Phạm Duy Khiêm Không Còn Nữa
- Chi tiết
- Phạm Trọng Nhân
- Lượt xem: 2817
13/12/1974
Một tin vắn từ Paris vọng về cho biết : Phạm Duy Khiêm đã trút hơi thở cuối cùng ngày 5 tháng 12 năm 1974, tại một nông trại nhỏ cách tỉnh lỵ Tours hơn sáu chục cây số. Ông sinh năm 1907 : như thế là thọ được 68 tuổi, tính theo theo lối Việt Nam.
Lẽ dĩ nhiên, đây là một tin buồn. Nhưng tin buồn này độc đáo, không giống một tin buồn nào khác, từ trước đến nay, và có lẽ cả từ nay về sau. Trong hàng ngũ các người đồng bối, không một nhân vật nào lúc sinh thời đã gây nhiều phản ứng, dù là ác cảm hay thiện cảm bằng Phạm Duy Khiêm.
Ông được người đời mến thương, thán phục ; ông bị người đời ghét bỏ, coi thường. Mà dù ở trường hợp nào đi nữa, cảm tưởng về ông, khắt khe hay nồng nhiệt đều cùng một cường độ như nhau. Ðối với những ai thuộc thế hệ ngày nay 45 tuổi trở 1ên, ông là một dị nhân tài ba, có tính tình quá độc đáo, có lẽ do đó mà suốt đời chỉ là một chuỗi thất bại mặc dù thật huy hoàng và oanh liệt.
Ông bị người đồng thời trách là mất gốc, là thân Pháp, là chỉ nói và viết tiếng Pháp. Dẫn chứng : ông toàn viết sách Pháp, được các phần thưởng văn chương Pháp; dịp đệ nhị thất chiến, ông tình nguyện gia nhập quân đội Pháp chống Ðức, không với đẳng trật sĩ quan hay hạ sĩ mà nhất thiết đòi cho được mang nhung phục lính trơn, hạng nhì. Sót sa trước những bạc đãi hà khắc của chính quyền Pháp đối với dân Việt Nam ''bản xứ'' (indigène), ông phản kháng chống đối, bằng đường lối riêng của ông, một đường lối quá tế nhị, tinh vi, khiến người đời không hiểu hay khó hiểu.
Ðậu thạc sĩ (người Việt nam đầu tiên đậu thạc sĩ Pháp), ông là bạn đồng học của cố Tổng Thống Pháp G.Pompidou, và đương kim Tổng Thống Sénégal L. S. Senghor. Ðược bổ nhiệm giáo sư Pháp văn tại trường trung học Pháp Albert Sarraut ở Hà Nội, ông lãnh lương không bằng một viên sĩ quan cảnh sát Pháp, mà trình độ học vấn chứ chưa nói đến văn hoá, không bằng học trò của ông. Phạm Duy Khiêm tỏ vẻ ngỡ ngàng nếu chưa muốn nói là phản đối, và được chánh quyền thuộc địa kín đáo trả lời : vì người công chức Pháp phải xa lìa ''mẫu quốc'' sang ''thuộc địa'' chịu đựng ''lam sơn chướng khí'' ; vả chăng người Pháp làm bổn phận quân dịch mà người ''bản xứ'' không làm .
Một số người Pháp ''tiến bộ'' muốn giải quyết vấn đề bằng một biện pháp dễ dãi, có khuyên ông nhập Pháp Tịch. Ông không chịu, nhưng ông ''đi lính'', để sau này dễ ăn nói với người Pháp. Ăn nói không phải cho riêng ông, mà cho một chính sách hợp với lẽ trời và hợp với tình người.
Toàn Quyền J. Decoux tặng ông mỹ danh là ''con tinh thần của nước Pháp (fils spirituel de la France) trong khi dư luận bất bình, cho ông là ''bảo hoàng hơn vua, ngoan đạo hơn linh mục'' ! Ông trả lời đại ý và gián tiếp trong cuốn De Hanoi à La Courtine : ''Khi nhà hàng xóm cháy, bổn phận ta là phải góp phần chữa cháy. Có ai dang tâm nêu câu hỏi : đám cháy tắt, gia chủ sẽ đền ơn bằng những gì, và cách nào?''
