùng trùng duyên khởi. Nghìn thế giới hoà hiệp sum vầy. Hạnh phúc là một loài hoa không tên, không sắc không hương, mà như lòng tôi lộng lẫy thơm lừng toả ra bốn hướng. Nhạc ở đây mời gọi, dịu dàng đắm say, mê hoặc. Nhạc toả mùi hương và tiếng hát Thái Hiền đã đem vào thính thị cả bốn trùng dương quyến rũ. Nhạc khúc trầm lắng nhưng toả lan theo hương. Chất mát và thơm khi sao hôm vừa mọc quyện nhau trong giai điệu ngọt ngào. Ta nghe rõ cả tiếng rung ren của từng hạt nhụy rơi. Hương ngây ngất không tan, mà toả lan một làn dư hương...

Một loài hoa không tên
Không sắc không hương
Mà như lòng tôi
Lộng lẫy thơm lừng
Toả ra bốn hướng...

Thiền ca này chỉ có một đoạn (A) hát 2 lần (repetition = A’) và một coda ngắn. Nhạc thất cung(mib fa sol lab sib do có thêm nốt re thường) với chuyển cung từ Ebqua Ab và Bb, hòa âm của Duy Cường diễn tả “bước đi của hương”.

image016

Một ngọn suối không tên Bé nhỏ, ngoan hiền
Mà như lòng tôi Nổi sóng lên đường Thành bốn trùng dương

image018


Coda đăc biệt có khoảng lặng (silence) rồi mới vào giai đoạn kết thúc.

CODA

Và lòng tôi không tên như suối, hoa tiên.

image020


Thiền Ca 5 mang tên XUÂN. Xuân là mùa Xuân, Xuân cũng có thể là tên một người, nhưng ở đây Xuân là Tình yêu. Bản chất vô ngã của tình yêu được tôi trải ra tới nguồn cội. Khác với các thiền ca trước, nó có 3 đoạn A, BC. Sau Intro với tiếng violins sắc bén như những nét roi, nhát chém của cuộc đời, đoạn A là lời than vãn :

Bội bạc, dối trá cả rồi, người người hung dữ... Trừ tôi.
Hận thù, chém giết bời bời, rồi người chết hết... Còn tôi.

image022


Khi nghe câu hát : người người hung dữ, trừ tôi, rồi người chết hết còn tôi... chớ tưởng ''tôi'' là Phạm Duy. Không, tôi đây là mùa Xuân.

Tới đoạn B, khi Xuân thấy con người cứ theo đường mòn lối cũ mà đi, mắt thì bị che, tiếng cười thì vắng, Xuân bèn mời mọi người an nhiên hát nhỏ cùng Xuân và cùng bước tới bờ giác ngộ.

Lối cũ mỏi mòn năm tháng, ngăn che người vắng tiếng cười
Muốn tới được bờ sông giác, an nhiên hát nhỏ, cùng tôi...

image024


Đoạn C kết luận : tôi đây là tôi nhưng cũng là anh, là em và làcon bướm mùa Xuân, là gió mầu hồng, là cơn mưa nhẹ, là ý thơ nồng trên giấy xuân thư...

Tôi là tôi, tôi cũng là em
Em là tôi, em cũng là anh
Là Xuân con bướm hút nhụy xuân tình
Là gió xuân hồng, là cơn xuân vũ
Là ý thơ nồng trang giấy xuân thư.

image026


Về nhạc lý, Xuânnhạc ban ngày, mặn mà, tha thiết... Bản chất vô ngã hay sự tan loãng của con người trong nhau -- mất đi trong nhau -- đã được cất lên dịu dàng. Xưng tụng tình yêu từ hơn nửa thế kỷ nay, sáng tác những bản tình ca tha thiết nhất cho nhiều thế hệ yêu đương, nhưng chỉ trong THIỀN CA, tôi mới thấy đến tận cùng bản chất tình yêu. Sự trực nhận ấy là thiền, là sức mạnh của sự sống.

