Chương 3
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 5237
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa, dân trong làng
Trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê...
TÌNH HOÀI HƯƠNG
33 tuổi - Bià bài hát TÌNH CA
Gần hai năm đã trôi qua, kể từ ngày tôi bỏ vùng quê vào Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam, lo ổn định nơi ăn chốn ở và thu xếp công kia việc nọ tại Saigon, rồi đi hát chỗ gần chỗ xa, rồi còn được mời vào nằm chơi trong khám Catinat suốt bốn tháng... tôi không có thì giờ hay cảm hứng để sáng tác, ngoài việc phổ nhạc bài thơ Tiếng Sáo Thiên Thai của Thế Lữ thành một bài tango, bài này được soạn ra để đáp ứng nhu cầu hát đôi (duo) của hai chị em Thái Thanh Thái Hằng.
Khi bắt đầu sáng tác lại, tôi soạn bài Tình Hoài Hương (1952). Nằm trong loại huyền thoại quê hương mà tôi tạo ra nhờ có cơ hội đi khắp ba miền đất nước trong thời bình và trong thời chiến... bài hát này không còn là một bài đối cảnh sinh tình như trước đây nữa. Nó là một bài hát hoài cảm, là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lià. Ngờ đâu nó sẽ là bài hát hoài hương của một triệu người di cư vào Nam hai năm sau đó. Rồi khi một triệu người khác, trong một thời gian khác -- nghĩa là sau ngày lịch sử 30 tháng tư năm 75 -- phải vượt trời, vượt biển ra khỏi bán đảo chữ S thì bài Tình Hoài Hương của 20 năm trước lại trở thành một bài hát rất hợp tình, hợp cảnh cho con số một triệu người đó, kể từ năm đó trở đi.
Bài hát nói tới sự nhớ thương con sông đào xinh xắn, nhớ phiên chợ chiều xa tắp, nhớ vòm tre non và làn khói ấm hương thôn nơi đó, trong mảnh đời thơ ngây của tôi, có con trâu lành nằm mộng bên đàn em bé, có mẹ già yêu dấu ngồi nghe tiếng sáo chơi vơi... Chao ôi là nhớ nhung ! Ngày hôm nay nhắc tới bài hát Tình Hoài Hương tôi còn thấy từ lúc ngồi nhớ con sông đào ngây ngất ở chốn quê cũ vào năm 1952, tôi đã mơ ước có một chiều xoay hướng để tôi được vượt qua những đại dương sâu thẳm, đi khắp các lục địa bao la, sống vui trong mối tình muôn đường... Không ngờ 23 năm sau, tôi đi tị nạn chính trị là thực hiện giấc mơ vượt cầu biên giới trở thành con người phiêu lãng của bài hát hoài hương xa lơ xa lắc. Rồi từ đó, được đi khắp năm châu bốn bể, dù nhiều phen nước mắt có chẩy về miền quê lai láng, cũng xin cám ơn cuộc sống vô cùng.
Tại sao vào cuối năm 1952 này tôi có nổi một niềm nhớ quá lớn lao như vậy ? Nhớ tất cả những chi tiết nhỏ nhất của dĩ vãng chưa đủ, còn phóng tâm tư đi tới những mối tình muôn đường của hàng ngàn phương trời mình chưa hề đặt chân tới. Cũng có thể vì sức sáng tác bị dồn nén sau gần hai năm bây giờ mới được toàn vẹn tung ra chăng ? Ngồi một mình trong đêm tối ở căn nhà thật yên tĩnh nằm trong cái ngõ dài trên đường Phan Thanh Giản (sau đổi tên là Ngô Tùng Châu) -- chúng tôi vừa dọn tới vì không chịu nổi sự huyên náo của đại lộ Trần Hưng Đạo -- tôi không chỉ làm công việc thụ động là nhắc lại ca dao mà phải tích cực hơn, nghĩa là phải đối thoại với ca dao :
Ai về có nhớ, nhớ cô mình chăng ?
Tôi về, tôi nhớ hàm răng cô mình cười
Ai về mua lấy miệng cười
Để riêng tôi mua lại mảnh đời ngây thơ...
