Chương 25
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4153
Thôi nhé, miền suôi, thôi tạm biệt
Thôi, chào Hà Nội lửa ngang trời.
Ta đi, Ngõ Gạch, tường đang đục
Gạn từng giọt nước, đánh cầm hơi...
Quang Dũng
Mặt Trận Ninh Bình
Sau khi đã hẹn với Trần Văn Giầu là sẽ gặp nhau tại Thanh Hoá để cùng nhau đi bộ vào Nam, một ngày mưa phùn, tôi và Ngọc Bích giã từ Cống Thần-Chợ Đại.
Trên đường đi vào phía Nam, chúng tôi tránh không đi dọc theo quốc lộ 1 bởi vì Quân Pháp đã đóng đồn ở nhiều nơi từ Phủ Lý vào tới Ninh Bình. Nhưng trước khi đi vào Phủ Nho Quan để từ đó tiến vào địa đầu của Khu IV là tỉnh Thanh Hoá, chúng tôi phải đi qua vùng Chợ Bến là nơi đóng quân của Trung Đoàn Thăng Long. Trung Đoàn này là phần còn lại của Trung Đoàn Thủ Đô trước đây, sau khi rút ra khỏi Hà Nội thì thành phần bộ đội, phần nhiều là các thanh niên trong tổ chức Tự Vệ của thành phố, đã chia ra làm hai, một nửa đi lên Việt Bắc để gia nhập những đơn vị lớn, một nửa trở thành Trung Đoàn Thăng Long và ra đóng quân tại nơi này.
Tôi gặp nhạc sĩ violon Phạm Nghệ là một đội viên trong Trung Đoàn. Đều là bạn của Quang Dũng, chúng tôi rủ nhau ra ngồi ở một quán café, ôn lại vài câu thơ của thi sĩ viết ra khi còn chiến đấu trong Trung Đoàn Thủ Đô :
Thôi nhé, miền suôi, thôi, tạm biệt
Cống Chéo, Đồng Xuân, thề một chết
Hàng Gai tay bỏng trục ba càng
Đất cũ Thăng Long người lẫm liệt...
Nói tới những sáng tác của người lính trong Trung Đoàn Thủ Đô thì phải nói thêm tới Lương Ngọc, người nhạc sĩ lai Pháp, nhờ sự ở lại và chiến đấu rất anh dũng của những người như anh hay Quang Dũng để cầm chân Quân Đội Pháp mà các cơ quan của chính quyền cũng như đa số dân thủ đô có thể bình yên tản cư ra được vùng quê và làm được cuộc kháng chiến gọi là ''trường kỳ'' này. Cũng như số đông những người sống về đêm mà xã hội trước đây không coi trọng lắm như vũ nữ, cô đầu... giới nhạc công, nhạc sĩ là những người cầm súng hăng hái nhất trong đám Tự Vệ của thành phố và trở thành chiến sĩ của Trung Đoàn Thủ Đô, rồi được phân tán đi các đơn vị quân đội khác. Những người viết sử sẽ rất bất công nếu không nhắc tới công lao của giới giang hồ này trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Đừng quên rằng, sau khi bỏ Hà Nội ra đi, đa số nữ nhân viên tình báo của Việt Minh đều là vũ nữ đã từng chiến đấu trong Trung Đoàn Thủ Đô.
Sau khi rút quân ra đóng ở vùng Chi Nê này, nhạc sĩ Lương Ngọc của Trung Đoàn Thăng Long phổ nhạc một bài thơ của Chính Hữu nhan đề Ngày Về, một bài hát mà chúng tôi đã hát nhiều nhất trong khi đi kháng chiến :
Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Hôm nay mơ thấy trở về Hà Nội.
Bao giờ trở lại ?
. . . . . . . . . . . . . .
Phố phường xưa gạch ngói tưng bừng
Bức tường đổ ngày nay điêu tàn trấn ngự.
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng...
Trong kháng chiến đã có Bài Hát Của Người Hà Nội rất hào hùng của Nguyễn Đình Thi. Bài hát về Hà Nội của Lương Ngọc phổ thơ Chính Hữu bây giờ, về phần nhạc ngữ, có nhiều biến đoạn âm nhạc rất phong phú và mang nhiều tính chất ngoạn mục khi được đem trình diễn trên sân khấu.
