Chương 25
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3577
Mai Kha ơi hỡi Mai Kha !
Rời nhau một bước nên xa mấy trùng...
NHỊ ĐỘ MAI
Xuân Lộc, dân chúng chạy loạn...
Theo Thoả Hiệp Hoà Bình Paris, cuộc ngưng bắn ở Việt Nam có hiệu lực từ 24 giờ quốc tế GMT, tức là 8 giờ sáng ở Saigon, ngày 28-1-73. Mấy ngày trước thời hạn thoả hiệp có hiệu lực, các lực lượng Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng đồng loạt tấn công vào nhiều vùng do Việt Nam Cộng Hoà kiểm soát để lấn đất giành dân, mở rộng vùng kiểm soát của họ. Quân Đội VNCH phản công. Nhiều trận đánh lớn xẩy ra, chiến tranh tái diễn. Tới ngày lệnh ngưng bắn có hiệu lực thì những trận đánh to nhỏ vẫn chưa ngừng và vẫn còn tiếp diễn dài dài. Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự được thành lập để kiểm soát sự ngưng bắn nhưng sau một thời gian hoạt động thì tan vỡ ngay. Qua năm 1974, vì Thoả Hiệp Paris trù liệu hai bên Quốc-Cộng gặp nhau để phân định lằn ranh giới giữa hai bên, Quân Đội VNCH mở những cuộc hành quân gọi là gậm nhấm để tẩy đi những vết da beo trên lãnh thổ miền Nam. Đầu tháng 3, 1974 để chiếm lại những đất đai bị mất, nhất là để trắc nghiệm sự phản ứng của Mỹ, quân Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng mở chiến dịch đánh lớn. Chiến tranh thực sự tái diễn với quyết tâm của Hà Nội là chiếm đoạt miền Nam mà không còn e ngại Mỹ can thiệp nữa. Nhất là sau vụ Watergate, Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon đã phải từ chức.
Chiến dịch Tây Nguyên được mở ra, quân đội Cộng Sản tấn công Bình Long, bao vây An Lộc và cuối cùng vào ngày 7-1-1975, chiếm được Phước Long, một tỉnh lỵ cách Saigon khoảng 60 cây số. Lần đầu tiên, Hà Nội có một thành phố ở miền Nam để làm thủ đô cho Mặt Trận Giải Phóng.
Khi nghe tin Phước Long bị mất vào tay Cộng Sản, ở Saigon, chẳng thấy ai lo lắng gì cả. Kinh nghiệm cuộc Tổng Công Kích năm 68 và kinh nghiệm Mùa Hè Đỏ Lửa năm 72 cho thấy Cộng Quân có chiếm được nơi nào thì cũng chỉ ít lâu sau là bị đánh bật đi. Cho nên mọi người có vẻ rất bình tâm.
Cho tới khi Ban Mê Thuột bị chiếm vào ngày 12 tháng 3 năm 75 thì tất cả mới ngã ngửa người ra! Trong thời gian 55 ngày trước khi Saigon thất thủ, những tin tức kinh hoàng như vụ triệt thoái bi thảm của quân dân Cao Nguyên trên đường số 7 (mệnh danh là con đường máu và nước mắt)... vụ mất Quảng Trị tiếp theo là vụ thị xã Huế bị bỏ ngỏ và xẩy ra cảnh cướp của giết người hãm hiếp phụ nữ gây nên bởi đặc công Việt Cộng hay bởi đám lính tan hàng... vụ Đà Nẵng, Chu Lai, Nha Trang, Đà Lạt đồng loạt rơi vào tay Cộng Quân sau khi cũng lâm vào cảnh hỗn loạn như Huế, tất cả những chuyện đó làm cho tinh thần dân chúng đã buông xuôi rồi, nay lại bị nhận chìm xuống.