Đây cũng là lúc tôi không phải đầu tắt mặt tối vì công việc dẫn dắt ban Thăng Long đi hát nữa. Mấy anh em họ Phạm đã quen với nghề đi hát rồi. Tôi cũng có thêm bạn bè khác ngoài Lê Thương, Trần Văn Trạch. Hai anh bạn cũ là Nguyễn Đức Quỳnh và Hoàng Trọng Miên đã dinh tê vào Hà Nội rồi cùng gia đình di cư vào Nam. Tôi gặp lại họ thì rất thích thú vì chúng tôi đã có chung với nhau những ngày sinh hoạt văn nghệ hào hứng ở Chiến Khu IV.
Mới xa vùng Thanh Hoá chưa quá hai năm, tôi vẫn chưa quên được không khí hào hùng của thời cả nước lên đường. Sự có mặt của hai anh bạn Quỳnh, Miên còn giúp tôi trả lời một số người quen hay không quen ở Saigon, vì chưa nhìn thấy bàn tay Cộng Sản đằng sau Mặt Trận Việt Minh nên vẫn còn giữ nguyên những cảm tình đối với kháng chiến và thường tự hỏi tại sao những người như tôi lại bỏ kháng chiến về thành ? Rồi đây, còn có thêm Hồ Hán Sơn và Đinh Hữu, cựu anh hùng Điện Biên Phủ -- hãy khoan nói tới các văn nghệ sĩ khác, cùng với một triệu người Bắc di cư trong năm tới -- trả lời hộ tôi.
Từ ngày vào Nam cho tới nay, tôi chỉ có Lê Thương là bạn thân thiết. Bây giờ ngoài nhạc sĩ họ Lê, tôi có thêm Nguyễn Đức Quỳnh là người có một hiểu biết rất bách khoa để tôi học hỏi thêm về nhiều lĩnh vực. Và để trao đổi những chuyện tâm tình nữa.
Suốt trong hai năm 53-54, tôi và anh Quỳnh gặp nhau hằng ngày. Là nhà văn, nhà báo, cùng với Hoàng Trọng Miên, Nguyễn Đức Quỳnh được mời viết báo ĐỜI MỚI của Trần Văn Ân. Đó là tờ báo nổi tiếng nhất của miền Nam thời đó, bìa báo trông hấp dẫn như tờ NEWSWEEK hay tờ TIME của Hoa Kỳ vậy.
Hồ Hữu Tường
Tôi bị anh Quỳnh kéo tới toà báo ĐỜI MỚI sinh hoạt rồi trở thành người bạn trẻ của những nhân vật nổi tiếng trong giới làm văn học và chính trị miền Nam như Trần Văn Ân, Hồ Hữu Tường, Tam Ích, Lê Văn Siêu... Trước khi dùng hai căn nhà gỗ ở đường Thành Thái và Phan Thanh Giản làm một thứ đàm trường để qui tụ bạn bè, anh Quỳnh đã biến toà soạn ĐỜI MỚI là nơi gặp gỡ của giới làm văn học nghệ thuật trong Saigon-Chợ Lớn. Tại đây anh khởi sự nói về sự cần thiết phải vượt chủ nghĩa Mác, cho rằng chỉ có người Việt mới ''vượt'' được chủ nghĩa này.
Là người bạn mới của tờ ĐỜI MỚI, được anh em trong toà soạn đè ra phỏng vấn, tôi tuyên bố (!) : Sau khi nói lên vinh quang và nhọc nhằn của dân tộc (qua những bài ca kháng chiến), bây giờ tôi đi vào tình tự quê hương. Bàn thảo với Nguyễn Đức Quỳnh, rồi anh ta có loạt bài Người Việt Đáng Yêu, Đất Việt Đáng Yêu, Tiếng Việt Đáng Yêu đăng trên báo ĐỜI MỚI và sau khi tung ra Tình Hoài Hương, tôi có ngay bài Tình Ca xưng tụng tiếng nói, cảnh vật và con người Việt Nam, đăng trong số Tết 1953 của báo này. Mùa Xuân năm đó, trong gian phòng bốn thước vuông ở căn nhà gỗ ngõ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con (Phạm Duy Minh mới ra đời) vừa hát :
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi !
Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời...
Bài Tình Ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất : tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi. Thật là may mắn cho tôi là nói lên được phần nào bản sắc quốc gia (identité nationale) qua bản Tình Ca này.
