Chương 24
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 2932
Rọi vào ngục tim nhau...
CHỈ CHỪNG ĐÓ THÔI
Đoàn Văn Nghệ Miền Nam tại sân bay Rabat-Maroc, Nghệ sĩ Phùng Há, ông Đại Sứ, Năm Châu và Phạm Duy.
Dưới thời Thủ Tướng Trần Văn Hương, trong khi Hội Nghị Paris đang họp, Nhà Nước hai miền Nam Bắc đều gửi phái đoàn văn nghệ đi Pháp. Hà Nội gửi một đoàn văn công rất hùng hậu qua Paris trong đó có nhiều nghệ sĩ tôi không quen biết và có anh bạn cũ ngày nảo ngày nào là Lê Yên, tác giả bản tình khúc lãng mạn Bẽ Bàng và bản nhạc vui Ngựa Phi Đường Xa.
Saigon gửi một đoàn nghệ sĩ gồm anh Năm Châu (trưởng đoàn), chị Bẩy Phùng Há, Kim Chung, Thanh Nga, Thành Được, Bích Thuận, Bích Sơn, Thanh Thanh Hoa trong nhóm Cải Lương, Hoàng Thi Thơ và ban vũ Trịnh Toàn trong phần vũ, Vĩnh Phan, Nhật Thanh, Hồ Điệp, Lữ Liên trong phần ngâm thơ, dân nhạc, Phạm Duy, Thái Hằng, Kim Tuyến trong phần tân nhạc và Trần Văn Trạch, ban AVT trong mục ca hài hước.
Thế là đương nhiên có sự thi đua tài nghệ của hai gánh hát ở giữa thủ đô văn hoá Paris. Gánh miền Bắc rõ ràng theo đúng đường lối tuyên truyền nên có màn vũ thủy thủ bắn máy bay Mỹ. Gánh miền Nam có màn Cải Lương đẹp mắt vui tai như Lã Bố Hí Điêu Thuyền, màn vũ trống ồn ào, màn hát dân ca êm dịu hay tân nhạc lả lướt, tất cả chỉ có mục đích biểu dương văn nghệ.
Annie, người bạn gái, được đi coi cả hai gánh, phê bình : nghệ sĩ Hà Nội giỏi nhưng quá nghiêm (trop sérieux) trong khi chúng mày (vous) trình diễn vui đùa (trouvez du plaisir) trên sân khấu. Có lẽ vì miền Nam có màn ca hài hước chăng ? Và sân khấu miền Bắc thừa màn động viên, thiếu màn hát vui. Riêng tôi rất phục anh đánh đàn bầu của đoàn văn công Hà Nội, trình tấu những bản nhạc mới, có tiết tấu rất nhanh, khác hẳn bài bản độc huyền cổ truyền vừa chậm vừa buồn.
Đây là lần đầu tiên, sau hai mươi năm, tôi được tiếp xúc với nghệ sĩ miền Bắc khi đi coi họ trình diễn tại một rạp hát ở vùng Vitry-sur-Seine. Tiếp xúc một cách thầm lặng thôi, vì vào giờ nghỉ giữa màn (entr'acte) ra bar uống nước thấy Lê Yên đứng xa với cái nháy mắt đồng lõa, rồi sau giờ diễn thấy anh bạn leo lên xe với cái vẫy tay kín đáo. Thấy hai ông Huy Cận và Xuân Thủy, ông nào cũng béo tốt -- ít ra cũng béo hơn tôi vào lúc đó -- nhưng chúng tôi nhìn nhau như những hòn đá cuội. Chán quá !
Đoàn văn nghệ Saigon còn đi Marseille, Nice, Londres, Alger, Rabat, Dakar... để diễn cho kiều bào coi. Buồn cười nhất khi tới xứ Maroc, gặp một anh chàng Ả rập trước kia ở Việt Nam, da đen kịt, mặc quần áo trắng tinh, hỏi thăm bằng tiếng Việt : '' Hà Nội có còn cô đầu Khâm Thiên không ? '' Rồi khi tới thủ đô Dakar của xứ Sénégal, sau đêm hát, một lô thiếu nữ da đen mặc áo dài mầu loè loẹt chen nhau vào hậu trường để tỏ tình với kép Thành Được bằng tiếng Nam Kỳ. Đó là những con lai của lính Sénégalais rạch mặt trong thời kỳ Pháp còn hiện diện ở Việt Nam.
