Chương 2
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 6275
Lặng yên ta nói Cuội nghe
Ở trên cung vắng làm chi?...
THẰNG CUỘI -- Lê Thương
1953 - Vợ chồng son, tại Hà Nội thân yêu
Vào những năm đầu thập niên 50, khi gia đình tôi kéo nhau vào Saigon, chúng tôi là một trong những nghệ sĩ Tân Nhạc đầu tiên hoàn toàn sống bằng nghề hát. Trước đây, chỉ có những cậu sinh viên, cô nữ sinh hát nhạc cải cách tài tử, hát chơi cho vui, không nhận tiền thù lao gì cả. Bây giờ, tối thiểu đã có một gia đình sống khá giả bằng nghề âm nhạc. Câu châm ngôn của Pháp la musique ne nourrit pas son homme được cải chính : âm nhạc nuôi được kẻ làm nhạc, chơi nhạc rồi. Xã hội không còn khinh những kẻ xướng ca vô loài nữa.
Tại thành phố Saigon trong thời hãy còn chinh chiến này, chúng tôi đã hát ra tiền chứ không còn là thứ dế mèn hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ như trong bài hát Thằng Cuội của Lê Thương. Cũng như một số các ca nhạc sĩ khác, trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh đồng tiền, trong nhà băng đã có những trương mục to nhỏ, gia đình chúng tôi đã có xe hơi Citroen, là loại xe hạng khá lúc đó (1). Riêng tôi có thêm xe scooter kiểu Ý lùn tịt để đèo tài tử Nguyễn Long chạy khắp Saigon. Có lần chở bé Quang, bị tai nạn, hai bố con ngã văng trên đường, may đứa bé không bị vỡ đầu gẫy tay gì cả.
Chúng tôi đi tắm biển Vũng Tầu bằng tầu thủy, đi hát ở Cần Thơ bằng xe đò và tại Đà Lạt bằng xe lửa. Tới đâu tôi cũng nhận được cảm tình nồng nhiệt của khán giả cũ. Nhất là bây giờ có thêm bốn anh em họ Phạm trẻ trung và hát hay. Hát đâu cũng thành công nhưng vì tôi rất dở trong việc kinh tài nên thường bán giàn cho các ông bà bầu, giống như thời tôi đi theo gánh hát cải lương. Chúng tôi được nhiều nơi trong nước mời đi hát và trong năm 1953, dưới tên đoàn GIÓ NAM, cùng với Võ Đức Thu, Trần Văn Trạch và ban vũ Mỹ An... ban Thăng Long ra hát ở Huế, Hải Phòng, Hà Nội.
Lúc mới từ chiến khu trở về, trong một tháng trời ở Hà Nội, chúng tôi chưa hoàn hồn để có thể hát hỏng cho bà con Hà thành nghe. Bây giờ, ban nhạc mang tên THĂNG LONG cần phải được đăng ký ở ngay đất Thăng Long. Tôi không thể nào quên được sự nhiệt tình mà người dân Hà Nội đã dành cho ban Thăng Long và các nghệ sĩ khác của đoàn GIÓ NAM. Vì không mua được vé, nhiều thanh niên -- bây giờ đã công thành danh toại cả rồi -- phải trèo qua cửa sổ Nhà Hát Lớn để coi chúng tôi hát.
Ban Gíó Nam ra trình diễn ngoài Bắc, 1953
Vào năm 1953, nghệ thuật ca diễn của chúng tôi có vẻ hấp dẫn hơn tất cả những gì dân chúng miền Bắc đã coi trong phạm vi Tân Nhạc. Lối hát bè và cách trình bày của ban Thăng Long là sự mới lạ vì chưa hề có một ban hợp ca gia đình với các giọng hát quyện vào nhau như vậy tại đất Bắc Hà. Trần Văn Trạch với mớ tóc dài và tác phong trình diễn đi trước phong trào hippy cả mấy chục năm đã đưa địa vị của những anh hề lên rất cao.
