Chương 24
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3386
Nghĩa nhơn mỏng nhánh
Như cánh chuồn chuồn......
CA DAO
Vùng trung du, sống về đêm
Tôi sống ở Chợ Đại-Cống Thần đã được gần hai tháng. Tôi gặp lại nhiều bạn cũ, có thêm nhiều bạn mới và có thêm một người tình nữa để soạn thêm một bản nhạc tình. Từ khi đi theo kháng chiến thấm thoát đã được ba năm, tôi soạn ra khá nhiều những bản nhạc hùng xưng tụng đầy đủ mọi tầng lớp nhân dân, từ anh Vệ quốc quân qua anh du kích tới người thương binh, từ bà mẹ già qua người vợ hiền tới đàn trẻ nhỏ... Tôi đã cố gắng nói lên những vinh quang của con người Việt Nam, tám mươi năm một thuở, được đem xương máu, mồ hôi và nước mắt ra để đánh đổi lấy tự do và độc lập cho đất nước. Tôi cũng không quên, dù chỉ là một con số quá ít ỏi, soạn ra hai bản nhạc tình. Tôi chịu đựng khá nhiều gian khổ của kháng chiến nhưng tôi cũng được nghỉ ngơi, ăn chơi thoả thích. Nhất là ở vùng Chợ Đại-Cống Thần này... Tôi rất vui.
Nhưng cuộc vui nào rồi cũng có lúc trở thành ra chán. Trong bản trường ca kháng chiến, đoạn nhạc phóng túng trong tôi đã réo lên những câu kết. Tôi đã bắt đầu thấy cảnh Chợ Đại-Cống Thần giống như những hợp âm chuệch choạc của một bản nhạc hào hùng. Tôi lại thèm được thay đổi không khí...
... Một hôm, tới quán Thăng Long, tôi gặp Trần Văn Giầu. Sau khi ôn lại chuyện kháng chiến Nam Bộ, anh ta lại đưa ra một câu hỏi ngắn ngủi giống như câu hỏi của Phạm Thanh Liêm trước đây :
-- Phạm Duy ''zô'' Nam không ?
-- Zô thì zô.
Thì ra cuộc đời của tôi cũng rất là giản dị. Bởi vì tôi muốn nó giản dị. Cho tới lúc này, cuộc Kháng Chiến đối với tôi đẹp đẽ vô cùng bởi vì tôi không bị ràng buộc vào bất cứ một tổ chức nào, một đoàn thể nào hay một cơ quan nào cả. Tôi hoàn toàn độc lập. Không ai bắt tôi phải sáng tác ra sao, phải sống với tác phong nào, phải đi tới đâu, phải ở lại đâu ? Tôi định đoạt lấy chương trình hoạt động của tôi, lối sống của tôi, miễn là những hoạt động hay lối sống đó không làm hại cho đại cuộc. Tôi rất thoải mái trong tình yêu nước, yêu người dân, yêu Cách Mạng, yêu Kháng Chiến và yêu... đàn bà. Không phải lúc nào tôi cũng nghiến răng lại để phục vụ tốt. Khi làm việc thì rất siêng năng. Khi vui chơi được thì cứ vui chơi cho tới khi chán chê thì thôi. Nói tóm lại, tôi tôn thờ hai chữ ''Tự Do''. Sự tự do của con người cũng quan trọng như sự tự do cho đất nước.
Sinh ra đời là đứa trẻ mồ côi cha, không được gần mẹ nhiều và được vú nuôi rất nuông chiều, tôi là một đứa bé có cái may mắn là không bị ai uốn nắn, bẻ cong hay hay bẻ thẳng ngay từ khi hãy còn thơ ấu. Tôi nhớ rằng mẹ tôi không bao giờ phải dạy tôi bằng roi hay bằng những câu trách mắng nào cả. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ là một đứa bé hư. Tôi chắc chắn chịu ảnh hưởng giáo dục của thiên nhiên, rung động bởi lẽ tạo hoá nhiều hơn là bị nhồi sọ bởi những bài học luân lý của con người.
Khi gần tới tuổi thanh niên và thấy người lớn trong gia đình có vẻ độc tài thì tôi bỏ nhà ra đi. Tôi tự lập thân. Sau nhiều phen phải bó mình trong những công việc mưu sinh, cuối cùng tôi lại có may mắn được làm một nghề rất tự do là nghề hát rong, rồi từ đó tôi là người chỉ thích bay bổng. Tôi đến với Cách Mạng và Kháng Chiến cũng với cái nết thích bay bổng đó. Giống như con chuồn chuồn... ... khi vui nó đậu khi buồn nó bay.
Nói đến con chuồn chuồn, sực nhớ ra chuyện cái tổ. Con chim nào thì cũng đều có tổ, hoặc ở trên những cành cây hay ở trên những mái nhà mà ai nhìn cũng thấy. Con ó, con diều còn làm tổ ở tận đỉnh núi đá. Con rắn, con chuột thì có tổ ở những nơi kín đáo nhưng nếu cần, ta vẫn có thể tìm ra cái tổ của nó. Con người, ngoài tổ ấm ra lại còn có cả tổ quốc nữa. Ngay cả đến con chấy, con rận mà cũng có tổ. Duy chỉ có con chuồn chuồn thì không ai biết cái tổ của nó ở đâu ? Nó mới thực là có tự do vậy.
Phạm Duy