Ông ý thức lương tâm chức nghiệp tới cao độ, có thể nói là lập dị hay điên dại. Chấm thi Tú Tài Pháp, môn Pháp Văn, nếu thí sinh không được 6/20 điểm trở lên thì đương nhiên bị loại : cổ kim chỉ có Phạm Duy Khiêm dám đôi khi hạ bút phê điểm 1/20 hay 5,75/20. Khiến cho thí sinh không những rớt mà còn ấm ức.
Quân Ðội Nhật chiếm đóng Ðông Dương. Các khu phố thủ đô Hà Nội phòng thủ thụ động. Ðốc Lý Hà Nội (người Pháp) ngợi khen công cuộc hoàn hảo. Phạm Duy Khiêm công khai tuyên bố rồi viết thư phản đối : ông đề nghị phải tổ chức cho thực tình chớ không vì hình thức.
Dưới thời Pháp thuộc, đã nhiều lần ông đọc diễn văn nhân lễ phát thưởng cuối năm học, hay trong các dịp long trọng khác, diễn văn của ông bao giờ cũng được coi như cô động, mẫu mực và tinh túy : không những người Việt Nam biết tiếng Pháp mà ngay cả người Pháp đại trí thức cũng đều hết mức thán phục.
Sang Pháp công cán, ông được Bộ Quốc Gia Giáo Dục (Pháp) ủy nhiệm nói chuyện trên Ðài Phát Thanh Paris cho học sinh các trường trung học, ông chọn đề tài Trương Chi Mỵ Nương, nói lên tất cả vẻ nên thơ của tình người Việt Nam, đứng hẳn lên trên hay bên lề giai cấp, lên trên không gian và bên ngoài cả thời gian.
Năm 1942, ông lãnh phần thưởng văn chương Ðông Dương. Lẽ tất nhiên, ngoài các người Việt Nam, Cao Mên và Ai Lao, còn có nhiều nhà văn Pháp tham dự.Ðó là nhờ cuốn Légendes Ðes Terres Sereines. Với quan niệm thời đó, và rất có thể là ngay đối với cả thời nay, dù sao thì sự kiện cũng đã làm vẻ vang cho dân tộc.
Khi dạy học tại trường tư thục Roche bên Pháp, ông đọc diễn văn về T.T. Thích Quảng Ðức. Khi còn là Ðại Sứ Việt Nam tại Pháp, ông được trường Ðại Học Văn Khoa (tôi không nhớ Toulouse hay Bordeaux) mời diễn thuyết và tặng bằng Tiến sĩ danh dự. Bài diễn văn của ông được các giới thức giả địa phương hết lời tán tụng : tước vị Ðại Sứ có thể do những yếu tố nào khác đưa tới, và có thể đoản mệnh (exellence éphémère); còn tư cách văn nhân lỗi lạc do chính mình tạo nên mới thật đáng quý và có khả năng trở thành bất tử hay ít ra trường cửu.
Có nhiều lần, sau hay trong giờ làm việc nơi Sứ Quán, ông hội họp một số nhân viên, uống nước trà, ăn bánh ngọt để nghe ông đọc văn của ông. ''Tự kỷ văn chương'' âu đó cũng là lẽ thường của con nhà văn vậy. Ông ca tụng, dẫn chứng những đoạn mà ông cho là hay, mà hay ở chỗ nào, tại sao ? Ông gật gù, lên bổng, xuống trầm chẳng khác một nhà nho xa xưa, ngâm vịnh ''chi, hồ, giả, dã...''