Trong quá khứ, các bậc tiền bối chưa kịp làm công việc đó vì đã có lúc chúng ta có một cuộc nội chiến khá dài. Đó là 200 năm phân tranh giữa hai miền Đàng Ngoài-Đàng Trong. Trong khoảng từ những năm 1600 cho tới 1800, người trong nước khó có được sự đồng nhất quốc gia. — Đàng Ngoài, sĩ phu Bắc Hà không có thì giờ và phương tiện để tìm hiểu bờ cõi giang sơn mỗi ngày một thêm bành trướng với cuộc Nam Tiến. — Đàng Trong, sĩ phu bận bịu với những lo toan kiến thiết ở địa phương. — miền nào kẻ sĩ phải phục vụ vua quan của miền đó. Tuy là một nước nhưng có hai bộ máy chính trị và văn hoá. Do đó, chưa hề có tác phẩm nào nói lên được một ý thức quốc gia toàn diện. Tới khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà và đất nước mở rộng hơn nữa về phía Nam, trong khoảng 50 năm ngắn ngủi, các nhà nho của triều Nguyễn chưa kịp đưa ra một hình ảnh quốc gia trọn vẹn nhất thể, nhất tề, nhất trí thì người Pháp tới xâm lăng Việt Nam. Trong 80 năm nô lệ sau đó, bản sắc quốc gia trong văn học nghệ thuật Việt Nam chưa kịp hình thành thì bị xé nát bởi chính sách chia để trị của Pháp, cố tình đề cao sự khác biệt giữa ba miền và giữa những người dân trong một nước, khiến ta mất đi ý niệm quốc gia đồng nhất. Khi có những phong trào phục quốc như Cần Vương, Văn Thân... ý thức quốc gia vẫn còn mang ý niệm bảo hoàng, phong kiến.
Định mệnh khiến cho tôi, một ca nhân tầm thường, qua một bản tình ca ngắn ngủi, đưa ra khái niệm con người Việt Nam với địa dư, lịch sử và tiếng nói chung của một dân tộc đã từng chia sẻ với nhau trên vài ngàn năm lẻ. Tôi làm được việc này vì tôi có may mắn được đi ngang đi dọc nhiều lần trên bản đồ hình chữ S, gặp gỡ đủ mọi hạng người trong xã hội, nhất là được sống với những nổi trôi của lịch sử từ thời thơ ấu qua thời vào đời tới thời cách mạng kháng chiến.
Với một tình cảm không còn bị giới hạn trong ranh giới địa hình hay tâm lý như vậy, tôi sẽ suốt đời là người độc lập trong sáng tác. Nghĩa là tôi đi thẳng tới quốc gia, dân tộc mà không cần đi qua con đường chính trị. Trước khi nước Việt bị chia đôi bởi hoà hội Genève, ngay từ lúc này, tôi đã quyết định không bao giờ là người của bên ni hay là của bên tê. Tôi chỉ muốn phục vụ dân tộc Việt Nam mà thôi.
Bài Tình Ca được mọi người yêu thích ngay. Nó nói tới quê hương đất nước nhưng cũng nói luôn tới tiếng nói và con người nữa. Là bài hát tình ca quê hương nhưng nó còn là bài hát tình tự dân tộc. Tôi thấy cần phải tiếp tục soạn loại ca khúc này. Lúc đó, tôi còn mang trong lòng nhiều hình ảnh khó quên của thời kháng chiến cho nên tôi dùng bài Bà Mẹ Chiến Sĩ mà tôi soạn tại Vinh vào năm 1949 làm bài mở đầu cho một bộ ba (trilogie) về con người Việt Nam. Đó là ba bài Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê, Em Bé Quê. Những nhân vật của thôn ổ này bổ xung một thế giới trong âm nhạc của tôi, đã từng có những anh hùng vô danh, người Vệ Quốc Quân, chị du kích, kẻ ra đi, người trở về, anh thương binh v.v... Cùng với bài Bà Mẹ Gio Linh trước đây và với bài Bà Mẹ Phù Sa sau này, bài Bà Mẹ Quê là bước đầu của huyền thoại Mẹ, dần dà sẽ được tôi dẫn đến địa vị cao sang nhất trong Trường Ca Mẹ Việt Nam. Được viết ra từ lâu nhưng 40 năm sau, ta vẫn có thể hát bài Bà Mẹ Quê :
Miệng khô nhớ bát nước đầy
Nhớ bà mẹ quê xưa ấy
Mùa đông manh chiếu thân gầy
Cháu bà ngủ thiu giấc say...