Hồi Ký này không dám quy định tội lỗi làm mất miền Nam cho ai cả. Nó chỉ xin đưa ra một nhận định là trong suốt thời Đệ Nhị Cộng Hoà, chưa bao giờ có sự gắn bó giữa chính quyền và dân chúng. Chiến tranh 30 năm đã làm tê liệt phần hồn phần xác của dân chúng rồi, người dân không được chia sẻ quyền hành với chính phủ tối thiểu là được chia sẻ sự hiểu biết về tình huống quốc gia. Không có một tổ chức Thông Tin Dân Vận nào làm được công việc đả thông (communication) giữa người dân và chính phủ. Về phần thông tin ngoài chính quyền là báo chí, ngay tờ Chính Luận cũng chỉ phổ biến trong những thành phố lớn. — các tỉnh
Không nắm rõ tình hình đất nước, không biết miền Nam đã bị Mỹ bỏ rơi, dù bị Cộng Sản tấn công liên tiếp, người dân vẫn không tin là mất miền Nam. Không tin luôn vào sự truyền thông trên thế giới -- như Đài BBC chẳng hạn -- về sự hấp hối của miền Nam. Dân chúng còn bị lừa gạt đến độ cho rằng với tinh thần Thoả Hiệp Hoà Bình Paris, chính phủ ba thành phần là giải pháp tối hậu. Mù quáng trước tình hình chung, người dân không nhận ra định mệnh của đất nước và của mình. Tới khi thấy nguy cơ miền Nam sắp bị mất vào tay Cộng Sản thì không còn ai có khả năng để chống chọi nữa!
Tôi cũng không sáng suốt hay tích cực gì hơn ai. Nhưng trực giác giúp tôi thấy được nguy cơ của miền Nam ngay từ ngày mất Bình Long. Sau đó, mất nốt Ban Mê Thuột là coi như miền Nam bị tiếp thu đến nơi rồi. Và thấy ngay số phận sắp tới của Saigon và của mình khi Bắc quân tiến vào. Tôi không lo sợ cho tính mạng mình, nhưng tôi cảm thấy không thể nào ở lại Việt Nam sống dưới một chế độ mà mình đã rời bỏ cách đây hơn 20 năm vì hai chữ tự do.
Tôi chưa biết nhìn vào ai để giúp mình nhưng tôi biết tôi phải đi khỏi nơi này. Trong khi tôi đang bối rối tìm lối thoát ly, bạn bè xa gần gọi điện thoại hỏi han tin tức. Tôi cũng bốc máy nói gọi vài người quen, hi vọng tìm ra lối đi, cuối cùng được Hoàng Hải Thủy -- lúc đó đang làm việc với phòng Thông Tin Mỹ USIS -- cho biết trong bảng danh sách những người được Mỹ bốc đi, tên gia đình tôi đứng hàng đầu. Đang sốt ruột ngồi đếm từng giờ từng phút, lại chỉ thấy Giám Đốc USIS là Carter trấn an tinh thần dân chúng trên màn ảnh truyền hình...
... Một hôm, Phạm Thiên Thư và Trần Dạ Từ băn khoăn tới hỏi tôi về đường đi nước lùi. Tôi tâm sự với Phạm Thiên Thư về ý định soạn một bài hát bỏ nước, lấy tên Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi hình dung nước Việt Nam với một bầy chim phải cất cánh bay đi vì ở quê hương sẽ không còn bầu trời tự do cho chim bay bổng nữa. Phạm Thiên Thư cho tôi vài lời thơ, rồi tôi quên cả lo lắng buồn phiền, nằm bò trên nền đá hoa trong căn nhà vườn để soạn đoạn đầu của tổ khúc này.
