PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Đạo Ca

Những Trang Hồi Âm - Đạo Ca

image002

Nhưng sự công phẫn của tôi qua những bài ca muộn phiền hay phẫn nộ (và đi thêm một bước nữa là văng tục) cũng không thể kéo dài. Thứ nhất : không thể đổ thêm dầu vào lửa, Thứ hai : tâm lý chung của người Việt Nam là họ tìm thấy sự cao qúy khi chẳng may trở thành nạn nhân. Có thể nói đó là một thứ triết lý nhẫn nhục, nhưng thực sự khi ta chịu đựng thời gian đau khổ của mình một cách chững chạc, thì ta tìm ra cái lớn lao. Và chính ở trong thái độ đó mà tôi đi ra khỏi phẫn nộ để đạt tới một thế quân bình mới.

Nhưng khi có thế quân bình mới rồi thì lần này tôi không còn ngây thơ nữa. Không còn tin là phải ngồi lại với nhau, lấy lòng ra giải quyết vấn đề chung. Biết tấm lòng cũng không đủ nữa rồi ! Bây giờ phải thăng hoa sự đau khổ lên.

Cái may mắn cho tôi là gặp được nhà thơ Phạm Thiên Thư. Sau khi có được vài bài thơ của anh để soạn thành vài bài tình ca rất trong sáng như Ngày Xưa Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này... tôi đả động tới chuyện cùng nhau soạn nhạc đạo, vì chúng ta đã đánh mất đạo giáo và đang tìm đường trở về Đạo Việt Nam.

Đạo Ca tuần tự ra đời... Quên chuyện thưc tại rất ê chề đi, chúng tôi cùng nhau đi vào cõi siêu hình. Không còn là tả thực (realism) trong âm nhạc nữa, đạo ca dùng cốt truyện, âm điệu, nhất là hợp âm, để diễn tả những ý tưởng trừu tượng (abstrait). Đạo ca đi ra ngoài hành trình âm nhạc đại chúng của tôi, không còn có những yếu tố cận nhân tình như quê hương, dân tộc, xã hội, chính trị...


Bài đạo ca số 1 có cái tên là Pháp Thân (Essence Of Being). Nhà nhạc học Hoàng Ngọc Tuấn ở Úc Châu đã có nhận định về bài này (với vài dòng bổ sung của tôi cho bài viết rõ ràng hơn) :

Ðạo ca là thơ của Phạm Thiên Thư, một thầy tu kiêm thi sĩ (hoặc thi sĩ đội lốt thầy tu) do Phạm Duy phổ nhạc. Chữ "Ðạo" không có nghĩa là tôn giáo, mà có nghĩa là con đường. Tuy nhiên Ðạo không phải chỉ có nghĩa là con đường của Lão. Ý nghĩa chữ Ðạo đã rõ ràng trong toàn thể mười bài Ðạo Ca và thâu tóm trong bài một : Mình với ta tuy hai mà một, thì tại sao lại còn phân biệt Lão với Phật hay với gì khác?

Ðạo Ca cũng không phải là một bài học triết lý. Ðã rất nhiều tác phẩm văn học nói về những ý tưởng trong Ðạo Ca một cách sâu sắc hơn. Cái đặc biệt của Ðạo Ca là sự cộng tác mật thiết giữa hai tác giả, đưa đến một sự đồng nhất chưa từng có giữa thơ và nhạc.

Về nhạc lý, điểm đặc sắc nhất của Ðạo Ca là trong vài bài, nhạc sĩ đã xây dựng toàn bản nhạc căn cứ từ hòa âm (harmony) chứ không phải là từ sự ngân nga câu thơ như lối làm nhạc của hầu hết các nhạc sĩ VN, ngày xưa cũng như bây giờ.

Xưa em làm kiếp chim, chết mục trên đường nhỏ

Motif chính : Si si la do si,sol mi sol re mib
Anh làm cội băng mai, để tang em, chờ mấy thuở...

Imitation : Re si si re re, si re re si re sib...

Ðạo Ca 1 có thêm phụ đề là Giữa thành vách sương mù, kể chuyện một người đi tìm chân lý, để thoát ra khỏi đám sương mù tối ám. Chân lý có thể ở rất gần ta nhưng ta không thấy. Bài ca khởi đầu ở G trưởng, nhưng ngay cuối câu đầu đã xuất hiện nốt E giảm nghe là lạ - giọng C thứ chăng? Trở lại G trưởng, nhưng rồi lại hiện ra một cung B giảm không thuộc giọng trưởng. Câu nhạc nghe khúc khuỷu, lần mò, nhiều lần như muốn đổi mà lại trở về chỗ cũ, chân lý như sát gần nhưng rồi lại xa vời:

Xưa em làm kiếp lá, rụng xuống lòng suối thu
Anh làm mưa tháng bẩy, đôi hàng lệ ướt tương tư...

image004

Hai câu sau đó sẽ là repetition của hai câu đầu ở trên

Xưa em là kiếp lá, rụng xuống lòng suối thu
Anh làm mưa tháng bẩy, đôi dòng lệ ướt tương tư

Si si la si re – si re sol re do
Sol mi sol la re – mi re mi si re sib...