Bài Vợ Chồng Quê là xu hướng nhạc tình của tôi, xu hướng này đã khởi đi từ những bài hát nói về cuộc tình đơn sơ để sẽ vươn tới những tình khúc chan chứa hạnh phúc và khổ đau trong huyền thoại Tình Yêu. Bài này như muốn nhắc lại kỷ niệm riêng của vợ chồng tôi :
Một ngày sang thu, một buồng cau tơ
Quanh co lối xóm những tà áo mới
Mẹ già yên lòng, thiếu nữ mơ mòng
Các em nhi đồng trống ếch khua vang...
Bài Em Bé Quê là tiền thân của loại bé ca sau này, những huyền thoại Tuổi Thơ, lúc nào cũng chỉ muốn nhắc nhở tới sự trinh trắng rất cần thiết cho con người phải sống liên miên trong một xã hội điên đảo vì chiến tranh và thù hận :
Vàng lên cánh đồng, khi trời vươn ánh dương
Trẻ thơ lớn dậy giữ quê, giữ vườn
Đời vui thái bình, cây lúa trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức trâu ăn đầy đồng...
Vào thời điểm này không phải chỉ có tôi viết về đất nước mến yêu hay soạn những bài hát nhớ quê hương khi đang sống trên quê hương. Cuộc di cư năm 54 của một triệu người đã khiến Vũ Thành soạn bài Giấc Mơ Hồi Hương, Hoàng Dương viết bài Hướng Về Hà Nội. Khi những bài xưng tụng quê hương được phổ biến mạnh mẽ tại các thành phố miền Nam thì các nhạc sĩ trẻ như Hoàng Thi Thơ, Lam Phương cũng soạn những ca khúc lấy tình quê làm chủ đề như Trăng Rụng Xuống Cầu, Gạo Trắng Trăng Thanh, Lúa Mùa Duyên Thắm, Tình Lúa Đêm Trăng. Họ cũng phát triển dân ca nhưng trong phạm vi nhạc thuật, họ dùng những nhịp điệu Nam Mỹ như rumba, mambo. Khi in ra thành bản nhạc, họ ghi rõ ràng là dân ca rumba hay dân ca mambo. Dòng nhạc ''mambo bolero'' được Việt hoá này sẽ được hưởng ứng mạnh mẽ với bộ ba Lê-Minh-Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng) và với Trần Thiện Thanh tức Nhật Trường với những bài hát xưng tụng tình yêu của tuổi choai choai.
Về phần tôi, trong thời gian khởi sự sáng tác lại, ngoài việc xưng tụng quê hương, với cái tuổi mới ngoài 30 một tị, tôi cũng xưng tụng ái tình qua những bài chịu ảnh hưởng giai điệu dân ca như Đố Ai, Hẹn Hò... Tôi lại làm việc đối thoại với ca dao. Người xưa đố ai biết lúa mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Bây giờ tôi đố ai tìm được tim ai, hay đố ai nằm ngủ không mơ. Về nhạc ngữ, tôi đang làm công việc thử thách phát triển dân ca. Bài Đố Ai là sự biến đổi của điệu hát du trong HÁT Ả ĐÀO. Bài Hẹn Hò được xây dựng trên giai điệu ngũ cung, kể lể một câu chuyện tình thảm thiết, giống như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ :
Một người bèn ra ven sông
Buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu trong khi mưa Ngâu
Bỗng ngừng ngang đầu
Cuộc tình thương đau êm êm
Trôi theo nước suôi về đâu ?
Hẹn hò gặp nhau Thiên Thu
Cho phong phú đời người sau.