Thời gian không gian như bị lay động dữ dội. Thấy chung quanh mình, một số bạn hữu đã được Mỹ đem đi hay đang chuẩn bị ra đi, tôi sốt ruột quá! Trong một đêm vắng, người anh vợ là Hoài Trung, nhân viên của Đài Tự Do-VOF (Voice Of Freedom) đến chào từ giã vợ chồng tôi để ra đảo Phú Quốc chờ tầu chở đi Mỹ. Mừng cho Hoài Trung nhưng nhìn vào hoàn cảnh mình thì thất vọng, vì từ lâu tôi không còn cộng tác với Phòng Thông Tin USIS, không còn giao dịch với bất cứ một người Mỹ nào nữa. Tôi cũng không phải là một công chức quốc gia để có thể tới Toà Đại Sứ Mỹ xin cho đi tị nạn. Chạy đi kiếm Hoàng Hải Thủy thì không thấy anh ta đâu. Ca sĩ Tâm Vấn, bạn của vợ tôi, cho biết có lối ra đi trả tiền, nhưng gia đình tôi gồm hai vợ chồng cộng với tám đứa con thì phải là triệu phú, chúng tôi mới mua được đường đi. Dẫn con trai Cường đi tìm đường cao chạy xa bay suốt mấy ngày trời mà không có kết quả. Thất vọng trở về nằm dài trên chiếc võng, vì nhà ở gần sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn qua những cành dừa cao lớn, tôi thấy phi cơ vận tải C130 chở người đi tị nạn bay ngang từ sáng sớm tới chiều tối.
Sau những ngày lo âu rồi tuyệt vọng, tôi chuẩn bị nếu phải ở lại Saigon thì không nên giữ những tài liệu có thể gây tai hoạ cho mình. Lấy ở tủ sách ra một số ảnh, bản thảo và ấn phẩm rồi đào một cái hố cạnh chuồng gà, nổi lửa đốt. Trong đêm tối, đứng ngoài sân, lại ngẩng đầu nghe tiếng phi cơ vận tải ầm ỳ trên không. Tôi sốt ruột vô cùng, lòng như lửa đốt, có thể là lửa trên đống tài liệu len vào chăng ? Đốt mớ tài liệu, khói cũng bốc lên như ngày nào đốt lá trên sân cùng mấy em bé. Khói cũng làm cay mắt nhưng tôi không cảm động như lúc nhìn khói để nhớ về thời ấu thơ và trai trẻ. Bây giờ, tôi đang làm công việc tự thiêu, nói cho rõ hơn, tôi đang đốt đi một quãng đời của mình. Đây không phải lần đầu tôi lâm vào cảnh tự xử hoặc được người ta khuyên khai tử tác phẩm của mình. Khi còn ở Việt Bắc, tôi được dỗ dành chôn sống những bài ca ủy mị (!) Khi từ vùng kháng chiến về thành bố vợ cắt ảnh Nguyễn Sơn ra khỏi tấm hình đám cưới do ông tướng này chủ hôn. Suốt hai chục năm ở miền Nam, tuy không tuyên bố khai tử nhưng không bao giờ tôi dám in ra và hát lên những bài ca kháng chiến. Bây giờ, vì không biết mình có ra khỏi được Việt Nam hay không, tôi phải tự tay đốt những tấm ảnh chụp chung với các nhân vật chính trị Hoa Kỳ hay Việt Nam. Kể cả bức ảnh chụp chung với Bẩy Viễn và Nguyễn Đức Quỳnh khi cả bọn kéo nhau đi coi vũ đoàn tại nhà hàng Moulin Rouge ở Paris vào năm 54. Hoả táng luôn một mớ bản thảo, nhạc tập, thư từ...
Thành phố nhốn nháo như tổ ong vỡ. Ra đường, nhìn ai cũng thấy vẻ lo lắng, hoảng hốt. Đây là lúc tôi không còn một chút sáng suốt nào để hiểu nổi cái gì là cái gì nữa! Chỉ nhớ câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc:
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm...
