21. Tâm Phẫn Ca
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3004
Tâm Phẫn Ca
Mùa Xuân 1968 đến với biến cố Tết Mậu Thân. Chiến tranh vào thành phố, Cái chết được chúng tôi nhìn thấy tận mắt, sờ được bằng tay. Thế nhưng chúng tôi lại thản nhiên lạ thường trước xác người nằm trên vũng máu đào hay trên mảng máu khô. Nhà văn trẻ Lê Tất Ðiều viết trên báo: Tôi không còn thấy rung động hay sợ hãi trước xác người chết! Tôi soạn một bài hát có tính cách phẫn uất nhan đề TÔI KHÔNG PHẢI LÀ GỖ ÐÁ, khi in ra có đề tặng Lê Tất Ðiều.
TÔI KHÔNG PHẢI LÀ GỖ ÐÁ
(Saigon-1968)
Tôi không phải là cỏ cây
Tôi không phải là gỗ đá
Nên tôi khóc Việt Nam tôi
Ròng rã ba đời không biết vui.
Tôi không phải là người dưng
Tôi không phải là nước lã
Nên tôi khóc người không xa
Gục ngã chiến trường tuổi còn xuân.
Ðừng ngụy trang trong tiếng hát
Ðừng cần mang đôi kính mát
Hãy lắng nhìn vào quê hương điêu tàn
Hãy đếm từng người dân đang chết oan
Hãy oán hờn cuộc binh đao tương tàn
Hãy khóc thầm dù nước mắt đã cạn
Hãy biết buồn, hãy biết thẹn
Vì non sông còn tối đen.
Tôi không thể nào thản nhiên
Tôi không thể nào im tiếng
Nên tôi thét vào thinh không
Lời nói hãi hùng hơn tiếng bom
Tôi không thể nào miệng câm
Tôi không thể nào tai điếc
Nên tôi khóc và tôi điên
Cho đến bao giờ đời bình yên!
Tôi vẫn gọi những bài hát dữ dội ra đời sau vụ Tết Mậu Thân như vậy là ''tâm ca'', nhưng bây giờ ngôn ngữ của nó không còn ngọt ngào mà đã trở nên phẫn nộ. Tâm phẫn ca, cũng còn được gọi là ''bài ca nổi giận'' (chanson en colère) lần lượt ra đời, phần nhiều là những bài thơ được phổ nhạc. Lý do là vì sau khi tâm ca và một vài bài tâm phẫn ca của tôi được phóng ra thì nó gây một tiếng vang trong đám thi sĩ và nhạc sĩ trẻ. Nhiều bài thơ chống chiến tranh được viết ra, ví dụ thơ của Thái Luân, Tâm Hằng, Luân Hoán v.v... và nhiều bản nhạc phản chiến được soạn ra, ví dụ những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Miên Ðức Thắng v.v...
Tôi phổ nhạc những bài thơ như NHÂN DANH, BI HÀI KỊCH, ÐI VÀO QUÊ HƯƠNG... và gọi đó là những ''tâm phẫn ca''.
NHÂN DANH
Theo thơ Tâm Hằng
(Saigon - 1966)
Vì giữ mình tôi phải giết, phải giết
Giết một người, giết một người !
Xin nhân danh ngồi dưới mặt trời
Vì giữ mình tôi phải giết một người.
Vì gia đình tôi phải giết, phải giết
Giết mười người, giết mười người !
Xin nhân danh hạnh phúc lạc loài
Vì gia đình tôi phải giết mười người.
Vì xóm làng tôi phải giết, phải giết
Giết ngàn người, giết ngàn người !
Xin nhân danh ruộng đất hẹp hòi
Xin nhân danh ruộng đất hẹp hòi
Giết ngàn người.
Vì giống nòi, tôi phải giết, phải giết
Giết vạn người, giết vạn người !
Xin nhân danh Tổ Quốc đẹp ngời
Vì giống nòi, tôi phải giết vạn người.
Vì lý tưởng, tôi phải giết, phải giết
Giết triệu người, giết triệu người !
