Phạm Duy - Tiểu Sử Tự Viết - V) NHẠC PHẨM CUỐI ĐỜI
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 34987
Chỉ mục bài viết
Page 6 of 6
V) NHẠC PHẨM CUỐI ĐỜI
Để trả lời một câu hỏi của cụ Nguyễn Du:
Ba trăm năm lẻ mơ màng
Ai trong thiên hạ khóc chàng Tố Như ?
Tôi xin thưa:
Hai trăm năm lẻ qua rồi
Có tôi vinh dự hát lời Nguyễn Du...
Hôm nay, tôi có một hạnh phúc lớn là được gặp các bạn yêu nhạc ở đây để chúng ta cùng nhau "khấp Tố Như "...
Xuất thân là một người hát rong, vào lúc khởi đầu của một nền nhạc mới thường gọi là âm nhạc cải cách hay tân nhạc, tôi đã soạn ra những ca khúc lấy căn bản từ những điệu dân ca cổ truyền. Sau hơn nửa thế kỷ làm việc, tôi sung sướng được mọi người công nhận là một ca nhân đã viết ra và hát lên nhiều bài hát phản ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam và tâm tình Việt Nam, đồng thời là một nghệ sĩ lúc nào cũng muốn bảo tồn và phát huy nhạc điệu dân tộc.
Bây giờ là vào lúc cuối của đời tôi! Đã là người suốt đời xưng tụng dân ca Việt Nam, tôi muốn kết thúc sự nghiệp của mình bằng một tác phẩm vô cùng Việt Nam qua một số bài hát với đề tài là Truyện Kiều. Xin nói ngay: tôi không có đủ tài sức để phổ nhạc trên 3,000 câu thơ tuyệt vời của thi hào Nguyễn Du đâu ! Tôi chỉ xin được đưa ra bốn bức Minh Họa Truyện Kiều. Minh họa ở đây -- xin dịch là illustration -- có nghĩa là hiển dương, là làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn có của thi phẩm, là làm cho thơ có thêm mầu sắc, có thêm tầm vóc... Một ví dụ nhỏ là trong thơ, cụ Nguyễn Du chỉ có 6 chữ (hay 8 chữ) để tả cảnh hay tả tình như: Cỏ non xanh ngát chân trời hay Buồn trông cửa bể chiều hôm... thì bây giờ trong nhạc, tôi và con tôi là Duy Cường phải dùng giai điệu và hoà điệu để mô tả cái cánh đồng cỏ non của ngày Xuân ấy... hay tả nỗi buồn của Nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích...
Minh Họa Truyện Kiều của chúng tôi gồm có:
Prologue (Giáo Đầu) giới thiệu không gian, thời gian và nhân vật...
Phần Một: Kiều gặp Đạm Tiên, tức là gặp số phận mình, số phận của những người tài hoa bạc số...
Phần Hai: Kiều gặp Kim Trọng, nghĩa là gặp tình yêu, nhưng là tình yêu không trọn vẹn...
Phần Ba: Kiều gặp cảnh gia biến, phải bán mình chuộc tội cho cha, rồi gặp toàn người xấu, là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư v.v...
Phần Bốn: Kiều gặp người cứu tinh là Từ Hải... nhưng Từ Hải sẽ vì nàng mà phải chết đứng, cho nên...
Epilogue (Kết): Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đưng... Trong Đoạn Trường Tân Thanh, cụ Nguyễn Du cho Giác Duyên thuê ngư phủ kéo sẵn lưới để vớt sống Nàng Kiều, nhưng trong nhạc phẩm Minh Họa Kiều này, tôi có ý đặt câu hỏi: Ai là người sẽ cứu sống Nàng đây?
Về phần nhạc thuật, trong công việc đưa nhạc Việt Nam từ hình thức đơn điệu (monophonic) lên hình thức đa điệu (polyphonic) mà chúng tôi thử thách trong mười năm qua, bây giờ việc này mới tạm được coi như khá ổn thỏa. Đó là nhờ ở công phu của con tôi là Duy Cường trong hai năm qua, đã về Việt Nam để lấy mẫu (sampling) hầu hết các âm thanh của nhạc cụ dân tộc rồi áp dụng vào nhạc phẩm Minh Họa Kiều này... Duy Cường còn thu thanh vài giọng ngâm rất cổ để cho vào tác phẩm cùng với những âm sắc của nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu và trống phách... hoà vào âm thanh của các nhạc cụ Tây Phương. Làm công việc giao hưởng giữa lối ngâm xưa và lối hát bây giờ, giữa nhạc cụ cổ truyền và nhạc cụ tân thời, nhất là với khả năng phi thường của computer chúng tôi mời người nghe đi ngược dĩ vãng 200 năm rồi đi tới tương lai cũng 200 năm đang tới...
Minh Họa Truyện Kiều đã được tôi soạn xong hai phần rưỡi, nghĩa là từ đoạn Rằng Năm Gia Tĩnh Triều Minh cho tới đoạn Buồn Trông Cửa Bể Chiều Hôm.
Tôi mong rằng tôi có thể hoàn tất công trình cuối cùng của đời mình trong những ngày cuối đời, sau khi được về sống tại quê hương đất nước, sống giữa tình đồng bào càng ngày càng trở nên nhiều thiết tha và say đắm.
Phạm Duy
2007