Phạm Duy - Tiểu Sử Tự Viết - IV) 30 NĂM Ở NƯỚC NGOÀI
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 34990
Chỉ mục bài viết
Page 5 of 6
IV) 30 NĂM Ở NƯỚC NGOÀI
Trong cuộc đời rất dài và rất sống động của một ca nhân, thỉnh thoảng những băn khoăn siêu hình cứ lảng vảng len vào nhạc tôi một cách vô hại. Ngay từ khi tuổi chưa tới ba mươi, vừa mới soạn ra bài Bên Cầu Biên Giới (1947) khi tới Lao Kai và đứng tại ranh giới giữa hai nước Việt-Trung, tôi đã thấy trong lòng người cũng có một biên giới giữa tình yêu và hận thù, giữa hòa bình và chiến tranh mà ai cũng có thể vượt qua được, nhưng một người Việt Nam như tôi thì, than ôi, chưa vượt được.
Thế rồi dù nhạc tôi rất chú trọng tới sự phản ánh cuộc đời trước mặt bằng những bài ca hiện thực, nhưng những bài hát siêu hình cứ thỉnh thoảng lại được thốt ra như Lữ Hành, Dạ Lai Hương, Xuân Ca, Xuân Hành, Dạ Hành, Một Bàn Tay, Những Bàn Chân, Mộng Du, Nhạc Tuổi Vàng, Chiều Về Trên Sông, Đường Chiều Lá Rụng, Nước Mắt Rơi, Tạ Ơn Đời, Những Gì Sẽ Đem Theo Về Cõi Chết...
Đạo Ca
Tới khi (1972) tôi gặp một thi sĩ kiêm tu sĩ là Phạm Thiên Thư thì tôi đem thơ của anh ra để soạn thành 10 BÀI ĐẠO CA gồm những bài Pháp Thân, Đại Nguyện, Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng, Quán Thế Âm, Một Cành Mai, Lời Ru Bú Mớm Nâng Niu, Qua Suối Mây Hồng, Giọt Chuông Cam Lộ, Chắp Tay Hoa, Tâm Xuân...
Đạo Ca mà chúng tôi đưa ra lúc đó (có cái tên dài dòng hơn là Đạo Ca Giữa Thành Vách Sương Mù) không phải là những bài ca tôn giáo mà là những con đường để giúp chúng ta đi tìm sự thực, giống như chàng dũng sĩ cưỡi con ngựa vàng đi tìm người yêu muôn thuở. Tìm hoài suốt năm tháng mà không thấy người tình nhưng khi xuống ngựa qua cầu thì con ngựa bỗng đâu biến thành người yêu mà chàng dũng sĩ mất công đi tìm. Thì ra nhiều khi chúng ta cưỡi lên sự thực mà không biết !
Rong Ca
1988, theo rõi tình hình thế giới với cuộc chiến tranh lạnh đã dứt, tình hình chính trị ở Đông Âu bắt đầu thay đổi, tôi thấy rồi nước tôi cũng sẽ đổi thay, tôi có nhiều cơ may để hồi hương rồi...
...Rồi tôi còn nhìn ra là chỉ còn 12 năm nữa là tới thế kỷ thứ 21. Một vài chuyện nữa xẩy ra, chẳng hạn tôi nhìn thấy rõ ràng là nhị-thế (second generation) của người Việt Nam sống tại hải ngoại -- đặc biệt là ở Hoa Kỳ -- tức là lớp tuổi hai mươi, đã quay lưng lại nhạc Việt; chẳng hạn tôi gặp lại một, hai người tình cũ nhắc nhở tôi về những ngày xanh xa xưa... tất cả đã khiến tôi quyết định soạn thêm nhạc cho những năm 2000. Tôi lại làm công việc soạn cho đủ 10 bài để thành một thứ chương khúc khác, bây giờ được gọi là 10 BÀI RONG CA hay là Hát Cho Năm 2000...
Với những bài rong ca, tôi đưa ra :
1. Người Tình Già Trên Ðầu Non đã lên non rồi, nay tái hạ sơn hay tái nhập thế.
2. Hẹn Em Năm 2000 sẽ trở về quê hương.
3. Mộ Phần Thế Kỷ : theo người phu đi nhặt xác thời qua để chôn dưới mộ, với hy vọng những hoa cỏ tốt tươi sẽ mọc lên trong bách niên tới.
