11. Phát Triển Dân Ca
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3698
Phát Triển Dân Ca - Dân Ca/Tình Cảm/Xã Hội
Cũng trong dòng nhạc tình ca quê hương, nhạc tình tự dân tộc soạn theo nhạc thuật dân ca phát triển, sau khi đưa ra bộ ba BÀ MẸ QUÊ-VỢ CHỒNG QUÊ-EM BÉ QUÊ... tôi phát triển một bài ca dao cổ :
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước ra vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay...
thành một bài dân ca mới.
NỤ TẦM XUÂN
Trèo lên, lên trèo lên
Trèo lên, lên trèo lên
Lên cây bưởi y y y hái y y y hoa
Bước ra ra vườn cà
Bước ra ra vườn cà
Cà hái nụ ù u ú tầm ừ ư ứ xuân...
Nụ tầm xuân ới nụ tầm xuân
Nở ra a a a xanh y biếc a a a a á
Em lấy chồng
Em đi lấy chồng
Anh tiếc tiếc lắm thay...
Một miếng trầu cay hỡi chàng
Chàng ơi chàng ơi nào khó ?
Một miếng trầu cay hỡi chàng
Chàng ơi chàng ơi khó gì ?
Sao anh không hỏi y ý
Sao anh không hỏi y ý
Sao anh không hỏi y ý
Những ngày em còn không...
Giờ đây đây giờ đây
Giờ đây đây giờ đây
Ðây em đà a á á có o ó o chồng
Em đã đã có chồng
Như chim chim vào lồng
Như cá ngậm y y ý mồi y y ý câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra...
Trước tôi còn phổ nhạc gần như nguyên văn những lời ca dao cổ, về sau tôi dựa vào lời ca bình dân để soạn ra những lời ca mới... như trong bài hát sau đây. Ðố ai quét sạch lá rừng, để tôi khuyên gió gió dừng rung cây... là của người xưa. Biết em nằm ngủ hay mơ, nửa đêm trăng xuống đứng chờ ngoài hiên... là lời ca của tôi :
ÐỐ AI
(Saigon-1954)
Ðố ai biết lúa, lúa mấy cây
Biết sông, biết sông mấy khúc
Ới biết mây, biết mây mấy từng
Biết mây mấy từng (ư ừ ư ư)
Ðố ai quét sạch ơi lá rừng
Ðể, để tôi
Ðể tôi khuyên gió ơi gió đừng
Gió đừng rung cây
Gió đừng rung cây.
Ðố ai biết gió, gió ở đâu
Gió hay, gió hay đi vắng ới lúc nao
Lúc nao có nhà
Lúc nao có nhà (a à a a)
Ðố trăng mấy tuổi ơi trăng già
Ðể, để tôi
Ðể tôi lên tiếng ơi mặn mà
Mặn mà yêu em
Mặn mà yêu em... (á a a à)
.........
Ðố ai nằm ngủ không mơ
Biết em nằm ngủ hay mơ
Nửa đêm trăng xuống
Ðứng chờ ngoài hiên
Nửa đêm anh đến
Bến bờ yêu đương
Ðố ai tìm được tim ai
Biết em tìm được tim tôi
Ðể tôi ca hát cho đời nên thơ.
Ðể tôi âu yếm dâng người trong mơ...
Với bài ÐỐ AI đó, tôi cải biến điệu hát du trong Hát Ả Ðào thành bài tình ca có tính chất dân ca. Kế tiếp, tôi dùng nhạc ngũ cung giọng Huế để kể một câu chuyện tình buồn, giống như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ.
HẸN HÒ
(1954)
Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chẩy về đâu
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chẩy phương nào
Trời thì mưa rơi mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau
Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu.
Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau cách một biển sâu
Hẹn hò tàn Thu sang Xuân bên nhau biết thuở ban đầu
Dù tình không nguôi, đôi ta xin cho hứa vui về sau
Trời còn làm cho mưa rơi mưa rơi cách biệt dài lâu.
Nước vẫn trôi mau ! Mắt vẫn hoen mầu
Ðành để hồn theo nước trôi không mầu
Số kiếp hay sao? Không cho bắc cầu
Thì xin sông nước sẽ cho gần nhau...
