Chương 5
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4833
Dấu chân trên tuyết của một người lữ thứ
Như mồ chôn một quá khứ nặng nề...
DẤU CHÂN TRÊN TUYẾT
Lưu diễn tại Grand Rapids, MICHIGAN
Vào dịp Tết 1976, nghĩa là vào lúc lạnh nhất ở vùng biển hồ, chúng tôi tới diễn ở Grand Rapids (Michigan). Đây là lần đầu tiên vợ tôi được hưởng mùi mùa Đông không có mặt trời, chỉ có tuyết phủ.
Chưa quen đi trên băng tuyết nên cứ đi vài bước là cả hai mẹ con Thái Hằng, Thái Hiền lại ngã oành oạch trên đường... Rồi chúng tôi tới hát ở một nơi còn lạnh hơn là Chicago, dưới sự bảo trợ của Trần Vụ Bản, người em du ca của thời tôi soạn tâm ca...
Diễn tại Normal, Illinois...
Qua Normal ở Illinois, được Lê Tất Điều kéo về nhà ngủ, chúng tôi lại đấu láo với nhau như khi còn ở Saigon... Chỉ ít lâu sau, dưới bút hiệu Cao Tần, Lê Tất Điều làm ra những bài thơ rất hay về cảnh đời lưu vong.
Gặp nhau, vào một ngày đầu của cuộc sống lưu vong... Đỗ Ngọc Yến, Thái Hằng, Đỗ Quý Toàn, Phạm Duy, Lê tất Điều.
Vì tổ chức YMCA là sponsor của ban tam ca này cho nên mọi sự xẩy ra rất là chu đáo. Sau buổi ca nhạc tại University High School ở Normal này, báo chí địa phương đã có một bài tường thuật, coi gia đình tôi như một niềm an ủi lớn cho người tị nạn Việt Nam.
Báo địa phương đăng bài về buổi diễn ...
Tới Portland, lái xe đi dạo chơi, tôi ngỡ mình đang ở Đà Lạt... Từ Portland tới Seattle, không xa là mấy. Tới được Seattle -- một thành phố có mưa quanh năm, nhà nào cũng có một vườn hoa tươi tốt -- là nhờ Vũ Đức Vinh. Cựu Giám Đốc Đài Radio Saigon và Thanh Nam đang chủ trương tờ Đ„T MƠI, một tờ báo rất thành công trong giai đoạn đầu của người Việt lưu vong, đứng ra tổ chức cho chúng tôi hát....
Báo Đất Mới của Vũ Đức Vinh, có trang Anh Ngữ
Muốn ghé California trước khi bay qua vùng Đông Mỹ, nhưng chúng tôi không tới hát ở Los Angeles được vì người phụ trách văn phòng YMCA mà tôi liên lạc từ trước, nguyên là cựu ca sĩ Việt Cộng được chiêu hồi (miễn nói tên), không muốn giúp gia đình ca sĩ này.
Khi chúng tôi qua New Jersey thì được biểu diễn chung với nhạc sĩ piano Lê Như Khuê và ca sĩ Thanh Thoại của Đài Tự Do (VOF) cũ... Tới được thủ đô Washington D.C. là nhờ Lê Văn của Đài VOA bảo trợ buổi trình diễn (có nhẩy đầm). Gặp lại Vũ Thành, Nguyễn Ngọc Bích, Ngô Vương Toại ở đây, tôi lại càng thêm vui...
với Vũ Thành tại Virginia, ít lâu trước khi anh qua đời
Đó là chưa kể sự gặp gỡ dăm ba người tình cũ, chúng tôi liếc nhìn nhau, nửa khóc nửa cười, hoặc run rẩy bấm tay nhau trong bóng tối. Đối với người vừa bỏ nước ra đi, gặp lại bạn bè trong không khí văn nghệ văn gừng như vậy là coi như gặp lại quê hương. Quê hương không chỉ là chùm khế ngọt như một thi sĩ đã nói, quê hương còn là dĩ vãng, là người tình xưa, là bạn bè với kỷ niệm cũ.
Được đi hát để gắn chặt với dĩ vãng, với đồng hương như vậy là có hạnh phúc, cảnh vật Hoa Kỳ còn làm tôi sung sướng hơn vì tôi vốn là kẻ thích giang hồ.
Trước hết là được tới thăm thác Niagara ở biên giới Hoa Kỳ-Canada để thả hồn theo dòng thác vĩ đại, cho vơi đi tất cả muộn phiền.
