Tâm Phẫn Ca
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3807
Saigon 1965
Sau khi Tâm Ca ra đời và là tiếng gọi của lương tâm trong một thời đại (từ 1964 trở đi...) mà tôi dùng hình thức Chương Khúc để đưa ra mười bài hát rất ư là tả thực, nói thẳng vào cái xã hội nát tan trước mặt.
Về hình thức, trong mỗi bài tâm ca, tôi dùng một nhạc đề trong một đoạn, rồi hai nhạc đề trong một đoạn... tôi còn dùng nhiều cách để phát triển nhạc đề thành một câu nhạc và phát triển hai nhạc đề (a và b) thành một câu nhạc v.v... Chưa kể vì tính chất ác liệt, khổ đau của xã hội, tôi phải nén lòng làm cho melody cũng phải trơ trụi, xác xơ, cục cằn.
Thế rồi mùa Xuân 1968 đến với biến cố Tết Mậu Thân, chiến tranh vào thành phố, cái chết được chúng tôi nhìn thấy tận mắt, sờ được bằng tay. Tôi Không Phải Là Gỗ Đá là ca khúc ra đời để tôi có thêm một số bài hát nữa gọi là Tâm Phẫn Ca.Vẫn là tiếng hát lương tâm như Tâm Ca nhưng nó có thêm sự phẫn nộ, giận dữ, mỉa mai. (Rồi vì thực tại xã hội không thay đổi cho nên nó lại được tiếp nối với Thương Ca Chiến Trường hay là Ca Khúc Cho Quê Hương Tồi Tệ).
Tôi Không Phải Là Gỗ Đá hát rằng :
Motif 1 (re do# la do# re) và melody (là những imitations) chắc phải là buồn rồi ! Chuyển sang motif 2 (do re fa sol la) với imitations, rồi còn chuyển qua một motif nữa (re la do fa) và imitations (si mi si la)... như vậy là có tới 3 motifs để tôi soạn một ca khúc, sự phong phú trong nhạc PD lại được tôi duy trì.
Về nội dung, tôi nói tới thảm cảnh xã hội do chiến tranh và ly loạn gây nên, nhưng không khuyên mọi người nhắm mắt lại :
Ðừng ngụy trang trong tiếng hát
Ðừng cần mang đôi kính mát
Hãy lắng nhìn vào quê hương điêu tàn
Hãy đếm từng người dân đang chết oan
Hãy oán hờn cuộc binh đao tương tàn
Hãy khóc thầm dù nước mắt đã cạn
Hãy biết buồn, hãy biết thẹn
Vì non sông còn tối đen.
Tôi không thể nào thản nhiên
Tôi không thể nào im tiếng
Nên tôi thét vào thinh không
Lời nói hãi hùng hơn tiếng bom
Tôi không thể nào miệng câm
Tôi không thể nào tai điếc
Nên tôi khóc và tôi điên
Cho đến bao giờ đời bình yên!
Tâm phẫn ca, cũng còn được gọi là ''bài ca nổi giận'' (chanson en colère) lần lượt ra đời, phần nhiều là những bài thơ được phổ nhạc. Lý do là vì sau khi tâm ca và một vài bài tâm phẫn ca của tôi được phóng ra thì nó gây một tiếng vang trong đám thi sĩ và nhạc sĩ trẻ. Nhiều bài thơ chống chiến tranh được viết ra, ví dụ thơ của Thái Luân, Tâm Hằng, Luân Hoán v.v... và nhiều bản nhạc phản chiến được soạn ra, ví dụ những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Miên Ðức Thắng v.v...
Bài Nhân Danh soạn theo thơ của Tâm Hằng (tức Nguyễn Đắc Xuân) dùng một motif mineur để nói về sự nhân danh “giữ mình” để phải giết 1 người :
Vì giữ mình tôi phải giết, phải giết
Giết một người, giết một người !
Xin nhân danh ngồi dưới mặt trời
Vì giữ mình tôi phải giết một người.