Võ Đức Thu, dù không đi kháng chiến một ngày nào cũng soạn ra bài An Phú Đông, trong lần Bắc du này, độc tấu dương cầm bài Một Ngày Đã Qua để vinh danh ngày Cách Mạng thành công ở Nam Bộ.
Võ Đức Thu, Phạm Đình Chương, Phạm Duy
Đoàn GIÓ NAM ở lại Hà Nội trong vòng một tháng. Đã thành công về mặt nghệ thuật, tôi còn sung sướng biết bao khi được gặp lại thành đô yêu quý. Rồi cho rằng những buổi mình dắt vợ đi dạo chơi phố phường hay đứng trên cầu Thê Húc cho anh bạn Nguyễn Cao Đàm chụp ảnh, như những ngày trăng mật lần thứ ba của chúng tôi.
Khi ra hai miền ngoài, tôi có thêm một con trai và cho cả hai con Quang và Minh đi theo trong cuộc lưu diễn xa xôi này. Anh Nhượng cũng từ Thái Nguyên về Hà Nội, tôi giúp anh tôi chút tiền để đem vợ con vào Saigon và dạy học ở Thủ Đầu Một.
Sau khi đóng vai trò khách quý của Hà Nội, tôi quay về nơi cư ngụ vĩnh viễn (!) là Saigon. Tại thành phố hoa lệ này, tôi có thêm biết bao nhiêu bạn mới. Trước khi hằng trăm hằng ngàn văn nghệ sĩ theo chân một triệu người miền Bắc di cư ồ ạt vào miền Nam sau Hội Nghị Genève (1954), tại Saigon vào khoảng 1952, 53 cũng đã có khá nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, hoạt động thường xuyên tại đài phát thanh, các buổi phụ diễn chiếu bóng và các đại nhạc hội. Ngoài ban Thăng Long còn có ban DÂN NAM với Anh Lân, Túy Hoa, Túy Phượng, nhóm VŨ HUÂN với Vũ Huân, Vũ Huyến, ban TAM CA Anh Ngọc-Văn Phụng-Nhật Bằng, ban THẦN KINH với Mộc Lan, Châu Kỳ, Vĩnh Lợi, ban SẦM GIANG của Trần Văn Trạch...
Trong số những bạn đồng nghiệp này, tôi yêu nhất nhạc sĩ Lê Thương (*). Rời Bến Tre, anh về Saigon làm nghề thầy giáo. Căn nhà nhỏ của anh đường Võ Tánh là nơi tôi đến chơi hàng ngày, hoặc rủ anh đi mua báo Pháp như PARIS MATCH, CANARD ENCHAINÉ ở hiệu sách PORTAIL đường Catinat... hoặc rủ anh đi ăn, đi chơi. Lê Thương làm thơ, làm nhạc rất bay bướm nhưng anh có cuộc sống rất giản dị. Người bạn trăm năm của anh không thuộc hạng tiểu thư lá ngọc cành vàng hay nữ sinh nhí nhảnh. Chị Lê Thương là người bình dân hiền lành mộc mạc, không bao giờ nhẩy sổ vào công việc của chồng, suốt đời lẳng lặng trông nom săn sóc chồng con.
Lê Thương và Trần Văn Trạch, hai cộng tác viên đầu tiên của Ban Thăng Long... cùng với tôi, là ba ''khách quý'' tại Khám Catinat trong 120 ngày
Trước đây, tôi chỉ biết Lê Thương qua những bài hát tình yêu rất hay như Bản Đàn Xuân, Thu Trên Đảo Kinh Châu, Một Ngày Xanh, Nàng Hà Tiên... và Phần I của truyện ca bất hủ Hòn Vọng Phu. Bây giờ, tôi được biết thêm những bài anh soạn trong thời Cách Mạng và Kháng Chiến. Vào những năm đầu của cuộc chiến Nam Bộ, cũng như hầu hết những người trai của thời đại, Lê Thương đã có những đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chống xâm lăng, giành Tự Do Độc Lập của toàn dân. Một trong những bài hát có ảnh hưởng lớn trong dân chúng lúc đó là bài Bà Tư Bán Hàng :
Bà Tư bán hàng có bốn người con
Thằng Hai đã lớn, ba em hãy còn
Học theo các trường nhưng chửa thành nhân.
