Chương 6
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4452
Nơi tha hương sữa thịt chẳng thèm
Xin cho tôi dăm hạt gạo Nam...
NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI
Nhà mới mà cũ, xe mới mà cũng cũ...
Sau một thời gian ngắn ở appartment, tôi mua một căn nhà nhỏ cũng nằm trên đường Troy Street này, với giá 19.000$, chỉ cần trả trước bốn ngàn đôn. Đây là loại nhà được xây cất để bán cho người nghèo, lâu ngày đã trở thành ọp ẹp. Vách nhà được chủ cũ sơn mầu loè loẹt làm chối mắt kẻ yêu mỹ thuật là tôi. Không phải nhà gạch mà là nhà gỗ, nhà bià, vào những đêm mưa, nơi tôi nằm phải căng một mảnh nylon dưới trần nhà thì mới ngủ được. Nhà dựng trên đất cát như một thứ nhà sàn nên vào những ngày giông tố là có gió lùa từ dưới đất lên. Bàn ghế, giường nằm, divan là đồ cũ rích và hôi rình, do nhà thờ tặng... Nhưng đó là căn nhà đầu tiên trên đất Mỹ của tôi nên tôi yêu nó lắm !
Trong nhà, ngoài ngõ của một gia đình "nghèo mà vui" !
Mùa Xuân 1977. Đời sống của tôi đã ổn định. Tôi không còn quá đau khổ vì thương nhớ các con. Tôi linh cảm cha con sẽ đoàn tụ. Với tinh thần lạc quan cố hữu, tôi cho rằng số phận gia đình tôi cũng giống như số phận nước Việt Nam. Phải có chia ly mới có đoàn tụ. Phải cực kỳ chia rẽ rồi tìm về nhau mới có đoàn kết. Phải tận cùng tan tác và đồng tình gom góp mới có thể qui về một mối. Đúng như quan niệm của tu sĩ người Bỉ Teillard de Chardin : tất cả hướng thượng thì phải đồng qui.
Hơn một triệu người Việt Nam chia nhau đi sống ở 48 nước trên thế giới để hoàn tất cuộc khởi hành bắt đầu từ thời huyền sử, khi Rồng Tiên chia tay nhau, cha diù con lên núi, mẹ dắt con ra biển. Chuyến lên núi ở nhà đã thành chuyến xuống núi, chuyến ra biển lần này cũng phải là chuyến cuối cùng. Hết đường đi thì tìm đường về. Hết ly tâm thì qui tâm. Phải vậy không ?
Như đã nói, vừa tới Mỹ, tôi may mắn được tiếp tục hành nghề cũ ngay lập tức, không những hành nghề ca hát, nghề soạn ca khúc mà còn có thêm nghề ''sản xuất'' mà khi còn ở trong nước, tôi không để ý tới... Sau đó, tôi rời khỏi vòng tay ấm áp sặc mùi whisky của gia đình Carle để sống độc lập, đã có nhà để ở, đã có xe hơi để đi (dù chỉ là nhà ọp ẹp và xe cũ mèm). Tôi đã kiếm ra tiền qua những vụ bán băng, bán sách hay đi hát... để gửi vào nhà băng. Tôi sống dư giả và thừa sức để luôn luôn tiếp tế cho các con ở Saigon.
Nhưng không phải ngày nào chúng tôi cũng bận bịu ngồi gói hàng hay tuần nào cũng bận rộn đi hát. Tôi có nhiều thì giờ rành rỗi và chỉ dùng nó để... nằm coi tivi. Có ngày tôi coi tivi sáu tiếng đồng hồ, cả nhà phát khiếp ! Cũng có lúc tôi thơ thẩn một mình trong khu vườn nhỏ ở sau nhà hay lái xe ra xa lộ, xuống xe đi vào một nẻo rừng vắng vẻ, chân đạp lên lá vàng khô, mắt nhìn những con sóc nhẩy nhót, tai nghe tiếng suối chẩy... như ngày nào đi trong những khu rừng Việt Nam.