Một người bèn ra ven sông buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu
Cuộc tình thương đau êm êm trôi theo nước suôi về đâu
Hẹn hò gặp nhau Thiên Thu cho phong phú đời người sau.
Nhưng phải đợi khi có ký kết tại Hoà Hội Geneve thì thể tài dân ca phát triển của tôi mới có chỗ đắc dụng. Hai bài NGÀY TRỞ VỀ và NGƯỜI VỀ được viết ra trong thời gian tôi qua Pháp để học thêm về âm nhạc.
NGÀY TRỞ VỀ
(Ấn Ðộ Dương-1954)
Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về
Mẹ lần mò, ra trước ao
Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rẵng ta đôi mắt đã loà vì quá đợi chờ
Ngày trở về, trong bếp vui
Anh nói chuyện nghe: chuyện đời chiến sĩ
Sống say mê, đường xa lắm khi nương hồn về quê
Chiều lặn tà, anh bước ra
Vườn khuya sáng mờ, ruộng đất hoang vu
Luống nghẹn ngào, hẹn sớm tinh mơ anh về đồng lúa.
Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cầy bừa
Vì thương yêu anh nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ
Ngày trở về, lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ
Gió mát trăng thanh, ôi ngày trở về
Có anh thương binh sống đời hoà bình. Ngày trở về, những đoá hoa
Thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa
Có nhiều khi đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà
Ðàn trẻ đùa bên lũ trâu
Tiếng hát bình minh thoáng trên bãi dâu
Gió về đâu, còn thương tiếc người giọng hát rầu rầu.
Người kể rằng : Ai hỡi ai
Ai nhớ chuyện ai, chuyện người con gái
Chiến binh ơi, vì sao nát tan gia đình yên vui
Ðừng giận hờn, thôi tiếc thương
Vì Xuân đã về trên khắp quê hương
Chớ thẹn thuồng vì nếu tôi quen em ngoài đồng vắng.
Ngày trở về, có anh thương binh lấy vợ hiền lành
Người đẹp bên anh, ta cùng học hành
Những khi tan công, hết việc, xếp gánh
Ngày lại ngày có em vui tươi xách gạo bếp nước
Có nắm cơm ngon, ôi trời lạnh lùng
Có đôi uyên ương sống đời mặn nồng.
Với bài NGÀY TRỞ VỀ đây là lần thứ hai tôi nói tới nhân vật thương binh. Vào năm 1947, người Việt Nam nào đã từng là chàng ra lính, nơi biên khu tung hoành... thì khi trở về nay đã cụt tay, ắt phải được toàn dân kính phục và biết ơn. Một thập niên sau, khi hoà bình tới với hoà hội Geneve, sau cuộc chiến, lại có anh thương binh trong ngày trở về quê cũ. Phải chống nạng cầy bừa và bây giờ thì anh chỉ còn con trâu xanh hết lòng giúp đỡ mà thôi. Nhưng trong nước ta, có lúc nào chiến tranh chấm dứt đâu? Mười lăm năm sau, ta vẫn còn thấy hình ảnh nổi bật của người thương phế binh, lần này thì hoặc là anh trở về trên đôi nạng gỗ, hoặc là anh trở về hòm gỗ cài hoa... Tôi luôn luôn thích làm những bộ ba như vậy.
Tôi soạn bài NGƯỜI VỀ trong một đêm đi lang thang trên vỉa hè của thành phố Paris. Ðây là sự vui mừng của những nhân vật người mẹ, người vợ và đàn con trong bài NHỚ NGƯỜI RA ÐI mà tôi đã soạn ra trong thời kháng chiến.
NGƯỜI VỀ
(Paris-1954)
Me có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim chàn chề
Nụ cười nhăn nheo bỗng rưng lệ nhoè
Con thấy me yêu đã già
Hẳn là miền quê những năm vừa qua
Chiếc bóng in trên vách nhà
Một ngày một đêm tóc sương phai mờ.