Có người cho ông là ''gàn'', ''không chịu được'' ! Nhưng có lẽ các cử chỉ ''gàn'' nhất của ông nhân danh là Ðại Sứ, là mấy việc điển hình sau đây :
-- Tùy khả năng và nhất là nhu cầu chức nghiệp của một số cộng sự viên đắc lực, ông thường kín đáo giúp đỡ, bằng quỹ mật, đôi khi bằng tiền riêng. Không ngờ và cũng ít ai khác được biết.
-- Ông coi những cộng sự viên như đàn em, khuyên răn, chỉ thị, thật tâm tình và thật tận tình. Ðôi khi cũng có gắt gỏng, nhưng thật bộc trực với tất cả tấm lòng huynh đệ. Thái độ của ông là thái độ của một kẻ trượng phu : lãnh trách nhiệm về mình mà không cần lập công theo cái quan niệm thế thượng thường tình.
-- Là Ðại sứ, ông thận trọng và trịnh trọng phục vụ quốc gia, triệt để không bợ đỡ phục vụ cá nhân : có thể là ông nghĩ sai hay đúng, nhưng mối ưu tư thường xuyên của ông là quyền lợi đất nước và phẩm cách con người. Làm Ðại Sứ, ông luôn luôn duy trì một cá tính mạnh, không đội trên, không những không đạp dưới mà còn bênh dưới hết mình. Có lần, một phu nhân thế lực của chế độ có ý làm một việc gì đó mà ông không tán thành. Ông cương quyết chống đối thẳng tay, không gượng nhẹ. Có lẽ vì vậy mà ông không ngồi ghế Ðại Sứ được lâu. Khi đứng dậy, làm biên bản bàn giao, ông để lại quỹ mật có tới cả chục triệu quan. Ðể sau đó, rũ áo ra đi, nghèo túng, trong khi ông rất có thể giữ lại một số nào trong ngân khoản mật, để ''lần hồi độ nhật'' trong thời gian chờ đợi. Ông từ biệt sứ quán đi dạy học tư. Sau này ông còn làm các nghề : đọc bản thảo để chọn tác phẩm, sửa chữa các bản in, phụ trách nhiều việc khác thật khiêm nhượng không ngờ, tại một nhà xuất bản ở Paris. Có người trìu mến tặng ông hỗn danh là ''nhà nho Tây''.
Không biết vì tình nghĩa xưa hay vì lý do văn hoá, chính trị, chính phủ Pháp có lần mời ông làm giáo sư tại Paris. Phạm Duy Khiêm đã khiêm nhượng và cương quyết khước từ. Ông lập luận và viện lẽ : ông là công dân Việt Nam không thể làm công chức cho chính phủ Pháp, mặc dù chỉ là tạm thời hay vì lý do đặc biệt và mặc dầu những văn bằng của ông là do chính phủ Pháp cấp.
Khi G. Pompidou bạn đồng học được chỉ định làm Thủ Tướng, một số ký giả Pháp có đến tận nông trại phỏng vấn. Phạm Duy Khiêm trả lời có thể là rất chân thành, nhưng đứng ngoài nhìn vào thì thực biết bao ngạo mạn : ''Ðối với G. Pompidou, tôi chỉ là bạn đồng học (condisciple) không phải là bạn tri âm (ami).'' G. Pompidou có lần muốn gặp Phạm Duy Khiêm. Ông trả lời ''... có thể hân hoan tái ngộ với bạn học cũ chớ không yết kiến Thủ Tướng.''
L. S. Senghor sáng tác văn và thơ có gửi tặng Phạm Duy Khiêm. Ông đã bình phẩm thật chân thành, khe khắt, nếu chưa muốn nói là chê bai thẳng thắn. Mặc dù vậy khi Tổng Thống G. Pompidou công du Sénégal, cả Pompidou lẫn Senghor đều nhắc tới Phạm Duy Khiêm trong các bài diễn văn và đáp từ.
Chúng ta hãy nghe cả Pompidou lẫn Senghor tâm sự :
Senghor :''Pompidou, Khiêm và Senghor đã sớm trở nên một bộ ba chí thân.''