Thiên nhiên trìu mến thấm vào người, tôi lại thấy yêu đời và thèm sáng tác quá ! Nhưng suốt đời mình, tội nghiệp lắm, tôi chỉ sáng tác được khi có tình yêu bên cạnh. Bây giờ, là kẻ hát rong, là con dế trong bài hát của Lê Thương, tuy không còn nghèo xác xơ vì đã hát xẩm ''ra'' tiền, nhưng tôi vẫn còn là con dế bơ vơ, giống như trong bài hát tôi soạn ra về sau :
Con dế hát trong mùa Thu nức nở
Gọi người tình ! Ôi Người tình !
Nhưng tình đã vắng xa...
Trong hai năm đầu, cũng giống như mọi người hối hả đi tị nạn, tôi bị tê liệt vì quốc nạn và gia nạn. Biến cố 30 tháng Tư xẩy ra nhanh quá, khủng khiếp quá, tôi cũng như mọi người mất hết tinh thần. Cho rằng đã mất nước lại mất luôn bốn đứa con, tôi mất luôn sự ham sống. Linh cảm sẽ đoàn tụ với các con nhưng không biết tới ngày nào tháng nào năm nào mới gặp lại con. Luôn luôn buồn khổ và bị ám ảnh bởi ý tưởng quyên sinh. Cái chết không còn là một thème mơ hồ trong một số ca khúc của tôi nữa, nó vào nằm hẳn trong tôi. Sự thành công tương đối trong cuộc vật lộn với đời sống Hoa Kỳ chỉ xoa dịu được thân xác nhưng chưa đủ để giải toả tâm linh.
Trong gian nhà gỗ ở Fort Walton Beach, những khi rảnh rang, tôi giở bản thảo của Bầy Chim Bỏ Xứ ra coi, với ý định hoàn tất nó. Nằm dài trên divan cạnh lò sưởi, trời Florida không lạnh nhưng cũng đốt củi cho có vẻ lãng mạn, ôm đàn vào lòng, tôi đáp ứng một khắc khoải trong tôi là : sáng tác. Nhưng sau một thời gian vật lộn kịch liệt với cái gọi là tổ khúc, tôi soạn được dăm ba đoản khúc, từ bài đầu tới những bài kế tiếp, tất cả chỉ là những tiếng hót buồn bã của một lũ chim hờn tủi, khổ đau, khóc lóc và chết chóc !
Vào lúc này, ở hai bên bờ Đại Tây Dương, tôi và người bạn âm nhạc Trần Văn Khê thỉnh thoảng điện đàm hoặc trao đổi thư từ. Khi gia đình tôi vừa chân ướt chân ráo tới Florida, Khê đã gửi tặng ''người di tản buồn'' (1) này một số tiền ''cứu trợ'' (món nợ này tôi cũng trả được rồi). Khi Khê hỏi tới việc sáng tác, nhân đang ngồi soạn Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi bèn gửi tặng bạn bài hát dang dở trong đó có quá nhiều tiếng chim kêu than. Trong năm 76, Khê về Việt Nam, kể cho nhạc sĩ Đỗ Nhuận nghe câu chuyện tổ khúc của tôi với đoạn con chim hộc máu chết vì quá u buồn. Thế là tin tức về tôi lan ra ngoài, rồi kết cục người ta đồn ầm lên là Phạm Duy đang hát trên sân khấu thì thổ huyết chết. Các con tôi hoảng sợ quá, đánh điện tín qua, bố trả lời ngay :
-- Bố chưa chết đâu các con ơi....
Nói về bài Bầy Chim Bỏ Xứ thì, sau khi thấy nó lủng củng, nhưng nếu muốn, tôi vẫn có thể hoàn tất nó ngay. Nhưng vì không có ai thúc giục tôi làm việc đó nên tổ khúc được cho vào ngăn kéo với 6 đoản khúc rầu rĩ khóc than.
Nói về quần chúng thì vào lúc khởi đầu, tôi đang đau khổ trong tiến trình thu hẹp của mình (bỏ nước ra đi, các con kẹt lại) cho nên tôi chọn một nơi thật xa quê hương, thật vắng đồng hương để sống âm thầm với nỗi buồn riêng.