Imitation 1 nói về sự nhân danh giữ gia đình, phải giết 10 người :
Vì gia đình tôi phải giết, phải giết
Giết mười người, giết mười người !
Xin nhân danh hạnh phúc lạc loài
Vì gia đình tôi phải giết mười người.
Các imitations sau nói về sự nhân danh giữ ruộng đất, giữ tổ quốc, giữ lý tưởng, giữ giống nòi và nhân danh giải phóng loài người, nhân danh đường lối hoà bình để giết từ 1 ngàn tới 1 triệu người, kể cả phải giết trọn loài người, và như thế, giết luôn cả tôi !
Vì xóm làng tôi phải giết, phải giết
Giết ngàn người, giết ngàn người !
Xin nhân danh ruộng đất hẹp hòi
Xin nhân danh ruộng đất hẹp hòi
Giết ngàn người.
Vì giống nòi, tôi phải giết, phải giết
Giết vạn người, giết vạn người !
Xin nhân danh Tổ Quốc đẹp ngời
Vì giống nòi, tôi phải giết vạn người.
Vì lý tưởng, tôi phải giết, phải giết
Giết triệu người, giết triệu người !
Xin nhân danh giải phóng loài người
Vì lý tưởng tôi phải giết triệu người.
Vì nhân loại tôi phải giết, phải giết
Giết trọn loài người, giết trọn loài người
Xin nhân danh đường lối hoà bình
Xin nhân danh đường lối hoà bình... giết luôn tôi !!!
Tới phẫn nộ ca Bi Hài Kịch, soạn theo thơ của Thái Luân, tôi dùng một motif (sol mib do do do) có những imitations (sol mib do do mib, mib do sib sol sib, mib sib do sib sib) để tả cảnh sân khấu với...
Ðạo diễn đưa tay lên
Ðạo diễn đưa tay xuống
Bi hài kịch mở màn
Bi hài kịch khai trương.
Và imitations (mib do do do mib, mib do lab mib lab...) bây giờ tôi diễn tả cảnh diễn viên quay súng bắn, diễn viên gục đầu đường rồi vệt máu loang loang, chẩy vào quê hương...
Rồi những imitations khác cho biết :
Quê hương là ruộng đồng
Quê hương là mưa nắng
Quê hương là khoai sắn
Quê hương là cơm ngon.
Cứ như thế, Bi Hài Kịch đổi màn, thay phông đưa ra cảnh diễn viên đang tra tấn với diễn viên chịu cực hình... khen nhau mãi, chửi nhau hoài...
Cho tới khi bi hài kịch bỏ màn nhưng chưa xong,
và :
Diễn viên rơi nước mắt
Ðạo diễn khóc hay cười
Khán giả thì im hơi
Ôi bi kịch còn dài
Trong hay ngoài sân khấu
Bên trên hay là bên dưới
Ai cũng buồn như nhau.
Tâm Phẫn Ca Đi Vào Quê Hương soạn theo thơ Hoa Ðất Nắng có motif chính : sol la do re mi.
Tôi vào quê hương bằng cuộn dây thép gai
Ðồng cỏ cha tôi, tôi trói gô hình hài
Và imitation :
Tôi đào thông hào, trồng cây chông nhọn hoắt
Tôi giơ tay cao, tôi cấu tôi cào...
v.v...
Melody thì rất là uyển chuyển, vừa cay đắng vừa sót thương, vừa ác liệt vừa sầu não... đẹp nhất là những câu :
Tôi vào quê hương bằng một gánh hát quê
Đả đảo hoan hô tôi đứng lên làm hề
Lũ trẻ ngù ngờ cười phun nước miệng
Trên da thịt tôi, trên yếm trên đầu...
Và kết luận :
Tôi vào quê hương quà tặng nhớ đem theo
Một khẩu thompson hay chiếc súng cộng đồng
Mỗi thằng một đứa, dành cho nhau một phát
Mỗi đứa một thằng, dành một phát cho nhau.
