20. Cho Người Trong Cuộc Chiến
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4398
Cho Người Trong Cuộc Chiến
Trới làm cơn giông bão Tình người như tơ liễu...
Vào khoảng hai năm 64-65, khi thấy mọi người dường như mất hết niềm tin, mất hết thương yêu trong cuộc đời Việt Nam nên tôi vội vã soạn bài TÔI CÒN YÊU TÔI CỨ YÊU. Sau đó, tôi lại thấy cần phải có một loạt mười bài tâm ca để phê bình xã hội (social protest songs) trong đó chỉ có bi đát và bi đát mà người soạn tâm ca cũng nghĩ như Albert Camus, là: Nếu nói ra được bi đát thì hết bi đát.
Rồi xẩy ra chuyện phi công Phạm Phú Quốc bị hi sinh. Lúc đó, muốn xây dựng hình ảnh anh hùng, thần tượng, mẫu người lý tưởng trong tâm khảm của mọi người, tôi bèn soạn HUYỀN SỬ CA MỘT NGƯỜI MANG TÊN QUỐC...
Trong ngành nhạc, hình thức ballade là một thứ ''chant épique'' tức là truyện ca hay anh hùng ca. Tôi dùng chữ ''huyền sử ca'' cho nó có vẻ huyền bí. Bài MỘT NGƯỜI MANG TÊN QUỐC do tôi cho ra đời vào năm 65 này sẽ kéo theo một số bài hát của các nhạc sĩ khác nói tới các vị anh hùng trong Quân Ðội ở Miền Nam như NGƯỜI Ở LẠI CHARLIE, ANH KHÔNG CHẾT ÐÂU ANH v.v...
Tuy nhiên, với bài hát ca tụng một người chết cho tổ quốc, tôi không muốn làm một công việc có tính chất tuyên truyền tuân theo chỉ thị như một văn công. Tôi chỉ muốn khóc Phạm Phú Quốc như khóc bất cứ một người Việt Nam nào trong thời đại, sinh ra là khoác lên mình số phận làm người ''anh hùng'' -- trong khi những người mang tên Quốc có lẽ chỉ muốn được làm người ''anh hiền'' mà thôi! Vì số phận phải làm anh hùng cho nên: Từ anh lên cao, anh là nắng, là trăng hay sao, anh nhìn xuống, nhìn nước non nhà đẹp xinh như gấm như hoa... anh vẫn phải đánh bom như thường! Cho nên, khi ngạo nghễ, anh chắp cánh thênh thang, bình minh lên chiếm không gian thì khi hoàng hôn về lòng anh lại chan chứa tình thương. Rồi chiều nao anh đi làm kiếp người hùng, anh về quê -- nhiều người hiểu lầm chữ về quê khi cho nó ý nghĩa về chốn chết, trong khi anh Quốc, sinh tại miền Bắc, bắt buộc phải bay ra đánh bom miền quê của anh -- rồi than ôi, có ngày anh phải rụng cánh đại bàng, anh đi về nước, anh đi về đất làm cho bụi vàng bay khắp không gian. Anh Quốc chết - hay bất cứ một thanh niên Việt nào chết cho quê hương - đều có thể trở thành ra vừng Thái dương để soi sáng nước Việt... Ðó là ý nghĩ của tôi khi soạn bài:
HUYỀN SỬ CA MỘT NGƯỜI MANG TÊN QUỐC
(Saigon-1965)
Ngày xưa khi anh vừa khóc vào đời
Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời
Ðặt tên cho anh, anh là Quốc
Ðặt tên cho anh, anh là nước
Ðặt tên cho người, đặt tình yêu nước vào nôi
Rồi anh nâng cao Tổ Quốc vào đời
Tuổi xanh vươn trong lửa máu ngụt trời
Việt Nam đang sôi, sôi lòng nước
Việt Nam đang sôi, sôi lòng Quốc
Việt Nam đang đòi Tự Do, Hạnh Phúc giống nòi.
Anh Quốc ơi !
Tuổi Xuân như đóa hoa đời
Nở trong mưa bão tơi bời
Vẫn còn tươi như nước Việt ơi !
Anh Quốc ơi !
Ðàn chim, chim quốc tung trời
Gọi nhau đem nắng soi đời
Có người vui nghĩ chuyện lâu dài.