Pompidou : ''Chẳng phải vì tò mò chuộng lạ mà tôi đã hướng tới người bạn chung của tôi là Phạm Duy Khiêm. Lẽ tất nhiên tôi giầu lòng cảm mến đối với người từ phương xa tới, mà lại thấu hiểu văn hoá của chúng tôi, không phải chỉ riêng nước Pháp mà còn cả La Tinh, Hy Lạp. Dầu sao, với thời gian, ba chúng tôi đều trở nên thân thiết. Không một chút khó khăn, tôi nhận thấy ở các bạn tôi một thái độ kiêu hùng, hãnh diện vì dân tộc và tha thiết với đất nước, mặc dầu rất thấm nhuần văn hóa của Âu Châu và nước Pháp.'' (trích bài Ý NGHĨA và BÊN LỀ MỘT CUỘC CÔNG DU đăng trên BÁCH KHOA số 340, 1 tháng 3,1972)
Một thanh niên qua Pháp, có mang tin tức và quà cáp từ Saigon sang để trao cho ông. Ông hẹn sẽ gặp ở sân ga tỉnh Tours, vì về nông trại, đường đi xa xôi, diệu vợi, các chuyến tầu tới rồi đi mà không thấy Phạm Duy Khiêm. Sau cùng, ông tới nơi, hơi trễ một chút, không bằng xe lửa mà bằng xe gắn máy. Trời lạnh, đường dài hơn sáu chục cây số : nhà mô phạm, nhà văn hào, nguyên đại sứ Phạm Duy Khiêm lúc đó 67 tuổi. Vì sự kiện mới xẩy ra hồi năm ngoái !
Từ nhiều năm nay, ông chơi ''hụi'' theo thể thức Tây Phương. Hình như cách đây khoảng một năm, ông có lãnh một số tiền lớn ; lớn đối với ông chứ thực chẳng nghĩa lý gì đối với một số nhà ''ái quốc'' ''hi sinh'' của thời đại mới ! Ông trang trải các món tiêu ở nông trại, sắp xếp một vài công tác, trong đó có vấn đề tang lễ của ông ủy thác cho một hãng chuyên môn phụ trách.
Phạm Duy Khiêm đã sống, và đã chết. như một cơn gió thoảng qua, và như ý ông muốn vậy. Một cuộc sống ngắn ngủi trước vô biên, và theo sau đó, là cuộc viễn du quyết liệt.để cát bụi trở về cùng cát bụi.
Ông đã tự ý chọn cái chết, và ngày chết. Sự kiện còn nóng bỏng, chưa cho phép chúng ta bình phẩm dài dòng. Nhưng tôi tin rằng những ai đã từng ngưỡng mộ ông, giờ đây lại càng cảm thấy ngậm ngùi thương tiếc. Về phần những ai đã từng không đồng ý với ông, giờ đây chắc cũng không hẹp hòi gì để thành tâm cầu nguyện cho linh hồn người quá cố. Ước mong rằng những bóng cây thảm cỏ không tủi hổ với sứ mệnh rủ là hay che phủ trên nấm mộ sâu : con người nằm đó đã có một tâm hồn khác thường, suốt đời cô đơn, suốt đời thất bại, mặc dù là oanh liệt huy hoàng. Có điều mà ai nấy đều phải nhận chân là con người ấy đã không hề phản bội ai, vì không chấp nhận phản bội với chính mình.
Cách đây 68 năm, nơi quê hương đau khổ, Phạm Duy Khiêm đã cất tiếng khóc chào đời. Ngày nay, nơi quê người đất khách, Phạm Duy Khiêm đã cô đơn vĩnh biệt cõi đời. Và ngày nay, đến lượt chúng ta cất tiếng khóc và thắp nén hương, để chào tiễn Phạm Duy Khiêm, để vĩnh biệt một tâm hồn đơn côi, hữu tài nhưng không hữu dụng, vì không biết thích nghi với thời cuộc, vì ''sinh bất phùng thời''.
Saigon 13 tháng 12, 1974
Phạm Trọng Nhân