Ca sĩ Đức Tuấn: "Nhạc ông không hề già, không hề cũ"
- Chi tiết
- Hồng Hạnh
- Lượt xem: 4865
TTO - Là một trong số hiếm hoi ca sĩ trẻ hát nhạc Phạm Duy và có mối “duyên” với ông từ khi nhạc sĩ trở về Việt Nam đến lúc qua đời, ca sĩ Đức Tuấn có nhiều tâm tình để chia sẻ với khán giả về người nhạc sĩ tài hoa này.
* Từ khi nào anh biết đến âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy?
- Câu chuyện của tôi với ông bắt đầu từ câu hát mẹ ru. Hồi nhỏ tôi còn nhớ như in từng giai điệu ngọt ngào mà mẹ hát ru tôi: “Trèo lên, lên trèo lên, trèo lên, lên trèo lên, lên cây bưởi hái hoa…”.
Từ những bước đi chập chững đầu đời tôi đã thuộc lòng bài hát đó của ông. Lớn lên một chút bố mẹ dạy tôi hát Ngậm ngùi. Tôi hát mà… ngậm ngùi thật vì không hiểu gì hết, nhưng vẫn thích. Giai điệu sao mà gần đến vậy. Tôi cũng nhớ tôi đã tập hát Ông trăng xuống chơi phần ngược lại sao cho thật nhanh mà không nhầm, không líu lưỡi. Tôi đã thành công!
* Ca từ trong âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy (phần nhiều phổ thơ) không dễ dàng gì cho một em bé cảm nhận… Anh đã làm thế nào để “thấu” được ý nghĩa?
- Năm 10 tuổi, tôi đã đủ lớn để tự tìm hiểu về nhạc của ông. Tôi lục lọi trong những băng cátxét cũ của bố mẹ để nghe rồi chết mê chết mệt với giai điệu “Tôi yêu tiếng nước tôi…”. Lúc đó tôi nghe đi nghe lại, lấy giấy ghi ra từng lời để hát theo và học thuộc. Tôi phải chạy đi hỏi mẹ một câu hát mà tôi không hiểu gì hết nên không biết viết lại thế nào cho đúng: “Dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn” thật quá khả năng nắm bắt của một cậu bé lớp 5. Những ngôn từ quá đẹp, quá Việt Nam. Rồi tôi hát thêm “Nàng có ba người anh…”.
Tôi hát vô thức, tôi hát vì tôi yêu dù đó là tình yêu trẻ thơ, tôi hát mà không biết đó là định mệnh của đời mình. Thú thật, lúc đó tôi cũng không nghĩ nhiều về ông, tôi chỉ biết có một ông nhạc sĩ tên Phạm Duy mà bố mẹ kể ở đâu đó xa lắm, lớn tuổi lắm, và chắc cũng không bao giờ gặp mặt. Vậy mà suốt thời gian từ bé tới lúc trưởng thành tôi lại thuộc nhiều bài của ông nhất. Cấp II đã nghêu ngao Nghìn trùng xa cách, Nha Trang ngày về...
* Ấn tượng lần đầu tiên anh gặp nhạc sĩ Phạm Duy?
- Năm 2005, tôi may mắn biết tin ông về nước và nhiều ca khúc của ông được chính thức phát hành lại. Những tình cảm mãnh liệt thời trẻ đã thôi thúc tôi quyết tâm phải gặp được ông. Và tôi đã làm được. Tôi nhớ lần đầu đi gặp ông trong một căn phòng tại khách sạn Star trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tôi hồi hộp, háo hức, lo lắng, thấy mình sao quá nhỏ bé trước một cây đại thụ tân nhạc Việt Nam. Thế nhưng ông đã xua tan những lo lắng trong tôi. Ông ân cần tiếp chuyện, lắng nghe một cậu bé mà ông hoàn toàn không biết là ai. Tôi bắt đầu thực sự yêu thương và kính trọng ông. Rồi ông dẫn tôi đi thăm ngôi nhà trên đường Lê Đại Hành, lúc đó còn đang sửa. Tôi lắng nghe ông kể về cuộc đời, về âm nhạc, về những mong ước của ông khi về nước những năm cuối đời. Kể từ lúc đó tôi biết mình sẽ gắn bó với âm nhạc Phạm Duy.Gần tám năm qua kể từ buổi gặp mặt hôm đó, ông và âm nhạc của ông đã ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách cuộc sống và công việc của tôi.
* Suốt tám năm đồng hành cùng ông, kỷ niệm nào đọng lại trong anh sâu sắc nhất?