Xin nhân danh giải phóng loài người
Vì lý tưởng tôi phải giết triệu người.
Vì nhân loại tôi phải giết, phải giết
Giết trọn loài người, giết trọn loài người
Xin nhân danh đường lối hoà bình
Xin nhân danh đường lối hoà bình... giết luôn tôi !!!
BI HÀI KỊCH
theo thơ Thái Luân
(Saigon - 1966)
Ðạo diễn đưa tay lên
Ðạo diễn đưa tay xuống
Bi hài kịch mở màn
Bi hài kịch khai trương
Diễn viên quay súng bắn
Diễn viên gục đầu đường
Máu chẩy vệt loang loang
Máu chẩy vào quê hương
Quê hương là ruộng đồng
Quê hương là mưa nắng
Quê hương là khoai sắn
Quê hương là cơm ngon.
Ðạo diễn đưa tay lên
Ðạo diễn đưa tay xuống
Bi hài kịch đổi màn
Bi hài kịch thay phông
Diễn viên đang tra tấn
Diễn viên chịu cực hình
Mắt nhìn mặt đăm đăm
Mắt nhìn vào xa xăm
Xa xăm là cửa nhà
Xa xăm là Ba, Má
Xa xăm là vợ ta
Xa xăm là con thơ.
Ðạo diễn đưa tay lên
Ðạo diễn đưa tay xuống
Bi hài kịch đủ màn
Bi hài kịch thêm sen
Diễn viên khen nhau mãi
Diễn viên chửi nhau hoài
Gió thổi từ muôn nơi
Tai nghe lời ngọt bùi
Tai nghe lời ân ái
Tai nghe lời nhạc rơi
Tai nghe lời thơ vui.
Ðạo diễn đưa tay lên
Ðạo diễn đưa tay xuống
Bi hài kịch bỏ màn
Bi hài kịch chưa xong
Diễn viên rơi nước mắt
Ðạo diễn khóc hay cười
Khán giả thì bưng môi
Khán giả thì im hơi
Ôi bi kịch còn dài
Trong hay ngoài sân khấu
Bên trên hay là bên dưới
Ai cũng buồn như nhau
*
Ðạo diễn đưa tay lên
Ðạo diễn đưa tay xuống
Bi hài kịch còn dài
Bi hài kịch chưa thôi !
ÐI VÀO QUÊ HƯƠNG
theo thơ Hoa Ðất Nắng
(Saigon - 1966)
Tôi vào quê hương bằng cuộn dây thép gai
Ðồng cỏ cha tôi, tôi trói gô hình hài
Tôi đào thông hào, trồng cây chông nhọn hoắt
Tôi giơ tay cao, tôi cấu tôi cào
Tôi vào quê hương bằng xe traction
Chở mìn clay-mo, plát-tíc đi ngoài đường
Tôi đặt lên sườn Mẹ Việt Nam gầy ốm
Ôi Mẹ tan tành ! Ôi Mẹ phanh thân !
Tôi vào quê hương bằng dòng nước mắt
Nước mắt vợ chồng, nước mắt cha con
Nước mắt bạn bè, nước mắt anh em
Tôi lội tôi bơi mệt nhoài trong đó
Máu loang từ đầu, chảy xuống ruột mềm
Tôi vào quê hương qua nòng thép súng
Lửa cháy trong làng, lửa cháy trong thôn
Lửa cháy trong lòng, lửa cháy trong tim
Trên da mặt tôi mọc lên cổ thụ
Cổ thụ sai oằn lựu đạn mooc-chiê !
Tôi vào quê hương cùng một gánh hát quê
Ðả đảo hoan hô tôi đứng lên làm hề
Lũ trẻ ngù ngờ cười phun nước miếng
Trên da mặt tôi, trên yếm, trên đầu
Tôi vào quê hương quà tặng nhớ đem theo
Một khẩu thompson hay chiếc súng cộng đồng
Mỗi thằng một đứa, dành cho nhau một phát
Mỗi đứa một thằng, dành một phát cho nhau.
