PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Viết Về Mẹ Việt Nam

trích trong bài
Phạm Duy : Con Ðường Từ Tim Ði Tới Cõi Tâm
Giai Phẩm Xuân Quê Mẹ, số 88/89 - Tháng 1 & 2 1988

Vào giờ này, ngày này, một phép lạ sẽ xẩy ra, nếu Bộ Chính Trị Ðảng ở Hà Nội chịu cho dân một giờ đồng hồ. Một giờ thôi. Ðể trèo lên ba đỉnh Mẹ. Chắc họ không hẹp. Nhưng e khó khăn. Vì hành trình ấy vừa khổ hạnh, vừa cheo leo. Một giờ để nghe ba sáng tác của Phạm Duy về Mẹ. Ðiều khó là phải tạm gác hết qua bên cái chất vị mác-xít trong tâm khảm, để chào đón dòng máu Rồng Tiên ròng ròng chẩy xuống. Rồi ngồi nghe. Ðừng nghĩ ngợi. đừng cảnh giác, lòng thật thong dong. Nghe thôi. Nghe không bằng lỗ tai. Vì nghe là một hợp cảm ngũ quan. Ý thức căng vào cái trống không để đón nhận. Mắt vồ bắt những mầu sắc tươi rói qua âm thể. Mũi giữ cho kỹ những làn hương. Lưỡi đưa lời mình phụ hoạ, học lại tiếng nước. Xúc giác sờ mó, vuốt ve những hình hài khổ lụy hay xinh tơ. Lúc đó tái xác định lại lần cuối cái hoà thể của nhạc, trong xã hội loài người, đã vượt thú tính.

Xin các ông một giờ thôi, hành hương lên ba đỉnh Mẹ : Bà Mẹ Gio Linh, Mẹ Việt Nam Bà Mẹ Phù Sa. Sau đó, ta tính toán lại với nhau. Mẹ vẫn còn đó, sao ta bỏ đi ? Mẹ không là biểu tượng nghệ thuật, mà là lực sống tràn trề sáng tạo. Mẹ vẫn còn đó, sao ta không về ? Ðã không về, còn ngăn kẻ khác trở về !


Bà Mẹ Gio Linh, người mẹ kháng cbiến giành độc lập. Một mẹ già cuốc đất trồng khoai nuôi con đánh giặc đêm ngày. Mẹ không nói năng. Bà chỉ biểu tỏ qua hành động : nấu nồi khoai, nồi nước chè xanh cho con và các bạn chiến sĩ của con ăn, uống. Tới khi con chết trong chiến đấu, giặc khinh bỉ bêu đầu giữa chợ. Các chiến sĩ đảng phái xem con như trái chanh đã vắt rồi. Thương nhớ nào cũng là sự tự thương thân đó thôi. Riêng mẹ, và chỉ có mẹ, nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu. Một mình. Trên thôn xóm buồn teo. Với người bạn âm thanh cố hữu : tiếng chuông chùa gieo.

Ta còn nhớ bà mẹ ấy chăng ? Những nỗ lực đề kháng của từng cá thể, từng nhân sinh trong cuộc kháng chiến lớn. Huy chương nào đi nữa vẫn chưa là sự tôn vinh cao cả.

Nhưng chiếc thuyền âm thanh đã tới. Hàng triệu bà mẹ Gio Linh đã được mời vĩnh ngự lên. Lần này, Phạm Duy tạc khắc lung linh Mẹ vào Trường ca Mẹ Việt Nam. Ðỉnh cao nhất của thiên tài sáng tác Phạm Duy, tính tới đầu năm 88. Tiếng nước dịu dàng, vang luyến, ân tình và trí tuệ. Sự kết tinh của sáu mươi hai triệu con tim. Tiền nhân đã hoá sinh vào đây, thành ứng thân có tuổi thọ năm nghìn. Thể hiện qua 21 ca khúc và một chung khúc.