Đây là lúc tôi hay nói tới chuyện thiên thu. Phải sống bon chen với thực tại, thỉnh thoảng tôi muốn sống với viễn mơ. Huyền Chi, một cô em bán vải ở Chợ Bến Thành đưa cho tôi phổ nhạc bài thơ nhan đề Thuyền Viễn Xứ. Bài thơ này nói tới tâm trạng một người Bắc Việt, phải rời bỏ bến Đà Giang để vào sinh sống tại miền Nam. Phổ nhạc xong bài thơ nhớ miền viễn xứ, trong tôi lại nổi dậy sự viễn mơ của bài Bên Cầu Biên Giới năm xưa, tôi bèn soạn bài Viễn Du, một bài hát ra đời vào đầu thập niên 50 mà lại phù hợp với cảnh người Việt Nam lũ lượt ra sông ra khơi sau năm 1975 :
Ra sông ! Biết mặt trùng dương
Biết trời mênh mông
Biết đời viển vông
Biết ta hãi hùng...
Bài này cũng nói luôn tới niềm vui của người đã vươn được từ tình quê hương tới tình thế giới :
Ra khơi ! Thấy lòng phơi phới
Thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai
Thấy niềm tin mới...
Còn trong tuổi 30, qua bài Viễn Du, tôi ước ao được rời bỏ cá thể để đi vào đại thể, đi từ tiểu tình ca tới đại tình ca. Nhưng làm được những cuộc viễn du, rồi say hương kinh kỳ, quay cuồng cùng ánh sáng chói loà của nhịp đời dương thế, không ai có thể xoá hết được lối về của lữ khách đâu. Phải ra đi, và đi thật xa, nhưng nếu có ngày được trở về với những núi mờ, những xóm dừa và làn tóc ngây thơ thì lại phải viễn du nữa. Miễn là trong cuộc lữ hành, người ra đi biết mình mang thiên thu trong lòng này và nắm tương lai trong bàn tay. Bài Lữ Hành ra đời ngay sau bài Viễn Du:
Người đi trên dương gian
Thở hơi gió từ ngàn năm
Gió lung lay Hoành Sơn
Gió dâng cao Biển Đông...
Người còn đi trong thanh xuân, đi giữa không gian, đi trong nhân gian... đi luôn luôn giữa hai đường tử sinh. Một lối đi mà tôi còn ruổi rong mãi mãi. Lữ Hành sẽ kéo theo những bài như Xuân Hành, Dạ Hành, coi như tiếp tục cuộc ra đi của tôi, khởi sự với Xuất Quân, Khởi Hành, Về Đồng Quê, Đường Về Quê hay Con Đường Cái Quan. Chỉ khác một chút là không những chỉ đi trên đất nước hay trong lòng người mà còn phải đi trong tâm tưởng nữa.
Đây cũng là lúc bài nhạc bán cổ điển Danube Bleu của Johann Strauss do tôi soạn lời Việt từ 1948 ở Chợ Neo được hai chị em Thái Thanh Thái Hằng luôn luôn hát tại phòng trà, tại Đài Phát Thanh hay Đại Nhạc Hội và được hoan nghênh nhiệt liệt. Cũng như Thuyền Viễn Xứ, Viễn Du hay Lữ Hành, bài ca mang tên Dòng Sông Xanh này phản ảnh sự viễn mơ của tôi, nhưng sự mơ ước của tôi là được sống mối tình ở bên bờ sông của thành Vienne chứ không phải là chết bên dòng sông Danube... Cùng với những bài ca Âu Mỹ cổ kim có giá trị khác mà tôi soạn lời Việt từ lâu như Trở Về Mái Nhà Xưa (Back To Sorriento), Mối Tình Xa Xưa (Célèbre Valse của Brahms), Tình Vui (Plaisir d'Amour)... bài Dòng Sông Xanh làm nên sự nghiệp của Thái Thanh và đi vào kỷ niệm của ba bốn thế hệ tình nhân Việt Nam.
Những bài hát tình ca quê hương, tình tự dân tộc hay mang tinh thần viễn mơ... đều được soạn ra trong căn nhà gỗ nằm trong hẻm Phan Thanh Giản. Lúc đó tôi đang tận hưởng hạnh phúc gia đình với một vợ hai con, sống chung với cha mẹ và anh em nhà vợ, không một lúc nào phải lo lắng tới công ăn việc làm, tiền tài, sức khoẻ... Chúng tôi cũng có thêm niềm vui lớn là đón được những người thân thích vừa lục tục di cư vào Saigon, như gia đình Chú Tư (chú ruột Thái Hằng), gia đình anh Nhượng, tới ở tạm với chúng tôi một thời gian ngắn.
Phạm Duy