Phỏng vấn Tuấn Ngọc ở Sài Gòn 5/2011
- Chi tiết
- Ban Biên Tập
- Lượt xem: 4894
Tuấn Ngọcsinh năm 1948 trong một gia đình nghệ sĩ. Cha của Tuấn Ngọc là nghệ sĩ Lữ Liên, thành viên ban nhạc hài ATV. Các anh chị em của Tuấn Ngọc đều là những ca sĩ tên tuổi: Bích Chiêu, Anh Tú, Khánh Hà.
- Từ cái tên Lữ Anh Tuấn, điều gì khiến anh quyết định đổi thành Tuấn Ngọc?
- Tôi sinh ra ở thành phố Đà Lạt và hát trên đài phát thanh Đà Lạt với tên thật của tôi từ năm 4 tuổi. Năm 6 tuổi, gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn. Lúc đó Sài Gòn có một diễn viên kịch tên là Anh Tuấn nên bố tôi quyết định đặt cho tôi nghệ danh Tuấn Ngọc. Tôi cám ơn bố về điều này. Cái tên Tuấn Ngọc đã theo tôi hơn 50 năm nay và tôi rất yêu thích nó.
- 4 tuổi bắt đầu đi hát, 13 tuổi theo chân các nghệ sĩ biểu diễn ở những câu lạc bộ, việc vào nghề quá sớm khiến anh thấy mình được - mất những gì?
- Đối với tôi, hát là hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ thấy mất mát hay thiếu thốn gì cả. Ngược lại, tôi còn thấy mình quá may mắn. Nếu có phép màu quay ngược thời gian, trở về điểm xuất phát, chắc tôi vẫn chọn ca hát. Tôi chẳng thích làm gì ngoài nghề này.
- Cuối những năm 1960, anh nổi tiếng với những ca khúc tiếng Anh nhưng khi sang Mỹ, anh lại chuyển sang hát nhạc phẩm trữ tình. Vì đâu anh có lựa chọn này?
- Hồi tôi còn trẻ, kỹ thuật hòa âm, phối khí của nhạc Việt Nam rất kém nên tôi chọn nhạc Mỹ. Khi sang Mỹ tôi lại quay trở về nhạc Việt Nam vì lúc ấy, âm nhạc Việt Nam đã tiến xa. Dù sao, tôi cũng là một người Việt Nam.
- Những bài hát anh thể hiện chủ yếu là về thân phận tình yêu, thân phận con người. Khi tuổi đời ngày càng nhiều, sự trải nghiệm ngày càng dày, cách hát của anh biến chuyển thế nào?
- Lẽ dĩ nhiên, cảm xúc của một cậu bé phải thay đổi ít nhiều khi trở thành một thanh niên, rồi là một người đàn ông từng trải. Mặc dầu cảm xúc là thứ rất cần thiết cho một nghệ sĩ ở bất cứ độ tuổi nào, vẫn cần đặt nó đúng chỗ và hợp lý. Tình cảm của tôi bây giờ chín chắn hơn hồi trẻ, kỹ thuật hát cũng vậy. Có điều, người ca sĩ rất cần đầu óc thẩm mỹ để diễn tả bài hát của mình.
Với giọng ca và cách diễn tả đặc biệt, anh nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như sự hâm mộ của công chúng yêu nhạc. Những nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng... nhận xét rằng giọng ca Tuấn Ngọc rất thích hợp với những sáng tác của họ. Trịnh Công Sơn cũng xem Tuấn Ngọc là giọng ca nam hát những nhạc phẩm của ông thành công nhất.
- Điều gì khiến anh luôn trung thành với dòng nhạc này?
- Đây là dòng nhạc mà tôi đã nghe suốt cuộc đời tôi, từ khi tôi ý thức được thế nào là nhạc. Theo tôi, một bài hát hay phải có giá trị cao về nhạc và lời hát, chạm đến tâm hồn người nghe. Nhạc tình của người Việt phần lớn buồn nhiều hơn vui. Tôi chỉ cố gắng diễn tả lại một cách trung thực ý nghĩa của bài hát. Dĩ nhiên là tôi không thích buồn đâu, nhất là ở tuổi tôi bây giờ.
- Được xem như tượng đài của nền tân nhạc Việt Nam, xây dựng lên cả một trường phái làm ảnh hưởng tới không ít ca sĩ như Nguyên Khang, Trần Thái Hòa, Quang Dũng, Xuân Phú..., anh đánh giá thế nào về những gì mình đã làm?
- Trong mọi lĩnh vực hoạt động, kể cả nghệ thuật, chẳng có ai không chịu ảnh hưởng ít nhiều của những người đi trước. Nếu điều này không xảy ra với tôi thì cũng sẽ đến với một nghệ sĩ khác. Riêng cá nhân tôi, mỗi ngày tôi vẫn phải tự tìm kiếm và học hỏi về âm nhạc. Càng học lại thấy mình cần phải học nhiều hơn nữa - thành ra tôi chẳng muốn đánh giá gì về tôi cả. Tôi chỉ là kẻ may mắn mà thôi.