Những câu sau : Xưa em làm kiếp hoa, chết rũ trong nội cỏ, anh làm giọt sương sa, sầu thương em, lệ anh nhỏ. Xưa em làm kiếp gió hay có làm kiếp mây, anh làm chim chích choè, trên đầu gậy anh hát ca... là sự trở về motif và melody của đoạn trước.

Nhưng rồi, bỗng như một tia mặt trời lóe sáng, "thành vách sương mù" rẽ ra và chân lý huy hoàng hiện ra trong một giọng E giảm trưởng thật bất ngờ mà cũng thật hợp lý, thật xa lạ mà cũng thật gần gũi (vì từ hợp âm G trưởng tới hợp âm E giảm trưởng chỉ đổi có hai bán cung). Motif là :

Mib mib mib mib mib, sib sib, lab sol

chuyển

Mib mib mib mib mib, sib re, mib mib

A ha ha, ta tuy hai mà một ! A ha ha, ta tuy một mà hai !

image005

Chân lý ở ngay cạnh ta mà ta không biết !


Từ quan điểm toàn thể đã phát biểu qua bài số 1, Đạo Ca Hai dẫn đến một tâm linh bao la, diệu vợi. Đó là lòng từ bi, là ý lực cứu độ muôn loài như cứu chính mình. Thương người như thể thương thân (Gia Huấn Ca).

Nhà nhạc học Georges Etienne Gauthier nói về Đạo Ca Hai :

Tên đạo ca 2 là Đại Nguyện (The Great Wish). Trên những câu thơ tinh vi, thanh tịnh đó, giai điệu của Phạm Duy lướt qua như đám mây xanh giữa bầu trời bao la và trong sáng của giọng Do trưởng. Nhưng phải chăng chính ngọn gió ban mai đó đã gợi hứng cho nghệ sĩ một giai điệu dịu dàng và như là phai biến này, một bản luân vũ mềm mại và không cần dấu diếm sự nồng nhiệt? Phạm Duy ở trong tình yêu!

Muôn loài như sương rơi, xin làm hoa trắng đỡ

Sol mi fa sol sol, mi do re sol sol

Hoa yêu sương chẳng rời, hoa yêu sương tuyệt vời

Re re re sol do, sib sib sib sol sol

image007

Motifmelody rất bình dị, với tiết tấu cũng giản dị, nhưng mầu sắc thì đậm đà rồi phai nhạt, với hai nốt sib sib nhẹ nhàng đi xuống sol sol...

Câu sau, cũng với tính chất đó, kết thúc một cách rất thoải mái với nốt chính trong cung Do trưởng.

Muôn loài như cát trắng, xin làm dòng nước trong
Ra trùng dương tím mát, cát sông vẫn nguyện lòng...

Rồi tới Điệp Khúc soạn bằng một motifmelody đi xuống rồi ngưng nghỉ ở tonic, rất nồng nàn và êm ái vì có thêm nốt lab để cho giai điệu chuyển nhẹ sang minor, rồi quay về major :

Thương người như thương thân !
Thương người như thương thân !
Thương người như thương mình ừ ư !
Thương người như thương thân !
Thương người như thương thân !
Thương người như thương mình !
Thương người như thương thân !

image009

Hai bài đầu mới chỉ là đoản khúc với HAI đoạn (Phiên KhúcĐiệp Khúc) tức là A và B.

Qua đạo ca 3, nhan đề Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng hay là Ảo Hoá (Metamorphosis),bây giờ là một bài hát dài tới BẨY đoạn nhạc. Nó gần như là một truyện ca, không phảichuyện thật mà là chuyện tưởng tượng, là nhạc biểu hiện, tượng trưng (symbolic).


Đạo Ca Ba đưa ra hình ảnh một dũng sĩ cưỡi ngựa vàng đi tìm người yêu muôn thuở. Đi hết năm tháng, đi khắp mọi nơi, đi cho tới khi áo bào đã sờn rách, ngựa vàng đã đổi lông mà vẫn không tìm ra người yêu lý tưởng. Thế rồi một ngày kia, dũng sĩ dừng chân xuống ngựa trên chiếc cầu bắc qua một con sông đang gầm sóng, ngựa vàng bỗng hoá thành người đẹp mà dũng sĩ ra công đi tìm. Thì ra, đã từ lâu, dũng sĩ ngồi lên sự thật mà không biết !

