Viết Về Bố
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4495
Tôi mồ côi cha từ khi mới lên hai. Tôi không có một chút kỷ niệm nào sống với bố cả, ngoại trừ vài tấm bưu ảnh mà bố tôi gửi về cho anh em tôi khi cụ đi dự Ðấu Sảo Marseille... Ðối với tôi, người cha đã thật là xa lạ; khi còn bé, vì phép tắc gia đình, không bao giờ tôi được nhắc tới tổ tiên, dòng họ và những người quá cố; lớn lên, đi giang hồ rồi đi kháng chiến, mẹ chết đi là thôi, không bao giờ tôi được biết tường tận về bố tôi cả.
Nhưng có một hôm, trong mớ giấy tờ hộ tịch, tìm thấy tờ khai tử của bố tôi, tôi bỗng thương ông vô cùng. Tờ trích lục khai tử đó ghi:
- Ngày chết : 25 tháng 2 1924, 6 giờ 20
- Nơi chết : 54 Rue Felloneau (Hàng Dầu), Hà Nội
- Tên họ người chết : Phạm Duy Tốn
- Tuổi và Nghề Nghiệp : 43 tuổi, ký giả
- Là chồng của : Nguyễn Thị Hoà
- Ngày sinh của người chết : 1881
- Nơi sinh của người chết : 54 Rue Felloneau (Hàng Dầu), Hà Nội
- Tên cha của người chết : Phạm Duy Ðạt (chết)
- Tên mẹ của người chết : Nguyễn Thị Huệ...
Tôi giật mình vì thấy bố tôi chết quá sớm: 43 tuổi. Nghĩa là tính ra cụ chỉ có khoảng 20 năm để sống, để yêu, để làm, để thành công, để thất bại...Và tôi bắt đầu hỏi tra về cha tôi, hỏi các anh chị, tra các sách báo, để biết thêm về tác giả bài ''Sống Chết Mặc Bay'', đồng thời cũng là tác giả đời mình.
Khi còn nhỏ, tôi thường nghe người ta gọi gia đình tôi là gia đình cụ Thiên. Tôi cứ tưởng đó là tên ông nội tôi, nhưng về sau thì biết Thiên là Thiên bộ (chef de quartier) một chức vụ của ông nội tôi là con trai độc nhất; chị của bố tôi (chúng tôi gọi là Cô) thì lấy một vị Án sát ở Bắc Ninh.
Gia đình tôi xưa làm nghề buôn bán dầu (trong nhà có chôn rất nhiều chum lớn để đựng dầu) như hầu hết các gia đình khác ở phố hàng Dầu này. Và chắc bố tôi cũng được lớn lên rong một hoàn cảnh dễ chịu, không bị thôi thúc vì đồng tiền. Sinh vào năm 1881 là lúc nước nhà vừa bị mất trong tay thực dân, khi trưởng thành chắc chắn bố tôi cũng phải tranh đấu ghê gớm để quyết định làm những người cuối cùng của Nho học hay chọn Tây học để làm những người đầu tiên của phong trào mới...
Và như ta đã thấy, cùng với các cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Ðỗ Thận vân vân...bố tôi đã đi học ở trường Thông ngôn Hà Nội (Quai de Commerce) vào những ngày cuối cùng của thế kỷ cũ... Tốt nghiệp rồi, bố tôi được bổ đi làm tại tòa đại sứ ở Ninh Bình, nhưng không biết vì lý do gì bố tôi lại thôi việc và trở về với các nghề tự do khác. Hỏi một vài người trong họ thì họ bảo rằng bố tôi chống Pháp, nhưng tôi đoán có lẽ lý do giản dị hơn: cụ là người thích bay nhảy.
Người gầy gầy, cao, mặt hơi rỗ, tính tình vui vẻ, hay nói đùa, hút thuốc lá nặng, không biết nhạc, không nghe nhạc...Ðó là một vài nét về bố tôi qua vài người đã biết và đang còn sống. Bố tôi lấy mẹ tôi là con một cụ Ðồ ở phố hàng Gai. (Bên họ ngoại tôi cũng sản xuất được một người có công trong việc sưu tập văn học dân gian: Ôn-Như Nguyễn Văn Ngọc là anh họ tôi, con dì con già). Theo lời mẹ tôi nói trong lúc răn dạy tôi khi còn bé thì bố tôi là một người rất đam mê, nhưng chóng chán. Làm đủ mọi việc nhưng không bao giờ làm hết một việc. Tính tình đó đã cắt nghĩa được sự hành nghề lung tung của bố tôi trong một quãng đời ngắn ngủi.