Me ơi, me ơi, chuông chùa nào la đà
Nhớ tới, nhớ tới những linh hồn vắng nhà
Một vòng hương trắng xoá
Tình nồng trong thương nhớ
Gửi người chiến sĩ chết trong xa mờ.
Em có hay chăng anh về
Thoạt nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê
Ai dám mong chi Xuân về
Nào ngờ vườn đêm có bông hoa kề
Anh nhớ những khi não nề
Sầu trên nẻo xa chắn ngang đường đi
Nhưng nước non chưa yên bề
Thì đành tình riêng gác bên lời thề.
Em ơi, em ơi, xích lại gần đây nào
Nhớ tới, nhớ tới những duyên và số nghèo
Trời làm cơn mưa bão
Tình người như tơ liễu
Buồn vì ai đó khóc ai trong chiều.
Con có hay chăng cha về
Lời ca hồn nhiên líu lo ngoài kia
Chinh chiến đã qua một thì
Tuổi thơ nở trên biết bao ê chề
Thôi đã hết cơn chia lìa
Từ nay mầm non lớn trong tình quê
Như gió Thu sau tháng Hè
Thổi về ruộng nâu lúa tươi xanh rì.
Con ơi, con ơi, tiếng cười nở chan hoà
Nhớ tới, nhớ tới biết bao trẻ thiếu nhà
Ngoài đường trời Ðông giá
Một đàn chim nhỏ bé
Gọi về chia sớt miếng cơm khoanh cà.
Ngay từ khi tôi còn ở Paris vào năm 54-55, tôi đã khởi soạn Trường Ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN để phản đối sự chia cắt đất nước do Hoà Hội Genève gây ra. PHẦN I, gồm những đoản khúc như Hỡi Anh Ði Ðường Cái Quan, Tôi Ði Từ Lúc Trăng Tơ, Ðồng Ðăng Có Phố Kỳ Lừa đã soạn xong, nhưng tôi chỉ hoàn tất trường ca này sau bốn năm thai nghén. Trường ca, theo tôi là bước tiến của dân ca. Nhưng bài dân ca mới TIẾNG HÒ MIỀN NAM được soạn ra ngay từ khi có làn sóng người miền Bắc di cư vào miền Nam mang hơi hướng của những bài sẽ nằm trong PHẦN III của trường ca kể trên.
TIẾNG HÒ MIỀN NAM
(Saigon-1956)
Nhà Bè nước chẩy chia hai
Ai về Gia Ðịnh Ðồng Nai thì về
Ai li hò lờ ! Ai li hò lờ !
Ðường về xứ bạn không xa
Qua vùng Ðất Ðỏ rồi ra Biên Hoà
Ai li hò lờ ! Ai li hò lớ !
Ai nghe chăng tiếng hò bao la
Những tiếng lòng di cư vẫy vùng theo gió
Ai nghe chăng tiếng người công phu
Biết tìm tự do tránh xa ngục tù
Ðường chiều gió thổi vi vu
Tình nghèo vẫn nở như hoa
Ai nghe chăng tiếng hò bao la
Những tiếng cười đôi ta, Nam Bắc một nhà.
Mẹ hiền nựng bé ngủ mơ
Yêu con thơ mỹ miều
Yêu non sông rất nhiều
Vẳng lời hò mến yêu.
Nhà Bè nước chẩy chia đôi
Ai về dưới ruộng cùng tôi thì về
Ai li hò lờ ! Ai li hò lờ !
Ðường về nước chẩy trôi mau
Ðưa thuyền tới mũi Cà Mâu ta truyện trò
Ai li hò lờ ! Ai li hò lớ !
Quê em mãi tận Hà Tiên
Có hạt tiêu cay, có tình quyến luyến
Theo em tới miền Cần Thơ
Dưới hàng dừa cao trái thơm ngọt ngào
Ruộng đồng lúa trổ bông mau
Lạch nguồn cá lội xôn xao
Ðêm hôm nao gió về biển Ðông
Cuốn mối tình Cửu Long, xe kết đôi lòng.
Ngày nào cạn nước Ðồng Nai
Ngày nào cạn nước ngoài khơi
Non sông ta xoá mờ
Không ai nghe tiếng hò
Thì lời nguyền mới phai...