Mấy câu thơ của Quang Dũng và bài hát của Lương Ngọc phổ thơ Chính Hữu đã nói lên được phần nào cái oai hùng của những chàng trai Hà Nội trong những ngày chiến đấu tại Thủ Đô. Sau đêm 19 tháng chạp 1946, trong thành phố đã không còn lực lượng quân sự nào hết ngoài 400 tay súng của Tự Vệ Thành, những công tử Hà Nội vốn là con cái của tiểu thương, công chức, lúc nào cũng đầu chải bóng, quần áo và dày giép bảnh bao, kể cả từ lúc xung phong làm anh tự vệ. Tự bỏ tiền túi ra mua vũ khí, may đồng phục, sắm ca lô. Ngay cả cái phù hiệu sao vàng trên nền vuông đỏ cũng tự mua lấy. Thế mà những tự vệ công tử này đã giữ được thủ đô trong mấy tháng liền, không một lúc nào sợ hãi, nhất định không buông súng dù Pháp đã nhiều lần dụ hàng. Bây giờ, họ là chiến sĩ Trung Đoàn Thăng Long và đang sống như trong lời thơ của Chính Hữu :
Những chàng trai chưa trắng nợ máu xương
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm.
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa...
Ta lại thấy tinh thần cả nước ra đi hiện lên trong bài thơ phổ nhạc này.
Bởi vì tôi và Ngọc Bích đi tới đâu thì cũng phải tới hát cho Vệ Quốc Quân nghe để có nơi ăn uống và trú ngụ cho nên bây giờ, khi chúng tôi tới thăm Trung Đoàn Thăng Long, hậu thân của Trung Đoàn Thủ Đô thì chúng tôi được đưa tới sinh hoạt với một đơn vị tại một địa điểm có cái tên là Quèn Thị. Đây không còn là vùng trung du của người miền suôi nữa mà là vùng sơn cước của người Mường với dãy núi Kim Bôi mà một nhạc sĩ trong kháng chiến là Tô Hải đã nói tới :
Ai về sau dãy núi Kim Bôi
Nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ
Hình dung một chiếc thắt lưng xanh
Một chiếc khăn mầu trắng thanh
Một chiếc vòng sáng long lanh
Với nụ cười nàng quá xinh...
Chúng tôi lại tìm thấy niềm vui rừng núi, được ở nhà sàn, hằng ngày được vác ống tre lớn đi xuống suối để lấy nước thổi cơm và rửa ráy. Nhưng lần này thì những bông hoa rừng mà nhạc sĩ Tô Hải đã phác hoạ không còn làm cho chúng tôi phải vất vả trèo núi đi theo như trong thời kỳ ở Lạng Sơn nữa.
Các nụ cười sơn cước bây giờ gặp Phạm Nghệ, Ngọc Bích hay là tôi thì léo nhéo :
-- Eng tửa ti no thỉa ? (Anh đi đâu đó ?)
Chúng tôi đâu có còn ngây thơ và lãng mạn như nhạc sĩ Tô Hải của bài Nụ Cười Sơn Cước để mà trả lời rằng :
Nàng ơi, tôi muốn rút tơ lòng
Dệt mấy cung yêu đương
Gửi người trong trắng của mấy bông hoa rừng...