Thôi làm ở tòa sứ ra, bố tôi đi dạy học ở trường Trí Tri phố hàng Quạt Hà Nội. Ðáng lẽ cụ phải thành công trong nghề dạy học, vì lúc đó cụ là người đầu tiên biết Quốc Ngữ và Pháp ngữ. Tại sao cụ lại bỏ nghề để đi mở một tiệm cao lâu ở phố Cầu Gỗ? Người anh họ tôi nói rằng cụ là người háo thắng. Tiệm cao lâu của cụ là tiệm cao lâu đầu tiên của người Việt Nam. Nghề mở tiệm ăn lúc đó nằm trong tay Hoa kiều. Dám cạnh tranh với họ là một sự can đảm. Nhưng cạnh tranh không nổi thì mang nợ vào thân vì tiệm phải đóng cửa và bố tôi phải tìm một nghề khác.
Bố tôi không biết lấy tiền ở đâu để đứng ra mở một tiệm vàng lấy tên là Nam Bảo? Chắc lại đi vay. Tôi vẫn nhớ suốt đời mẹ tôi là phải làm để trả nợ cũ của chồng hơn là để nuôi con ăn học. Tiệm vàng thất bại, bố tôi không tính đến chuyện gây cơ sở nữa mà bắt đầu một cuộc đời lưu động.
Cụ cùng với một số bạn bè đi tìm mỏ ở Quảng Yên. Tìm mỏ lúc đó không phải mất công nghiên cứu thử thách địa chất như bây giờ. Hình như công việc tìm mỏ của cụ lúc đó chỉ là đi tìm những đất hoang rồi quây périmetre và xin chính phủ khai thác. Sau đó khai thác hay không là tùy ý. Và nghe đâu cụ bán những miếng đất đó cho họ De Monpezat.
Nhưng việc tìm mỏ chắc không đem lại cho bố tôi những thích thú về tiền bạc hay tinh thần. Sau khi bị thất bại liên tục trên mọi phương tiện sinh kế, cụ được một người bạn Pháp giúp đỡ bằng cách cho vào làm việc nhà băng. Cụ được gửi đi làm tại chi nhánh của Banque d'Indochine ở Mông tự (bên Tầu). Cụ ở đó cũng không lâu, và lại bỏ việc trở về và đến lúc này thì hình như cụ đã quyết định làm một nghề mà xưa nay mà xưa nay cụ chỉ coi như nghề phụ: viết văn, viết báo.
Là người đồng lứa với các cụ Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ vân vân... bố tôi không thể không dính líu đến các hoạt động của các bạn. Ít nhất thì cũng phải gặp nhau luôn, sinh hoạt với nhau (ăn uống, đi nghe hát ả đào...) rồi dính líu với nhau luôn về công việc.
Vô hình chung các cụ ngày xưa đã tổ chức thành một thứ văn đoàn và dù không sinh hoạt chặt chẽ với nhau nhưng vẫn ràng buộc tinh thần với nhau để tạo thành một phong trào văn học mới. Bố tôi viết cho Nam Phong, Ðông Dương tạp chí (bút hiệu Ưu Thời Mẫn) ngay từ khi chưa thành một ký giả hay văn sĩ thực thụ. Sau này, khi đã quyết định làm nghề báo, cụ vào ở hẳn trong Nam để viết cho các báo Nông Cổ Mín Ðàm (Bút hiệu Ðông Phương Sóc), Thực Nghiệp... Trong thời gian này, cụ làm được một việc đáng kể là dùng báo chí để cổ động cho phong trào cứu trợ nạn lụt ở miền Bắc. Ngoài ra cụ cũng có viết cho tờ Ðăng Cổ Tùng Báo ở Huế.
Qua những bài báo, những truyện ngắn, nhất là qua tập tuyển Tiếu Lâm Quảng Ký (bút hiệu Thọ An) tôi thấy bố tôi quả là một người có đầu óc phê bình xã hội, một người sống trong một cái xã hội mà mình không chấp nhận hoặc không nhập thế được. Ðời sống làm ăn của cụ đã chứng minh điều đó: cụ không thể nào thành công trong một cái xã hội mà cụ thực tâm khước từ. Cuối cùng cũng chỉ biết dùng cây viết để nói vào cái xã hội mà mình đang sống. Ðọc những bài ''Sống Chết Mặc Bay'', ''May cho Ta''... ta thấy cụ chống quan liêu, sỏ thực dân, nhưng khi đọc ''tiếu lâm'' ta thấy cụ giễu đủ mọi hạng người: lang băm, sư hổ mang, gian thương, cường quyền... Người ta có thể cho rằng bố tôi chỉ làm một việc sưu tập những chuyện cười của dân chúng, nhưng tôi có thể tin rằng cụ đã bịa ra nhiều chuyện rất độc đáo. Bài thơ nói về Cóc uống trà tầu chắc chắn phải đi từ trong tim óc của cụ chứ không hẳn phải từ dân chúng vô danh.