Năm Độc Lập kia trong nước Việt Nam
Mấy con của bà đều lên lối đường
Đầu quân chiến trường theo ý người dân.
Thì ra Lê Thương cũng đi vào kháng chiến để tạo những huyền thoại về người mẹ Việt Nam. Trong khi tôi chọn những bà mẹ ở thôn quê (Bà Mẹ Chiến Sĩ, Bà Mẹ Gio Linh) thì anh chọn nhân vật điển hình là bà Tư bán hàng trong thành phố, một người mẹ bình dân có bốn người con, vào năm Độc Lập kia (...) đều lên (...) đường kháng chiến. Lê Thương dùng ngôn ngữ của dân tộc để kể tiếp :
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
Suốt ba năm liền bà Tư mẫu hiền
Ngày đêm khấn nguyền cho mấy người con...
Rồi khi người con lớn chết trận thì bà thắp hương khấn vái hương hồn người con tử sĩ, xin dẫn dắt mấy đứa em trở về thành phố để sống với bà. Nhưng bà nhận được ba lá tình thư của ba đứa con xin được ở lại chiến khu để chiến đấu :
Bà Tư thắp đèn cầu khấn người con
Bà xin cho mấy đứa em hãy còn
— trong núi rừng, anh dẫn về cho.
Nhưng một ngày kia ba lá tình thư
Nói : Con bây giờ đường xa cách trở
Vậy xin kính thờ hai chữ tình thân...
Bài hát kết thúc với sự ý thức của bà Tư bán hàng về việc tự nguyện đi làm bổn phận công dân của các con. Bà tôn trọng ý nguyện đó và thắp đèn cầu nguyện cho các con mình trong chiến khu có được cuộc sống anh hùng.
Trước đây, tôi hi vọng một bài ca như Bà Mẹ Gio Linh có thể làm cho bộ đội dễ dàng lao vào đồn giặc, bây giờ, sau khi nghe bài Bà Tư Bán Hàng, tôi tin chắc chắn bài hát này làm cho thanh niên Saigon-Chợ Lớn ào ạt ra chiến khu. Và phải đợi ba năm nữa mới có trận Điện Biên Phủ nhưng tôi tin rằng kháng chiến nhất định phải thành công. Dù tác giả đã vào thành -- nghĩa là cũng dinh tê như tôi -- bài hát vẫn còn đó, vẫn còn sức đẩy thanh niên trong những thành phố miền Nam đi kháng chiến. Đó cũng là một trong những lý do để anh Lê Thương sẽ bị giam trong khám Catinat trong 120 ngày cùng Trần Văn Trạch và tôi, chuyện này sẽ nói tới trong những trang sau.
Lê Thương vào thành rất sớm. Vào năm 48, anh soạn bài Hoà Bình 48. Trên thế giới, chiến tranh lạnh đã khởi sự với việc Nga Sô phong toả Berlin và Hoa Kỳ dùng cầu không vận để tiếp tế cho dân chúng trong thành phố bị phong toả. — trong nước, sau khi Bảo Đại vận động với Pháp để được thừa nhận là Quốc Trưởng của một nước Việt Nam tuy độc lập và thống nhất nhưng phải gia nhập Liên-Hiệp-Pháp với tư cách một quốc gia liên kết, chánh phủ Nguyễn Văn Tâm đã được thành lập. Cờ vàng ba sọc đỏ và bài Thanh Niên Hành Khúc của Lưu Hữu Phước đã được chọn làm quốc kỳ và quốc ca. Chính phủ quốc gia cũng như người Pháp cố tạo ra một không khí hoà bình.
Vào thời đó, nằm trên trục tuyên truyền của phe tả, chim bồ câu được chọn làm biểu tượng cho hoà bình. Hoạ sư nổi danh Picasso vẽ hình ảnh con chim bồ câu ngậm một chiếc lá, trông rất khoẻ mạnh. Nhưng anh Lê Thương của chúng ta cho rằng con chim đó đang bị đau nặng :
Con chim hoà bình đang đau nặng
Ngày và đêm càng thêm lo lắng
Đang lo chùi mài dao gươm đặng
Chờ ngày mai đem ra giết nhau...