- Tôi trân trọng từng phút giây ngồi nghe ông kể chuyện đời ông, kể về những sáng tác của ông. Thương lắm cái dáng ông lọ mọ tìm từng cái USB gắn vào máy tính để chỉ cho tôi từng tấm ảnh, từng gương mặt, từng mối tình cũ, mở cho tôi nghe những bài hát hầu như chưa ai biết. Cứ tìm lại được cái gì là lạ ông lại gọi tôi đến để khoe, để “giao nhiệm vụ”.
Tám năm, tôi được một niềm hân hạnh rất lớn là được cùng ông đi khắp mọi miền đất nước để được hát trong hầu như tất cả các chương trình của ông, cùng ông di chuyển, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chia sẻ hạnh phúc với khán giả khi được nghe lại những sáng tác của ông.
Tám năm mà hầu như ngày nào tôi cũng hát bài hát của ông. Tôi còn giữ như báu vật mấy chục ca khúc tôi thu demo cho ông xin phép. Đơn sơ, mộc mạc lắm. Tôi nhớ live show đầu tiên của ông, tôi thuyết phục mãi mới được tin tưởng giao cho trình bày ca khúc mà ông yêu mến nhất: Tình ca. Hạnh phúc như điên. Đâu có ngờ rằng tôi đã hát và sẽ hát ca khúc đó hàng ngàn lần, khắp nơi, trong nước và nước ngoài, cho khán giả Việt và thuyết phục cả khán giả quốc tế.
Rồi cảm xúc vỡ òa khi tôi bật khóc khi hát Áo anh sứt chỉ đường tà, khán giả cũng khóc.
* Là một ca sĩ rất trẻ trong số các ca sĩ thành danh với nhạc Phạm Duy, có khi nào anh thấy rằng anh đã cố gắng làm mình “già đi” để phù hợp với dòng nhạc này?
- Tám năm tôi hát nhạc của ông khắp nơi cho tất cả các đối tượng người nghe.
Nhạc ông không hề già, không hề cũ. Các bạn học sinh vẫn còn ngỡ ngàng rồi thích thú đón nhận những giai điệu rất học trò trong Ngày xưa Hoàng Thị, Con đường tình ta đi… Các bạn sinh viên mới biết yêu đã gào thét hết cỡ khi nghe Tình hờ. Âm nhạc của ông kỳ diệu lắm. Ông đọc những dòng “comment” các bạn 8X, 9X gửi về từ khắp nơi. Mê say, đắm đuối.
Ông vắng mặt quá lâu, 30 năm, một lớp khán giả trẻ đã quá thiệt thòi khi không biết đến những ca khúc mang giá trị âm nhạc của ông. Tôi thấy mình phải chạy đua với thời gian để bù lại khoảng thời gian đó. Ông biết khó, tôi cũng biết khó. Chính tôi tìm mọi cách đến tận nơi để hát cho mọi tầng lớp khán giả nghe. Có lúc cố gắng mà không được nhưng ông an ủi tôi, và tôi cũng an ủi ông. Chính niềm tin và tình yêu của ông đặt nơi tôi khiến tôi thêm quyết tâm.
Ông giúp tôi thể hiện âm nhạc của ông đúng cảm xúc hơn, bạo dạn hơn, mới mẻ hơn rất nhiều. Ông cũng là người đứng bên cạnh cho tôi thêm niềm tin để sáng tạo.
* Anh đang ở Cannes khi nhận tin nhạc sĩ Phạm Duy mất… Trong khoảnh khắc ấy anh đã nghĩ gì?
- Tôi nghĩ trong nước mắt rằng ông không bao giờ chịu gặp tôi nữa. Đã gần sáng tại thành phố Cannes xa xôi, nơi tôi đang tìm cách đưa âm nhạc của ông ra bên ngoài thế giới, tôi vẫn không sao ngủ được khi biết lúc về sẽ không gặp ông được nữa…
Tôi buồn vì không được ôm ông nữa, không được nghe ông trò chuyện nữa, nhưng tôi mừng vì ông thoát khỏi những đau đớn cuối đời để thanh thản ra đi sau khi đã cống hiến một cuộc đời trọn vẹn. Dường như ông vẫn còn đó. Ông vẫn đang nhìn thấy các anh chị và cả các em ca sĩ đã hát nhạc của ông nhiều lắm, không còn dè dặt như lúc ông mới về. Khán giả trẻ cũng đón nhận rất nồng nhiệt và ngày càng cuồng nhiệt. Và chắc chắn tôi sẽ không bao giờ ngừng trình bày các tuyệt phẩm của ông.
HỒNG HẠNH thực hiện
Nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/532101/ca-si-duc-tuan--nhac-ong-khong-he-gia-khong-he-cu.html