Mở Đầu
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3963
Sài Gòn 2009
Giáo Sư Eric Henry ở University of North Carolina, giới thiệu tôi, trong toàn tập HỒI KÝ mà ông đang dịch gần xong, đã nhận xét về tính tình của tôi ngày còn bé... Đại khái, giáo sư nói tới những ngày mới vào đời, tôi đã là cậu bé thích diễn xuất và thích coi người khác biểu diễn (thích coi xiếc, coi hát chẳng hạn...) đến đỗi có lần bỏ nhà đi theo một anh làm trò ảo thuật... Thích kỹ thuật, với hộp đồ chơi của Pháp là hộp Meccano, mầy mò lắp tầu bay tầu bò nho nhỏ, lắp máy nghe radio... Sau đó, lớn lên, lại được đi học trường Bách Nghệ, rồi làm nghề nông, nghề điện... Sự ham mê tìm hiểu đó đã giúp tôi, khi bước vào nghề soạn nhạc, dù tài liệu lúc đó không nhiều, nhưng tôi đã ra công sưu tầm và nghiên cứu rất kỹ càng về dân ca, dân nhạc Việt Nam. Rồi tới những năm 80, tôi lại có may mắn bước vào địa hạt vi tính để rồi sẽ là người sản xuất những audio-CD đầu tiên của VN, kể cả CD Rom là những cuốn sách điện tử có văn bản, âm nhạc và hình ảnh...
Lúc tôi còn trẻ hơn bây giờ, với tính xấu là sống văng mạng bất cần đời, tôi thường hay nói đùa với những người hỏi tôi : Ông là ai ? Là cái gì ? Tôi hay trả lời :
Tôi là ai ? là ông cai đầu làng !
Tôi là gì ? là đù đì leng beng !
Bây giờ già rồi, bỏ được tính ngông nghênh, nhờ ở tình thương yêu của rất nhiều người, không một chút kiêu căng hay nhũn nhặn giả dối (sang orgueil ni fausse modestie), tôi xin được kể lể dông dài về... tôi !
*
Để bổ túc thêm vào nhận xét của Eric, trước hết tôi xin kể về sự thích làm trò, thích đàn hát của cậu bé Cẩn (Phạm Duy) như sau :
Từ khi tôi lên 10 (mới bắt đầu hiểu biết) cho tới khi tôi 14 tuổi, sự hiểu biết của tôi về đánh đàn, ca hát, làm trò... có vẻ nhiều hơn những đứa trẻ khác ở trong khu phố Hàng Dầu, Hà Nội. Không nhớ Nhượng (anh tôi) và tôi tự đánh đàn mandoline từ lúc nào, nhưng trước khi anh Khiêm đi học ở Pháp về, riêng tôi, đàn giỏi hơn Nhượng, đã biết dùng những ngón tay trái để vừa bấm phím, vừa khảy tiếng đệm trong khi tay phải vê giây đàn bằng cái médiator những bài như Martha, Sénerata, v.v... của Ý Đại Lợi do một người lớn nào đó tặng cho. Lúc đó chưa có một bài tân nhạc nào để cho bé Duy Cẩn đánh bằng mandoline.
Về ca hát, tôi biết bài hát của người hát rong tới trước cửa nhà, hát để xin tiền, theo điệu hát trống quân :“Ngày xưa có anh Trương Chi, người thì thậm xấu tiếng hát thì thậm hay”. Tôi còn nhớ tôi khóc khi nghe anh này hát, cả nhà về sau hay chọc quê tôi bằng cách hát lại câu hát đó... Lúc đó, trong nhà tôi có Bà Ấm Chung, người Huế được mẹ tôi cho ở chung để dạy hai chị tôi đánh đàn tranh, do đó tôi biết thêm những bài ca Huế như Nam Ai, Nam Bình, Tứ Đại Cảnh... Tân nhạc VN chưa ra đời, ngoài những điệu cổ truyền ra, tôi hát vài bài “ta theo điệu tây” hay “điệu tầu” như J’ai Deux Amours (Giò này giò nóng, ai muốn mua thì xin cứ, Bỏ một hào ra, ai muốn mua, thì mua...), Mãi Tạp Hóa (Mình ơi có đi Bờ Hồ, cùng tôi chén kem kẹo dừa...)
Tôi còn thường hay tới rạp cinéma Pathé ở ngay xế cửa nhà tôi, khoét tường coi cọp những phim câm rồi trở về nhà, leo lên giường, đeo mặt nạ, khoác chăn dạ, đánh gươm với anh Nhượng giống như anh hùng Zorro trong phim chiếu bóng.
*
Về việc học hành, tôi không phải là người có bằng cấp đại học mà chỉ học được vài năm tiểu học và một năm trung học nhưng những gì tôi học được ở nhà trường đã làm nên tôi, xây đắp tâm hồn tôi... Chất liệu cần thiết cho sự hình thành con tim và khối óc của tôi lúc vừa bước vào cái ngưỡng cửa của xã hội là nhà trường, đó là cái mà nhà văn Sơn Nam đã nhắc tới trong mẩu truyện ngắn nhan đề Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư trong cuốn HƯƠNG RỪNG CÀ MÂU.