4. Ngụ Ngôn Mùa Xuân giải hoá các chuyện mù, câm, điếc hay giả mù, giả câm, giả điếc trong thế kỷ qua.
5. Mẹ Năm 2000 đặt vấn đề nuôi dạy các bà Mẹ Việt Nam tương lai cho thế kỷ mới.
6. Nắng Chiều Rực Rỡ dành chút nắng chiều của đời mình trong buổi hoàng hôn của thế kỷ cho cuộc tình mới hoá sinh.
Ba bài kế tiếp là triết ca gồm :
7. Nghìn Thu hay Vô Hư mang hương vị Thiền và Dịch.
8. Ngựa Hồng là Khổng-Lão.
9. Trăng Già là Trang.
10. Rong Khúc đã kết thúc loạt thế kỷ ca hay hát cho năm 2000.
Thiền Ca
Khi tôi khởi sự chuyển hướng sáng tác, tạm rời xa nhạc xã hội và nhạc tình cảm để chú tâm tới nhạc tâm linh thì, như mọi người đã biết, tôi đã nhờ anh bạn thơ cựu-tu sĩ Phạm Thiên Thư dẫn đường cho tôi (nói như Georges Etienne Gauthier) đi tìm ánh sáng.
Tuy nhiên, Đạo Ca nói lên sự vất vả của dũng sĩ phóng ngựa đi tìm đường sự thật hay nói lên thống khổ của một bà mẹ mất con... là vẫn còn nằm trong vòng tục lụy. Nhạc điệu, lời thơ còn đánh vào tình cảm hay lý trí con người.
Thiền ca thì khác. Nó không gợi cảm, không gợi nhớ. Nó không còn làm cho người nghe vui buồn, thương hận. Nó chủ yếu làm cho cái tâm chuyên chú vào một cảnh giới hay một sự kiện nào đó. Nó nhắm vào việc đưa con người từ cõi phiền não cũ kỹ tới những cảnh sắc tươi sáng, mới mẻ. Những cái thường tình như vui khổ, giầu nghèo, mê ngộ, thiện ác được siêu việt hết, đều trở thành vô thường. Thiền ca giúp người nghe biểu dương sự sống, làm chủ ý muốn của mình. Nó nhất định không khuyến khích người nghe đi vào cõi quên. Thiền trong mười bài thiền ca là thiền mở mắt.
Tôi muốn chú thích từng bài trong loạt Hát Trên Đường Về này như sau :
* Bài số 1 Thinh Không, Nội dung : mở ra 10 khúc thiền ca. Nhạc tính : Nhạc bình minh, như lúc khởi đầu của cõi sinh. Là khoảng không vắng lặng rồi thành khoảng có, với những dòng âm thanh đan vào nhau. Nhạc tưng bừng nhưng không ồn ào. Tiếng hát rất lẻ loi không nhạc đệm sẽ được những đoạn đối âm rộn rã đi theo. Cuối cùng, sau ầm ỳ sấm sét là tiếng côn trùng. Phật tính : chân không, diệu hữu chung cùng.
* Bài số 2 Võng, Tôi chú trọng tới con số 2 là vì nhịp võng là nhịp hai, không thể là nhịp ba hay nhịp năm được. Nội dung : Đời tung ta đi, từ hai thái cực trắng đen, xấu tốt. Ta đong đưa theo đời nhưng ta vẫn nằm im. Ta vẫn là đời. Ta vẫn là ta... Nhạc tính : Nhạc buổi trưa. Nồng ấm. Đong đưa nhưng cũng có gật gù. Sinh động mà bất động. Phật tính : pháp thân biến hiện - chu pháp biến giới = cùng khắp vũ trụ.
* Bài số 3 Thế Thôi, Con số 3 vì ba hình dáng của cuộc đời là cái đẹp, tình ái, nước mắt đều nhắc lại ba lần. Nhạc tính : Nhạc xế trưa, nắng quái. Khẳng định, như kiềng ba chân. Nét nhạc chỉ dùng ba âm: tonique, quinte & quarte, ba nốt chính của một cung âm. Phật tính : bản lai như thị = xưa nay như vậy.