Trong thời gian ở miền Nam, tôi được xuất ngoại khá nhiều. Nhưng đây là lần đầu tiên Thái Hằng được ra nước ngoài nên vợ tôi thích lắm. Khi ở Nice, gặp đúng ngày hội Mardi-Gras, có đoàn xe hoa với Tây Đầm trẻ trung ném confetti vào mặt nhau khiến cho chúng tôi nhớ lại Hà Nội những ngày son trẻ. Thăm mấy nước Phi Châu thấy dân tuy nghèo nhưng được sống trong thanh bình, rồi dạo chơi khu Soho của thành phố Londres để ngắm các mốt quần áo táo tợn... chúng tôi tạm quên được những nhọc nhằn của đời sống trong nước sau khi Mỹ rút quân... để khi Đoàn Văn Nghệ trở về Saigon là chúng tôi lại sống với những nhọc nhằn đó.
Khi quân đội Mỹ rút từ từ ra khỏi Việt Nam tình trạng kinh tế dần dần xuống dốc. Phòng trà vắng khách, băng nhạc không còn bán chạy như xưa, ban The Dreamers không còn đi hát cho Mỹ nghe được nữa. Tôi khởi sự thấy túng thiếu. Ba đứa con Quang, Minh, Hùng đã nhập ngũ, may mắn hơn các thanh niên khác là được xung vào Phòng Văn Nghệ của Không Quân, khi ở trong trại Tân Sân Nhất, khi được về nhà ăn ngủ và đi hát vặt. Lương lính làm gì đủ ăn, để có tiền nuôi cả gia đình, vợ chồng tôi phải bớt đi một người làm, chỉ giữ lại chị bếp và bà vú trông nom con gái út.
Về sáng tác, sau những hoan ca, tôi không có đề tài nào hấp dẫn để soạn thêm loại ca nào khác. Tôi chỉ cung cấp cho phong trào du ca một bài hát nhan đề Muà Xuân Du Ca :
Kìa mùa Xuân vừa mới bước chân
Về đời ta vừa mới thoát thân
Cho đi đời cũ đã qua một phần
Còn lại đây ngày với tháng, năm
Phần còn xa đời mới hiến dâng
Ca lên lời hát du ca mùa Xuân
. . . . . . . . . . .
Tiếng du ca vang lên từ miền cát trắng
Tiếng du ca vang lên từ miền ruộng vàng
Tiếng du ca dâng lên đồng bào trong nước
Tiếng du ca rưng rưng hoà nhịp quê hương...
Đối với bầy em nhỏ bé mắt nai đang tung tăng dạo bước đi trên đường đời, với lời ca ước mơ, với lời ru thiết tha... du ca là tiếng hát thương yêu tuổi thơ. Đối với cô thợ cấy hay ông thợ già ở ngoài đồng hay ở trong nhà máy... du ca xưng tụng đời sống cần cù lao động. Đối với em, ôi người tình, với bài hát câu ca thật hiền... du ca là tiếng hát yêu ngày mai. Còn đối với riêng ta :
Rồi về đêm ngồi đối bóng ta
Chẳng cần ôm đàn hát cũng nghe
Dư âm cuộc sống yêu thương tràn trề
Rồi cả đêm ngủ với giấc mơ
Vẳng lời ca nào đến vuốt ve
Con chim mộng đã ru riêng đời ta !
Rồi vào đầu năm 75, tôi được Ngọc Chánh, chủ hãng Shotguns mướn làm hai bài ca mùa Xuân để cho vào băng nhạc, dự định bán ra trong dịp Tết. Vì trong lòng còn dư âm của những bài hoan ca, du ca, tôi soạn cho con gái yêu Thái Hiền bài hát nhan đề Trên Đồi Xuân:
Một buổi sáng vừa tỉnh giấc là tàn Đông
Liền vội đứng dậy mở tung cửa đón Xuân
Nắng trên thềm lấp lánh
Lũ bướm vàng tung cánh
Với to nhỏ chim hót trên cành...
