Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Xu Hướng Nhạc Tình Duy Nhiên/Lãng Mạn/Trữ Tình - Nhóm Hải Phòng [1]
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3311
Vào thời kỳ chuẩn bị và thành hình của Tân Nhạc Việt Nam, những nhạc phẩm có giá trị không phải chỉ đến từ thành phố nghìn năm văn vật là Hà Nội. Tại Hải Phòng, Lê Thương, Hoàng Quý, Hoàng Phú (sau này đổi tên là Tô Vũ), Phạm Ngữ, Canh Thân... cũng đã tụ họp thành một nhóm ca nhạc sĩ trẻ để bắt đầu sáng tác và hát phụ diễn cho những buổi diễn kịch nói của nhóm kịch Thế Lữ tại Hải Phòng, hay theo ban kịch đi hát tại Hà Nội, Vĩnh Yên... Họ cũng còn là những hướng đạo sinh (người trừ Lê Thương làm nghề thầy giáo, sau khi đã bỏ dở đường tu nhà dòng) và hay tổ chức đi cắm trại hay đi hát tại các tỉnh lân cận bằng xe đạp.
Lê Thương là người có nhiều nhạc tình nhất trong bọn. Ông khởi sự bằng những bài như Tiếng Ðàn Ðêm Khuya, Một Ngày Xanh, Bản Ðàn Xuân, Thu Trên Ðảo Kinh Châu ... Ông còn là người soan nhạc có nhiều tâm hồn thi sĩ nhất trong đám người tiền phong của nền Tân Nhạc. Lời ca của Lê Thương là những lời thơ tuyệt vời ngay từ lúc này cũng như mãi mãi về sau. Trong khi nhạc tình của các nhạc sĩ trẻ khác dùng nhiều câu, nhiều chữ thật sáo thì tình khúc của Lê Thương mới mẻ, thi vị hơn nhiều. Ví dụ bài Bản Ðàn Xuân mà tôi đã hát trên các sân khấu từ Bắc vào Nam trong những năm tháng tôi làm người du ca đầu tiên của nền Tân Nhạc :
Ðàn Xuân tủi lòng
Nảy cung đợi mong
Gieo ai oán trong khuê phòng
Tình tính tang, tang tính tình
Tình tính tang, tang tính tình
Lạnh lùng hơn gió ngoài đồng...
Trước hết, trong một bài hát về mùa Xuân như Bản Ðàn Xuân này, giống như các bạn đồng thời của mình, Lê Thương cũng mượn thiên nhiên để tỏ tình, nhưng trong ca khúc, ông đã nhân cách hóa sự vật : thiên nhiên là ông, ông là thiên nhiên. Những chữ lót, chữ đệm mà ta thường thấy trong dân ca cổ truyền như "tình tính tang, tang tính tình" được ông đua vào Tân Nhạc một cách rất hợp thời, hợp cảnh. Nét nhạc ngũ cung có thêm một bán âm thoáng qua, không có hại gì cho mầu sắc rất quê hương của ca khúc. Tiến trình giai điệu rất đẹp, có một câu nhạc chủ đạo được nhắc lại hai lần, vươn lên anacrouse (chỗ hứng khởi nhất của ca khúc), rồi tuần tự đi xuống, nghỉ ngơi ở cuối bài. Tối thiểu thì tôi cũng thấy, về sau, có hai bài bị ảnh hưởng nét nhạc Lê Thương. Ðó là Buồn Tàn Thu của Văn Cao và Chinh Phụ Ca của Phạm Duy... Chưa kể những bài khác của các tác giả khác. Tôi thích các câu ca trong Bản Ðàn Xuân :
Ngồi xe chỉ hồng
Hỏi ai hiểu không ?
Tiếng oanh muốn nhắn lời hay những tiếng ngân
Như chiếc bóng người chưa dám nhấc chân
Chờ tin thơ chim hoàng oanh đưa
Còn xa bay trong áng sương mờ...
Tiếng đàn xuân do Lê Thương gảy lên, sau khi đến với thiếu nữ trong khuê phòng, sẽ tới thăm cảnh vườn, để nhủ hoa thả hương. Hoa sẽ lên tiếng :
Lời hoa kể rằng
Nhiều đêm rạng trăng
Thấy ai ướm má hồng
Ru những tiếng êm.
