10. Cuộc Lữ
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3638
Cuộc Lữ
Lên Ðường
Viễn Du, Viễn Xứ, Viễn Mơ
Trước khi gần một triệu người sẽ di cư vào miền Nam và ai cũng sẽ đều nhớ tới cảnh vật, sự việc và con người của thôn quê miền Bắc, tôi làm quen với một cô em bán vải ở Chợ Bến Thành tên là Huyền Chi. Cô ''Bắc Kỳ nho nhỏ'' này có một bài thơ nhớ quê hương cũ nhan đề THUYỀN VIỄN XỨ và đưa cho tôi phổ nhạc...
THUYỀN VIỄN XỨ
1952
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng xa ráng trời
Bến Ðà Giang, thuyền qua xứ người
Thuyền ơi viễn xứ xa xôi
Một lần qua giạt bến lau thưa
Hò ơi giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngân về
Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi
Ðời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi
Quay lại hướng làng
Ðà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc sương mong con bạc lòng
Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
Mịt mù sương khói lên hương
Lũ thùy dương rũ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ nhỏ neo lên đường...
Bài thơ này nói lên tâm trạng một người phải rời bỏ bến Ðà Giang ở miền Bắc để đi vào miền Nam và nói lên sự hoài hương, nhớ miền viễn xứ... Bài thơ trở thành bài hát và được phổ biến trong thời gian người Bắc ùn ùn di cư vô Nam nên ai cũng muốn hát nó, muốn nghe nó...
Nhưng vào lúc đó, không ai có thể ngờ rằng tới năm 1975, người Việt lại còn phải leo lên phi cơ để vượt trời hay leo lên thuyền, lên tầu để vượt biên, sống đời tha hương và hát lên tiếng hát biệt xứ. Có lẽ tôi cũng linh cảm có ngày phải lên đường rất xa, hoặc là trong tôi nổi dậy sự viễn mơ (và nhu cầu tâm linh) của bài BÊN CẦU BIÊN GIỚI năm nào, cho nên vào lúc này (1953) sau khi phổ nhạc bài THUYỀN VIỄN XỨ, tôi soạn bài VIỄN DU, một bài cách đây mấy chục năm đã tiên đoán cảnh người Việt Nam lũ lượt ra sông, ra khơi từ năm 1975.
VIỄN DU
(Saigon-1953)
Ra sông
Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông
Biết đời viển vông, biết ta hãi hùng
Ra khơi
Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới
Chơi vơi, con thuyền trên sóng không nguôi
Bão bùng xô tới xô lui, vững tay chèo lái
Xa xôi
Hỡi người trong viễn phương ơi
Hẹn hò nhau viễn du thôi, lên đường mãi mãi
Ra đi
Nước trời bao la, hết cuộc phong ba
Ðất liền Âu Á cũng không xa gì
Phiêu du
Khắp nẻo đây đó, bỗng người say sưa
Thấy hoàn cầu mơ khúc Ðại Tình Ca (*).
Hãy ghé bến bờ
Có những xóm dừa
Chiều nhuộm vàng làn tóc ngây thơ
Có những núi mờ
Ðứng mãi ngóng chờ
Chờ người về đầu non trắng xoá
Ánh sáng chói loà
Hương say kinh kỳ
Ai quay cuồng nhịp đời dương thế
Viễn xứ ước thề
Xoá hết lối về
Ðể đẹp lòng người bước ra đi.
Qua 1954-55 đời sống di cư của chúng tôi đã ổn định. Tôi có thì giờ và phương tiện để học hỏi thêm, nhất là sau chuyến đi du học gần hai năm tại Pháp, để đưa ra những thử thách mới. Tôi cũng khá trưởng thành trong nghề hát rong rồi -- nghĩa là tôi biết tôi đã làm được những gì và tôi sẽ phải làm những gì -- cho nên tôi phác thảo ra ba con người của tôi trong sáng tác:
1) con người tình cảm, soạn những bài tình ca đôi lứa, tình ca một mình nghĩa là soạn nhạc cho cá nhân, cho riêng mình;
2) con người xã hội để từ nhạc kháng chiến, tình ca quê hương tiến tới tâm ca, tục ca v.v... Ðó là loại nhạc tôi gọi là nhạc nhân hoà (điều hợp con người và xã hội);
3) con người tâm linh để soạn nhạc nhiên hoà (hoà mình vào thiên nhiên, siêu nhiên)... trước khi đi vào đạo ca, rong ca, thiền ca...