Với bài hát phổ biến vào năm 48, trước hết, Lê Thương đã có cái nhìn ra quốc tế trước tôi. Phải tới thập niên 60 tôi mới soạn những bài hát như Người Lính Trẻ, Chuyện Hai Người Lính... đả động tới việc Việt Nam có thể đang làm cuộc chiến tranh ủy nhiệm của hai cường quốc Mỹ-Nga, dù rằng khi tôi từ Thanh Hoá về Hà Nội (1951), thấy có chiến tranh ở Triều Tiên thì tôi nhìn nhận thế giới đã chia ra hai phe rõ rệt. Tôi đã cho rằng bất cứ một cuộc nội chiến ở một nước nhỏ nào -- ngay từ bấy giờ hay là về sau -- cũng chỉ phản ảnh cuộc chiến giữa hai phe Tư Bản và Cộng Sản.
Bài Hoà Bình 48 là loại nhạc châm biếm-chính trị (satire politique) do Lê Thương dẫn đầu. Ngoài ý nghĩa chính trị, tác giả dùng ngôn ngữ đặc sệt miền Nam với những chữ như Tây vực, đặng...
Stalin cười hỏi sang Tây vực
Xin các ông chớ khiêu khích tôi
Truman cười khì ôm kho bạc
Nhử mồi, Tây Âu càng bối rối...
Bài này còn đả động tới cảnh xã hội miền Nam trong bối cảnh chiến tranh Việt Pháp :
Anh Ba Tàu ngồi kia nhậm xà
Chị hàng rong mải lo ai đá
Chú bán chè đậu xanh lo mời
Thầy dùng thêm một hai chén thôi...
Lúc đó vỉa hè thành phố Saigon đầy rẫy những hàng bán rong của người bình dân. Đội xếp thường tới đánh đuổi họ bằng những cái đá. Qua bài Hoà Bình 48, Lê Thương nói với chúng ta rằng : Làm gì có hoà bình khi thầy đội xếp tới đấm đá những gánh hàng rong hay đòi ăn hối lộ vài ba bát chè... Trong bài hát còn có câu : Rồi hàng đêm cà nông cứ ho... Làm gì có hoà bình vì trong đêm cứ nghe hoài tiếng súng canon cất tiếng ho.
Lê Thương còn soạn thêm những bài ca châm biếm như Liên Hiệp Quốc, Làng Báo Sài Thành, Đốt Hay Không Đốt (nói tới chuyện cô Quờn vì quá ghen mà đốt chồng bằng dầu săng, làm náo động dư luận Saigon-Chợ Lớn). Đó là những bài hát tủ được vào nằm trong nhạc mục những bài ca hài hước của Trần Văn Trạch gồm các bài Téléphone, Cái Đồng Hồ, Chuyến Xe Lửa Mùng Năm... Về phần nhạc cảnh, ba bản Hòn Vọng Phu của Lê Thương do ban Thăng Long diễn cũng là cái đinh của những buổi nhạc hội. Có thể nói những bản nhạc của Lê Thương là phần hồn trong quá trình ca diễn của chúng tôi trong những năm đầu thập niên 50 vậy.
Lê Thương cũng là người chuyên soạn nhạc cho thiếu nhi, thiếu niên qua những bài Thằng Cuội, Tuổi Thơ... Bài Học Sinh Hành Khúc anh tung ra lúc đó là một bài hát đầy tinh thần ái quốc. Về sau, bài Bà Tư Bán Hàng và bài Học Sinh Hành Khúc phổ biến đến độ có những lời ca nhại :
Học sinh là người hủ tiếu ăn hai ba tô...
. . . . . . . . . . . . .
Bà Tư bán hàng có bốn người yêu
Người yêu thứ nhất đi xe máy dầu...