Rồi được tới Mount Rushmore (Dakota) để coi tượng bốn ông Tổng Thống Hoa Kỳ đẽo trên núi đá, trông rất hùng vĩ. Nếu nước Mỹ cũng lâm vào cảnh thay đổi chế độ chính trị như ở Liên Sô gần đây thì công việc đạp đổ những thần tượng này sẽ rất khó. Tượng đồng, tượng đá của những lãnh tụ đỏ đặt ở công viên vùng Đông Âu, to đến đâu, nặng đến đâu cũng dễ dàng bứng đi. Trong trường hợp (không bao giờ xẩy ra) muốn thủ tiêu bốn ông Tổng Thống Mỹ này thì phải phá cả một ngọn núi lớn, chỉ có bom nguyên tử mới làm nổi việc này.
Tôi còn được đi vào lịch sử Hoa Kỳ khi tới thành phố Atlanta (Georgia) để coi phòng triển lãm trưng bày tranh ảnh, quân phục, quân cụ thời nội chiến. Tôi tưởng như đang sống trong cuốn sách (hay cuốn phim) Gone With The Wind của Margaret Mitchell...
Chúng tôi cũng được mời tới vùng trung bộ nước Mỹ, trình diễn văn nghệ và đi coi danh lam thắng cảnh tại Wichita, Saint Louis, Kansas City... đi tới đâu cũng tìm được hai niềm vui : niềm vui gặp lại quê hương qua những buổi hát, niềm vui gặp nhiều phong cảnh mới lạ trên đường viễn du. Ngoài ra chúng tôi cũng tự hào là đã nhanh chóng đem tới cho người Việt lưu vong một chút quà quê hương là âm nhạc.
Hát cho nữ sinh nghe...
Cuộc lưu diễn của chúng tôi tại một đại lục mênh mông rộng lớn này không phải lúc nào cũng dễ dàng, thoải mái. Thường thường chúng tôi đi hát bằng phi cơ thương mại phản lực nhưng khi tới vài nơi hẻo lánh chỉ có dăm ba gia đình người Việt được nhà thờ bảo trợ thì phải đi bằng máy bay chuồn chuồn một cánh quạt, bốn chỗ ngồi. Những buổi hát như thế này thật là đáng thương... Tới địa điểm vào buổi chiều Đông mờ tối, hát những bài buồn tủi trong một nhờ thờ tối om, chia tay với khán thính giả lúc đêm đã tối đen... tôi có cảm tưởng đây là tiểu nhạc hội của loài ma.
Lại có khi phải di chuyển bằng xe hơi, chúng tôi ngồi co chân cạnh đống nhạc cụ và giàn âm thanh, xe chạy gần một ngày mới tới nơi trình diễn. Diễn xong là hộc tốc lên xe đi hát ở nơi khác, có những đêm cuối tuần chúng tôi chỉ được ngủ khoảng vài giờ đồng hồ trong một phòng motel chật hẹp.
Những khi đi hát chung với Steve Addiss và Bill Crofut thì mệt vô cùng vì phải đuổi kịp bước đi của hai anh nhạc sĩ cao lớn này. Nhưng tất cả những sự vất vả đó đã được đền bù : Không phải đổi nghề và đã kiếm ra tiền, gia đình tôi đã nhanh chóng ra khỏi cái buồn, cái nghèo...
Khi vừa ra trại, vì chưa có việc làm, gia đình tôi sống bằng tiền welfare và food stamps. Và sẽ không xin trợ cấp xã hội, tem thực phẩm sau khi đã mở hàng bán băng, bán sách. Rồi vì đi hát liên tục nên đã làm ra khá nhiều tiền. Khi còn ở trong nước, có tiền mà tôi không biết sử dụng đồng tiền. Nay vợ chồng Carle mách tôi là nên gửi tiền vào ngân hàng có lãi xuất. Cuối năm, phải đóng thuế. Trong đời tôi, đây là lần đầu tiên tôi đóng thuế. Nhưng việc này quả rằng có lợi cho tôi, vì từ năm 1986 (khi tôi tới tuổi 65) trở đi, sau 10 năm đóng thuế, hàng tháng tôi được hưởng một số tiền hưu trí. Số tiền này không lớn lắm nhưng cũng đủ để tôi sống độc lập, không cần phải nhờ vả con cái. Nếu nay mai tôi về Việt Nam sinh sống, tiền hưu trí này vẫn phải được gửi về cho tôi tiêu.