Rồi anh trôi theo vận nước miệt mài
Việt Nam chia đôi mảnh đất lạc loài
Toàn dân thương đau, đau lòng nước
Toàn dân thương đau, đau lòng Quốc
Toàn dân ngậm ngùi vì tình sông núi lẻ loi
Rồi anh nghe theo lời nói bồi hồi
Trời xanh bao la mở cánh cửa mời
Từ anh lên cao, anh là nắng
Là trăng hay sao, anh nhìn xuống
Anh Quốc ơi !
Rồi anh chắp cánh thênh thang
Bình minh lên chiếm không gian
Ðến hoàng hôn chan chứa tình thương
Anh Quốc ơi !
Người phi công giữa khung trời
Vẫn phải mang số phận con người.
Thần phong hiên ngang chẳng biết sợ gì !
Mà nghe quê hương mình quá nặng nề
Thảm thương bên kia, kia đời nước
Buồn vương bên đây, đây đời Quốc
Dẹp nỗi oan, thì tìm đường gai góc mà đi
Rồi anh bay lên gìn giữ một miền
Rồi anh bay lên đập vỡ bạo quyền
Ðường bay khua vang, vang lòng nước
Ðường bay khua vang, vang lòng Quốc
Ðường bay nối liền nhọc nhằn hay nối tơ duyên.
Anh Quốc ơi !
Dù anh rất đáng anh hùng
Mà sao anh vẫn âm thầm
Vẫn bình yên không nói gì thêm
Anh Quốc ơi !
Phải chăng anh đã đi tìm ?
Trời xanh mây trắng im lìm
Sống đẹp trong cõi lặng mơ chìm.
Rồi anh đi theo đường đã vạch rồi
Ðường trên không gian ủ ấp hình hài
Ðời sinh ra ta, ta là cát
Ðời đưa ta đi, ta về đất
Và anh đã về, một chiều anh đã về quê
Chiều nao anh đi làm kiếp người hùng
Chiều nao thương ôi rụng cánh đại bàng
Chiều nao anh đi, anh về đất
Chiều nao anh đi, anh về nước
Chiều nao huy hoàng, bụi hồng bay khắp không gian.
Anh Quốc ơi !
Từ nay trong gió xa khơi
Từ nay trong đám mây trôi
Có hồn anh trong cõi lòng tôi.
Anh Quốc ơi !
Nghìn thu anh nhớ tới tôi
Thì xin cho Thái Dương soi
Nước Việt Nam ngời sáng... muôn đời.
Bài Hát Cho Xây Dựng Nông Thôn & Cho Quân Lực Việt Nam
Trong thời gian 1965-68, trong Quân Ðội và trong tổ chức Xây Dựng Nông Thôn có nhiều bạn bè già hay trẻ như hoạ sĩ Tạ Tỵ, nhạc sĩ Viết Chung đã từ lâu hoặc là mới đây phải nhập ngũ nhưng được điều động qua phụ trách phần văn nghệ, cho nên tôi cũng soạn cho các bạn đó bài hát vận động thanh niên đi quân dịch như MỘT HAI BA CHÚNG TA ÐI LÍNH CẢ LÀNG và những bài có tính chất giáo dục và trong sạch hoá quân ngũ do ban Chính Huấn chủ trương như CHIẾN SĨ GƯƠNG MẫU, THI ÐUA BIệN LUẬN, TỨ ÐạI CÔNG KHAI, MỪNG NGÀY SINH CHIẾN HỮU, ANH HÙNG TRONG TRẮNG v.v...
Những bài soạn cho Xây Dựng Nông Thôn thì chú trọng tới việc đề cao đời sống nông dân: NÔNG THÔN QUẬT KHỞI, TAY SÚNG TAY CẦY, CÙNG NHAU XÂY ẤP MỚI, AI VỀ THÔN ẤP MÀ COI, HÁT HAY KHÔNG BẰNG HAY HÁT, KHOÁC ÁO MẦU ÐEN, BÁT CƠM BÁT MỒ HÔi BÁT MÁU...
NÔNG THÔN QUẬT KHỞI
(Saigon-1965)
Ðã bao năm nhân dân ta đau khổ vô cùng
Ðã bao năm mang trên vai hai kẻ thù chung
Bọn cường hào ác bá nó dùng bạo quyền áp bức
Làm người dân lầm than sống trong nhục nhằn...
(quên)
Cán bộ với dân tuy hai mà một
Cán bộ với dân tuy một mà hai
Dân yêu thương tin yêu cán bộ
Vui bên nhau dốc lòng tranh đấu, đắp xây Việt Nam.