Hoa cũng muốn trời cho có trái tim
Ðể yêu riêng nhân tình hoa
Và Xuân tươi, tươi đến muôn mùa.
Bài hát tiếp tục :
Ðàn bao tuổi rồi
Ðàn ca chẳng ngơi.
Bao dây đứt trong quãng đời
Tình tang tang tính tính tình
Tình tang tang tính tính tình
Của tình duyên số mạng người.
Ðàn ca nửa lời
Ðể cung nhẹ lơi
Có dây nắn tiếng cười, dây nắn tiếng than
Dây nắn tiếng trầm, dây nắn tiếng vang
Tùy theo dây, tơ tình tơ duyên
Và theo dây luu luyến u huyền...
Cũng như các nhạc sĩ trẻ khác trong thời gian thành hình của Tân Nhạc, Lê Thương phổ nhạc những bài thơ của những thi sĩ tiền phong trong phong trào thơ mới. Bài thơ Bông Hoa Rừng của Thế Lữ khởi đầu bằng những nét nhạc leo núi :
Trèo lên đỉnh non cao
Lên đỉnh non cao
Nghe lời chim gọi gió
Nghe lời chim gọi gió
Gió dào dạt thưa
Bỗng đâu gặp gỡ tình cờ...
Thì ra Lê Thương gặp nàng sơn nữ, bông hoa rừng của Thế Lữ cũng như tôi ở tuổi 20, gặp cô gái hái mơ già (quả mơ già chứ cô gái thì chưa già) của Nguyễn Bính với một mối tình ấp úng mà thôi...
Ngoài bài thơ Bông Hoa Rừng của Thế Lữ này, những bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận, Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư... từ lúc mới bắt đầu có Tân Nhạc cũng đã được Lê Thương đưa vào những ca khúc mang tên Tiếng Thùy Dương, Tiếng Hát Thu, nhưng tiếc thay ít người biết đến. Tài phổ thơ thành nhạc của Lê Thương rất cao, nhưng có lẽ vào lúc đó, Tân Nhạc chưa mạnh mẽ như sau này, một năm may ra chỉ có vài bài được trở thành ''top hit'', trong khi Lê Thương lại quá phong phú về phương diện sáng tác, vừa đem thơ nổi tiếng ra phổ nhạc, vừa đưa ra những bài do mình soạn cả nhạc lẫn lời. Những ca khúc Lê Thương phần nhiều xưng tụng tình yêu.
Nhạc tình yêu lúc đó, bất cứ một nhạc sĩ trẻ nào cũng đều viết ra và hát lên, nhưng nếu có bài nào còn vương vấn trong lòng tôi vào lúc tôi đã ngoài 70 tuổi, đó phải là bài Một Ngày Xanh của Lê Thương. Bài hát có một giai điệu mineure buồn lâng lâng, vì nét nhạc hay ngưng ở quãng ba thứ (tierce mineure) giống như nhạc điệu sa mạc chẳng hạn :
Trời khuya thanh vắng
Em ngồi bờ sông
Nhìn mây trăng trắng
Bay mờ trên không...
Nếu ta đã nghe nhạc tình của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Dzoãn Mẫn rồi thì so với bài Một Ngày Xanh của Lê Thương, ta sẽ thấy bài của chàng Lê thi vị hơn, làm ta cảm động hơn, không những vì nét nhạc mà còn vì lời ca nữa. Hãy nghe lời tình của Lê Thương viết vào hồi 1939 :
Từ xa đưa đến
Tiếng trống canh điểm đêm
Và tiếng dế kêu đềm êm.
Dưới sông có vầng trăng sáng
Chiếu trong lòng Ðà Giang, mầu quang...
. . . . . . .
Dưới đá anh có ghi những lời
Phối ước chung một lòng son
Tuy bây giờ anh đã ra đi
Lời thề còn ghi dưới cỏ xanh rì
Bên bờ Ðà Giang.
Em đưa kề bên má anh hôn
Anh thề cùng em
Bể cạn sông mòn, cuộc tình duyên
. . . . .
Từ nay sông vắng im lìm lời ca
Ðời xanh em ngắn như đời ngàn hoa...
. . . . . . . . . . . .
Một ngày xanh đã ghi vào đời anh
Cuộc tình duyên có khi nào anh quên ?
