Blog Gác Xép: "Trả mo cây cau..."
- Chi tiết
- Gác Xép
- Lượt xem: 4842
Tuesday, January 29, 2013
"... Ông Trăng trả vợ đàn ông trả chồng cô gái trả trái cây cà. Trả hoa cây bưởi trả lưỡi cần câu trả tầu cho ngựa. Trả nhựa cành sung trả vung nồi chõ trả mõ ông Thánh. Trả lính nhà Vua trả chùa cho Bụt trả bút học trò. Trả mo cây cau, trả mo cây cau ... "
Tôi không biết tôi đã bắt đầu nghe nhạc từ lúc nào. Nhưng hôm nay ở hãng làm, tôi nhớ lại tuổi thơ của tôi. Và tôi đã nghêu ngao những câu hát của ông. Đó là những câu hát, những nốt nhạc vỡ lòng.
Vỡ lòng âm nhạc Việt Nam được bắt đầu bằng những tác phẩm của nhạc sĩ họ Phạm.
Khẳng định một điều, và chắc như đinh đóng cột: Phạm Duy - bố già của nền tân nhạc Việt Nam. Âm nhạc của ông làm cho chúng ta điên đảo. Và khiến chúng ta nghiện. Nghiện thực sự. Thử nghe câu này: "thương em từ thuở, mẹ về là về với cha...". Viết tình yêu tán gái đến cỡ đó thì thiên hạ vô địch, và như một thằng bạn mình nói, nhạc của ông làm cho người nghe lên bờ xuống ruộng, thậm chí đôi khi phải nổi điên lên cũng chẳng ngoa ngôn.
Cái đồ sộ trong gia sản âm nhạc của Phạm Duy để lại không phải là lượng ca khúc 1000 bài, 1 vạn bài hoặc trăm ngàn bài vô số kể. Mà chính là cảm thức âm nhạc Việt Nam được ông thẩm thấu rồi chắt lọc thành những cái bình dị để dạy cho người nghe. Nhạc của ông không tru tréo nhưng vẫn thấy thê lương. Chỉ một tiếng à ơi thôi, mà lòng nghe tím ngắt. Đến thắt cả ruột. Việt Nam Duy nhất Phạm!
Sống già gần trọn một thế kỷ, ông dư sức vượt qua những nỗi niềm của cõi thị phi. Những chuyện riêng tư của ông mà người nghe, do yếu bóng vía - phải hoảng hồn, huống chi người trong cuộc. Nhưng, với ông trước hết là một tay chịu-chơi-có-cuộc-sống-giang-hồ, chỉ cần một thoáng nhẹ phảy tay là dễ cho bay đi. Và thứ hai là một nghệ sĩ thừa khả năng trước những dự cảm nên ông dễ dàng đạp lên trên những chuyện mà đời thường xem đó là quá ư to tát.
Kiếm một nửa như ông cũng là khó, huống hồ chi sống trọn vẹn được như ông: một nghệ sĩ, tay chịu chơi, và cũng là kẻ phóng dật biết sợ sống chết như biết bao người. Ba trong một. Hiếm vô cùng.
Nay ông đã dứt áo ra đi. Trả lại mo cau, trút hết cho người những mớ nợ đời, rồi nhẹ nhàng ngã vào lòng người đẹp Tô Châu ở bên bờ của dòng Danube.
Đời của ông không mảy may một chút ngập ngừng, không màu mè và chẳng một chút phân vân giữa hai bờ lựa chọn như lời ca khúc Bên Cầu Biên Giới mà ông đã từng viết.
Thật trọn vẹn. Đời của ông thiệt Đẹp.
Rest in Peace, Sir!
Gác Xép
Nguồn: http://nguyenthienthanh-gcxp.blogspot.com/2013/01/tra-mo-cay-cau.html