Những Dòng Sông Chia Rẽ, ca khúc thứ 15 đáng làm công án cho Việt Nam hôm nay, đặc biệt cho những người Việt theo Cộng. Phải nghe, rồi lắng nghe. Nghe như một cuộc tẩy trần, để thân tâm khinh khoái mà đón nhận Việt Nam. Từ đó mới có thể hợp ca với toàn dân Chung Khúc Việt Nam Việt Nam. Việt khúc này là bài Quốc ca đúng điệu nhất của đất nước từ khi ta bắt chước Tây làm quốc ca.

Mẹ ở đây là nước Việt. Có truyền thống và văn hiến. Có sáng tạo và tiến bộ. Có chương trình thế giới. Có kế hoạch nhân sinh. Có tham vọng vũ trụ.

Từ người Mẹ tại thế trong hiện thực, qua Bà Mẹ Gio Linh, Phạm Duy đưa Mẹ lên tột đỉnh của biểu tượng hiển sinh trong Trường Ca Mẹ Việt Nam. Cốt nhấn mạnh cái sinh mệnh nhiệm mầu, với vô biên khả lực của con người. Biểu tượng không là lối thoát không tưởng của các trường phái lãng mạn cách mạng, lãng mạn mê sảng hay lãng mạn huyễn ảo. Xu hướng Phạm Duy là lãng mạn nhân phong. Ði từ người vào biểu tượng, rồi biểu tượng phải đo đạc, thực chứng trong nhân sinh -- cõi người. Người làm người thong dong, phong nhiên trong tự do, tình tứ và thơ mộng nơi kiếp người. Kiếp không khổ ải, vì kiếp chỉ là chu kỳ. Bởi đó. Mẹ của Trường ca Mẹ Việt Nam lại xuống núi làm Bà Mẹ Phù Sa, mở ra bài học lớn cho lịch sử cận đại.

Các ông trí thức lãnh đạo tả khuynh chủ hoà nửa vời của thành phố Saigon, các ông trí ngủ thiên lệch của cái thành phần ba mạo hoá do Hà Nội sẩy thai đẻ ra tại Paris, hay qua cái gọi là Liên Minh sau Tết Mậu Thân, cộng thêm vào đó một lũ hề chính trị, kiểu người mua vé thượng hạng vào xem hát lúc vở kịch đã tàn... hì hà hì hục chủ xúy sự hoà hợp hoà giải dân tộc như một lá bài đánh tráo. Hoà giải gì khi mình chỉ là công cụ ?

Hoà giải không là cuộc sắp đặt thuần chính trị. Trả giá cò ke : so cân lực lượng. Như hai anh bụng phệ vứt ngân hàng mình lên chiếu bạc mà đấu. Anh nào ranh, lừa giỏi, anh đó thắng. Hoà giải phải đi từ gốc rễ ý thức. Hoà giải dân tộc, lại phải thêm cái phần chất văn minh dân tộc nữa, Khi ý thức chưa dòm ngó tới mối sinh tử của một giống dân thì chưa có hoà giải dân tộc. Mọi việc ồn ào khác chỉ là thứ phụ. Kể cả cái chính phủ nhiều thành phần.

Căn bản triết lý ấy nằm trong tim Bà Mẹ Phù Sa. Triết lý là lý sống, lý vượt qua. Không là hệ thống so chiếu hay nhốt tù. Ðiều các chính trị gia bất lực, thì Phạm Duy giải quyết khá dễ dàng. Bằng một dấu hỏi của nhạc hát. Dấu hỏi xa lìa đối đáp. Vì dấu hỏi đã hàm chứa câu trả lời.

Nào, ta thử hát lại ca khúc ấy :


''... Mẹ người ở đất Phù Sa, mới năm mươi tuổi đã già như tám mươi. Mẹ ngồi bấm đốt ngón tay, xóm tuy xóm nhỏ, đổi thay bao lần. Không ai chê Việt Nam dân tộc ta thiếu sức hùng. Mà người thì quanh năm phải sống với hãi hùng ! Năm mươi năm làm dân, chưa được mấy lúc mừng. Vậy mà Mẹ không than chỉ sống với lòng thương...