Tôi là một ca nhân đã soạn ra nhiều bản nhạc chiều (Chiều về trên cánh đồng xanh, Chiều về trên sông, Nương chiều, Đường chiều lá rụng, Trăm năm như một chiều, Nắng chiều rực rỡ v.v... ) Thường là những bài ca buồn vui trong cõi tục, trong cõi biến sinh... Nhưng phải sau khi nếm mùi đời và tới lúc tôi soạn thiền ca thì tôi mới nhận thức được việc con người phải hòa nhập vào cuộc biến sinh, chấp nhận cuộc biến sinh với một tâm thân an lạc, bình yên.

Trong thiền ca 6, nhan đề Chiều, với những câu : Ta tìm em, Ta gặp em, Ta lôi em về, Ta kéo em đi, Nâng em lên trời, Ðem xuống âm ty, Chôn em trong lòng, Xong lấy em ra... Tưởng chừng như là tôi nói tới những giằng co tục lụy mà thực ra, đó là quá trình yêu dấu, hay tiến trình giác ngộ mà tôi đã tìm thấy khi đi vào tuổi 70.

Sáu thức, nhảy sáu nhịp, đưa dục về vô dục : Về, đi, lên (Trời), xuống (âm ty), vào (lòng hay ta), ra (người hay vô ngã). Nhạc mang sắc thái thức tỉnh, gọi mời trìu mến. Nhạc bồng bế những tâm tư sa đắm vong thân, đặt vào miền an lạc phiêu diêu.

Mở đầu là intro đoạn A, chậm và êm :

Trong chiều lên, có loài người và cây cỏ... hát... êm
Ta tìm em... Và gặp em...

image028

Đoạn đó, coi như diễn tả cảnh chiều, dùng giai điệu ngũ cung (sol la do ra mi). Rồi vào đoạn B với giai điệu thất cung, có thay đổi tiết điệu : đoạn A êm ả, đoạn B này rộn ràng. Trước khi ca sĩ hát, có hòa âm của Duy Cường, với tiếng harp dạo những giai điệu có nốt bán cung, mang âm hao ả rập (vì đi tìm em tại cả nhũng nơi sa mạc cát trắng) :

1 Ta lôi em về
2 Ta kéo em đi
3 Nâng em lên Trời
4 Ðem xuống âm ty
5 Chôn em trong lòng
6 Xong lấy em ra

Tiếp theo ngay sau đó là imitation của 6 thức đó với giai điệu cũng với nhiều chuyển cung như trong melody chính :

image030

Rồi trở lại đoạn A’ với câu kết :

Ta chưa ôm em
Thì mất em.

image032


Vẫn là trực nhận : chợt đến (đột xuất) và cũng chợt đi như chưa từng hiện hữu : Ta chưa ôm em thì mất em ! Là thiền đấy!


Thiền Ca 7 mang tên Người Tình. Với thiền ca này, tôi tổng kết đời tình, quan niệm và bản chất yêu đương của chínhmình, vừa chung tình, vừa đa tình, và muốn chia sẻ cùng với mọi người...

Người tình tuyệt vời trăm năm tình ái
Tình người vời vợi trăm lối nghìn nơi
Người tình tuyệt vời thật thà gian dối
Yêu một vạn người như một người thôi

Người tình tuyệt vời trăm năm tội lỗi
Người cũng là người ban phát niềm vui...

image034


Bài này dùng giai điệu thất cung và chịu quy luật của loại nhạc có chủ thể (tonal music). Duy Cường cho nghe một nhịp điệu gần như slow fox, nhịp nhàng, khoan thai, tình tứ... chia ra hai đoạn AB rõ ràng. Đoạn Hai (đoạn B) là sự chuyển cung qua La minor, Mi, Fa, Sol, Do...