Ngày nay trăng chiều trên bờ Ðà Giang
Lòng anh thấy thiếu mối tình mơ màng...
Sau nửa thế kỷ, đôi khi nhớ tới bài ca và ngồi hát một mình, tôi vẫn thấy hiện ra những ngày xanh của tôi, bờ Ðà Giang của tôi và lời thề ghi dưới đá của chàng thi sĩ/nhạc sĩ Lê Thương của tôi...
Phạm Duy và Lê Thương, chốn miền Nam, ngày xa xưa...
Thời kỳ thành hình của Tân Nhạc cũng là thời kỳ thử thách. Ta đã thấy Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Văn Chung thử thách dung hòa hai hệ thống ngũ cung Việt Nam và thất cung Âu Tây trong nhạc mới. Lê Thương còn đi xa hơn nữa, ông dùng hẳn một âm giai của Nhật Bản Re Mi Fa La Sib để soạn bài Thu Trên Ðảo Kinh Châu. Lúc Lê Thương soạn bài này, quân đội Nhật chưa tới Ðông Dương, nên ta không thể nói rằng ông bị ảnh hưởng nhạc Phù Tang. Có thể vì đề tài là một mùa Thu trên một hòn đảo có cái tên là Kinh Châu, gần gũi với cái tên Ðông Kinh (TOKYO), cho nên nhạc sĩ họ Lê đã quyết tâm dùng hẳn một âm giai nhật bản. Gần dây, trong công trình khảo cứu về hát Quan Họ, người ta khám phá ra rằng bài Thu Trên Ðảo Kinh Châu của Lê Thương đã được tiếp thu vào loại hát hội (quan họ) của miền Kinh Bắc ngay từ thập niên 40.
Lê Thương, tuy vậy, vẫn không ra thoát được chủ đề "nhạc tình cảm thiên nhiên". Bài hát về mùa Thu trên một hòn đảo tưởng tượng sẽ được nối tiếp bằng một bài hát về mùa Xuân : Xuân Yêu Ðương đăng trên báo NGÀY NAY. Chàng nhạc sĩ lớn tuổi nhất của nhóm Hải Phòng này (ông sinh năm 1913) sẽ từ biệt hải cảng miền Bắc để vào Nam làm ăn, trước hết là ở An Hóa thuộc tỉnh Bến Tre, sau đó họ Lê sẽ lên sinh sống ở Sàigon. Cho tới khi nhạc tình của Lê Thương thiên về thể truyện ca với những bài tuyệt diệu như Nàng Hà Tiên, Hoa Thủy Tiên... Vào thuở 1942-44 này, chưa có những bài ca kể truyện theo đúng ý nghĩa của nó trong Tân Nhạc. Bài Nàng Hà Tiên báo trước những truyện truyền kỳ dã sử lung linh và vĩ đại của Lê Thương như Trên Sông Dương Tử, Hòn Vọng Phu... Ta hãy nghe truyện tình của Nàng Hà Tiên :
Ba trăm năm qua bên bờ Cửu Long Giang
Một người đàn bà hay xuống mé sông
Ðứng tiếp rước khách trẩy đò ngang
Lòng ngao ngán tiếc thân chưa có chồng...
Với một nét nhạc majeur rất lưu loát và với nhịp kể chuyện hơi nhanh, họ Lê kể rằng 300 năm về trước, có một người đàn bà làm nghề rước khách trẩy đò ngang, đang buồn phiền vì chưa có chồng thì :
Ngày kia tự nhiên có một thiếu niên nào
Từ quan san xa cách đâu tìm đến
Mới bước xuống xe vừa trông thấy cặp má đào
Chàng thiếu niên bèn ngỏ lời kết duyên...
Lê Thương chuyển nhẹ qua Do Mineur với nét nhạc thật là ngọt ngào :
Hai năm sau sinh một nàng Tiên...
Qua đoạn hai của ban nhạc, Lê Thương lại trở về với giọng Majeur và với một nhip đều đặn giống như một điệp khúc, kể truyện tiếp về cô Tiên, kết tinh của mối tình giữa cô lái đò -- lại cô lái đò ! -- và chàng thiếu niên, teenager ? :
Nàng nghịch đùa sông
Phá nước thay dòng
Nàng cầm nguồn mưa
Tưới ra Biển Hồ
Chiều chiều Nàng mong
Chờ một làn sóng
Ðến dâng cho Nàng khúc đàn
Âu yếm mơ màng...