Nhớ tới di ngôn của Nguyễn Đức Quỳnh: Làm người Việt Nam khó quá ! Làm nghệ sĩ còn khốn khó hơn ! Nhìn lại dĩ vãng, thấy trong suốt 500 năm, không một lúc nào ngưng loạn ly trên đất nước. Sự thật không bao giờ ở lâu và ở một phía nào nhất định. Khiến cho tiền bối Nguyễn Gia Thiều, một người hiện sinh hơn Jean Paul Sartre, hiểu rằng định mạng người Việt là phải sống theo cái búng quay sẵn trên trời. Chao ôi, so với năm thế kỷ tao loạn làm đời người như chiếc lá mỏng manh nổi trôi theo mệnh nước, thời gian 20 năm vừa qua nào có nghĩa lý gì đâu ? Mình là cái gì mà thoát khỏi cái vòng quay đó được ? Nhất là đã biết từ lâu những ai đã búng con quay đó ở trên trời. Thời đại Nguyễn Gia Thiều thiếu phương tiện truyền thông nên chỉ nhận chân ra sự mù mờ. Còn mình biết rõ ràng số phận của người dân nhược tiểu, nạn nhân của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai thế lực quốc tế, vì thiếu người lãnh đạo tài ba, sáng suốt ở cả hai miền nên toàn thể nhân dân phải sống như trong một khúc dạ hành.
Đang trong cơn buồn tủi não nề, vào 11 giờ 30 đêm 27 tháng 4, có cú điện thoại của một người bạn Mỹ giỏi tiếng Việt, rất yêu nhạc và có vợ Huế, cho biết tôi có thể ra khỏi Saigon nếu sáng mai tới địa diểm ở đường Kỳ Đồng là nơi người Mỹ sẽ bốc người ra đi. Tới đó, người già em nhỏ được đi ngay, nhưng mấy người con trai lớn đang là quân nhân có thể bị Quân Cảnh giữ lại. Vừa mừng cho mình, cho vợ và cho bốn con nhỏ, vừa lo lắng cho bốn con trai lớn thì có thêm cú điện thoại của Nguyễn Ngọc Bích hỏi:
-- Đã có ai giúp anh chị và các cháu ra đi chưa ?
-- Rồi, nhưng chỉ có một nửa gia đình...
Nguyễn Ngọc Bích cho chúng tôi tên và số điện thoại của một người Mỹ tên là Ed Jones. Vào năm 1951, từ Khu IV vào thành, đại gia đình họ Phạm phải chia ra ba nhóm để dinh tê, bây giờ gia đình tôi cũng chia ra hai toán để xuất ngoại. Sáng mai vợ chồng tôi và bốn con nhỏ sẽ tới điểm hẹn ở đường Kỳ Đồng, còn bốn con trai sẽ đi theo đường dây Nguyễn Ngọc Bích vừa mách cho. Muốn chắc ăn, tôi gọi điện thoại hỏi Ed Jones thì anh ta cười hề hề: Ông yên chí, các con ông sẽ sang Mỹ trước ông !
Chúng tôi thức suốt đêm để thu xếp hành lý. Khổ sở vô cùng vì không biết cái gì đem đi, cái gì để lại ? Ưu tiên là những ảnh của tổ tiên và khoảng một chục cuộn phim âm bản. Không ngờ vào lúc này, có dịp rửa ra hình để cho in vào những cuốn Hồi Ký. Vớ thêm được vài cuốn băng nhạc. Cũng không ngờ những băng này giúp tôi trở thành nhà phát hành băng cassette trong những năm đầu ở Florida.
Sáng ngày 28, con trai Cường chở bố mẹ và bốn em ra khỏi căn nhà vườn Phú Nhuận. Tôi không dám quay mặt nhìn lại cái tổ ấm của mình. Xe chạy chầm chậm trong một Saigon xơ xác giống như vào năm 45, khi bị lính Viễn Chinh Pháp tấn công tôi phải trốn khỏi thành phố như thế này. Tôi ngao ngán vô cùng vì chợt nhớ tới những cuộc bỏ chạy sau đó nữa... Nhớ lại đêm đông 1946, phải rời xa mẹ, bỏ Hà Nội ra vùng quê, kháng chiến... Nhớ lại ngày hè 1951, đôi vợ chồng và đứa con đầu lòng lếch thếch bỏ Chợ Neo để vào thành tìm tự do... Rồi lễ mễ giã từ miền Bắc vào Nam để sinh sống... Và bây giờ là long đong vĩnh biệt Saigon với một nửa con cái. Thì ra suốt đời, mình chỉ là người bị chơi trò ú tim đi trốn. Mỗi lần mang theo một gánh nặng. Gánh nặng mỗi ngày một nặng thêm. Đã mất đi bốn, năm lần tổ ấm và bây giờ có thể mất luôn cả tổ quốc.