Tôi vẫn quan niệm bài hát nào có lời ca nhại là bài hát thành công nhất. Tôi cũng cho rằng trong làng Tân Nhạc, Lê Thương là người trí thức nhất. Mỗi bài nhạc, mỗi giai đoạn nhạc của anh đều chứa đựng thông điệp. Qua những bài vừa soạn ra, ta thấy một thứ triết lý thời loạn của anh. Người nghệ sĩ này, khi đi vào cuộc đời và cuộc chiến, đứng hẳn về phía kẻ yếu. Bao giờ cũng vậy, khi có chiến tranh thì người dân bị trị lâm vào cảnh một cổ đôi ba tròng. Người nghệ sĩ không phải là một hiệp sĩ cứu nhân độ thế nhưng có bổn phận an ủi hay nói hộ người dân. Là một nhà giáo, anh Lê Thương còn đứng vào địa vị của người ưu thời mẫn thế để soạn những bài như Đừng Có Lo Lắng trong đó anh đưa ra một sự thật muôn đời : cao nhân tất hữu cao nhân trị. Bài hát có những câu :
Nghèo thì lo thiếu, giầu thì lo mất
Đi xe hơi (ô tô) có khi bị choáng u đầu...
. . . . . . . . . .
Châu Do còn bị Gia Cát
Chín nút còn sợ ba tây
Mac Arthur tiên sinh còn phải về vườn...
Với bài này, Lê Thương nói : chưa chắc ai đã thắng ai trong cuộc chiến này, vậy thì xin người dân đừng lo, đừng buồn. Cũng giống như anh nói : sức mấy mà lo, mà buồn vậy.
Tuy rất kính phục anh bạn hơn tuổi nhưng nhìn vào tác phẩm của Lê Thương rồi gẫm thân nghệ sĩ của mình, tôi thấy khác anh trong vài khía cạnh. Có lẽ lúc đó tôi còn ít tuổi và còn đầy sự hoài nghi về cuộc đời và về thân phận mình nên không tự coi đã nắm được thời thế. Trước mọi nghịch cảnh, tôi không dám lên tiếng dạy đời, dạy người. Trong thời gian đi kháng chiến, tôi luôn luôn muốn thể nhập vào thực tại để thể hiện những tình cảm khác nhau. Khi đấu tranh, có Xuất Quân, Nợ Xương Máu, khi dính líu tới lịch sử, có Việt Bắc, Đường Lạng Sơn. Khi gặp thiên nhiên, có Nương Chiều, Thu Chiến Trường, gặp tình não nề, có Tiếng Đàn Tôi, Tình Kỹ Nữ, tính cuộc trăm năm là có Đêm Xuân, Chú Cuội và khi bất cần đời thì vượt Cầu Biên Giới... Không có gì là ưu thời mẫn thế trong những bài hát đó cả. Về sau, khi cuộc chiến leo thang, cuộc đời trở nên ê chề và tuổi mình đã cao, tôi mới thể nhập và thể hiện một cách khác, nghĩa là đem nội dung đạo đức đặt dưới hình thức tục tằn qua MƯỜI BÀI TỤC CA.
Ổn định cuộc sống và nói cho ngoa là đã thành công trong năm đầu tiên di cư vào Nam, tôi được hưởng luôn một bài học đáng giá của đời người trong một xã hội có cạnh tranh chính đáng hay bất chính. Trước đây, vô tư như một con bướm mùa Xuân hay ham vui như một con chuồn chuồn giấu tổ, tôi bước vào đời với tất cả tấm lòng trinh trắng, không hề phải thi đua với ai và chưa bao giờ bị ai cạnh tranh với mình cả. Tôi vào cuộc sống với tư cách một ca sĩ nhà nghề và khá nổi danh. Nhưng phải nói cho rõ là vào đầu thập niên 40, ca sĩ chuyên nghiệp dù thành công đến đâu cũng chỉ là hữu danh vô thực, nghĩa là danh vọng (!) thì có thể không ít mà tiền tài thì không nhiều. Nổi tiếng rồi nhưng so với đào kép Cải Lương, tiền lương của tôi rất nhũn nhặn. So với ca sĩ các nước tân tiến, tiền lương đó là... giẻ rách. Trong nghề hát ở Việt Nam lúc đó, tôi cũng chẳng có tới quá hai hay ba địch thủ. Thời tiền chiến, cả nước chỉ có hai anh chàng hát nhạc cải cách chuyên nghiệp. Dần dà, sau Tino Thân và tôi, mới có thêm Kim Tiêu và Mai Khanh thì hai cậu này là a-ma-tơ thứ thiệt. Rồi khi cùng toàn dân đi kháng chiến, ca sĩ như tôi trở thành văn công ngay lập tức, nghĩa là được nhà nước xung công để ca hát phục vụ cho người lính và người dân, được nuôi ăn bằng gạo, sắn và khoai, có lĩnh thêm chút tiền cụ Hồ để uống cà phê và cắt tóc.
