Mẹ Ðón Cha Về
- Chi tiết
- Phan Uyển Nghi
- Lượt xem: 3381
Ðể sửa soạn cho buổi trình diễn Ðêm Ngàn Khơi 1999 đánh dấu mười năm hoạt động của ban hợp xướng Ngàn Khơi, lúc đầu bài hát "Mẹ Ðón Cha Về" được tập cho cả ca đoàn, hai bè nữ soprano, alto và hai bè nam tenor, bass cùng hát. Sau đó lại có quyết định để dành cho soloist đơn ca. Nhóm con gái chúng tôi tiếc mãi vì không được hát " Mẹ Ðón Cha Về" nữa.
Ðoản khúc " Mẹ Ðón Cha Về" trích trong trường ca Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy. Lời lẽ từng câu rất đẹp và mô tả rất gần hình ảnh những bà Mẹ Việt Nam.
" ...Mẹ đón cha về
Duyên thề chắp nối
Cuộc đời trôi nổi
Vần tươi cười
Vì lòng vui
Ðời nghèo nhưng có đôi
Ôi ! Mẹ Việt Nam
Năm tháng lo gạo
Gánh nuôi chồng
Mẹ Việt Nam
Ðêm ngày thầm mong
Lửa bếp thơm nồng
Tình uyên ương
Mẹ Việt Nam
Mẹ yêu chồng
Có khi Mẹ là Châu Long
Nợ trả thay chồng
Vẫn giữ lòng
Trắng như ngần
Và sạch trong
Mẹ là Tiểu Kính Tâm
Lên chùa giải oan
Ôi xót thương trẻ khóc trong vườn
Trẻ con hoang
Ôi Mẹ từ bi
Giọt máu rơi này Mẹ nhận là con
Mẹ Việt Nam
Việt Nam có anh hùng
Mắt nhung và môi xinh
Giữa mùa xuân giết giặc
Yêu nước non
Hé môi cười
Nụ cười thanh bình
Mẹ Việt Nam ..."
Câu hát như những tiếng khánh vang nhẹ trong lòng tôi . Tôi vui vì hình ảnh những bà Mẹ Việt Nam đẹp quá. Tôi chơm chớm nước mắt vì bài hát nhắc tới hình ảnh người Mẹ của tôi. Mẹ tôi cũng là một Tiểu Kính Tâm. Người mang về cho tôi những đứa em mà bây giờ tiếng cười vẫn bên nhau. Thủa sinh thời, Mẹ tôi suốt đời phải gánh gạo nuôi chồng với đàn con. Không than van người vẫn tươi cười vì lòng vui : Ðời nghèo nhưng có nhau. Ðoạn hát cuối nhắc cho tôi một niềm hãnh diện : Việt Nam có nữ anh hùng và tôi nhớ tới những Hai Bà Trưng "mắt nhung và môi xinh".
Tối hôm qua đi tập hát, nhóm female chorus , bè nữ chúng tôi được tin mừng là lại được hát bài "Mẹ Ðón Cha Về". Suốt hai tuần nay, chúng tôi tập dượt ráo riết vơi dàn đại hòa tấu orchestra. Nghe tiếng dàn nhạc violon lúc réo rắt, lúc tha thiết hòa lẫn tiếng đàn harp, tiếng sáo và những tiếng hát giọng nữ lúc trầm lúc bổng, thanh thoát ngân vang, tôi thấy nhạc Việt mình thật phong phú.
Ðã nhiều lần chúng tôi mong muốn được hợp xướng trường ca Mẹ Việt Nam nhưng đợi mãi chẳng có hòa âm để mà trình diễn. Nhạc sĩ Phạm Duy đã có điệu nhạc chính và những lời ca đẹp như ngàn cánh hạc. Ðược phước may nhạc sĩ Lê Văn Khoa lại chịu khó bỏ công ra soạn hòa âm cho chúng tôi hát nhiều bè. Nhờ lòng yêu âm nhạc của ông Khoa, dàn orchestra có lối đi bay bổng vào trường ca Mẹ Việt Nam. Từng khuôn nhạc soạn riêng cho từng nhạc cụ, công biết bao nhiêu mà kể.