Nàng tiên đó, nghịch đùa sông, lấy tay cầm nguồn mưa tưới qua Biền Hồ ở Cao miên... và chờ đợi làn sóng đưa đến cho Nàng khúc đàn âu yếm. Thế nhưng Nàng Tiên sẽ không được như Mẹ, không có người yêu, buồn rầu, đau khổ và biến thành một bến nước gọi là Hà Tiên :
Mươi mươi lăm năm sau, nàng Hà Tiên
Bực mình vì lòng sông thiếu chút duyên
Ðem thân tiên nương đi tìm Vịnh Xiêm
Họa chăng có bóng quý nhân độ thuyền.
Ngày kia một cơn gió mang tới biên thùy
Một công tôn đi đứng trông kiều quý
Bóng dáng quý nhân vừa trông đã thấy rằng
Hóa ra nàng gặp một giấc mơ
Tiên cô đi yêu một bài thơ...
Từ mộng thuyền quyên
Tới giấc mơ huyền
Lòng người được quen
Thú vui hoặc huyền
Từ rày Hà Tiên
Thành một bờ bến
Ðón đưa những người xuống đò
Ðể thấy mơ hồ.
Ngay từ lúc đó, ta đã thấy câu nhạc của Lê Thương rất dài, bằng chứng của óc sáng tạo, khác với những tài năng kém, chỉ soạn nổi những câu nhạc cụt thun lủn. Với đầu óc phong phú, Lê Thương còn sáng tạo ra một câu chuyện hư hư thực thực, chuyện người đẻ ra Tiên, rồi nàng Tiên biến thành một bến nước có thật ở miền cực Nam nước Việt... Sau này, hình như cuộc đời Việt Nam càng ngày càng trở nên rất ư tàn nhẫn, tôi không hề thấy trong Tân Nhạc Việt Nam những truyện ca thần tiên như của Lê Thương.
Tiếp tục soạn truyện ca, Lê Thương cho chúng ta bài Hoa Thủy Tiên. Cũng vẫn là những lời ca rất nên thơ, nét nhạc rất Việt Nam, với nhịp đôi dung dị mà ông sẽ dùng trong các nhi đồng ca sau này... nhất là với tài dựng những cốt truyện thần tiên, Lê Thương dùng âm nhạc để đưa chúng ta vào cõi không thực, cõi mộng mơ nhưng vẫn chan chứa tình người. Bài Hoa Thủy Tiên kể truyện :
... Một nghìn năm trước, trong đời Trần Nam quốc, có cô công chúa loà, cả đời nuôi nấng hoa. Nhưng có một năm, Trời làm mưa gió, làm giông tố khiến cho các hoa trên gác lầu phải một cơn đớn đau, Bạch Mẫu Ðơn trôi dạt mất đâu. Công chúa loà thương người và hoa quá, khấn Trời xin đền nụ hoa đã rơi. Nàng bầy trên gác, ước chừng mười tô nước, khấn xin ba tháng ròng, nhưng Trời chỉ cho nước trong. Phải qua đi mùa Hạ, mùa Thu... mãi cuối Ðông đó, Trời mới cho nàng Thủy Tiên xuống đời. Thấy công chúa loà, Nàng Thủy Tiên bước ra, trình bầy trên bát nước, ba lòng vàng thơm ngát, khiến cho đôi mắt loà của nàng công chúa bỗng sáng ra...
Thật là đáng tiếc cho Việt Nam chúng ta, phải sống năm mươi năm chinh chiến, ly loạn, cho nên trong nhạc mục dành cho tuổi thơ, chúng ta hiếm những bài ca thần tiên như vậy.
Là một nhà giáo, ngoài mấy bài hát thần tiên tôi vừa kể, soạn ra trong thời kỳ phát triển sơ khởi, Lê Thương còn soạn khá nhiều ca khúc cho nhi đồng, học sinh như Thằng Cuội, Tuổi Thơ, Học Sinh Hành Khúc. Bài này phổ thông đến độ có lời hát vui : học sinh là người hủ tíu ăn hai ba tô...
Tôi sẽ có dịp để nói thêm về của tiến trình của nhạc sĩ Lê Thương trong những chương tới. Nhất là về nhạc phẩm lớn lao của ông là ba bài Hòn Vọng Phu...