Tâm phẫn ca còn nói tới người lính Việt Nam mà không dùng những lời ca nịnh lính hay mị dân mà các bộ máy tuyên truyền lúc đó đang đề cao. Nó nói về cái chết của Người Lính Trẻ.
Người lính trẻ chết trận chiều qua
Nên trăng sao vụt tắt chẳng ngờ
Người lính trẻ chết trận hồi mơi
Nên hôm nay chẳng có mặt trời...
Người lính trẻ chết trận ngày mai
Trên quê hương ngọn lúa rụng rời
Người lính trẻ chết trận ngày kia
Trên ngôi cao là hết dị kỳ...
Motif và melody khác (các imitation) đến, với đoạn ông trời phải khóc :
Nhiều vị Trời ngồi ôm mặt khóc
Nhiều vị Thần rủ nhau vụt mất
Tình chỉ còn mầu tang lạnh ngắt
Và còn gì nhan sắc người yêu ?
Sờ vào đàn thì dây vừa đứt
Ðọc truyện tình, dòng chữ rụng rơi
Rồi loài người đổi thay hình dáng
Người trần truồng về thuở hồng hoang...
Vì cái chết của tuổi trẻ cho nên tất cả đều nổi giận: mặt trời, trăng, sao phải vụt tắt, ngọn lúa phải rụng rời, các vị Thần, các vị Trời phải ôm mặt khóc rồi rủ nhau chạy mất, dây đàn phải đứt, dòng chữ phải tan, con người trần truồng phải trở về thời hồng hoang cho tới khi địa cầu nổ toang, cuộc đời tận thế !
Kết luận :
NGƯỜI LÍNH TRẺ...
HẾT TRẬN CÒN CHI ! CÒN CHI ?
Phẫn nộ cho nên sau khi nói chuyện nổi giận về cái chết của Người Lính Trẻ thì nói chuyện mỉa mai với Chuyện Hai Người Lính soạn theo thơ Tâm Hằng :
Có hai người lính ở chung một làng
Cùng yêu Tổ Quốc Việt Nam
Motif và medody (là thơ lục bát) với giong Mi minor với chuyển cung chút síu qua Re major :
Có hai người lính ở chung một làng
Cùng yêu ruộng đất Việt Nam
Đưa ra chuyện hai người lính cùng chung một làng,cùng chung họ hàng, cùng chung nòi giống, cùng chung một lòng, cùng không để mất Việt Nam... Và cùng tiến lên đường, quyết tâm gìn giữ Việt Nam.
Rồi :
Có hai người lính nằm trên ruộng đồng
Cùng ôm khẩu súng chờ mong
Và rồi :
Có hai người lính một sớm mai hồng
Giết nhau vì nước Việt Nam.
*
Với tâm phẫn ca, tôi đưa ra những lời phản kháng: Vạch mặt bọn cường đạo quốc tế đạo diễn vở Bi Hài Kịch. Phẫn nộ trước trò Nhân Danh chủ nghĩa, hoà bình, nhân loại để giết lẫn nhau. Bi đát trong Chuyện Hai Người Lính. Và tuyên bố Trời Phật Thánh Thần đều bất lực trước cái chết của Người Lính Trẻ...
Những tiếng nói thật về thân phận người lính Việt Nam như vậy cũng có những người khác nói lên, nhất là những thanh niên đang phục vụ trong Quân Đội. Một bài thơ nhan đề Trả Lời Một Câu Hỏi của một người lính chiến tên là Linh Phương, đăng trong góc nhỏ của một tờ báo hằng ngày được tôi thêm lời, thêm ý để thành bài Kỷ Vật Cho Em. Khi bài hát ra mắt khán thính giả, nhất là tại các phòng trà ở Saigon, mỗi lần ca sĩ hát nó lên là tất cả mọi người ngồi nghe gần như đều lâm vào một hoàn cảnh náo loạn. Kỷ Vật Cho Em quả là một bài hát buồn, buồn nhất trong tất cả những bài hát buồn của tôi. Nhưng nó không phải là bài ca không có hậu, bởi vì nếu “em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại?”... thì anh “xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về”. Người chiến sĩ sẽ trở về dù “trong hòm gỗ cài hoa, trên trực thăng sơn mùi tang trắng”. Hay trở về “với chiến thắng”, hay trên “đôi nạng gỗ”... nhưng anh sẽ trở về !