Đúng như vậy, trong bốn năm học tiểu học, những bài học trong các cuốn LUÂN LÝ GIÁO KHOA THƯ, QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ do Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Thận và Đặng Đình Phúc soạn ra cho Nha Học Chánh Đông Pháp... đã khắc ghi một cách rất sâu đậm vào tâm hồn hãy còn non nớt và trinh bạch của tôi, những đức độ của con người Việt Nam, không phải là của con người ở thành thị đang sửa soạn mất gốc, mà là của con người ở nông thôn, (tôi nhấn mạnh) con người muôn thuở, con người căn bản của một nước, dù đó là một nước đang trong thời kỳ Pháp Thuộc.
Sau bốn năm tiểu học này, tôi đã hấp thụ được những gì gọi là cao nhã, lễ nghĩa, nhân hậu trong con người Việt Nam. Chúng tôi được hiểu biết những cái gọi là tình huynh đệ, tính đùm bọc, sự trong sạch, niềm tương trợ, lòng cao cả, sự cương nghị, niềm đại lượng, tính khoan hồng... đã sống động như thế nào trong con người, trong cuộc sống và trong lịch sử Việt Nam. Qua những bài học rất ngắn ngủi, có thể khoanh tay đọc ê a ở trong lớp rồi về nhà là quên đi, nhưng không ngờ nó vào nằm sâu trong lòng và sẽ không bao giờ bước ra khỏi tâm hồn của tôi.
Đó là chưa kể văn hóa Pháp đã được thực dân nhồi vào đầu óc tôi với phần nào tính nhân bản rất cao trong thời gian tôi mới lớn lên. Đã hấp thụ được nhiều đức tính Việt Nam qua môn quốc văn học ở tiểu học mà còn hiểu biết thêm được cái hay, cái đẹp của văn chương Pháp qua Victor Hugo, André Chenier, Alfred de Vigny, Bernadin de Saint Pierrre... trong thời gian lên trung học (chưa kể trong nhà có sẵn một thư viện khổng lồ của anh Khiêm để tôi học hỏi thêm về văn hóa Pháp) cũng là một điều tôi cần ghi lại.
Đã nói qua về việc tôi sớm hiểu biết về văn hóa dân tộc, ngoài việc đọc sách, báo của bố tôi đã viết ra, tôi còn được đọc hai tập nghiên cứu về tục ngữ phong dao VN của một người trong họ đã sưu tập và in ra.
Đó là một người anh con dì con cô (cousin germain) có tên là Nguyễn Văn Ngọc, với bút danh là Ôn Như, con của Bác Hai Hàng Đường, chị của mẹ tôi. Lúc tôi trên dưới 10 tuổi, tôi thường được ngồi ngắm anh Ngọc nằm hút thuốc phiện mỗi khi tôi được Mẹ cho tới chơi nhà Bác Hai. Lúc đó tôi đã học được ở nhà trường nhiều điều qua những cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, bây giờ lại được đọc hai cuốn Tục Ngữ Phong Dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. Tôi rất lý thú vì được biết gần như hầu hết “nhân sinh quan” của người dân VN qua văn phẩm của bố tôi và qua những câu thơ truyền khẩu (oral poetry) đã được ông anh họ tôi sưu tầm và in ra.
Những truyện như Sống Chết Mặc Bay của bố tôi dạy cho tôi thấy sự thối nát của đám quan lại tay sai thực dân chỉ cốt sao luồn lọt nịnh bợ mong được vinh thân phì gia, không nghĩ gì đến dân chúng. Tuy nhiên không phải truyện nào bố tôi cũng dùng biện pháp châm biếm, có những truyện rất cảm động như Câu Truyện Thương Tâm. Truyện kể bố tôi thấy có một người gầy gò yếu đuối khẳng kheo, cố công cùng sức kéo miết cái xe tay, ông cụ đầu tóc bạc... Con cháu cụ ở đâu, mà để cụ già nua tuổi tác, yếu đuối thế này mà phải đi kéo xe vất vả ?'' Ông lão cho biết sở dĩ mình ngoài sáu mươi tuổi rồi mà phải đi kéo xe là bởi năm ngoái trời làm lụt lội, đê điều vỡ lở, chẳng may đứa con trai duy nhất của ông lại chết đuối, để lại một lũ con thơ, ốm đau sài ghẻ, mẹ chúng phải ở nhà trông nom để ông xuống Hà Nội kéo xe thuê mướn, kiếm mỗi ngày lấy dăm ba xu một hào để mà nuôi nấng đàn cháu mồ côi. Như vậy truyện Câu truyện thương tâm có thể coi như ''vĩ thanh'' của Sống chết mặc bay, nói về hậu quả của nạn vỡ đê chứng tỏ bố tôi không chỉ châm biếm để mà châm biếm mà đã dùng tình cảm của mình để vạch trần những bất công xã hội do nạn áp bức bóc lột.
Nói về hai cuốn Tục Ngữ Phong Dao do anh họ tôi sưu tầm, những câu như :
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người...