ĐOẠN A : Intro là nhịp ngựa phi trên con đường dài... với motif re la re fa, với melody cũng rong ruổi trên những nốt nhạc của motif.

image011

Cũng với nhịp điệu của Intro, ca từ cho ta thấy chàng dũng sĩ, trên thớt ngựa vàng, rong ruổi đi tìm dấu người yêu... Về phần cơ cấu - song’s form - đây là đoạn A-a.

image013
(Hát hai lần)

Qua đoạn 2 tức là đoạn B-a, ngựa leo tới đỉnh núi rồi dừng vó lại, chàng dũng sĩ đưa mắt nhìn quanh:

image015

Rồi chàng vẫn đi tìm (là đoạn B-b) nơi bờ sông vắng...

image017

... Một đêm, ngừng nơi bãi núi, (là đoạn B-c) nghe thoảng tiếng mưa rơi...

image019

Rồi một ngày nao dừng ngay bờ suối, với đọan B-d:

image021

Sau đó, tới đoạn A’, làsự nhắc lại đoạn A : với nhịp ngựa phi,vớica từ mới,chàng dũng sĩ vẫn chưa tìm thấy người yêu muôn thuở:

Chàng tìm khắp cõi không thấy bóng người,
Không thấy bóng người
Đường dài soải bóng, trong gió ngựa vàng thay sắc đổi lông
Chàng còn đi mãi, đi mãi, đi hoài, đi mãi, đi hoài
Vào làn sương khói, chiếc áo tươi mầu nay đã nhạt phai.

Tới đoạn C-a, nhạc lại chuyển sang tiết điệu chậm rãi, mô tả chàng dũng sĩ trở về nhà, cầy bừa, trồng trọt sau khi thất bại trong việc đi tìm kiếm... Motifmelody thay đổi, Re minor chuyển qua Re major : re fa re la ra (Nghe như một khúc tango habanera).

Rồi một hôm chàng trở lại,
Ngựa dừng bên dòng nước mưa
Ngâm mình sâu trong suối biếc,
Bỗng thấy yêu thương vô bờ
Rồi một hôm chàng trở lại,
Cầy lại sa trường xác xơ
Ươm bầu, ươm dưa khắp lối
Lũ bướm bay quanh hoa vàng
Ngỡ bước chân xưa của nàng...

Thế rồi với đoạn D-a, nhạc chuyển qua motif khác (Si minor : fa# si fa# re), melody chuyển lên cao : Mùa Đông đã tới, chàng dũng sĩ lại cất công đi tìm...

Chàng lên đỉnh núi, vun mai giữa trời
Mùa Đông rồi tới, hoa bay trước đời
Rừng mai nở mãi, trông như nét cười của ai... ai ơi !

Đoạn D-b sẽ là đoạn dũng sĩ xuống ngựa trên cầu trong cơn bão tố, con ngựa vàng bỗng hóa thành người tình mà chàng đi tìm từ bấy lâu nay : cũng nhu chúng ta đi tìm Chân Lý, từ lâu ta đã ngồi lên Chân Lý mà không hay !

Ngoài sông gầm gió, trên sông bắc cầu
Cùng con ngựa quý, qua sông lúc nào
Chợt con ngựa cũ thân yêu hoá thành người yêu.

Sau cùng là Đoạn A’’, dùng motif, nét nhạc, tempo đã có... rồi kết thúc với nhip Majestuoso chậm...

Ngựa vàng đã hoá thân, hoá thân là người yêu muôn thuở
Ngựa vàng đã hoá thân, hoá thân là người vẫn hằng mơ
Rồi chàng dũng sĩ, đôi mắt sáng ngời như ánh mặt trời
Cùng người yêu quý đi suốt cuộc đời, tình ái nở hoa

CODA để Hết
Viên thành đạo ca cho đời ca hát !


Đạo Ca Bốn: Quán Thế Âm (Hoá Thân) Mother Of Us All (Transfiguration) là biểu tượng cá nhân bước vào đại thể. Nghe được tiếng khóc của một người mẹ đi tìm con với niềm đau khổ riêng của bà là nghe thấy tiếng khổ chung của nhân loại. Đây là một bài hát buồn trong 10 đạo ca vô hương vô sắc.

image023

Nửa câu đầu (periphrase) dùng motif mi sol si sol simelody giọng minor :

Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng
Có bà mẹ đi tìm con trong động hang lan vàng.

Nửa câu tiếp theo là sự phát triển với modulation sang G major, B major :

Có bà mẹ đi tìm con bên bờ sông lam tím
Có bà mẹ đi tìm con trong thung lũng cỏ hoang.

Tiếp tục là repetitions cùa 2 periphrases với ca từ khác, cũng chỉ là sự đi tìm con của Mẹ.

Trên đỉnh mùa Xuân, mẹ ta thương cả rừng hoa lá
Trong mùa Hạ, bên bờ lau, Mẹ yêu tiếng ve rầu rầu
Thu về nằm trong bụi cây, nhớ mây trời xanh ngát
Nuôi một đàn chim mồ côi, khi Đông tuyết lạnh rơi...