Về hình thức, xin đọc lại những gì nhạc học gia Phạm Quang Tuấn ở Úc Châu viết về Kỷ Vật Cho Em :
Thoạt nghe qua và nhìn vào nhạc, khó có thể thấy là nhạc bài này hay ở chỗ nào. Nhưng không thể quên được cái tác dụng mà nó gây vào thính giả miền Nam trong thời chiến. Phạm Duy kể là mỗi lần nó chơi ở phòng trà là như có '' riot ''. Tôi còn nhớ khi ở New Zealand bọn du học sinh chúng tôi được nghe băng này, đứa nào cũng bàng hoàng. Thậm chí có người ở miền Nam đã cho rằng bài này là một trong những lý do làm miền Nam thua!
Tại sao bản nhạc này lại có một tác dụng mãnh liệt như thế? Ðành rằng lời cũng có ảnh hưởng phần nào, nhưng những lời phản chiến cay đắng như vậy ở miền Nam ngày xưa không phải là quá hiếm.
Nhìn vào melody thì thấy rất giản dị, không có những hợp âm, modulation cầu kỳ. Lại dùng thể major và mới vào những notes đầu đã theo y hợp âm major tonic (Do, Mi, Sol): Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ? đáng lẽ phải dành cho những bản vui tươi dễ dãi! Tiết tấu cũng không có gì rắc rối cầu kỳ, tuy có một nhịp chỏi (syncopation). Nói tóm lại, về phương diện nhạc lý, cấu trúc, khó giải thích được tác dụng của bài nhạc.
Theo tôi, tác dụng này chính là ở cái tiết tấu và âm giai vô cùng giản dị nhưng mạnh mẽ đó. Câu đầu dùng có 4 notes (sol cao, mi, do, sol thấp) (tôi dùng ký âm solfege tức là Do = tonic) mà trải một octave, gây một cảm tưởng trực tiếp, không cầu kỳ, đánh mạnh vào xúc cảm của người nghe. Cái này kết hợp với tiết tấu cũng giản dị mạnh mẽ để đi thẳng vào lòng người.
Tiếp tục bản nhạc, giai điệu cứ tiếp tục cái kiểu cứng cỏi giản dị đó, nhảy từng quãng (intervals) lớn, nhiều lúc thoạt nghe thấy vụng về khó chịu, nhưng nghĩ kỹ thì mới thấy là đây là cái '' vụng về cố ý '' rất sâu sắc của một bực thày. Nó lại đi rất sát với lời, vì lời bài thơ cũng không cầu kỳ mà dùng toàn những chữ giản dị, nôm na, cứng, mạnh để đập thẳng vào emotion của người nghe: Anh trở về, hòm gỗ cài hoa...
Nhạc này thời đó chơi theo kiểu rock của Mỹ, với tiếng percussion mạnh mẽ, cùng với giọng hát rất truyền cảm của Thái Thanh, rất thích hợp với điệu nhạc.
Tôi gọi chung tình hình của Việt Nam trong khoảng 1968-1972 bằng bốn chữ quê hương tồi tệ và trong bối cảnh bi đát này tôi cho in một nhạc tập nhan đề Thương Ca Chiến Trường. Thi sĩ Ngô Đình Vận cũng có chung ý nghĩ nên gửi cho tôi bài thơ Tình Khúc Trên Chiến Trường Tồi Tệ để tôi phổ nhạc.