Trong thời kỳ phát triển dân ca này, tôi còn cải tiến bài dân ca cổ truyền CÁI TRỐNG QUÂN thành bài TÌNH TỰ TIN dùng làm nhạc đệm cho một màn vũ của ban Hoàng Thư, và hiện đại hoá bài TRẤN THỦ LƯU ÐỒN cho ban AVT hát. Ðồng thời tôi cũng dùng lại một số điệu của những bài dân ca kháng chiến cũ để soạn những bài hát cho thiếu nhi như BÌNH DÂN ÐI HỌC, THI NHAU CHĂM HỌC...
Bài THI NHAU CHĂM HỌC nguyên là bài THI ÐUA ÁI QUỐC tôi soạn tại Thanh Hoá khi còn làm việc với Tướng Nguyễn Sơn. Lời ca nguyên thủy:
Cùng nhau thi đua ái quốc
Trên đường tự do đều bước
.....
Anh có cây súng kia
Thì tôi có bàn tay thợ
Anh có cây cuốc này
Thì tôi có một cây đàn
Anh giết bao thực dân
Thì tôi cướp bao súng đạn
Anh có bông lúa vàng
Thì tôi có ngàn lời ca !
THI NHAU CHĂM HỌC
(Saigon-1955)
Học sinh đua nhau tiến tới
Ra trường học chăm học mãi
Trẻ thơ siêng năng hăng hái
Nhớn lên đắp xây cuộc đời.
Anh lớn hay làm thơ
Thì em biết đọc i, tờ
Me mến yêu đứng chờ
Nhìn em với bạn vui đùa
Anh biết chăm ruộng nương
Thì em biết chăm đến trường
Cơn gió lên cuối đường
Mừng em sống đời trẻ măng.
Ðã có dân ca kháng chiến, dân ca hậu kháng chiến và dân ca tình ca rồi, bây giờ tôi soạn dân ca xã hội.
Vì tôi thích làm những ''bộ ba'' cho nên sau khi đã soạn bài dân ca nói tới mối tình của đôi VỢ CHỒNG QUÊ sống đời lam lũ ở miền ngoài với những nét nhạc ngũ cung xứ Bắc, tôi soạn thêm một bài dân ca khác mang âm hưởng hơi điệu Huế là TÌNH NGHÈO (theo thơ của Hồng Nam tức Hồ Hán Sơn), nói tới mối tình vợ chồng của những người lao động ở nơi miền Trung sỏi đá.
TÌNH NGHÈO
(theo thơ Hồng Nam)
(Saigon-1954)
Hò là hò lơ ! Hò là hò lờ !
Hò là hò lơ ! Hò là hò lờ !
Hò là hò lơ ! Hò là hò lơ !
Nhớ nhớ thuở nào
Anh (lơ) cầy thuê
Em (lơ) dắt trâu
Ðôi ta cùng (lờ) gặp nhau dưới cầu
Bóng mát dưới cầu.
Nhớ nhớ thuở nào
Anh (đây) làm công
Em (lơ) gánh rong
Miếng trầu cau (lơ) nên đôi vợ chồng
Ðôi vợ (à) chồng.
Cuối cuối nẻo làng
Túp (lơ) lều hoang
Che (lờ) gió sương
Ơn hai mùa (là) lúa chín ngô vàng.
Suốt suốt một đêm
Anh (đơ) cùng em
Dưới (lơ) bóng trăng
Tiếng chầy tre (lơ) cối đất nhịp vui.
Nhịp nhàng vui
Hô ! Nước từ ngàn trùng xa
Nước tràn về làng ta
Nước hờn cuộc tình quê
Hô là hò lơ !
Ruộng mầu tan vỡ
Vườn nghèo (lờ) xơ rơ
Cửa nhà (lờ) ngơ ngác
Ðôi (lờ) trẻ thơ
Ði (lờ) về mô
Hô ! Khói lửa ngụt trời mê
Bốc về ngàn nẻo quê
Kéo cuộc tình nghèo đi
Hô là hò lơ.