Bây giờ thì khác, con bướm nhởn nhơ hay con chuồn chuồn la đà đã trở thành con ve sầu rộn ràng của một Saigon quanh năm mùa Hạ. Nó vẫn làm nghề ca hát và chỉ khác xưa ở chỗ đã có trách nhiệm gia đình, dù vợ con là nợ nần nhỏ, chưa phải là một gánh nặng. Nó cũng khác con ve sầu tài tử trong ngụ ngôn của La Fontaine, ayant chanté tout l'été, se trouva fort dépourvu quand la brise fut venue... (Văn hào Nguyễn Văn Vĩnh dịch là : ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè, đến mùa gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối) vì đã có Đài phát thanh, có người mua bản nhạc hay đĩa hát, có khán giả coi phụ diễn chiếu bóng hay Đại Nhạc Hội trả tiền đầy đủ cho con ve chuyên nghiệp. Tại thành phố Saigon lúc này -- a ha -- từ một loài sâu đất đã thoát xác ra một đàn ve sầu khá đông đảo, chen vai thích cánh trong một cái chợ khá lớn, có khá nhiều cái nguýt lườm của những hàng thịt, hàng cá.
Một nhóm ca nhạc sĩ mà tôi chẳng cần phải nêu tên ra đây, ghen tị tài nghề đã đành, lại có ý tranh thương trước sự kiện chúng tôi quá thành công trong một ngành nghệ thuật đã trở thành thương phẩm hay thương vụ. Trước khi trở thành ca nhạc sĩ, trong khi mọi người đi kháng chiến, họ là những thanh niên ở lại trong thành và cộng tác với Pháp, nói thẳng ra là làm mật thám cho Phòng Nhì (Deuxième Bureau). Chính phủ (gọi là quốc gia) được thành lập thì mấy người này được chuyển qua làm việc trong Sở Công An Nam Phần, lúc đó nằm trong tay Mai Hữu Xuân, Trần Bá Thành. Các ca nhạc sĩ làm nghề Công An không được Đài phát thanh và hãng làm đĩa hát mời hát nhiều. Nếu họ đứng ra tổ chức Đại Nhạc Hội, đụng độ với chúng tôi, buổi diễn của họ sẽ vắng khách. Muốn triệt hạ chúng tôi, không khó gì cả, những ca sĩ kiêm công chức công an này bèn vu ngay cho chúng tôi là Việt Minh nằm vùng.