Mẹ già ở túp lều tranh, đói no ai biết rách lành ai có hay ? Một ngày tháng 8 năm sáu mươi hai, có anh Ba cán bộ về đây tuyên truyền. Anh thưa anh học xong chiến lược giữ xóm làng (Cán bộ Ấp chiến lược, Q.M. ghi chú). Mẹ gật gù nghe anh, và xin rất cám ơn ! Ðang khi anh cười vang, ai nổ súng dưới vườn ? Mẹ vội lùa anh Ba vào trốn dưới gầm giường...

Mẹ cười, mẹ cười trông cũng thiệt là vui, bước ra đón khách, trông người cũng rất quen. Mẹ mời anh miếng bánh men. Hỏi thăm sức khoẻ và khen anh hiền lành. Anh xưng tên là Tư, đi giải phóng xóm làng (Mặt trận giải phóng, Q.M. ghi chú). Mẹ gật gù nghe anh, và xin rất cám ơn ! Trông ra trên đường mương quân đội Mỹ đã tới gần. Mẹ vội lùa anh Tư cũng vào trốn dưới gầm giường...'' Bài hát kết thúc : ''Tới đây là xong nửa chuyện. Không biết rồi ai sẽ cứu ai ? Ai sẽ cứu ai ? ''

Câu hỏi kinh khiếp. Con ngựa đeo hai lá che bên mắt, chạy bon bon trên đường dài, đã quên mất núi rừng thanh thản. Ngỡ ngàng làm sao, khi có kẻ vén lên. Nó sẽ tìm lại thuở tự do thênh rộng. Hay ưa quen đường cũ ?

Câu hỏi như kiếm chém. Anh Ba hay anh Tư là giải pháp ? Ai sẽ cứu quê hương ? Hai anh không bao giờ nghĩ tới, mà cũng ít ai nghĩ tới, là hai anh phải hiệp lực thì mới cứu được. Hai anh có bao giờ nghĩ rằng, với đầy đủ chiến lược, súng ống, hậu thuẫn quốc tế, quê hương vẫn điêu tàn ? Cần một người Mẹ sống bằng ưu tư mong cho con sống. Bà mẹ ấy đã lùa tất vào dưới gầm giường. Hoà giải dân tộc chứ là gì nữa ? Dù vì ngẫu nhiên và bó buộc. Ngẫu nhiên là cái hữu duyên. Bó buộc có khi là sự may mắn, chứ không là tai nạn.

Anh Ba và anh Tư dưới gầm giường của Mẹ. Dưới đáy quần của Mẹ. Nơi Mẹ đẻ ra, từ Vua Hùng tới Bác Hồ. Không hình ảnh nào khôi hài, mà Việt Nam hơn thế. Rồi đây, cơn nguy hiểm chốc lát trôi qua, hai anh lồm cồm đứng dậy từ giã Mẹ ra đi. Tiếp tục cuộc chiến bế tắc. Hay bàn bạc, hứa hẹn một cuộc hợp đồng ? Cái kết quả rút ra từ hai thái độ ấy không là hư cấu tiểu thuyết hay nhạc hát vui cười nữa. Ta có thể tổng kết chính xác vào đầu năm 88 này. Chuyện thực của quê hương đấy. Do một nhạc sĩ sáng tác và đạo diễn. Nó là sự giao hưởng giữa nỗi niềm dân và tâm tư người thao thức. Nghệ sĩ là kẻ thao thức. Họ có đôi mắt cá, không bao giờ khép, trên mọi cuồng lưu trong hay đục.


Thi Vũ
Giai Phẩm Xuân Quê Mẹ
số 88/89 - Tháng 1 & 2 1988