Bài HÁT HAY KHÔNG BẰNG HAY HÁT là cái đuôi của bài tâm ca số 10 HÁT VỚI TÔI. Tâm ca số 10 soạn cho sinh viên, học sinh thị thành, HÁT HAY KHÔNG BẰNG HAY HÁT soạn cho cán bộ và nông dân hát. Ðầu đề cũng như câu hát chính của bài này sẽ trở thành một thứ phương ngôn của thời đại.
HÁT HAY KHÔNG BẰNG HAY HÁT
(Vũng Tầu-1966)
Hát hay không bằng hay hát !
Hát hay không bằng hay hát !
Hát luôn luôn, Hát luôn luôn !
Hát những lời xây dựng nông thôn.
(vỗ tay : Bốp bốp bốp bốp bốp bốp)
Hát hay không bằng hay hát !
Hát liên hoan ! Hát vang vang !
Hát đông đông ! Hát cộng đồng !
(vỗ tay)
Hát ta xây làng chiến đấu !
Hát ta xây làng chiến đấu !
Sống bên nhau, sống bên nhau
Sống coi thường không sợ ai đâu !
(vỗ tay)
Hát ta xây làng chiến đấu !
Hát ta xây làng chiến đấu !
Chống tham ô, chống mưu mô
Chống xâm lăng, chống giặc thù !
(vỗ tay)
Xoá tan căm thù chia rẽ
Xoá tan căm thù chia rẽ
Hát say mê ! Hát say mê !
Chúng ta còn nghi ngại nhau chi ?
(vỗ tay)
Xoá tan căm thù chia rẽ
Xoá tan căm thù chia rẽ
Hát thương yêu ! Hát tin yêu !
Hát thân yêu, hát thật nhiều.
(vỗ tay)
Hát cho ông già em bé
Hát cho ông già em bé
Gái thôn quê, với trai quê
Chúng ta đừng nghi ngại nhau chi.
(vỗ tay)
Hát cho dân làng luôn nhớ
Hát cho dân làng luôn nhớ
Hát dân quân, hát vinh quang
Hát nông thôn, hát tự cường !
(vỗ tay)
Hát mong cho ngày mai tới
Hát mong cho ngày mai tới
Hát yên vui, hát yên vui
Hát anh hùng ôi Việt Nam ơi !
(vỗ tay)
Hát ta ăn mừng lúa mới
Hát ta ăn mừng lúa mới
Hát cao lên, hát như điên
Hát êm êm, hát tình bền.
(vỗ tay)
Trong số bài soạn cho Xây Dựng Nông Thôn, tôi thích bài KHOÁC ÁO MẦU ÐEN bởi vì hồi đó tôi hay mặc áo bà ba đen để di hát du ca.
KHOÁC ÁO MẦU ÐEN
(Saigon-1966)
Khoác áo mầu đen mặc mầu dân tộc
Chiếc áo mầu đen nhuộm mầu đấu tranh
Mầu đen mầu tối ám, vùng lên để chiến thắng
Dẹp tan mầu son, mầu phấn điếm đàng...
(quên)
Bài BÁT CƠM BÁT MỒ HÔI BÁT MÁU nói tới công ơn đối với người nông dân, soạn theo hơi điệu Huế:
BÁT CƠM BÁT MỒ HÔI BÁT MÁU
(Saigon-1966)
Hai bữa no đầy, một ngày cơm nước
Bát cơm vàng, ôi bát cơm vàng
Mình ăn được là nhờ ai ?
Với bao nhiêu máu đổ
Với bao nhiêu máu đổ
Cùng mồ hôi trên ruộng đồng.
Ăn bát cơm rồi, một đời ghi nhớ
Chớ nghi ngờ, xin chớ nghi ngờ
Mình mắc nợ người dân
Người dân ra sức ngày đêm
Nắng mưa ôi vất vả
Nắng mưa ôi vất vả
Ðể làm nên cơm gạo này.
Bài CHIẾN SĨ GƯƠNG MẫU đề cao tinh thần thi đua trong quân ngũ.
CHIẾN SĨ GƯƠNG MẫU
(Saigon-1966)
Anh chiến sĩ của tôi, anh là người làm việc rất hăng
Anh chiến sĩ của tôi, anh là người thực đáng anh hùng
Hôm nay tôi xin bầu anh là người gương mẫu
Hôm nay tôi xin bầu anh là người gương mẫu...
v.v...
Phạm Duy