Lúc đó, tôi muốn cắt đứt với tất cả những gì gọi là Việt Nam. Nơi tôi ở có dăm chục gia đình người Việt nhưng không có gì gắn bó chúng tôi ngoại trừ một nỗi buồn nặng nề, u ám. Nếu tôi có may mắn đi hát ở nhiều nơi, xong buổi hát, tôi lại cuốn gói ra đi, chẳng có gì ràng buộc tôi với các đồng hương ở địa phương tôi tới hát cả. Vả lại lúc đó đi hát đúng là như đi ''ăn cướp'', vì trong sinh hoạt văn nghệ này, người hát ý niệm được sự kém cỏi trong nghệ thuật của mình (hát cho xong chuyện), người nghe chỉ muốn thoả mãn một nhu cầu độc nhất là nhớ nhà.
Thế rồi bỗng nhiên có sự xuất hiện của những tờ báo Việt. Sống trong một nước mà ngành truyền thông đạt tới mức cao nhất thế giới, chẳng lẽ hơn 100.000 người tị nạn, dù sống rải rác mọi nơi, lại không có một tiếng gọi nhau hay sao ? Một ngày nọ, tôi nhận được cú phone của Nguyễn Hoàng Đoan, chủ nhiệm và chủ bút của tờ báo tị nạn đầu tiên ở Mỹ là Hồn Việt từ California gọi qua, ngỏ ý muốn đăng một bản nhạc mới. Rồi Võ Văn Ái người chủ trương tờ QUÊ MẸ ở Pháp cũng liên lạc với tôi để xin một bản nhạc mới...
Có hai người thúc vào -- xin lỗi hai vị nhé -- đít mình như vậy thì tôi im lặng sao được ? Trong căn nhà gỗ ẩm ướt sau một trận bão, tôi ngồi cắn bút, lên dây đàn, soạn một bài hát đầu tiên trong đời lưu vong. Đó là một bài hát hoài hương. Nhưng quê hương tôi nói tới lần này không còn là cái quê hương tôi có thể sờ mó được, nhìn thấy được, ngửi thấy được... như hồi mới từ Bắc di cư vào Nam. Bây giờ, quê hương trong nhạc của tôi chỉ là ảo ảnh quê hương. Thời 1952, tôi có Tình Hoài Hương ngọt ngào và tươi mát, nay tôi có Nguyên Vẹn Hình Hài buồn rầu và chết chóc :
Ai có về vùng trời Gia Định ?
Hay xuôi sông về tới Cần Thơ ?
Qua xóm dừa rồi vào thăm ruộng
Xin cho tôi dăm hạt gạo thừa...
Trong bài này, tôi nhắc tới những nơi chốn thân yêu như chợ Tân Định, chợ Bến Thành với trái ngon như cam quýt bưởi... Tôi nhắc tên những địa danh ở ba miền đất nước như Gia Định Cần Thơ, Thành Nội Gia Hội, Nghệ Tĩnh Thanh Hoá, Hà Nội Nam Định, Sông Gầm Núi Tản... và tới những đặc tính riêng của người dân ở từng địa phương. Cuối cùng tôi nói tới cái chết và nếu phải chôn tôi ở nơi xa quê hương, thì :
Mai có người chợt ngừng thăm mộ
Nơi chôn tôi là dưới rặng mai
Nơi rất lạnh, ngàn đời tuyết phủ
Nên thân tôi nguyên vẹn hình hài.
Nếu có người tò mò muốn gặp
Nơi tha ma mở nắp mồ lên
Sẽ thấy một người nằm thanh thản
Trông như chân dung của Việt Nam.
Tôi vẫn hình dung địa đồ nước ta như thân thể con người, miền Bắc là cái đầu, miền Trung là con tim và miền Nam là cái... dạ dầy. Trong bài hát này, tôi muốn nói : Nếu tôi chết thì xin được chôn ở nơi quanh năm tuyết phủ, mai rày có ai tới thăm, mở nắp mồ lên sẽ thấy hình hài tôi không tan rũa, còn nguyên vẹn là chân dung của nước Việt Nam yêu quý. Bài này được đăng ngay lên bìa báo Hồn Việt.