Trong khuynh hướng, tôi tránh đưa ra những bài bản chạy theo trường phái nhạc cổ điển Âu Tây hoặc có tính chất hiểm quái, hay duy mỹ nghĩa là chỉ theo đường lối nghệ-thuật-vị-nghệ-thuật. Thể tài dân ca phát triển được tôi ôn luyện thêm về nhạc thuật, nhưng nội dung vẫn không ra ngoài tính chất hiện-thực-xã-hội và cố giữ được tự-nhiên-tính, bình-dị-tính của nghệ thuật cổ truyền. Tư tưởng luôn luôn muốn giữ tinh thần trật tự của Khổng, tình yêu thiên nhiên của Lão, tính siêu thoát của Phật. Và trên hết tất cả là tình tự quê hương.
Ðã phân thân rồi, tôi không muốn chỉ trói buộc sáng tác của mình vào đề tài quê hương hay dân tộc, vào tình yêu đời hay tình yêu người... và tôi đã có những bài hát viễn mơ, viễn xứ, viễn du... Rồi trong khi chưa làm được những cuộc hành trình xa hơn nữa như rong ruổi trên đường cái quan hay vượt biên giới ba nước Ðông Dương hay vượt đại dương để ôm ấp nhân tình trên ngọn Tháp Effel... tôi bèn làm cuộc lên đường trong tâm tưởng vậy. Với một bài có tính chất siêu hình, tôi mở cuộc lữ hành.
LỮ HÀNH
(Saigon-1953)
Người đi trên dương gian
Thở hơi gió từ ngàn năm
Gió lung lay Hoành Sơn
Gió dâng cao Biển Ðông
Người đi trong thanh xuân
Sưởi hương nắng như lửa sống
Máu sôi như sắc trời
Bước nhanh vượt chân đời.
Ði, đi đâu mà tới nơi
Thấy lòng lên phơi phới
Ði phương nao mà tới đây
Chỉ thấy lòng còn say
Hôm nay tình đầy
Thương yêu tràn đầy
Thiên thu trong lòng này
Tương lai trong bàn tay.
Người đi trong không gian
Nhịp xe uốn vòng tử sinh
Bánh xe tang ngoại ô
Chiếc nôi trong vòng hoa
Người đi trong nhân gian
Tà áo rách cô hàng quán
Sức tuôn trên cánh đồng
Lúa thương vạt nâu sồng.
Người đi nghe xa xăm
Mà chưa thấy bồn chồn chân
Bước đi trong thời gian
Vướng bao nhiêu lòng thương
Người đi trong thiên nhiên
Từ khi biết nhen lửa chiến
Máu xương chôn lấp rồi
Cỏ hoa mọc kín đồi.
Ði, đi mau rồi tới nơi
Ðất trời còn đen tối
Theo tâm tư tìm gió khơi
Ðã thấy mặt trời soi
Anh ơi ! Chuyện này
Ðây câu ruộng cầy
Anh em trong một ngày
Chung vai vơi thù ai.
Người đi sâu muôn nơi
Tình trinh tiết làm thành đôi
Áo chăn che tổ uyên
Miếng cơm vui tình duyên
Người đi, đi không thôi
Ngày thế giới lên nguồn vui
Ngát như hương lúa mùa
Sẽ lên đường trở về
Ðường trở về...
Phạm Duy
(*) phải là ''khúc Ðại Ðồng Ca'' thì mới đúng ý của tôi.