Vậy thì xin trả lời :
-- Ho ti quác đác đây (Tôi đi vác nước đây)
Giã từ Quèn Thị, sau khi ghé qua Quèn Chồm, chúng tôi thẳng đường đi tới Chi Nê. Vùng này nổi tiếng là vùng có thú dữ. Đêm đêm cọp từ rừng sâu về làng ăn heo và có khi vồ luôn cả trâu bò nữa. Làng Mường này đã có nhiều súc vật bị cọp bắt. Từ ngày Vệ Quốc Quân tới đóng quân ở gần đây, trong công tác dân vận, bộ đội muốn tới giúp dân chúng trừ khử cọp, nghĩ rằng mình có súng đại liên -- như súng Thompson chẳng hạn -- thì chắc chắn là cọp phải chết. Thế rồi một đêm, mấy anh bộ đội rủ nhau tới làng Mường để hạ cọp. Họ lấy lá rừng đun sôi để làm nước tắm với mục đích tẩy hơi người đi rồi đóng một cái cọc ở ven bìa rừng để buộc mồi nhử cọp là một con lợn béo. Chung quanh con mồi và ở trên cao, họ bố trí 4 khẩu súng Thompson. Rồi họ leo lên chỗ đặt súng, ngồi uống cà phê thật đặc để thức đêm chờ cọp. Khởi sự rình cọp từ nửa đêm cho tới 3 giờ sáng, dưới ánh trăng non, họ đang ngồi trong im lặng và vừa mới ngửi thấy mùi cọp thì bỗng nhiên nghe thấy một tiếng ''oé''. Mọi người chưa kịp có một phản ứng nào thì nhìn ra chỗ buộc mồi đã thấy cọp ngoạm cổ con heo lôi đi mất béng rồi.
Sáng hôm sau, một ông già Mường tới cho mấy anh bộ đội biết rằng con cọp này đã thành tinh, các anh có tắm nước lá rừng để tẩy hơi người thì nó cũng thừa biết là các anh đang ngồi ôm súng rình nó. Bây giờ muốn trừ nó thì chỉ có một cách là bẫy nó thôi. Rồi cụ đem mấy anh bộ đội lực lưỡng theo cụ vào rừng chặt những cành cây soan to bằng bắp đùi rồi đem về cưa ra từng khúc, chôn nửa thân cây xuống đất và quây thành một cái cũi nổi có 2 ngăn, một ngăn thì nhốt con heo mồi, một ngăn thì có cánh cửa là một tấm phản lim để khi cọp chui vào là cửa tự động xập xuống.
Quả nhiên mấy hôm sau, một con cọp rất lớn bị sa bẫy. Một tiểu đội Vệ Quốc Quân bèn vác súng tới để hạ sát con cọp. Không phải ngồi rình bắn cọp trong đêm mà là giết cọp ở trong cũi ban ngày. Các ''thợ săn'' phải ghé súng qua chấn song cũi để bắn cọp vì sợ bắn từ xa không khéo mà vỡ cũi, cọp xổ cũi nhẩy ra thì chết cả lũ.
Trước đây tôi chỉ nhìn thấy cọp ở trong gánh xiếc hay ở trong vườn Bách Thú, và qua những vần thơ của Thế Lữ tôi cũng cảm thấy được sự buồn rầu của con cọp khi sa cơ bị nhục nhằn, tù hãm. Và liên tưởng tới thân phận nô lệ của dân tộc mình. Bây giờ, nhìn tận mắt một con cọp rừng đang gầm gừ vùng vẫy ở trong cũi, nguyên cái mùi cọp nồng nực xông lên cũng đủ làm cho mọi người kinh sợ đến độ như muốn... té đái ra. Đây là một con cọp mới bị lọt vào bẫy, chưa an phận và đang lồng lộn lên để đòi tự do, cũng như chúng tôi đang vẫy vùng đi kháng chiến vậy. Tội nghiệp cho cọp, nó sẽ không có thì giờ để gậm khối căm hờn, nó đã bị ''thợ săn'' bắn chết ngay. Chỉ sau khi thấy tận mắt cái chết của con cọp rồi thì từ nay, trong kháng chiến, dù có thêm đôi ba lần ngửi thấy mùi cọp trên đường đi trong rừng, riêng tôi sẽ không còn sợ cọp như trước nữa.
Xử tử và làm thịt con cọp xong rồi, dân buôn bán ở mọi nơi nghe được tin bộ đội hạ thủ (!) được cọp vội vàng tới tấp lại đây, kẻ thì mua da cọp đem về làm đồ trang trí, thầy thuốc thì tới mua xương cọp để làm cao hổ cốt, chị hàng thịt cũng mò tới để mua thịt cọp. Còn cán bộ và bộ đội thì vác bát tới để lấy mỡ cọp, dùng làm thuốc chữa ghẻ rất hiệu nghiệm.
Chúng tôi chỉ ở tại làng Mường này trong một thời gian ngắn rồi lại cắm cổ đi vào Thanh Hoá.
Phạm Duy