* Bài số 4 Không Tên, Con số 4 là bốn phương, bốn bể. Nội dung : không tên là vô danh, không háo danh, khước từ danh vọng. Nhạc tính : Nhạc nửa đêm. Hương thơm âm thầm toả ra với giai điệu ngọt ngào và với âm sắc có nhiều vang vọng. Rồi nghe thấy bước đi của hương, bước đi của suối trong các đoạn solo đầu và giữa. Hết bài bằng đoạn CODA, diễn tả làn dư hương. Phật tính : chu viên thanh tịnh vô nhiễm = phật tính ẩn tàng trong mỗi chúng sinh - vọng tâm huyễn hoá - trí tuệ như hải.
* Bài số 5 Xuân, Con số 5 : ngũ uẩn, năm tháng. Nội dung : tương tự giác, thời phần giác chưa phải là viên giác. Nhạc tính : Nhạc ban ngày, mở đầu là những nét roi, nhát chém của cuộc đời. Rồi là những lời vãn ca. Kết thúc là sự giác ngộ và sự yêu nhau của cõi sinh. Phật tính : ngũ uẩn.
* Bài số 6 Chiều, Con số 6 là sáu thức ở trên đời: đi, về, lên, xuống, vào, ra. Nội dung : có mà không có. Nhạc tính : Nhạc chiều, nhạc đi tìm. Tìm trong sa mạc với nhạc điệu có vẻ Ả rập. Phật ý : chân lý hiển nhiên không cần nắm bắt.
* Bài số 7 Người Tình, Con số 7 : Bẩy mươi tuổi. Nội dung : tình trọn vẹn. Nhạc tính : Nhạc ban đêm, mời mọc. Phật tính : tình vô ngã mới là đại ngã.
* Bài số 8 Răn. Con số 8 : tám điều răn. Nội dung : Sống đầy đặn. Nhạc tính : Nhạc cười, nụ cười an nhiên (không phải là cười sằng sặc). Phật tính : vô chấp - hành xả = làm và bỏ.
* Bài số 9 Thiên Đường Địa Ngục, Con số 9 : cửu trùng. Nội dung : Đường lên Thiên đường hay xuống điạ ngục đều khó đi, vất vả cho nên giáo đầu của bài này rất dài. Hình ảnh cô gái lõa thể đứng bên Thượng Đế không nhảm đâu ! Thượng Đế sinh ta ra, ta rất ư trần truồng. Trở về với Trời Đất, ta nên cởi bỏ hết để trở về với trinh nguyên. Ai cũng có tội (tội gốc) cho nên đốt tội đi, tội sẽ làm rực sáng cõi âm ty. Nhạc tính : Nhạc có kịch tính (theatrical). Mở đầu là nhạc đám, không biết đó là đám sống hay đám chết... Phật tính : phiền não tức bồ đề.
* Bài số 10 Nhân Quả, Con số 10 : con số tròn đầy. Nhạc tính : Nhạc điệu cho thấy một ngôi Chùa Lớn, xây trong lòng người. Nhạc tròn trĩnh, nhịp ba là đúng nhất. Như một berceuse, bài hát ru, ru đời, ru người, ru mình. Phật tính : nhân quả. Chưa tròn nhân quả có hai nghĩa: răn đe (warning) hay chấp nhận (thiền).
Trường Ca HÀN MẶC TỬ
Trường ca Hàn Mặc Tử được bố cục với ba phần mang tựa đề như sau : Tình quê, Trăng sao, Ave Maria. Mỗi phần gồm có ba phân khúc nhạc được hình thành là phổ từ một bài thơ Hàn Mặc Tử, hoặc phổ từ tập hợp một số trích đoạn thơ, có khi lại chỉ là phổ nhạc một trích đoạn trong một bài thơ thôi.
Phần Tình Quê
* Tình Quê có nhạc mở đầu bằng những âm thanh ngân nga trong nhịp điệu êm ả nhưng rất lãng mạn. Chất nhạc đã được kỹ thuật hòa âm làm bật lên tính cách đặc trưng của nhạc chiều –sérénade -- quen thuộc trong nhạc cổ điển Tây phương.
* Đây Thôn Vĩ Giạ. Nhạc mở đầu gợi tả một không gian u tịch, vắng lặng như những buổi hoàng hôn nơi đồng quê những thuở thanh bình : tiếng côn trùng kêu vẳng, hoàng hôn uốn lượn xa vắng như tiếng phi lao rì rào trong gió, như tiếng gió thì thầm lúc chiều tà. Không gian âm nhạc thật không còn gì trữ tình hơn.