Hai mươi tuổi đời yêu như hổ đói
Nhưng cũng là mồi hiến dâng cho người
Hai mươi tuổi trời yêu không kịp nói
Bẩy mươi tuổi rồi yêu cũng vội thôi
Người tình tuyệt vời từ đầu từ cuối
Thắng bại chẳng đòi mất còn chẳng ai...

image036
image038

Trở về đoạn A’ với câu kết :

Người tình tuyệt vời đường tình đi mãi
Thất tình ngày rày thoảt tình ngày mơi...

image040

Thiền Ca 8 mở rộng tình yêu sang tình đời: ăn, chơi; sống, chết; yêu, ghét; khóc, cười; nhớ, quên... những yếu tố bao trùm tất cả nổi trôi của kiếp người. Niềm lạc quan của tôi với cuộc đời được thể hiện qua tiếng nhạc mà tôi gọi là nhạc cười. Ở đây mới thật là an nhiên, tự tại. Tiếng nhạc, lời ca đơn giản tối độ, tối đa: Ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay... không có triết lý. Không cần triết lý. Sống và hát được như vậy đã là đời rồi, là đã đời rồi. Là cõi giác đấy !

Ăn cho vừa Chơi cho thật Sống cho thẳng
Chết cho ngay Yêu cho lâu Ghét cho mau
Khóc cho đầy Cười cho rõ Há há há Ha ha ha !

image042


Hát lời 2 với imitation của đoạn A có chút thay đổi trong giai điệu :

Nhớ ơn người
Quên thù ai Nhớ điều buồn
Quên điều vui Nhớ tình này Quên tình khác
Nhớ mình rồi Quên mình luôn Hà hà hà Ha ha ha !

Giai điệu xây dựng trên hệ thống 7 cung (mib fa sol la sib do re) và Duy Cường dùng những nhạc cụ của nhạc cổ truyền (tam thập lục, trống, phách) và giai điệu của đối âm hao hao giống như điệu Lưu Thủy. Thêm tiếng “hụ” mượn của nhạc Nhật.


Thiền Ca 9, Thiên Đàng Địa Ngục phá vỡ ảo tưởng: tốt-xấu, trắng-đen, thiên đàng-địa ngục. Vì tất cả chỉ là tương đối. Bản chất con người đu đưa giữa hai bờ đen-trắng. Vậy phân biệt làm chi?

Võ Văn Ái đã nhận xét :

Thiền Ca 9 mở đầu bằng nét nhạc vui, qua đối thoại nhịp nhàng giữa tang trống và lòng trống. Tiếng trống của hội hè chứ không là trống chiến tranh của tràng thành lung lay bóng nguyệt. Trống ở đây làm cho hoa nở, tình phơi, tâm đạo tô ngời. Vì trống không đi với chiêng, mà theo với sáo. Tiếng sáo như sợi tơ đưa người lên thượng giới hay thông xuống A tỳ. Người đi tìm người. Anh đi tìm em -- em lạc lối nơi mông địa nhiệt tình. Yêu là nhớ, Nhớ là sống. Thiếu niềm nhớ, người sống cũng hoá thạch. Thiếu niềm nhớ, tình bạn tan, tình yêu hay tình quê hương hủy diệt. Nằm cạnh bên nhau nghìn đời, vẫn chỉ là hai tảng đá, hai khúc gỗ cách biệt. Ðá hay gỗ đều không biết nhớ.

Bài ca là nhạc thất cung, giọng Fa thứ, có 4 đoạn A, A’, BC.

Đoạn A là việc anh đi tìm em, trước hết là vượt cửu trủng để lên tận thiên đường... Anh thấy em khoả thân đứng bên Ngọc Hoàng (tôi không nói nhảm đâu, con người sinh ra trần truồng như nhộng, nay trở về thiên đường thì chắc cũng dzậy !). Tôi còn thấy ở trên thiên đường có đầy đủ nữ thánh nam thần và đèn đóm sáng choang :

Vượt chín tầng mây tới Thiên Ðường này
Tìm em chín nắng và chín mưa bay
Thấy em khoả thân đứng bên Ngọc Hoàng
Nữ thánh nam thần, đèn đóm sáng choang.

image044
image046

Nhưng qua đoạn A’ vốn cũng là imitation của đoạn A, có chút thay đổi của giai điệu... tôi bỗng thấy thiên đàng tối om vì ngọn gió trần gian theo tôi lên trời, thổi quá mạnh nên đèn đóm phụt tắt :

Làn gió trần gian thoát lên tầng trời
Làm cho huyên náo một cõi Thiên Thai
Gió tôi lên thì tắt đi đèn đóm
Mới hay Thiên Ðường kia cũng tối om.

image048


Lên thiên đường không gặp được em, anh bèn đi qua chín vạc dầu sôi để xuống địa ngục. Gặp em đang đứng trên giàn hỏa thiêu vì mắc tội bội tình. Quỷ sứ thì la vang, lửa cháy thì ngụt ngàn... nhưng anh bỗng thấy địa ngục không tối đen mà vì có lửa cháy ngày cháy đêm cho nên còn địa ngục sáng hơn đèn...