Cấu trúc của ca khúc là ba đoạn A B A’. Sau đây là đoạn B :

image025

Bốn mùa hoa đua nở, bốn mùa Mẹ lang thang
Tìm con, loà đôi mắt, gọi con, lời đã khan
Khóc con, lệ đã cạn, thương con, lòng vắng hoang
Nhớ con, sầu đã ngất, đợi con, hồn đã tan.

Bài hát tiếp tục với nhạc của đoạn B :

Tay Mẹ đang quờ quạng, như một cành khô khan
Nhớ con tìm khắp chốn, rời rã cả thời gian
Khi còn là thiếu phụ, thơm như nhành ngọc lan
Đến nay, già tóc trắng, tìm con đà mấy trăng.

Trở về nhạc của đoạn A (thành A’) với ca từ nói tới khi Mẹ qua đời, nếu xưa chỉ là Mẹ đi tìm một người con thì bây giờ Mẹ hiện thân là Mẹ chung của nhân loại :

Thế rồi, một hôm Mẹ chết, hơi Mẹ trong trời chưa hết
Ôm cả trần gian đầy vơi, nhân loại đeo tang người
Tim Mẹ thành ra trùng dương, máu Mẹ thành sông thành nước
Ôi đời trầm luân, Mẹ thương, chiếu ánh sáng từ quang.
Bây giờ Mẹ đã thành mơ, hơi Mẹ hoá thành hơi gió
Bốn mùa ngồi nghe mọi nơi, tiếng Mẹ ru bồi hồi
Xưa là Mẹ đi tìm con, tiếng Mẹ ru buồn khắp chốn
Bây giờ hiện thân Mẹ chung, tiếng Mẹ hát ru dịu dàng
Tiếng Mẹ hát ru dịu dàng...


Tiếp theo là Đạo Ca 5, Một Cành Mai. Nhạc học gia Phạm Quang Tuấn đã có nhận xét :

Bài này tương tự bài Pháp Thân ở chỗ sức diễn tả của điệu nhạc dựng trên cấu trúc hợp âm. Tuy nhiên, cấu trúc hợp âm của Một Cành Mai rất giản dị và dễ đi thẳng vào lòng người (kể cả những người không biết gì về hòa âm!) : nó là một chuỗi hợp âm đi từ hợp âm chủ (bậc I) lên dần: bậc II, bậc III, bậc IV, bậc V, bậc VI, bậc VII (tức là đủ các bậc trong thang âm thất cung), nhưng rồi, thay vì hoàn tất vòng tròn bằng bậc VIII (tức là trở lại bậc I), Phạm Duy nhảy lên bậc III.

Nhảy như vậy vừa bất ngờ mà vừa rất êm tai, vì trong nhạc lý, đó là một "perfect cadence", một kết thúc hoàn hảo để chuyển từ giọng Fa sang giọng La.

Khéo léo hơn nữa, Phạm Duy tạo ra hai điệu hoàn toàn khác nhau nhưng cùng nằm lên trên sườn hòa âm đó.

Giai điệu 1 (theo cấu trúc là đoạn A) :

Em bé khóc đòi cha, như mẹ khóc đòi con...

Đoạn A
image026

Nhạc điệu uốn lượn như sự sống chết...

Repetition của đoạn A với ca từ rất vô cảm, cũng chỉ là công việc cắt nghĩa lẽ tử sinh.

Nước mắt vẫn đầy vơi, sinh tử vẫn còn đây
Đời này qua đời nọ, tử sinh vẫn còn kia...

Giai điệu 2 (đoạn B) : Ù ù u u u ... là một đoạn nhạc không lời hay nói cho đúng hơn là tiếng âm ư humming, giản dị lên dần theo hòa âm rồi đi xuống : biến hóa như cõi tử sinh.

image027

Lại là nhạc của đoạn A (bây giờ là A’) với ca từ :

Ôi máu đã thành sông, xương người đã thành non
Hận thù như trời bể, hờn căm vẫn còn nghe
Cái chết vẫn còn kia, sao cuộc sống còn mê
Đòi thù, thì oán đời đời
Đền nhau chỉ có chút lệ thôi

Rồi lại tới nhạc của đoạn B, đoạn humming (bây giờ là B’) Ù ù u u u...

image027

Đoạn C là sự chuyển cung từ giọng Fa sang giọng La... theo Phạm Quang Tuấn là một "perfect cadence",

image031

Cuộc sống chết nào đây ? Đau buồn sẽ đổi thay
Đem mình vào kiếp người, thoát khỏi nỗi tử sinh.
(đoạn này hát hai lần)

Trở lại đoạn đầu, coi như là nhạc đề chính (leitmotif), bây giờ được gọi là đoạn A’’ như một trở về hoàn hảo để kết luận : nếu ta biết đặt mình vào dòng đời thì tử sinh không phải là điều buồn, sống chết là chuyện vô thường, cành mai có rơi rụng nhưng sẽ lại tái sinh... và chẳng bao giờ phai hương.