Sau gần hai năm ở chung, chúng tôi muốn có tự do nên từ giã vợ chồng họ Carle ra ở trong căn nhà nhỏ nằm trên con đường mang tên Troy Street.
Dù rất bận bịu trong công việc, tôi không bao giờ quên gửi tiền cho các con ở Việt Nam. Nhờ Duy Hùng ở nhà kiếm ra mối gửi, tôi liên lạc với cô con gái của một ông Tầu Chợ Lớn hiện đang du học ở Long Beach (California) để tôi trả dollars cho cô ở đây, ở nhà ông bố sẽ trao vàng cho các con tôi. Do đó hàng tháng tôi chuyển được tiền về Saigon, nhờ vậy sau gần bốn năm, với đôi ba lần thất bại (và tốn tiền), cuối cùng các con tôi qua được đất Mỹ.
Trong những tháng năm chờ đợi, tôi không thể nào cầm được mắt mỗi khi các con gửi hình qua, nhìn hình ảnh người thân yêu mà như chịu cực hình.
Các con bơ phờ nơi căn nhà thân yêu
Duy Minh phải nuôi lợn để sống...
Phát triển nghề nhạc, tôi muốn sản xuất cái mới, không chỉ phát hành băng cũ. Tôi xin giấy phép thành lập nhà sản xuất mang tên PHAM DUY ENTERPRISES để phát hành thêm sách nhạc, băng nhạc, đĩa hát. Tôi bỏ vốn thuê studio, mướn nhạc sĩ, thực hiện đĩa hát Việt Nam đầu tiên ở nước Mỹ mang tên One Day One Life.
Bây giờ, cho một ngàn dollars, tôi cũng không dám nghe lại !
Vài chương trình cassette hát song ngữ của gia đình tôi như Pham Duy Family In Concert, Ten Thousand Miles You've Gone Away, Songs Of Joy, Songs Of Sorrow... cũng được sản xuất và phát hành rộng rãi. Về phần sách, sau khi có ba cuốn Tự Học Guitar, tôi cho xuất bản một nhạc tập song ngữ mang tên Nghìn Trùng Xa Cách. Nhạc tập này cũng được hỏi mua nhiều.
Đời sống của gia đình tôi càng thêm khởi sắc. Các con không gọi tôi là bố keo nữa. Đức Hạnh có thêm nhiều đồ chơi. Tôi có xe hơi lớn để đi chơi và đi hát ở những vùng lân cận. Dẫn các con đi coi xiệc là như sống lại thời còn bé, bỏ nhà đi theo một anh làm trò quỷ thuật. Đời sống của tôi có vẻ bình thường dần dần rồi đấy !
Một ngày nọ, lái xe tới hát ở Orlando, nơi có Disney World. Sau buổi hát, đi thăm nơi giải trí kỳ lạ nhất thế giới này, chiều lòng các con, tôi leo lên xe sắt chạy trên đường rầy. Bất cần đến bệnh tim nở vì gian khổ trong kháng chiến, mặc cho chiếc xe nhào lộn trên sườn sắt khổng lồ, tôi ngây ngất như đang bay vào vũ trụ. Xe ngừng lại mà chưa đứng tim, tôi rất khoái vì được sống một cảm giác mạnh chỉ có thể mua được ở Hoa Kỳ. Và chỉ cần một hành động liều mạng này là đủ thấy tôi đã hồi sinh !
Vào cuối 1976, coi như nghề nhạc của tôi đã vững chắc. Nhưng đối với tôi, cái quan trọng không phải là đi hát hay sản xuất băng nhạc mà là sáng tác. Liệu tôi còn có thể viết ra dăm ba loại ca khác nữa không, sau những đợt bình ca, nữ ca, bé ca của thời 72-75 ? Liệu cuộc đời trước mặt có làm tôi rung động để dùng nét nhạc lời ca phản ánh nó không ? Liệu người nghệ sĩ sáng tác bị cắt đứt với quê hương, tổ quốc, gia đình, đồng bào (kể cả với đồng hương như trong giai đoạn đầu của đời lưu vong) còn có thể tỏ tình được nữa không ?
Đang trong cơn bâng khuâng thì một vài việc xẩy ra khiến tôi lại tiếp tục làm công việc Trời cho, là khóc cười theo mệnh nước nổi trôi...
Phạm Duy