Chín vạc dầu sôi đường vào Ðịa Ngục
Gặp em bội tình, tội gốc em mang
Em chọn nhục hình, giàn thiêu lửa đốt
Lửa cháy ngụt ngàn quỷ sứ la vang
Khổ lụy tận cùng là thoát đau thương
Tưởng Ðịa Ngục đen, ngục sáng hơn đèn.

image050


Kết luận, yêu là nhớ, nhớ là sống... nhưng không có thiên đường hay địa ngục để đi tìm nhau mà chỉ có trần gian là cõi người độc nhất vô nhị mà thôi ! Đoạn C kết thúc thiền ca số 9 và chuyển qua giọng Fa major.

Tìm em cao thấp chỉ là ảo vọng
Thôi ! Ở lưng chừng nhớ nhau mà sống.

image052


Thiền Ca 10, Nhân Quả kết thúc cuộc đăng trình bằng một vòng tròn, tròn như viên đạn, tròn như trái đất, tròn vòng vũ trụ, vòng tử sinh, vòng luân hồi, vòng tay ôm ấp, vòng thai bụng mẹ... nhạc tha nhân. Nhạc giản dị, chỉ có một nhạc điệu thất cung (với những chuyển cung thông thường) và một tiết điệu nhịp ba. Duy Cường làm tăng không khí một ngôi chùa cổ (không có đèn neon) với tiếng chuông, tiếng mõ...

Nhiều người khi đi tu thì thường muốn tránh nghiệp nhân quả. Riêng tôi, với ca khúc này, tôi chỉ mong được tái sinh nhiều lầntrên một trần gian yên lành, yêu thương, tha thứ :

Tròn như viên đạn đồng đen
Ðã khô vết máu quên miền chiến tranh
Tròn như trái đất yên lành
Muôn loài như một cõi sinh vẹn toàn.

image054


Tròn anh tim trẻ miên man
Trái tim trăm tuổi mới hoàn cơ duyên.
Tròn em tung toé cánh tiên
Chim không mỏi cánh triền miên phận mình
Tròn như lời hứa chung tình
Chưa tròn nhân quả tái sinh còn nhiều.

image056


Nhà nghiên cứu Lê Hữu Khóa ở Paris đã giới thiệu một số thiền ca của tôi cho người Pháp biết :

Pham Duy est incontestablement le musicien qui a le plus grand impact au Vietnam en ce XXè siècle. En un demi-siècle de création, la poésie n'a jamais quitté sa musique. Sa contribution est essentielle à plusieurs égards. Grâce à sa musique, plusieurs jeunes poètes de talent ont été découverts. Sa création musicale participe réellement au développement de la prose vietnamienne. L'évolution poétique, musicale récente de cet auteur en exil lui permet de franchir une autre étape : la synthèse esthétique des savoirs du zen sur le fond des souffrances du peuple vietnamien. L'introduction des dimensions philosophiques, métaphysiques du taoisme dans sa dernière création suggère de près ou de loin la réconcialition entre les différentes rivalités idéologiques qui divisent actuellement ses compatriotes.

SOURCE ET FRUIT
Ronde comme une balle en plomb noircie
dessus le sang séché, l'oubli efface les lieux de guerre
Ronde comme la terre paisible et calme
Toutes les espèces s'unissent, la vie est intacte
Rond comme le coeur de la jeunesse enfoui
Du coeur de cent ans, fin des dettes, fin des chances
Rondes comme les ailes d'anges qui s'épanouissent
Les ailes ne s'épuisent, le destin sans fin
Ronde comme une promesse d'un amour fidèle
Le karma n'arrive plus à se boucler, les renaissances seront multipliées.


Phạm Duy