Thế là vào một ngày cuối năm 1951, Lê Thương, Trần Văn Trạch và tôi được cảnh sát công an tới nhà, còng tay đưa lên xe cây bít bùng chở về khám Catinat. Tôi không hiểu vì sao chúng tôi không bị chụp bao bố vào đầu như những người bị bắt khác vào thời buổi mà những lính kín ở bót Catinat đem sự khủng bố của họ ra để đối đầu với sự khủng bố của Việt Minh. Chúng tôi bị giam tại cái khám nổi tiếng ác liệt này trong 120 ngày. Từ ngày bị bắt cho tới ngày được thả, đối với ba anh chàng nghệ sĩ, không có một bản án ghi tội danh và một buổi hỏi cung nào cả. Khám Catinat nổi tiếng ác liệt vì nó là một phòng giam không rộng lắm nhưng Công An Nam Phần nhốt khoảng gần một trăm người vào đó. Trong phòng giam, ở bên ngoài hàng chấn song sắt, luôn luôn có thầy chú (coi tù) thay phiên ngồi canh những người bị giam. Suốt trong 120 ngày ở đây, ba anh em nghệ sĩ chúng tôi -- cũng như mọi tù nhân khác -- phải làm màn thoát y thường xuyên vì phòng giam nóng như lửa đốt. Mấy ngày đầu thấy ngượng nhưng dần dà nhìn các bạn tù ở truồng... tôi phì cười. Xưa nay quần áo thường che dấu những chỗ ít mỹ thuật nhất của thân thể. Bây giờ những bộ phận xấu xí của đàn ông được phô ra. Trong tháng đầu tiên tôi căm tức mấy thầy chú vì họ hay văng tục với người bị giam nhưng trong hai tháng sau thì tôi thương hại cho họ. Chắc họ làm nhiều điều lầm lỗi trong kiếp trước nên bây giờ suốt ngày họ bắt buộc phải ngồi nhìn sinh thực khí xấu xí của chúng tôi. Người Việt Nam thường hay tốc váy, tốc quần và chìa hạ bộ ra để chửi nhau. Thầy chú nhìn chúng tôi cởi truồng như vậy là nghe chúng tôi chửi thầm đấy.
Ban ngày cũng như ban đêm, vì phòng giam chật cứng, mọi người đều phải thay phiên kẻ đứng người ngồi. Chỉ người già yếu mới có chỗ để nằm co chân mà ngủ. Chỗ được quây lại làm cầu tiêu là chỗ rộng rãi nhất và được dành cho những người vừa bị tra tấn nằm nghỉ. Một người tù già -- được phong là ngục vương vì vào tù ra khám thường xuyên, đang nằm ở bót Catinat chờ ngày ra đảo -- cho tôi ưu tiên tới ngồi dựa lưng vào bức tường của nơi phóng uế đó, mùi phân trộn với mùi máu và mồ hôi của khám Catinat sẽ ám ảnh tôi rất lâu. Sau này, khi được đọc tập thơ Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện, tôi rung động rất nhanh với câu thơ :
Chỗ tôi nằm sáu mươi phân chiếu rộng,
Giữa hai người một hủi, một ho lao...
... vì tôi chợt nhớ tới một ngày trong 120 ngày bị giam giữ ở cái khám này, ngồi bên cạnh một người vừa bị tra tấn, được chở xuống khám lúc nửa đêm, sáng hôm sau anh ta là một xác chết. Đã làm quen với sự khủng bố ngay từ thời Cách Mạng mới thành công và trong thời gian đi theo kháng chiến, tôi không sợ hãi khi nghe thấy tiếng la hét của những người bị tra tấn bên cạnh phòng giam. Nhưng khi trèo lên vai bạn tù nhìn qua khung cửa sổ có chấn song sắt, thấy những nữ tù nhân được dẫn vào phòng giam gần đó thì tôi mủi lòng, nghĩ rằng những thiếu nữ kia có thể bị làm nhục ngoài sự tra tấn thông thường.
Tuy nhiên, trong những ngày nằm khám Catinat, tôi không buồn rầu hay đau khổ. Tôi chỉ nhớ con vô cùng và chỉ lo cho Thái Hằng, chắc chắn đang quá lo lắng vì chồng bị bắt và không được thăm nuôi. Không một lúc nào tôi cho rằng mình đang bị lâm nguy cả. Hình như đa số người Việt Nam thuộc thế hệ tôi là lớp người ngu ngơ trước sự nguy hiểm (người Pháp gọi là inconscient du danger). Giống như lúc đi kháng chiến, chưa chắc tôi là người can đảm lắm đâu. Tôi hồn nhiên đi vào cuộc chiến vì chưa bao giờ ý thức được sự hiểm nguy hay sự dễ chết trong chiến tranh. Bản năng tự vệ trong con người chỉ mạnh lên khi đã biết mùi nguy hiểm. Thế giới được nếm mùi Thế Chiến Một và Thế Chiến Hai rồi nên rất sợ xẩy ra Thế Chiến Ba.