Tâm phẫn ca nói tới người lính Việt Nam mà không dùng những lời ca nịnh lính hay mị dân mà các bộ máy tuyên truyền lúc đó đang đề cao. Nó nói về cái chết của người lính trẻ.
NGƯỜI LÍNH TRẺ
(Saigon-1971)
Người lính trẻ chết trận chiều qua
Nên trăng sao vụt tắt chẳng ngờ
Người lính trẻ chết trận hồi mơi
Nên hôm nay chẳng có mặt trời
Người lính trẻ chết trận ngày mai
Trên quê hương ngọn lúa rụng rời
Người lính trẻ chết trận ngày kia
Trên ngôi cao là hết dị kỳ
Nhiều vị Trời ngồi ôm mặt khóc
Nhiều vị Thần rủ nhau vụt mất
Tình chỉ còn mầu tang lạnh ngắt
Và còn gì nhan sắc người yêu ?
Sờ vào đàn thì dây vừa đứt
Ðọc truyện tình, dòng chữ rụng rơi
Rồi loài người đổi thay hình dáng
Người trần truồng về thuở hồng hoang...
Người lính trẻ chết trận ngoài khơi
Nên không nghe chủ nghĩa tuyệt vời
Người lính trẻ chết trận bờ ao
Không giương danh một chế độ nào
Người lính trẻ chết trận còn đâu
Nên không lâu, nổ vỡ địa cầu
Người lính trẻ chết trận rồi nghe !
Xin nghe đây tận thế gần kề
NGƯỜI LÍNH TRẺ...
CHẾT TRẬN CÒN CHI !
CÒN CHI ?
Vì cái chết của tuổi trẻ cho nên tất cả đều nổi giận: mặt trời, trăng, sao phải vụt tắt, ngọn lúa phải rụng rời, các vị Thần, các vị Trời phải ôm mặt khóc rồi rủ nhau chạy mất, dây đàn phải đứt, dòng chữ phải tan, con người trần truồng phải trở về thời hồng hoang cho tới khi địa cầu nổ toang, cuộc đời tận thế !
Phẫn nộ cho nên sau khi nói chuyện nổi giận về cái chết của NGƯỜI LÍNH TRẺ thì nói chuyện mỉa mai với CHUYỆN HAI NGƯỜI LÍNH, chuyện khôi hài đen của BÀ MẸ PHÙ SA...
CHUYệN HAI NGƯỜI LÍNH
theo thơ Tâm Hằng
(Saigon-1968)
Có hai người lính ở chung một làng
Cùng yêu Tổ Quốc Việt Nam
Có hai người lính ở chung một làng
Cùng yêu ruộng đất Việt Nam
Có hai người lính cùng chung họ hàng
Cùng chung nòi giống Việt Nam.
Có hai người lính cùng chung một lòng
Cùng không để mất Việt Nam
Có hai người lính cùng tiến lên đường
Quyết tâm gìn giữ Việt Nam.
Có hai người lính ruổi rong đường trường
Ngày đêm ủ ấp hờn căm
Có hai người lính ruổi rong đường trường
Cùng đi lùng bắt địch quân
Có hai người lính là hai người hùng
Cùng đi diệt lũ thù chung !
Có hai người lính nằm trên ruộng đồng
Cùng ôm khẩu súng chờ mong
Có hai người lính, một sớm mai hồng
Giết nhau vì nước Việt Nam.
Chuyện BÀ MẸ PHÙ SA có thể là chuyện có thực như chuyện BÀ MẸ GIO LINH. Nhưng chuyện bà mẹ bây giờ khôi hài hơn.
BÀ MẸ PHÙ SA
(Saigon 1967)
MỞ ÐẦU
Tôi nghe người ta kể chuyện
Xin hát bà con cô bác nghe, cô bác nghe...
Mẹ người, mẹ người ở đất Phù Sa
Mới năm mươi tuổi đã già như tám mươi
Mẹ ngồi, mẹ ngồi bấm đốt ngón tay
Xóm tuy là tuy xóm nhỏ
Ðổi thay, đổi thay bao lần
Ù là ù ù ơ, ù ụ ơ !