Cành mai đã rụng rơi, rơi rụng xuống cuộc đời
Một cành mai rụng rời, làn hương vẫn chẳng phai
Người không riêng của ai, nhân loại vẫn của người
Đặt mình trong dòng đời, tử sinh cũng là vui

CODA là nhạc đoạn B (gọi là B’’) lần này có lời, khẳng định : cành mai là biểu hiện cho lẽ tử sinh của đời ngư­ời (*).

CODA
Một cành mai, mai mãi, mãi mãi
Một cành mai, mai mãi, mãi mãi
Mãi mãi...

(*) Cành Mai hiển hiện trong bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác (thế kỷ thứ 11) : Xuân qua, trăm hoa rụng - Xuân tới, trăm hoa cư­ời - Trư­ớc mắt : việc đi mãi - Trên đầu : già đến rồi - Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết - Đêm qua sân tr­ước nở cành mai.

Đây là bức ký hoạ t­ươi tắn, hay một câu hỏi đau đáu về lẽ tử sinh của đời ngư­ời mà biết bao thế hệ phải trăn trở ? Vượt lên triết lý tuần hoàn của nhà Phật, lẽ sống đã đư­ợc quan niệm một cách mới mẻ, lạc quan : sự sống là bất diệt. Cũng giống nh­ư cành mai có thể vư­ợt ra ngoài cuộc sinh hoá của trời đất.

(*) Và PD (thế kỷ 20) cũng sẽ có câu Cành mai không ai biết, em âm thầm nở hoa trong 10 Bài Rong Ca.


Đạo ca 6 có tên Lời Ru, Bú Mớm, Nâng Niu. Đạo Ca này nói về hiện thể tạo hoá của người mẹ đã khiến cho đứa con có một nền tảng tâm linh, hiền hoà giữa tạo vật, nhân sinh không còn là tù ngục giữa con người.

Georges Etienne Gauthier đã nhận xét về bài này :

Trẻ sơ sinh chưa thể có ngay một tâm hồn. Khi người mẹ cho con bú mớm, cho con lời ru và sự nâng niu, tức là đã cho đưa trẻ có được tâm hồn. Thật là đúng biết bao ! Ðó là chân lý nguyên sơ, chân lý của buổi đầu cuộc đời : Con ơi ! Mẹ là Thượng Ðế, cho con tâm lý nguyên sơ. Trên bài thơ của những bài thơ này, giai điệu của Phạm Duy vút lên đơn giản và thanh khiết trong những nẻo đường nhẹ nhàng thanh thoát của giọng La giảm trưởng. Ở đây, mến thương, nồng nàn, xúc cảm cùng nhau hoà hợp tinh vi trong một bức thủy họa bằng âm thanh có nét quyến rũ độc nhất và lưu giữ.

Nhạc của tôi đã từng là thơ lục bát hay thơ tự do. Với đạo ca này, ca từ của tôi hoàn toàn là THƠ SÁU CHỮ (không có câu nào dưới hay trên 6 chữ), do đó melody, prosody mang hơi hướng “ù ơ” của lời ru con, ru em, ru cháu...

Về cấu trúc nó cũng rất giản dị : AB

Đoạn Amotif (và melody) lab lab do mib lab do kéo theo sib sib sib mib lab lab.

image033

Ru con bằng vòng tay ấm,
Cho con yêu tiếng dịu dàng
Ru con bằng bầu sữa nóng
Cho con ơn mãi tình nồng.

Từ Lab trưởng, modutation qua Reb trưởng :

Ru con bằng bài ca ngắn,
Cho con mến Nhạc và Thơ
Ru con còn nhờ mây gió
Tim con chẳng có vực bờ

Nhạc của đoạn A có repetion với lời khác :

Ru con bằng rừng trên núi, con ơi, mưa nắng còn dài
Ru con bằng đồi ven suối, cho con không oán thù người
Ru con bằng cỏ hoa mới, trăng sao kết lại thành đôi
Yêu muôn loại và muôn tánh, mai sau chẳng sống một mình.

Đoạn BĐiệp Khúc

image035


Ca khúc có thêm phiên khúc 2, cũng là lời của mẹ yêu thương, là lời của Thượng Đế ban cho bé sơ sinh :

Tim em là bình minh mới, cho con tia máu đỏ ngời.
Ru con bằng làn hương mới, cho con thơm ngát lòng đời
Ôm con nhìn vào con nhé ! Cho con lẽ đạo thường chân
Môi em là nụ hoa thánh, cho con ngợp ánh chiêu dương...