Trong lần bị bắt giam ở Cà Mâu vào năm 45, vì không có chuyện gì ghê gớm xẩy ra nên tôi không lo sợ trong lần bị bắt vào năm 1951 này. Ngày bị Tây bắt ở Cà Mâu, tôi còn thấy đó là một vinh dự. Nay bị thứ người quốc gia (2) -- mà tôi cho là tay sai của Pháp -- bắt giam thì có gì là nhục nhã để tôi phải đau buồn hay thù hận nhỉ? Nhất là lý do để bắt ba nghệ sĩ này được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh bất chính của vài đồng nghiệp chó săn và là sự dằn mặt của Công An Nam Phần đối với những người đã soạn bài hát cho Việt Minh. Tôi sẽ nhớ mãi một điều : đừng bao giờ chờ đợi ở những người quốc gia như phe nhóm Mai Hữu Xuân có một chính sách tốt đẹp nào đó đối với văn nghệ sĩ.
Nếu tôi biết mùi bót Catinat và không bị khiếp đảm thì có nhiều người bị bắt giam ở bót này, khi được thả ra thường hay làm tăng huyền thoại khủng bố của nó nên cái tên bót Catinat đã gieo một sợ hãi lớn trong lòng người dân Saigon Chợ Lớn. Vào thời đó, những người đi chơi hay có công việc phải đi trên đường Catinat, khi tới trước mặt bót, không ai dám đi trên lề đường cả. Kể cả dưới thời Ngô Đình Diệm sau này, khi bót Catinat trở thành địa điểm của Bộ Nội Vụ, người đi trên hè đường bên này vẫn còn bị ám ảnh bởi tiếng tăm của cái bót cũ nên đều muốn lảng qua hè đường bên kia.
Sự bất hạnh đến với tôi vào năm 1951 bị niềm lạc quan cố hữu trong tôi đánh tan đi, nhưng hai anh bạn Lê Thương, Trần Văn Trạch có vẻ mất tinh thần. Ngay sau đó họ tránh làm mọi sự có tính cách khiêu khích chính quyền và về sau, khi thấy tôi soạn tâm ca, tâm phẫn ca và tục ca, nhớ lại chuyện cũ, họ khuyên tôi phải nên giữ mồm giữ miệng. Nhưng tôi là kẻ tuy cũng biết sợ súng nhưng luôn luôn giả vờ mắc bệnh điếc tai. Bây giờ phải nhắc lại chuyện xưa trong một cuốn Hồi Ký, tôi chỉ muốn nhớ tới bài học quý giá trong một xã hội tiêu thụ : phải tránh gây nên sự tranh thương bất chính nơi những người tự coi là địch thủ của mình. Đừng bao giờ tạo cho họ cái cảm tưởng mình làm vỡ nồi cơm của họ.
Ngoài ra tôi còn muốn ngỏ lời cám ơn tiếng chuông Nhà Thờ Đức Bà đã an ủi tôi rất nhiều trong suốt 120 ngày tôi bị giam giữ. Tôi còn muốn đưa ra một lời chê bai Pháp thực dân và tay sai của họ là những kẻ thiếu óc thẩm mỹ vô cùng. Ai lại giữa thành phố Saigon hoa lệ, ở một khu được coi là thanh lịch nhất nước, trên con đường nổi tiếng về các khách sạn to lớn, về các cửa hàng lộng lẫy khiến cho trai tài gái sắc đua nhau lượn phố, nhất là trước mặt ngôi thánh đường vĩ đại và tôn nghiêm... mà lại duy trì một cái khám giam người chật chội, bẩn thỉu, hôi thối như vậy.
Phạm Duy
(1) Sau này còn đổi xe Citroen lấy xe Hoa Kỳ mui trần mầu vàng, rồi đổi qua Mercedes (mua lại của Nguyễn Long).
(2) Vào lúc này, Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất. Trên danh nghĩa, tôi từ bỏ Việt Minh để về với quốc gia, dù còn là quốc gia trong Liên Hiệp Pháp.