Không ai chê Việt Nam
Dân tộc ta thiếu sức hùng
Mà người thì quanh năm
Phải ôm lấy hãi hùng
Năm mươi năm làm dân
Chưa được mấy lúc mừng
Vậy mà Mẹ không than
Chỉ sống với lòng thương.
Mẹ già, mẹ già ở túp lều tranh
Ðói no ai biết rách lành ai có hay ?
Một ngày, một ngày tháng tám năm sáu mươi hai
Có anh Ba cán bộ về đây tuyên truyền
Hò là hò hò khoan, ớ hò khoan !
Anh thưa anh học xong
Chiến lược giữ xóm làng (Ấp Chiến Lược)
Mẹ gật gù nghe anh, và xin rất cám ơn !
Ðang khi anh (cán bộ ấp chiến lược) cười vang,
Ai nổ súng dưới vườn ?
Mẹ vội lùa anh Ba vào trốn dưới gầm giường.
Mẹ cười, mẹ cười trông cũng thiệt là vui
Bước ra đón khách, trông người cũng rất quen
Mẹ mời, mẹ mời anh miếng bánh men
Hỏi thăm sức khoẻ và khen anh hiền lành
Ðồ là đồ mi fa, són đồ mị fa
Anh xưng tên là Tư, đi giải phóng xóm làng (Mặt Trận)
Mẹ gật gù nghe anh, và xin rất cám ơn !
Trông ra trên đường mương
Quân Ðội Mỹ tới gần
Mẹ vội lùa anh Tư cũng vào trốn dưới gầm giường...
KẾT LƠ LỬNG
Tới đây là xong nửa chuyện
Không biết rồi ai sẽ cứu ai ?
Ai sẽ cứu ai ?
Bài Hát Cho Phong Trào Du Ca
Trong thòi gian bi đát nổi giận, mỉa mai, chua chát và cười cợt với những bài tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca, tục ca đang cùng nhau lũ lượt ra đời... thì tôi cũng có những bài hát vui tươi cho PHONG TRÀO DU CA. Ví dụ bài TRẢ LẠI TÔI TUỔI TRẺ trong đó tôi nói rằng tuổi trẻ phải làm sao để mình trở thành thần tượng của mình, khỏi phải đi tìm ở đâu xa. Giữa lúc não nề nhất, mỏi mệt nhất, tôi quay về tuổi trẻ...
TRẢ LẠI TÔI TUỔI TRẺ
(Saigon-1968)
Trả lại tôi là tuổi trẻ mênh mông
Chúng mình như lúa reo trên ruộng đồng
Dù mưa tuôn, dù bão cuốn
Bông lúa vàng cuồn cuộn gió vươn lên
Dù bom rơi, dù súng tới
Bông lúa ngời vượt lửa khói lên ngôi
Trả lại tôi là tuổi trẻ yên vui
Dẫu rằng đang chiến tranh hay hoà rồi.
Trả lại tôi là tuổi tự do theo
Chúng mình: hoa hướng dương trên ngọn đèo
Là hoa niên tìm ánh sáng
Hoa biết đường về mọi chốn vinh quang
Là măng non, là thép mới
Khi đáp lời thì quả đất lung lay
Là tuổi son ở Phù Ðổng vươn vai
Chúng mình khi đứng lên cao bẵng trời.
Trả lại tôi là tuổi trẻ vô tư
Chúng mình như lũ chim trong rừng già
Rừng âm u đầy ác thú
Chim biết ngừa luật rừng rú bao vây
Ðời chông gai rồi sẽ tới
Chim biết cười đừng vội gánh âu lo
Trả lại tôi là tuổi trẻ nên thơ
Chúng mình như giấc mơ chưa hề nhoà.