Đạo ca sẽ kết thúc bằng tiếng ru, nhẹ nhàng, thanh thoát, quyến rũ :

Ru con rằng : Đời muôn lối,
Như mây kết hợp, rồi tan
Thân con là Trời cao vói,
Tim con là cõi địa đàng...



Ù ơ Mẹ ru con biết :
Yêu thương như câu đầu lòng
Nghìn năm còn đây thắm thiết
Câu ru mạch máu Ðông Phương.
(Humming để Hết)


Đạo ca 7 lại là một truyện ca, không phảichuyện thật mà là chuyện tưởng tượng, là nhạc biểu hiện, nhạc tượng trưng (symbolic) như Đạo ca 3.

Mang tên Qua Suối Mây Hồng (Vô Ngôn), ca khúc có tới CHÍN hay MƯỜI câu, mỗi câu là một đoạn (Cấu trúc lạ, chưa ai viết như thế cả !!!).

Đạo Ca này diễn tả cuộc chiến tranh thầm lặng giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, tranh nhau trái tim Mỵ Nương tượng trưng cho ý thức sáng tạo. Sơn Tinh là sự vắng lặng của ý niệm ngôn ngữ, cùng người đẹp biến vào Đại Thể, còn lưu lại trên đỉnh núi cuốn thiên thư không chữ và cây sáo thần không lỗ, thúc giục loài người vượt thoát ý niệm ngôn ngữ để thể nhập vào cõi uyên nguyên.

Toàn bài theo một nhịp điệu 3/8, với lối kể chuyện, khi nhặt khi khoan, lưu loát, lôi cuốn, hấp dẫn... Trừ một bridge ngắn mô tả cuộc chiến tranh giữa Thủy Tinh và Sơn Tinh, toàn thể ca từ là THƠ NĂM CHỮ. Toàn bài còn là việc kể chuyện từng hành động (action) bằng từng câu nhạc, mỗi câu nhạc đều đến ngừng nơi một hợp âm kéo dài ba phách, hợp âm kéo dài này rất quan trọng vì nó tái hiện nhiều lần trong ca khúc, với nhiều chủ âm khác nhau, như thể một tiếng vang, một ngưng nghỉ của sự im lặng.

Introduction mang nét nhạc chính (leitmotif = fa re do sib sib) rồi ca khúc khởi sự với contour melodic đó hai lần lên xuống, hai lần lên xuống nữa (vị chi là 4 lần cả thẩy) diễn tả cảnh cô dâu (Mỵ Nương) về nhà chồng (Sơn Tinh) nơi đỉnh núi. Lại một perfect cadence : giọng Sib tới giọng Dsus4.

image037

Đoạn Bre re fa# la, chuyển lên sol sib sib sol sol, chuyển qua sol sol sol re fa, chuyển xuống mib mib mib mib sib... nghĩa là modulation từ Re major sang Sol minor, từ Mib major qua Fa major, từ Mib major về Sib major. Chưa bao giờ trong một câu nhạc ngắn ngủi, có tới 5, 6 lần chuyển cung !

image039

Tới đoạn C, mô tả tiếng vui mừng trên đỉnh núi làm cho lầu các dưới biển nghiêng ngửa và làm cho Thủy Tinh giận giữ, thét thủy quân lên đường chiến tranh...

image041

... vì đám mây hồng đã đem Mỵ Nương lên núi, giữa cảnh hoa rơi, hoa rơi...

image043

Trở về nhạc điệu của đoạn B (thành B’), Thủy Tinh than rằng quyền uy bốn bể của mình không làm cho người đẹp nghiêng lòng...

image045

Với nhạc của Đoạn A’, Thủy Vương đòi Sơn Vương trả lại Mỵ Nương cho mình...

Thề quyết không một trời
Thủy Vương vùng kiếm thét :
" Trả đoá hoa hồng ngời ! "
Thủy Vương vùng kiếm thét...

image047

Tới đoạn sau, mượn lại nhạc điệu của đoạn B (bây là gọi là đoạn B’’), vì không có ai trả lời nênThủy Vương thét thủy quân thẳng tiến.

image049

Cũng vẫn là đoạn B (bây giờ là B’’’), ta thấy Sơn Tinh và Mỵ Nương ngời mỉm cười trên núi khiến Thủy Tinh càng căm giận...

image051

Bây giờ nhạc chuyển qua đoạn mới, có tên là đoạn E, mô tả cuộc đấu tranh giữa hai ông vua, Vua NướcVua Núi !

image053
image055

Đoạn sau, đoạn F là sự diễn tả cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh thầm lặng vì có một đối thủ hiếu chiến (Thủy Tinh) nhung lại có một đối thủ hiếu hòa (Sơn Tinh). Đoạn này chuyển cung qua Do# major rồi sẽ còn chuyển cung nữa...