Tới địa điểm ở đường Kỳ Đồng, vì có sự giới thiệu của người bạn ân nhân rồi nên gia đình tôi được chấp nhận cho đi. Tôi định cho Cường đi theo nhưng không hiểu vì sao tôi bảo Cường về nhà đi với các anh. Có lẽ tôi sợ trên đường vào sân bay, Cường có thể bị Quân Cảnh chặn lại thì vừa hụt đi với cha mẹ, vừa hụt đi với các anh chăng ? Về sau, khi các con tôi kẹt lại, trong bốn năm trời dài đằng đẵng, tôi hối hận và khổ sở vô cùng vì đã đuổi con về. Khi từ đường Kỳ Đồng đi vào Tân Sơn Nhất, quả có bị lính chặn xe lại, trong xe có một thanh niên vào tuổi quân dịch, nhưng khi bố mẹ anh này tặng mấy người lính một số tiền thì họ cho xe đi ngay. Vào lúc này tôi hoảng hốt tới độ không nghĩ tới chuyện có thể đút lót Quân Cảnh như gia đình rất thông minh của anh thanh niên kia đã làm. Đã có sẵn tờ giấy 20 đôn ở trong túi rồi mà ! Và cũng chỉ có số tiền nhỏ nhoi đó thôi, để làm lại cuộc đời ở Mỹ.
Vào tới Tân Sơn Nhất, gia đình tôi ngồi bệt xuống sân cỏ trước cổng DAO, cơ quan viện trợ quân sự của Mỹ, giữa một đám người khá đông, trong đó tôi nhận ra gia đình Vũ Khắc Khoan và quá nhiều bạn quen. Chúng tôi ngao ngán nhìn nhau, rồi tuần tự được gọi tên và mời vào ngồi trên những hàng ghế dài ở ngoài sân và trong phòng DAO. Trong một không khí tuy náo nức nhưng rất có trật tự, sau già nửa ngày ngồi đợi, mỗi gia đình leo lên một phi cơ vận tải C130 cùng với dăm ba chục gia đình khác.
Chuyến phi cơ chở chúng tôi cất cánh vào khoảng năm giờ chiều ngày 28, lúc đó Bắc Quân đã pháo kích vào sân bay rồi. Nếu tôi không nhầm thì gia đình tôi là những người chót lọt được lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đẩy vào một trong những chuyến phi cơ cuối cùng rời khỏi Tân Sơn Nhất. Chui vào lòng tầu bay, mọi người phải co đùi, ép gối ngồi bệt trên sàn tầu. — hai bên cửa phi cơ có hai người lính Mỹ cầm sẵn súng phóng hoả châu, để phòng Việt Cộng bắn hoả tiễn tầm nhiệt lên thì chỉ trúng trái sáng. Lên tới độ cao, phi cơ nhào đi nhào lại để tránh đạn nếu bị bắn, rồi bay vút ra phía biển. Tôi ngồi ôm mấy đứa con thơ, mắt nhắm lại như không muốn nhìn thấy phong cảnh đất nước nữa. Vả lại, muốn nhìn quê hương một lần chót cũng không được, vì hai người lính Mỹ đã đóng chặt hai cánh cửa phi cơ lại rồi.
Nhìn Saigon lần cuối...
Trong lòng tầu chật cứng người tị nạn, bay từ vùng trời Saigon qua Căn Cứ Clark ở Phi Luật Tân, suốt trong không trình dài năm tiếng đồng hồ, không ai nói với ai một câu nào cả ! Mọi người ngồi im lặng và buồn rầu như trong một đám táng. Một đám ma không có ai khóc ai vì mỗi người tự đưa đám ngay chính thân xác của mình. Sự câm nín này dường như còn kéo dài cho tới bây giờ...
Phạm Duy