Nhạc sĩ Phạm Duy viết "Mẹ Ðón Cha Về" vơi nhiều nốt láy rất là duyên dáng. Những grace notes (nốt trang điểm) ấy chúng tôi phải tập với nhiều công phu. Làm sao phải láy nhẹ và nhanh rồi ôm lấy nốt chính. Ngay từ đầu, "Duyên thề chắp nối, cuộc đời trôi nổi", chữ "nối ", chữ "cuộc", chữ "nổi" đã là ba grace notes nằm gần nhau. Ngay trước grace note "nổi" lại có chữ "trôi" phải láy trọn hai nốt nhanh dài bằng nhau. Ðã thế, đằng sau chữ "nổi" lại có chữ "vẫn" (Vẫn tươi cười) láy nhanh bốn nốt. Nếu không mở họng sẵn phía trong và không rơi cằm xuống thì một chữ "vẫn" cũng đủ để anh nhạc trưởng Trần Chúc bắt chúng tôi lập lại trăm lần.
Hát hợp ca có khó. Trăm giọng phải hòa như một. Vào chậm một tí hay ngân dài hơn chút đỉnh , lòi giọng mình ra là đã hỏng việc. Chúng tôi phải nhìn chăm chăm vào người nhạc trưởng để nhất cử nhất động đều giống nhau, cùng lấy hơi vào bụng, cùng nhả chữ, cùng cắn chữ cũng như cùng đóng miệng. Cũng may nhạc trưởng Trần Chúc của Ngàn Khơi điều khiển ca đoàn rất là chính xác và linh hoạt nên chúng tôi nhìn không chán mắt.
"Mẹ Ðón Cha Về" được chấm dứt bằng ba chữ "Mẹ Việt Nam" hát nhanh và dứt khoát nghe có vẻ tươi trẻ và sung sức. Ðoạn này khác vơi phần chấm dứt của đoản khúc "Mẹ Trùng Dương" cũng trong trường ca Mẹ Việt Nam. Mẹ Trùng Dương chấm dứt bằng nốt Mi giáng, chúng tôi phải ôm bẩy nhịp mà chỉ sợ đánh rơi mất nốt. Ðoạn này được hát rất nhẹ rất nhỏ, cảm như mình đang nằm trong vòng tay êm ái khoan dung của Mẹ Trùng Dương.
Ðược hát nhạc Việt là một cái thú. Nhưng tiếng Việt không phải là dễ hát. Có những chữ như chữ "chặt" trong câu "Ôm chặt đứa con" của đoản khúc Cửu Long Giang trong trường ca Con Ðường Cái Quan, vừa phải cắn chữ tê cho chặt lại vừa phải ngân cho đủ nốt nên khó hát cho vang chữ được. Cũng may mắn chữ chặt này không phải hát lên cao độ cao lắm. Vì thế khi tập hợp ca chữ chặt chúng tôi phải có qui ước vơi nhau là chặt lắm, chặt vừa hay chặt lỏng, để mà hát cho đều nhau.
Tập hát tiếng Việt đem lại cho chúng tôi nhiều chuyện vui. Trong bài dân ca "Se Chỉ Luồn Kim" chúng tôi bị mắng nhiều vì tội ngân nốt không đều nhau. Người thì quần dài, người thì quần ngắn, ý mắng không ngân chữ quần ba nhịp bằng nhau. Khi tập Con Ðường Cái Quan, "Vượt Cù Mông tôi qua đèo" có anh kia bị cảnh cáo tội cù mông lâu quá, bỏ quên cả nhịp. Rồi còn nữa, đến bài Cửu Long Giang khi bè nữ chúng tôi nhẹ nhàng chưa đủ trong câu hát "Thiết tha như gái yêu chồng, trong chiều mênh mông", anh nhạc trưởng vô tình la lên "yêu chồng nhè nhẹ thôi, làm gì mà hùng hục vậy !" Chúng tôi biết lỗi nhưng không thể nào nhịn được cười.
Bài hát "Mẹ Ðón Cha Về" ca tụng những bà Mẹ Việt Nam gương mẫu. Bây giờ chúng tôi, những bà Mẹ Việt Nam trong ban hợp xướng Ngàn Khơi, may mắn xin ca tụng và cám ơn những ông bố Việt Nam. Các ông đã theo gương Mẹ hy sinh, vui vẻ gánh vác việc nhà để các bà Mẹ Ngàn Khơi ngoài công việc vất vả ở thương trường còn có được thú vui hát hò bên bạn bè. Ðây cũng là nguyện ước của họ được phong phú hóa nhạc Việt ngõ hầu giới thiệu nhạc Việt tới người bản xứ, được giới thiệu nghệ thuật hát hợp xướng với cộng đồng người Việt và để nuôi dưỡng một sinh hoạt lành mạnh có tính cách nghệ thuật trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Phan Uyển Nghi
Báo Người Việt, tháng 10,1999