Tôi không thể nào ngờ đó là hình ảnh mùa Xuân cuối cùng của tôi trên quê hương được thể hiện qua bài hát này : Muà Xuân Việt Nam đẹp quá, khiến cho cô bé choàng dậy, chải vội mớ tóc mây, mặc bộ áo vóc vào người, xỏ đôi giầy cong rồi chạy tung lên đồi. Cô bé đi như đi trong hơi thở của quê hương, gió mát và bầu trời ôm ấp cô, mây làm xanh mắt cô, hoa cỏ làm thơm lòng cô và trong tim của cô thì có sóng... Rồi một người trai mang kiếp rong rêu nào đó, muốn được cùng cô, cùng với con ốc trong vỏ, cùng với loài dun dế âm thầm hay với bầy chuồn chuồn vô tư lự... được quấn quýt đời, không muốn ra đi... Không muốn ra đi, nhưng cuối mùa Xuân đó, vẫn phải bỏ quê hương ra đi !
Ngoài bài Trên đồi Xuân soạn cho Thái Hiền hát solo trong băng nhạc, còn thêm bài Mừng Xuân soạn cho Duy Quang và Thái Hiền hát duo. Bài này nói tới chuyện khoan dầu trên biển, khiến cho nước ta sẽ giầu to, người dân sẽ đủ no và có tự do. Với ba chữ vần ''o'' giống như là con số zéro như thế, đó là câu hát tiên tri sai bét vì cho tới bây giờ, 1991, dầu hoả vẫn chưa phun lên mịt mù ở biển Đông, còn nước ta thì đứng vào hạng nghèo nhất thế giới :
Mừng Xuân tới bằng tiếng sáo vui
Với tiếng cười yêu mến đời
Mừng Xuân tới bằng tiếng vỗ tay
Vang khắp trời mây
Mừng Xuân tới bằng tiếng hát vang
Dưới mái trường hay giữa đàng
Lời ca hát từ núi xa xăm ra tận đại dương.
Mừng em bé vừa mới lên năm
Có Tiên về nơi bé nằm
Mừng ông lão bà lão tám mươi lăm
Sống thêm vài chục năm...
. . . . .
Mừng Xuân tới bằng tiếng máy khoan
Nơi núi rừng, nơi suối ngàn
Mừng Xuân tới bằng tiếng máy
Xoi giữa nơi biển khơi...
Trong những ngày nặng chĩu mối âu lo về kinh tế gia đình, những ngày cuối cùng được sống với hơi thở và tim đập của Saigon, với ngôi nhà vườn êm đềm ở Phú Nhuận này, một hôm ngồi trên ghế đá cạnh hồ nước, thấy nhện sa trước mặt, tôi chợt nhớ tới tình yêu. Trong một thời thế rất nghiêm trọng, tôi muốn kết liễu hoàn toàn cơn mộng đẹp trong tôi, nên soạn bài Chỉ Chừng Đó Thôi :
Chỉ chừng một năm trôi là quên lời trăn trối
Ai nuối thương tình ta, chỉ chừng một năm thôi
Chỉ chừng một năm qua là phai mờ hương cũ
Hoa úa trong lòng ta, chỉ cần một năm xa
Chỉ cần một cơn mưa là vai gầy thêm nữa
Cho ướt môi, mềm da, chỉ cần giọt mưa sa
Chỉ chờ một cơn mưa để không ngờ chi nữa
Đi dưới mưa hồng nghe giọt nhẹ vào tim ta
Chỉ một chiều lê thê ngồi co mình trên ghế
Nghe mất đi tuổi thơ, chỉ một chiều bơ vơ
Chỉ là chuyện đong đưa, đời luôn là cơn gió
Thay áo cho tình ta, chỉ là chuyện thiên thu...
. . . . . . . .
Cả triệu người yêu nhau, còn ai là không thấu
Len giữa u tình sâu, một vài giọt ơn nhau
Tia sáng Thiên Đường cao rọi vào ngục tim nhau...
Chỉ cần chừng mười năm để vun sới một mối tình, và chỉ cần dăm ba năm thương nhớ nó, thế cũng là đủ lắm rồi. Sẽ không bao giờ tôi còn tặng thêm cho cuộc tình cuối của mình một bài hát nào nữa...
Phạm Duy