Hoàng Quý
(1920-1946)
Gần đây tôi mới biết rằng người nhạc sĩ tiền phong mang tên Hoàng Quý là học trò của Lê Thương tại trường Trung Học Lê Lợi ở Hải Phòng vào cuối thập niên 30. Và vào năm 1939, đúng lúc phong trào Nhạc Cải Cách vừa ra đời, cùng với các ca nhạc sĩ tài tử ở đất Cảng lúc đó là Phạm Ngữ, Canh Thân, Hoàng Phú (tức Tô Vũ sau này), Hoàng Quý là người đầu tiên trình diễn nhạc Lê Thương tại Nhà Hát Lớn Hải Phòng.
Trước khi trở thành người soạn nhạc tiền đạo của xu hướng nhạc hùng, Hoàng Quý cũng đã, trước hết, đi vào lãnh vực nhạc tình, với những bài nhạc tình yêu như Tú Uyên, Cô Láng Giềng hay những bài nhạc tình quê như Chiều Quê, Ðêm Trăng Trên Vịnh Hạ Long, Chùa Hương ... ở lãnh vực nào thì nhạc của ông cùng đều tươi sáng, khác hẳn với nhạc tình buồn bã, ủy mị của đa số nhạc tình thời đó. Người ta thường ví Hoàng Quý trong nhạc cũng trong trẻo và hồn nhiên như Nguyễn Nhược Pháp trong thơ vậy. Về nhạc ngữ, Hoàng Quý cũng pha trộn cả hai thang âm Ðông và Tây như các bạn đồng hành của ông trong thời này.
Tú Uyên là đầu đề bản nhạc tình của Hoàng Quý mà ít người biết đến, kể cả tôi. Còn bài hát rất tình tứ của ông nhan đề Cô Láng Giềng thì được nhiều người hát, tôi có lẽ là một trong những người đầu tiên đem nó đi hát rong. Bài này cũng dùng nét nhạc ré mineure như nhiều bài hát về tình vào thuở đó :
Hôm nay trời Xuân bao tươi thắm
Dừng bước phiêu du về thăm nhà
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười...
Tôi mơ trời Xuân bao tươi thắm
Ðôi mắt trong đen mầu hạt huyền
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
Xao xuyến nỗi niềm yêu...
Cô láng giềng ơi
Không biết cô còn nhớ đến tôi ?
Giây phút êm đềm ngày xưa kia, khi còn ngây thơ
Cô láng giềng ơi
Tuy cách xa phương trời tôi không hề
Quên bóng ai bên bờ đường quê
Ðôi mắt đăm đăm chờ tôi về.
Năm xưa khi tôi bước chân ra đi
Ðôi ta cùng đứng bên bờ tường vi
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi
Ðừng nói đến phân ly...
Cô láng giềng ơi
Nay bóng hoa bên thềm đã thắm rồi
Chân bước vui bên bờ đường quê
Cô có hay chăng giờ tôi về...
Dù rằng khi Hoàng Quý vừa trở về tới quãng đường quê cũ, nơi vẫn có hoa tường vi nở thắm, thì chàng bỗng nghe thấy tiếng pháo nổ nơi ngõ xưa, tiếng pháo mừng cô láng giềng đi lấy chồng ! ! ! Nhưng qua lời 2 của bản tình ca này, ta thấy chàng cũng không buồn bã lắm đâu, vâng, nó chỉ buồn vừa đủ để tiễn đưa tôi (Hoàng Quý) lên đường, tiếp nối bước đường phiêu du, không ai có thể biết bao giờ tôi về... Cũng giống như tâm trạng của tôi (Phạm Duy) khi vừa bỏ nhà ra đi và đem bài ca này đi hát, ngay từ khi nó mới ra lò...
Qua bài ca tình ái đầu tay và rất nên thơ này, chúng ta thấy Hoàng Quý có thể chưa vượt qua được các bạn đồng hội, đồng thuyền, (và đồng tỉnh, như Văn Cao chẳng hạn...) nhưng ông sẽ là một trong hai người đứng đầu trong loại nhạc vui tươi, khoẻ mạnh và hùng tráng mà tôi sẽ nói tới trong những chương sau.
Phạm Duy