Nhưng dù sưu tập, phóng tác hay sáng tác chuyện tiếu lâm, bố tôi, với bút hiệu Thọ An, cũng đã để lại cho chúng ta ba tập truyện khôi hài rất lý thú. Tôi có cái may mắn là hồi bé được đọc những bản thảo của nhiều truyện tiếu lâm mà tôi không thấy được in ra sau này. Chẳng hạn chuyện ''Chồng Mù Vợ Ðiếc'' kể chuyện hai vợ chồng gặp một đám rước. Chồng thì kêu rằng đám rước là cái đám kêu ''tùng bi li bi li'' còn vợ thì cãi rằng đám rước không kêu mà chỉ có cờ đỏ tán xanh... Hay là truyện ''Ông Không Mồm'', chuyện của một ông nọ có râu xồm bị tụi trẻ con phê phán là không có mồm. Ông tức quá, ông tức quá, vén râu xồm lên và bảo tụi trẻ con : ''Mồm hay là l... mẹ chúng mày đây?''.
Những truyện như ''Lạy Cụ Ðề'', ''Con Mắt Dọc'', ''Thầy Ðề Liếm Dĩa'', thì chĩa mũi dùi vào các loại ''thầy'': thầy đề, thầy lang, thầy đồ. Cười đùa các vị đại diện tôn giáo thì có truyện ''Thi Làm Sư'': Nhiều vị sư được mời tham gia cuộc tỉ thí khá ly kỳ. Mỗi vị sư phải ngồi lên một cái trống để thưởng ngoạn một cảnh khiêu khích của mỹ nữ. Vị nào không kềm chế được mình thì tự nhiên tiếng trống bị khua vang. Khi tất cả mọi vị đều khua trống thì chỉ có một vị im tiếng thì mọi người thán phục và định tôn vị đó làm sư trưởng. Nhưng khi ngài đứng dậy thì té ra cái trống đã bị đánh một cú mạnh đến nổi trống thủng ngay và im tiếng luôn. Truyện ''đẻ ra sư'' thì ghê gớm hơn: một chị mò cua bị cua cắp vào bẹn. Một vị sư thương tình muốn cứu nhưng sợ uế tạp nên không dùng tay mà dùng răng để gỡ cua. Ai ngờ cua cắp luôn sư, và mọi người chạy ra hô to: đẻ ra sư. đẻ ra sư !!!
Chống quan liêu thì ngoài truyện ''Bẩm Quan Lớn Ngài Minh Lắm'' kể chuyện cái tăm lông voi hay lông l... bà Huyện, còn có chuyện Quan Huyện hỏi văn anh lính ''nâng bi'' rằng tại sao lại biết quan bà sẽ đẻ ra phượng hoàng? Anh lính bèn quả quyết: Con biết lắm chứ, hôm qua khi bà ngồi tắm, con thấy cái mỏ phượng hoàng nó thò ra...
Nói tóm lại, văn nghiệp của bố tôi khi đó, dưới thời Bảo hộ của Pháp và dưới quyền của một thứ chế độ mới, giai cấp mới đã là một cách phê phán, đả kích, chế giễu xã hội.
Thế rồi vào những năm cuối cùng của đời cụ, cụ được cử vào làm hội viên của Hội đồng Thành phố Hà Nội. Cụ được đi dự đấu sảo ở Marseille. Ra đi hồi tháng tư 1922, cụ sống chuyến viễn du này trong vòng nửa năm để rồi trở về nước với bệnh lao phổi và chết đi vào hồi tháng hai 1924.
Gần năm mươi năm sau, bây giờ tôi mới có dịp ngồi viết về bố. Tôi thương bố tôi quá. Cụ chết sớm quá. Phải chi cụ còn sống thêm nhiều năm nữa, chắc cụ sẽ còn cho ta đọc nhiều truyện ''Sống Chết Mặc Bay'' tân thời và nhiều truyện ''Tiếu lâm'' kinh khủng hơn...
Phạm Duy