image057

Đoạn G là đoạn chuyển cung qua Sib minor : Thủy Vương thua trận vì sóng cứ tràn lên nhưng Sơn Vương không thèm đánh lại mà cứ việc nâng núi cao lên... Thủy Vương tức hộc máu, lui quân về biển khơi...

image059
image061

Kết thúc là BA câu nhạc, repeating các đoạn A, BA... cho thấy Mỵ Nương và Thần Núi theo làn suối mây bay lên trời, để lại một khúc ca giục con người vượt muôn trùng ảo huyễn, đi về chốn không còn lụy phiền gì nữa...

image063


Sau Ðạo Ca Bẩy là một ca khúc chú trọng tới nhạc điệu với âm hưởng của tiếng chuông chùa, ca khúc nhan đề Giọt Chuông Cam Lộ.

Trước hết, hãy đọc lời nhận xét của Georges Etienne Gauthier viết trong năm 1971 :

Ðạo Ca Tám sẽ nói với chúng ta về tiếng chuông chùa -- trong Phật giáo Việt Nam -- đã từng thức tỉnh con người trong kiếp sống rất cô đơn và bát ngát. Ca khúc sẽ gợi kỷ niệm của vị đại thiền sư Vạn Hạnh xuống núi theo tiếng đại hồng chung, nắm tất cả mùa đông trong lòng tay, gậy thiền chống xuống thời gian và không gian, vô ngại, cứu vớt nước Việt Nam và cứu cả nhân loại.

Giai điệu của ca khúc, lần này, sẽ là giai điệu ngũ cung, thanh bình và sắc nét từ đầu đến cuối.

Về điểm hoà âm, tiếng chuông chùa sẽ được gợi nên bằng những hợp âm có nhiều nốt phụ suốt dọc ca khúc. Không một hợp âm toàn bài nào được sử dụng âm thể của toàn bài, một lần nữa, sẽ rất giả định. Tuy nhiên, về hiệu quả âm thanh thì đó là một nhạc bản huy hoàng, những âm hưởng trong suốt tuyệt vời và lạ lùng, những hồi chuông nhẹ nhàng và như là thoát tục... Debussy và Ravel có thể sẽ yêu một tác phẩm như vậy, nhưng tuy thế, chỉ Phạm Duy mới có thể viết như lối viết này mà thôi.

(chú ý : vào lúc (1971-72) tôi soạn Đạo Ca, Duy Cường hãy còn nhỏ tuổi, phần hợp âm của từng bài là do tôi ghi chú. Khi đưa Đạo Ca cho nhạc sĩ Hồ Đăng Tín để soạn hòa âm và phối khí, anh ta đã thêm thắt và sửa đổi chút ít).

Trong Đoạn A, motif re do la sol sẽ là melody đi xuống (descendent)... rồi đi lên (ascendent) ở câu cuối :

(Đi xuống từ đầu) Bóng đêm qua rồi, bóng đêm qua rồi
Tiếng chuông vang hồi, tiếng chuông vang hồi
Thấy trong nhân loại tiếng chuông vang hồi
(Đi lên) Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông rơi.

image065


Sau đó là Đoạn B, là development của leifmotifmelody khác nhưng nhạc tính cũng như câu trước (Đoạn A) :

image067

Nhạc điệu của Đoạn B sẽ được nhắc lại (repetition)với ca từ khác (do đó melody cũng khác), nhưng cũng chỉ nói lên ảnh hưởng của tiếng chuông chùa trong cuôc đời :

Chùa rêu lơ lửng giữa lưng núi mờ
Ðại hồng, chuông lớn đã khua tiếng ròn
Nụ cười yên tĩnh ngát hương khói trầm

... Có thêm hai câu :

Lời kinh cao ngất A Di Ðà Phật
Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang...

Tới đây là đoạn C, tiếng chuông vang lên với tiết điệu rộn ràng, tưng bừng, lẫy lừng... nhưng cũng mơ hồ, vang trên luống cầy cho đòng lúa trổ, trên biển cho nước trầm tư, cho đời người hết ưu tư...

image069

Đoạn B’ sẽ là sự kết thúc của bài Giọt Chuông Cam Lộ với ca từ mô tả Thiền Sư Vạn Hạnh lững thững xuống non, cứu nguy cho đời :

Một nụ mai nở giữa cơn gió rừng
Thiền Sư lững thững xuống non, chống gậy
Lòng tay nắm lấy tiết Ðông giá lạnh
Giọt mưa lóng lánh, lắng trên gậy vàng
Gậy Thiền đưa xuống không gian vô tận
Gậy Thiền đưa xuống thế gian cõi thường
Thời gian mãi mãi, tiếng chuông sáng ngời
Thiền Sư xuống núi, cứu nguy cho đời
Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang...