Trong bài này lời nhạc “gửi tới em” (cũng là motif chính) được vươn dài ra, chuyển động lên (ascendent), cho ta thấy tiếng ái tình lộng lẫy vượn ra khỏi tiếng ầm ỹ của chiến tranh:
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Một hạt mưa lẻ loi trong đêm tối, mưa bay dài
Motif gửi tới em/sol mi do cứ thế mà chuyển động thành si sol mi:
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Hơi thở này nồng nàn, ta yêu nhau đắm say (ơ ơ ờ)
Từ si sol mi, motif lại chuyển tới do la fa :
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Những gì còn sống sót trên đời, như hơi ấm tuyệt vời...
Cho tới hết bài, với từng nấy imitation hay development, cho dù tiếng hát ái tình đã thắng tiếng ầm chiến tranh, nhưng bài hát công nhận hiển nhiên một sự thực : Hạnh phúc nào không tả tơi đắng cay?
Một bài thơ nữa của Ngô Đình Vận, Thầm Gọi Tên Nhau Trên Chiến Trường Tồi Tệ cũng được tôi phổ nhạc và cho in ra trong nhạc tập Thương Ca Chiến Trường.
Thầm gọi tên mày ! Thầm gọi tên tao ! Thầm gọi tên nó !
Những thằng tốt đen trong cuộc đời
Những thằng lính non hay già rồi
Gọi tên mày ! Gọi tên tao ! Gọi tên nó !
Gọi tên nhau, tên nhau...
Cũng với lề lối của bài trước, motif nhạc và sự phát triển của nó là:
Thầm gọi tên mày ! Thầm gọi tên tao ! Thầm gọi tên nó !
(Sol re fa re, sol re fa sol, re fa sol la)
Một bài hát thầm thì của chiến sĩ khi nhớ tới các bạn đồng đội đã hi sinh, nghe buồn rầu, sót sa, tiếc nuối... Giữa bài là motif khác :
Tao gọi tên mày ! Tao gọi tên tao ! Tao gọi tên nó...
(La sol# la fa, la sol# la la, la sol# la si...)
Nhưng nếu cần phải đánh giá từng bài trong loại ca khúc được gọi là thương ca chiến trường hay là bài hát trên quê hương tồi tệ thì bài thơ Tưởng Như Còn Người Yêu của Lê Thị Ý do tôi phổ nhạc vào năm 1971 phải là bài ca não nùng, đau thương và chua sót nhất. Bài này mô tả cảnh người goá phụ đi lĩnh xác chồng từ nơi chiến địa trở về.
Bài này khởi đầu với motif : fa sib sib fa sol fa... và chuyển ngay xuống sol fa sol sib, do fa do sib :
Ngày mai đi nhận xác chồng, say đi để thấy mình không là mình
Fa sib, sib fa sol sib fa, sol fa sol sib, do fa do sib
Melody đi xuống (descendent) nhoi lên với motif mới, nghe như tiếng nấc, tiếng khóc, tiếng than...
Ngày mai đi nhận xác anh, cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ
Fa sib, sib fa do sib, do fa sol sib do, sol do sol fa
Nơi tiền đồn ở Cao Nguyên, phi cơ đáp xuống, đưa xác anh về, với motif khác (nhất là với tiết tấu rồn rập của phi cảng : nghe trong dĩa audio-cd)... cảnh góa phụ nhìn xác chồng được phủ tấm quốc kỳ (lại một motif khác nữa) :
Bây giờ anh phủ mầu cờ
Bây giờ anh phủ mầu cờ...
Bài hát kết thúc với một motif đi lên (ascendent) như một tiếng gào thét :
Em không nhìn được xác chàng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu !
Sau khi quá căng thẳng với Tâm Ca, Tâm Phẫn Ca, Thương Ca Chiến Trường... tôi muốn lấy lại sự quân bình trong tôi, tôi bèn soạn Đạo Ca...
Phạm Duy