Người đời có chết có sinh
Sống lo phận mình, chết giữ tiếng thơm...
... dạy tôi đi tìm cái thật của con người hơn là nhìn cái vỏ bên ngoài, và phải biết giữ gìn cái tính độc lập của mình. Về chuyện tảo hôn thì trong lòng tôi rất sôi động khi nghe câu than của người nữ :
Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé chẳng nằm với tôi
Đến năm mười tám đôi mươi
Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên giường...
. . . . . . . .
Muốn chê bai (hay khen cho) tôi là người thay đổi nơi ăn chốn ở sau khi bó buộc phải sống với những chế độ không đội trời chung với nhau... thì xin hiểu cho việc tôi đã được tục ngữ VN dạy khôn cho tôi từ lúc ấu thời :
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài...
Ăn cây nào, rào cây ấy...
Và nếu có những người vu cáo (vì không có chứng cớ) tôi là kẻ tự kiêu, thì xin các người đó biết rằng tôi đã nhũn nhặn như thế nào khi tôi đã tuyên bố từ lâu :
Hễ ai thứ nhất thì tôi thứ nhì
Ai còn hơn nữa tôi thì thứ ba...
Khổ cho tôi là cũng chưa có ai có thể chứng minh là trong làng âm nhạc, có những ai hay hơn tôi ?
Có một điểm đặc biệt là vào thời người ta còn sợ nói tục thì tôi đã thấy ở trong mấy ngàn câu Tục Ngữ Phong Dao có đầy đủ cái thanh cái tục, cái hay cái dở, cái cao cái thấp trong việc ăn nói của người mình. Ví dụ :
Thanh
Trên trời có đám mây xanh
Dưới đất mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Tục
Qua sông đấm buồi vào sóng
. . . . . . .
L.. rằng l.. chẳng sợ ai
Sợ thằng say rượu địt dai đau l.. !
Đó cũng là một cách biện hộ cho việc sau này, tôi hồn nhiên soạn tục ca, nhục tình ca : tôi đã theo đúng truyền thống “ăn ngay nói thẳng” của cha ông ta.
Một ví dụ nữa, rất sâu xa, cao vời. Ai cũng đã biết ca dao VN có câu:
Sao tua chín cái nằm kề
Yêu em từ thuở mẹ về với cha....
Ngày xửa ngày xưa, đã có người VN vô danh xưng tụng tình yêu một cách vĩ đại. Nhìn lên trăng sao (không gian) để nói anh yêu em từ thuở chưa có em (thời gian). Tôi cũng bắt chước ông tổ sư “người tình” đó, khi nói về mùa xuân:
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui, một đêm
Một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về...
*
Nếu nói thêm về triết lý, tôn giáo thì khi tôi đã trưởng thành trong nghề và trong suy tư và bởi vì tôi ham đọc sách và suy luận về cuộc đời, tôi đã hiểu rõ ràng trong con người Việt Nam không những chỉ có tam giáo đồng nguyên mà có tới bốn đạo giáo để tu thân.
Ai cũng biết, cuộc đời là một nỗi bất hạnh.Triết lý, tôn giáo thường là những cố gắng thuyết phục con người thí chứng với nỗi bất hạnh đó để thoát ra, vươn tới.
Ðạo Phật với nghiệp giúp người chấp nhận đời;
Đạo Nho với thân dân chỉ dẫn cách ở lại với đời;
Đạo Lão với vô vi dẫn đường thoát đời;
Đạo Chúa với thiên ý chỉ đường về đất hứa ngoài cuộc đời này.
Tôi đã áp dụng những triết lý đó vào suốt một cuộc đời của mình. Có thể nói tôi là một nghệ sĩ rất thăng bằng (hay “sòng phẳng” như vài người bạn tôi đã nói) giữa cuộc sống biết bao nhiêu là sự khó hiểu, gần như ai cũng gặp cảnh khó khăn và bất lực trước cảnh khó... vì tôi đã nhờ ở triết lý của dân tộc tôi (triết lý căn bản từ tứ giáo đồng đường đó) mà giữ được sự quân bình.
Những năm trước khi - và sau khi - đi theo gánh hát, tôi đã học được gần như tất cả nhạc cổ truyền dân tộc, không những về giai điệu tiết điệu cấu phong mà còn cả về tinh thần, triết lý của từng loại dân ca, hát quan họ, ca Huế, Chèo, Tuồng, Cải Lương v.v...
Trước, trong và sau khi đi Pháp du học về âm nhạc, tôi tìm hiểu và học hỏi nhạc classic Tây Phương (đã được phổ biến bằng hình thức POP) để áp dụng vào Tân Nhạc VN.
Đã nhiều lần tôi tuyên bố tôi không được theo học tại một hay nhiều trường Đại Học Âm Nhạc mà là theo học cái có của ĐẠI CHÚNG về âm nhạc rồi tôi cắt nghĩa cho lề lối HỌC và HÀNH của tôi.
Xin mời các bạn bước vào những trang hồi âm, với ít nhiều độ lượng. Cám ơn.
Phạm Duy