Ðạo Ca Chín mang tên Chắp Tay Hoa hay là Quy Y sẽ là thái độ cung kính và yêu thương đối với tất cả những vật chung quanh, bởi vì tất cả đều thiêng liêng, nấc thang giá trị giữa mọi vật chỉ do con người đặt ra. Chắp tay như một đóa hoa, quỳ lạy cuộc đời, lạy tất cả chẳng trừ vật nào. Giai điệu tiến tới từ đầu đến cuối bằng những đoạn ngắn (contour melodique) với nhịp điệu thay đối. Giọng Do thứ khiến cho giai điệu có một tính chất trang trọng, nhưng một hoà điệu khá linh động, như bấy nhiều nụ cười, sẽ soi sáng bước đi của nhạc phẩm.

image071

Motif của đoạn Amib re do do... một triolet cứ tuần tự phát triển trên giọng Do minor từ đầu cho tới cuối bài : chắp tay lạy Trời, lạy Đất, lạy Nước và lạy Người... Lạy rồi, lạy mãi không thôi...

... Tới đoạn Blạy mây bay cho trời cao rộng, lạy sông trôi cho sạch sầu đời, lạy tất cả hiện hữu diệu vời... Vì đâu không là Phật, đâu chẳng là Trời ?

image073


... Tới đoạn C lạy bông hoa cỏ, lạy hạt bụi rơi... vừa lạy vừa mở lòng ra cho trời đất hiện, như suối suôi non, như mây lên ngàn, như sông vượt trùng, như ánh trăng vàng...

image075


Qua tới đoạn B’ (tức là dùng nhạc điệu của đoạn B), cho ta thấy :

Tâm là đảo quý giữa biển luân hồi
Thần thánh đi rồi, chỉ có lòng thôi
Hiện hữu đây rồi, không ý không lời
Tôi không là Tôi, Người không là Người.

Đoạn C’ (tức là dùng nhạc điệu của đoạn C), nhấn mạnh

Mười phương mây nổi như cánh hoa trôi
Như sóng ra khơi, như hơi gió thổi
Như mây xa vời, như bóng hạc trời
Tôi không là Tôi, Người không là Người.

Cuối cùng là đoạn A’ (nhắc lại nhạc điệu chính), nhắc lại ca từ chính.

Chắp tay lạy Người, xin cho nụ cười
Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi
Chắp tay lạy Ðất, cho mầm cây tươi
Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời
Chắp tay lạy Người, chắp tay lạy Trời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi
Lạy mãi không thôi ! Lạy mãi không thôi !


Đạo Ca 10Tâm Xuân tức Tam Giáo Đồng Nguyên là con đường trở về thiên nhiên, gia đình, xã hội và siêu nhiên khiến cho cá nhân được quân bình giữa cảm xúc, trí thứchành động. Đó là nền đạo lý tổng hợp tối diệu ba nguồn tư tưởng Phật-Lão-Khổng của Việt tộc. Mùa hồi sinh của tạo vật cũng là sự bừng sống mãnh liệt của tâm tư.

image077
image079

Đoạn A với motif sol mi sol do và sự phát triển của melody (sol mi sol fa v.v...) mô tả mùa Xuân trở về trong gió, trên đám mây, về lòng đất, về non cao...

Và tiếp tục với những câu sau, cũng với nhạc tính chung, Tâm Xuân mô tả mùa Xuân đã trở về biển mát, trở về suối xanh. Em (hay chúng ta) trở về với thiên nhiên, về thôn trang... trở về khơi hương, thơm ngôi từ đường... trở về quê nhà, lễ đình làng ta. Nhớ cội, nhớ nguồn, đất tổ, quê cha. Em (hay chúng ta) trở về siêu nhiên, hành hương chùa chiền, mở lòng ra, vui cùng cỏ hoa... Nghĩa là Xuân đã về trong vũ trụ, còn Ta thì trở về lòng Ta !

Nhà phê bình Thụy Khuê nói : Đạo Ca đã thơ mộng hoá kinh điển nhà Phật : đem tình yêu vào đất thánh. Nhưng hồn của Đạo Ca mới chỉ là hồn bướm mơ tiên, là tình yêu chưa bước vào vườn địa đàng đã thoáng nghe tiếng chầy kình của thiền sư Không Lộ mà giật mình tỉnh ngộ quay về với đạo lý. Tình yêu trong Đạo Ca là thứ tình nửa chừng xuân : tình yêu đã diệt dục. Đạo Ca thuộc về đạo, là ý thức muốn giác ngộ, đang tìm đường giác ngộ, nhưng mới đi được nửa đường. Bản đạo ca Tâm Xuân kết thúc cuộc hành hương bên bờ nghi vấn:

Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Tâm ?
Mùa Xuân có không ? Hay là cõi không ?
Về nguồn về cội ! Về nguồn về cội !
Ðể rồi vươn tới, với lòng mênh mông...


Phạm Duy