Với báo QUÊ MẸ của Võ Văn Ái, tôi gửi một bài hát có tính cách lập ngôn : Ta Chống Cộng Hay Ta Trốn Cộng, phản ứng lại bài hát tang thương Nguyên Vẹn Hình Hài :
Ta chống Cộng hay ta trốn Cộng ?
Đây là điều ta phải hỏi ta !
Ta chống Cộng hay ta trốn Cộng ?
Đây là điều ta phải hỏi ta, nhắc ta !
Với bài này tôi chơi chữ : trốn Cộng hay chống Cộng. Tôi cho rằng : Nếu ta sống như con chuột nhắt, muốn quên đời bằng ly rượu buồn tênh hay vùi đầu trong cuộc đỏ đen, nô lệ đồng tiền, ham mê gái đẹp... thì ta vẫn có quyền đơn độc ngủ yên. Vì ở đây là xứ tự do mà, không ai có thể bắt buộc ai phải yêu nước hay không yêu nước cả. Nhưng vì ta chống Cộng Sản, không chấp nhận nó nên ta phải bỏ nước ra đi. Và ta đã thắng khi ta vượt thoát, ra nước ngoài cùng bao bạn đồng hương, ta nuôi ngày về lại quê hương... thì ta hãy cất cao lời hát của loài người yêu chuộng Tự Do. Ta phải làm sao để lấy lại dân quyền (2) cho dân tộc ta. Bài hát kết thúc :
Ta chống Cộng, ta không trốn Cộng !
Ta và cả trăm ngàn đồng hương
Ta chống Cộng, ta không trốn Cộng !
Mai này rồi, ta về Việt Nam mến yêu.
Khi gửi bài này cho Võ Văn Ái để đăng trên bìa báo QUÊ MẸ, tôi lấy tên là Đỗ Quyên. Nghĩa là tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi con chim yêu nước trong tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ.
Soạn ra bài hát chống đối chứ không trốn tránh này, tôi lấy lại được quân bình trong đời sống. Dù là theo quốc gia chạy trốn trước sự tấn công của Cộng Sản nhưng đó là một thắng lợi cá nhân vì thoát khỏi cảnh bị bắt và tù đầy. Tôi không cần phải cho đó là chuyện nhục nhã nữa. Nhưng lánh về ở Fort Walton Beach này, tránh không gặp Việt Nam (3) là thái độ vừa trốn và vừa tránh.
Hai tờ báo Hồn Việt và Quê Mẹ, với sự kêu gọi tôi soạn nhạc trở lại, đã lôi tôi ra khỏi ghetto rồi ! Tôi phải trở về với Việt Nam. Nói cho rõ hơn, trong hoàn cảnh người tị nạn bị phân tán mỏng như thế này, tôi phải về một nơi có đông người Việt Nam. Nghĩa là phải về tiểu bang California...
... Bán căn nhà sơn mầu xanh lá cây rồi mua một xe trailer có bếp nhỏ và giường ngủ, mùa Hạ 1977, hai vợ chồng tôi và bốn đứa con nhỏ giã từ Fort Walton Beach, cứ theo xa lộ số 10 xuyên ngang nước Mỹ mà đi. Giống như những người đi lập nghiệp ở nước này trong thế kỷ trước, chúng tôi làm cuộc ''tiến về viễn Tây''. Người xưa làm cuộc di dân từ cựu lục địa qua đây rồi đi tìm đất đai và tìm vàng ở phía mặt trời lặn. Nay lưu dân tôi đi về miền Tây để tìm lại mình.
Đây mới thực là Xe Mê Ly !
Phạm Duy
(1) Nam Lộc của phong trào Nhạc Trẻ Saigon đầu thập niên 70, nay ở Cali, gửi thư nhờ tôi chép ra bản Người Di Tản Buồn anh ta vừa sáng tác. Thấy bài này đăng trên báo với bút tự của tôi, người ta tưởng tôi là tác giả.
(2) Ủa ! Vào năm 1977 này mà tôi đã nói tới tự do dân chủ rồi à ?
(3) Không phải chỉ là ''người'' Việt Nam mà thôi !