- Tuấn Ngọc thường hát một mình và cảm giác khi anh hát một mình, sự diễn tả cũng như giọng hát của anh điêu luyện hơn, làm khán giả say hơn. Lần này về nước tham gia chương trình Không gian âm nhạc, anh chuẩn bị thế nào cho sự kết hợp với giọng ca Nguyên Thảo?
- Tôi và Nguyên Thảo sẽ song ca cùng nhau trong đêm nhạc "Cỏ hồng" diễn ra tối 28-29/5 ở Hà Nội. Tôi thực sự chưa hát cùng cô ấy bao giờ và điều mà tôi đang chờ đợi chính là phần biên tập âm nhạc sẽ sắp xếp tôi và Thảo trong một không gian âm nhạc như thế nào. Điểm chung duy nhất giữa tôi và Thảo là cùng sinh ra ở thành phố sương mù, nên hy vọng sẽ dễ tìm được tiếng nói chung. Tất nhiên là chương trình nào cũng cần một thời gian tập luyện nghiêm túc để chuẩn bị cho ngày trình diễn. Cả hai chúng tôi cùng ban nhạc sẽ phải nỗ lực hết mình để có thể mang tới cho khán giả những gì mà họ đang mong đợi.
Tuấn Ngọc bén duyên với Thái Thảo khi gặp nhau tại một phòng trà vào năm 1991. Từng có tin đồn hai người chia tay nhưng Tuấn Ngọc cho biết, tình cảm của anh và vợ rất bền vững.
- Ngoài hát, anh còn là MC khá duyên trong các chương trình của mình. Với "Cỏ hồng", anh có định gây bất ngờ cho khán giả Hà Nội bằng điều này không?
- Tôi làm MC chỉ vì hoàn cảnh thôi. Tôi không nghĩ mình là một MC duyên dáng - lý do là tôi chỉ nói khi tôi thích nói, và im khi thích im. Bởi vậy mà tôi đi hát. Tôi mong rằng trong hai đêm trình diễn ở Hà Nội sắp tới, tôi và khán giả sẽ đến với nhau trong một không gian thân mật và ấm cúng. Và tôi sẽ hát với tất cả khả năng của tôi, bằng những bài hát đã mang tôi đến gần họ. Chỉ vậy thôi.
- Trước "Cỏ hồng" ở Hà Nội, anh có hai đêm nhạc ở TP HCM. Vì sao vợ anh - ca sĩ Thái Thảo - không về nước tham dự những hoạt động này?
- Vợ tôi cũng rất muốn nhưng cô ấy đang bận việc gia đình. Dù không có mặt Thái Thảo, tôi vẫn có cảm giác cô ấy luôn ở bên cạnh động viên mình. Khi trở về nhà, tôi sẽ kể với cô ấy về những đêm nhạc đáng nhớ tôi đã có ở Việt Nam - đó sẽ là một trong những kỷ niệm lớn của chúng tôi.
- Hàng triệu người phụ nữ say mê anh, làm sao anh vẫn giữ mãi được tình yêu với một người?
- Tôi không biết có hàng triệu phụ nữ say mê tôi thật hay không, vấn đề là tôi lấy vợ để giữ chứ không phải để thay đổi. Câu hỏi này làm tôi nhớ đến cố tài tử người Mỹ Paul Newman. Khi gặp tình huống tương tự, ông ấy đã nói nguyên văn như sau: "Why fool around with hamburger when you have steak at home?" (*).
- Để có một Tuấn Ngọc danh tiếng, vợ anh phải hy sinh rất nhiều sự nghiệp của mình. Anh thấy cô ấy đã hậu thuẫn gì cho mình?
- Anh Trịnh Công Sơn đã nói, anh chỉ là một kẻ hát rong. Tôi nghĩ tất cả ca sĩ đều là những kẻ hát rong. Đối với tôi, trong cuộc đời này, tài năng chẳng phải cái đáng nói tới nhiều. Núi cao thì có núi cao hơn. Tôi chỉ là anh hát rong may mắn được nhiều người thương mến. Và tôi cho rằng, vợ tôi cũng nghĩ như vậy thôi.
Xin nhắc lại một câu rất cũ: Sau thành công của người đàn ông là hình bóng người đàn bà.
Nguồn: Trích http://www.xaluan.com
Chú thích của AmNhac.fm:
- Bài này nguyên tựa đề là: Tuấn Ngọc: ‘Lấy vợ là để giữ, không phải để thay đổi’
(*) Trên xaluan.com, câu này dịch thành "Tại sao lại phải làm trò hề bên chiếc hamburger khi bạn đã có xúc xích ở nhà" là không chỉnh. Xin tạm chuyển ý thành "Tại sao bạn lại dại dột đi ăn bánh hem-bơ-gơ ngoài đường trong khi ở nhà có sẵn thịt bò bíp-tết". Ở bên tây, hem-bơ-gơ là món ăn tầm thường, rẻ tiền, mua ở mấy tiệm fast food; còn bíp-tết là món sang, đắc tiền, thường phải vô nhà hàng.