Giặc về (lờ) ta đánh
Giặc tràn (lờ) ruộng xanh
Tình nghèo (lờ) mỏng manh
Ðừng chia rẽ đôi lứa mình.
Lúc, lúc trở về
Quãng (lơ) đường xa
Anh (lơ) bước lê
Không may dù (là) mời anh cứ về
Anh hỡi anh cứ về
Cánh, cánh đồng quê
Vẫn (lơ) còn kia
Vẫn (lơ) lũy tre
Tiếng chầy tre đang mong người về
Mong đợi (ư) người về
Mái, mái nhà xiêu
Ánh (lơ) đèn khêu
Ðôi (lơ) lứa yêu
Mơ hai mùa (là) lúa chín ngô nhiều
Lúa chín ngô (ý) nhiều
Sớm, sớm ngày mai
Nắng (lơ) hồng soi
Nghe (là) khắp nơi
Tiếng cầy xe (lơ) cối máy nhịp vui
Nhịp nhàng vui...
Rồi tôi soạn một bài dân ca ngũ cung hơi Oán là bài HÒ LƠ nói tới đôi uyên ương nghèo của miền Nam. Cả ba bài VỢ CHỒNG QUÊ, TÌNH NGHÈO, HÒ LƠ đều có thể gọi là dân ca xã hội.
HÒ LƠ
(Saigon-1957)
Hò lơ ! Hớ lơ !
Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ !
Hò lơ ! Hớ lơ !
Miền Nam nước Việt mến yêu
Có một miền quê rất nhiều đất sống
Tình quê như chín con sông
Nước trôi vào lòng đất cầy thơm nồng
Ðợi mùa lúa tốt trổ bông
Ðợi chàng, em đến làm công.
Miền Nam nắng từ sớm mai
Nắng xạm mặt ai, nắng về đêm tối
Trời xinh em trắng như bông
Cũng bởi em làm vất vả trên đồng
Ðược mùa lúa tốt hạt cơm
Gặt về cho bõ nhọc công.
Hò lơ ! Hớ lơ !
Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ !
Hò lơ ! Hớ lơ !
Yêu em đôi mắt hạt huyền
Yêu làn tóc rối yêu liền nước da
Yêu em tấm áo thô sơ
Dãi dầu nắng mưa
Vẫn chưa phai mối tình.
Miền Nam đất giầu nước sang
Có một miền quê xóm làng thơm ngát
Ðời ta tuy thiếu xa hoa
Ðức Tin vẫn là mối tình trong lòng
Tình là ánh sáng tự do
Ðời là áo ấm miệng no
Yêu em đôi mắt hạt huyền
Yêu làn tóc rối yêu liền nước da
Yêu tấm áo thô sơ
Dãi dầu nắng mưa,
Vẫn chưa phai mối tình.
Hò lơ ! Hớ lơ !
Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ !
Hò lơ ! Hớ lơ !
Trong loại bài ca xã hội của tôi lúc đó còn có những bài không soạn theo thể điệu dân ca, như PHỐ BUỒN chẳng hạn, nói tới người lao động ở những khu nhà lá trong thành phố hoa lệ Saigon:
PHỐ BUỒN
(Saigon-1954)
Ðường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Ðường về nhà em tối đen.
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm.
Hạt mưa, mưa rơi tí tách
Mưa tuôn dưới vách
Mưa xuyên qua mành
Hạt mưa, mưa qua mái rách
Mưa như muốn trách
Sao ta chạy quanh.
Hạt mưa, mưa yêu áo rách
Yêu đôi sát nách
Mưa ngưng không đành
Hạt mưa, mưa gieo tí tách
Mưa lên tiếng hát
Ru cơn mộng lành.
Ðường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang
Ánh sáng kinh kỳ tràn lan
Ðời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng Xuân sang
Yêu phố vui, nhà gạch ngon
Ðèn đêm không soi bóng vắng
Kinh đô thắc mắc
Im nghe phố buồn
Người đi trong đêm tối ám
Nghe mưa thức giấc
Khuyên nhau chờ mong.
Phạm Duy