Đi Tìm Giai Điệu
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 5638
1942 Thời soạn Cô Hái Mơ
Căn bản của âm nhạc là giai điệu. Khi mới khởi sự viết nhạc, tôi chưa có một hướng đi nào trong sáng tác. Nét nhạc (melody) hay nhac đề (motif) của tôi chỉ giản dị là sự tùy hứng phổ nhạc những câu thơ mới (Cô Hái Mơ) hoặc câu thơ tự do hay lục bát (Gươm Tráng Sĩ, Cây Đàn Bỏ Quên)... Vì phải theo prosody của thơ nên tiết điệu cũng đơn sơ, dù đã có chia đoạn khác nhau trong cơ cấu.
Cô Hái Mơ
Tôi vô tình chọn một hệ thống âm giai để phổ nhạc, cho nên trong đoạn 1 của Cô Hái Mơ, motif là nét nhạc đi xuống : fa mi re do, có repetition và imitation đi lên : sol mi do fa...giai điệu nằm trong một hệ thống gần giống ngũ cung có thêm nốt giáng :
Fa sol la do re mi (mib) hay Do re mi (mib) fa sol la
Về cấu phong, tiết tấu trong đoạn 1 phải là Lento : chầm chậm, kể lể, lãng mạn. Chú ý : chữ và -- trong câu khí trời trong sáng và êm ái -- được giảm xuống nửa cung, gây sự êm ái, mơ mộng.
Trong đoạn 2 này, giai điệu nằm trong ngũ cung do re fa sol la với 2 chuyển hệ fa sol lab do re mib (hai cung sau không dùng đến) và fa sol sib do re.
Tiết tấu phải có sự hoạt động (mouvemented), nhộn nhịp, đon đả... vì là cuộc tán tỉnh của Nguyễn Bính/Phạm Duy với cô sơn nữ...
Đoạn 3 vẫn là nhạc modal do re fa sol la và do reb fa sol lab.
Nét nhạc phải buồn vì cô hái mơ không trả lời... có biết đâu cô sơn nữ người Mường không hiếu tiếng Việt cho nên cô lặng thinh là quá đúng !
Qua tới những bài sau đó như Gươm Tráng Sĩ, Cây Đàn Bỏ Quên, giai điệu của tôi vẫn chưa phải là gamme phamduyrienne, tôi soạn theo gamme diatonique có chủ thể (tonal), với giọng re mineur (re thứ) mà ai cũng dùng, kể từ Lê Thương, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Đỗ Nhuận v.v...
Cũng trong lối viết nhạc như vậy, tôi sẽ có thêm Chinh Phụ Ca, Chiến Sĩ Vô Danh v.v...
Khi soạn Cây Đàn Bỏ Quên thì tôi đã muốn tạo ra một gamme của riêng mình, nhất là toàn bài là thơ lục bát, có thêm những câu láy tình tang tính tính tình tang để cho câu nhạc không nằm chết trong cái khung lục bát : ta/ta tá/tà ta/- ta/tà ta/tá tà/ta ta/tà... Đoạn giữa không còn là thơ lục bát nên prosody cũng thay đổi.
Cho tới khi (1947) tôi quyết định soạn DÂN CA MỚI thì mới lòi ra cái gamme phamduyrienne mà tôi tạo ra : đó là một loạt đoản khúc mà Nhớ Người Thương Binh là bài khởi đầu với nhạc ngũ cung với bốn lần chuyển hệ :
Qua bài này và những bài dân ca kháng chiến khác, tôi chú ý đưa vào những motifs có âm hưởng dân ca cổ (gọi là melody signature). Nghe là thấy trong đó có âm hưởng hát hò, hát chèo, ru con, hát cò lả... Là bài hát modal nhưng vẫn có thể là bài hát có tonalité với 2 phần minor và major.
Loại dân ca mới sau này sẽ có những câu hát dài hơn trước, ví dụ Tiếng Hát Sông Lô có đoạn giữa (hát theo ad libitum) :
Hỡi cô con gái giặt yếm bên bờ,
Thuyền tôi đậu bến sông Lô,
Nửa đêm nghe tiếng quân thù... thở than!
Đọan này là MỘT câu chứ không phải là BA câu và rõ ràng là giọng ngâm bồng mạc, sa mạc...
Cho tới khi tôi soạn Về Miền Trung thì mới thấy motif hay melody của tôi là có hơi thở, rộng rãi, mênh mang và rất lyric (nên thơ) :
Periphrase 1
Về miền Trung ! Miền thùy dương bóng dừa ngàn thông
Thuyền ngược suôi suốt một dòng sông... dài
Periphrase 2
Ôi quê hương xứ dân gầy
Ôi bông lúa, con sông xưa, thành phố cũ...
Vẫn là motif đó, nhưng trong 2 periphrases sau đây, phần melody có sự thay đổi, nghĩa là giai điệu sau là sự phát triển (development) của motif trước :
Periphrase 3
Về miền Trung ! Người về đây sống cùng người dân
Lửa chinh chiến cháy bừng thôn làng điêu tàn
Periphrase 4
Ðêm hôm nao gió u buồn trên sông vắng
Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng.
Sau đó là những motifs và giai điệu dài hơi trong những bài Tình Hoài Hương, Tình Ca, Vợ Chồng Quê, Viễn Du...
Tình Hoài Hương
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê...
Tình Ca
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời
Vợ Chồng Quê
Chàng là thanh niên mạch sống khơi trên luống cầy
Nói năng hiền lành như thóc với khoai
Nàng là con gái nết na trong xóm
Nước da đen ròn với nụ cười son.
Viễn Du có một motif được nhắc lại tới SÁU lần :
Viễn Du
Ra khơi
Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông
Biết đời viển vông, biết ta hãi hùng
Ra khơi
Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới
Chơi vơi,
Con thuyền trên sóng không nguôi
Bão bùng xô tới xô lui, vững tay chèo lái
Xa xôi
Hỡi người trong viễn phương ơi
Hẹn hò nhau viễn du thôi, lên đường mãi mãi
Ra đi
Nước trời bao la, hết cuộc phong ba
Ðất liền Âu Á cũng không xa gì
Phiêu du
Khắp nẻo đây đó, bỗng người say sưa
Thấy hoàn cầu mơ khúc Ðại Tình Ca...
Phạm Duy