Trả lại tôi là tuổi trẻ say mê
Chúng mình yêu, sẽ yêu đương tràn trề
Càng thương yêu, càng thấy thiếu
Yêu rất nhiều chẳng cần lấy bao nhiêu
Tình ra đi từ tấm bé
Cho tới ngày nào tận thế chưa quên
Trả lại tôi là tuổi trẻ như điên
Sống và xin chết cho câu thề nguyền.
Trả lại tôi là tuổi trẻ bao dung
Chúng mình như gió khơi nơi mịt mùng
Dù non sông còn cháy nóng
Ai chán chường và người có khinh nhau
Dù ai gieo điều tiếng xấu
Tha thứ nhiều để lòng thấy tin yêu
Trả lại tôi là tuổi lượng bao la
Chúng mình xa, biết xa câu hận thù.
Trả lại tôi là tuổi trẻ hôm nay
Chúng mình như đoá sen trong bùn lầy
Việt Nam đây, đầy rắc rối
Nhưng vẫn còn nhiều hình dáng vui tươi
Việt Nam ơi ! Còn tiếng nói
Yêu giống nòi đặt Tổ Quốc lên vai
Trả lại tôi là thần tượng tôi đây
Chúng mình xin khắc sâu trong dạ này.
Bài MÙA XUÂN DU CA soạn sau này cũng nằm trong không khí vui tươi đó:
MÙA XUÂN DU CA
(Saigon-1975)
Kìa mùa Xuân vừa mới bước chân
Về đời ta vừa mới thoát thân
Cho đi đời cũ đã qua một phần
Còn lại đây ngày với tháng, năm
Phần còn xa đời mới hiến dâng
Ca lên lời hát du ca mùa Xuân.
Tiếng du ca vang lên từ miền cát trắng
Tiếng du ca vang lên từ miền ruộng vàng
Tiếng du ca dâng lên đồng bào trong nước
Tiếng du ca rưng rưng hoà nhịp quê hương.
Nào cùng ôm đàn hát sớm mai
Cùng bầy em nhỏ bé mắt nai
Tung tăng dại bước đi trên sườn đồi
Từng lời ca là những ước mơ
Là lời ru, là những thiết tha
Du ca là hát thương yêu tuổi thơ.
Tiếng du ca vang lên từ miền cát trắng
Tiếng du ca vang lên từ miền ruộng vàng
Tiếng du ca dâng lên đồng bào trong nước
Tiếng du ca rưng rưng hoà nhịp quê hương.
Ngoài đồng ôm đàn hát giữa trưa
Hoặc ở trong nhà máy võng đưa
Bên cô thợ cấy hay ông thợ già
Ngồi nghỉ tay thưởng thức mấy câu
Của người thơ, lòng vẫn khát khao
Quen thân đời sống thơm tho cần lao.
Tiếng du ca vang lên từ miền cát trắng
Tiếng du ca vang lên từ miền ruộng vàng
Tiếng du ca dâng lên đồng bào trong nước
Tiếng du ca rưng rưng hoà nhịp quê hương.
Buổi chiều ôm đàn hát với em
Một mùa Xuân hợp tiếng kết duyên
Chia nhau bài hát câu ca thật hiền
Của một chia lià đã kết đôi
Vì mùa Xuân vừa mới thoát thai
Yêu nhau bằng tiếng hát yêu ngày mai.
Tiếng du ca vang lên từ miền cát trắng
Tiếng du ca vang lên từ miền ruộng vàng
Tiếng du ca dâng lên đồng bào trong nước
Tiếng du ca rưng rưng hoà nhịp quê hương.
Rồi về đêm ngồi đối bóng ta
Chẳng cần ôm đàn hát cũng nghe
Dư âm cuộc sống yêu thương tràn trề
Rồi cả đêm ngủ với giấc mơ
Vẳng lời ca nào đến vuốt ve
Con chim mộng đã ru riêng đời ta !
Tiếng du ca vang lên từ miền cát trắng
Tiếng du ca vang lên từ miền ruộng vàng
Tiếng du ca dâng lên đồng bào trong nước
Tiếng du ca rưng rưng hoà nhịp quê hương.
Phạm Duy