* Đà Lạt Trăng Mờ. Phần nhạc dạo tạo ngay cảm tưởng về một sự thiêng liêng huyền nhiệm của không gian qua cảm nhận của nhà thơ. Nhạc đề của phân khúc là nỗi đắm say trong tiếng gọi ảo huyền của cái Đẹp mà nhà thơ đã cảm thán rằng phút thiêng liêng đã khởi đầu. Đã thoáng hiện những băn khoăn, khắc khoải khi tiếng nhạc vút lên niềm u uẩn vang ngân rồi hiện rõ giọng rền như tiếng chuông gọi hồn vừa u uất rền rĩ như nỗi đơn côi của người nghệ sĩ.
Phần Trăng sao
* Trăng sao rớt rụng là đoạn tán thán về sự mầu nhiệm của ánh trăng. Tính cách của âm nhạc là tính cách thánh ca, nhưng đối tượng của lời tán thán không là hình tượng siêu nhiên mà chỉ là ánh trăng. Nhà thơ bị trăng mê hoặc và tắm đẫm hồn mình trong ánh trăng.
* Hồn là ai mở đầu bằng tiếng sáo Mèo rền ma quái để rồi sẽ đeo đẳng mãi suốt phân khúc. Người nghệ sĩ vừa thoát hồn để dẫn hồn mình đi suốt một đêm qua những biến điệu đầy kịch tính: Lúc thì cười như điên sặc sụa cả mùi trăng, lúc thì cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình, lúc thì dìm nhau xuống một vũng trăng êm, lúc thì lặng yên trong thổn thức, lúc thì bay lên cho tới một hành tinh.
* Trút linh hồn có thể xem như một thoái trào của đợt sóng hình tượng âm nhạc trong phần II. Ba biến điệu nối tiếp nhau nặng nề như cảnh tha ma mộ địa lẫn khuất tiếng sáo Mèo nghẹn ngào như tiếng cú đêm khuya. Hình tượng âm nhạc cũng dàn trải như khoảng trống mênh mông của không gian tịch lặng. Nhạc đi êm nhẹ mà sao vương vấn nỗi thê lương. Lời thì thầm của nhà thơ là lời bộc bạch về tâm tình ông dành cho cuộc đời thân mến.
Phần Ave Maria
* Lạy Bà là đấng tinh truyền thánh vẹn, Nhạc bắt đầu bằng đoạn hợp xướng nghiêm trang, thánh thiện. Toát ra toàn thể phân khúc là vẻ đẹp thuần khiết của hình tượng người nữ trong nghệ thuật muôn đời. Nhà thơ cũng như người nhạc sĩ đều rung động nồng nàn trước vẻ Đẹp nguyên mẫu đó. Trong thế giới nguyên vẹn tinh tuyền chỉ còn sự yêu thương, sự yên nghỉ. Không còn những dằn xóc của những hệ lụy của cuộc đời dưới thế.
* Hỡi sứ thần thiên chúa Gabriel là lời cảm thán về hình tượng thiên thần bằng một biến điệu khác: Kỹ thuật nội tỉnh như trong kinh cầu nguyện. Tiếng hát an nhiên của Thái Hiền và Thái Thảo toát ra vẻ thanh thoát cần thiết của hình tượng âm nhạc. Tiếng hát vẳng nhẹ như lời thì thầm của người con khi ngỏ lời yêu thương với Mẹ, như người nghệ sĩ ngây ngất trước vẻ đẹp mong manh như gió, như sương huyền diệu, bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.
* Phượng Trì, Phượng Trì láy trở lại hành âm của phân khúc một để viên mãn một chu trình. Bốn câu thơ đã ngân vang âm hưởng của lời tán tụng vẻ Đẹp thánh thiện của nàng thơ. Nghệ thuật diễn xướng ở phân khúc này đã không ngừng lại ở nghệ thuật đồng ca cổ điển mà đã kết hợp với nghệ thuật diễn xướng dân ca : hát đuổi, hát đối. Hình tượng âm nhạc toát ra tính cách trữ tình, rất người mà vẫn trong suốt như vẻ đẹp thiên thần.
* * * * * *