Nói Về Mẹ Việt Nam
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3919
(trích Hồi Ký III)
... Tình hình ở Việt Nam trong hai năm 63-65 còn là sự chia rẽ lớn lao với những cái trục ''người Nam-người Bắc'', ''Công Giáo-Phật Giáo'' chưa kể cái trục ''dân sự-nhà binh''. Rồi thêm cái trục sâu xa bên dưới nữa là ''quốc gia-cộng sản'' -- còn có cả cái trục ''người già-người trẻ'' nữa -- cho nên ai cũng muốn đi tìm một mẫu số chung, ai cũng muốn mọi người ngồi lại với nhau với mong ước: Hãy là người Việt Nam đi đã ! Ai cũng muốn đặt vấn đề Tổ Quốc, Ðồng Bào, Con Người, Nhân Ðạo lên trên.
Vào lúc này, tôi còn nhận thấy tình hình âm nhạc nói chung có vẻ suy đồi với loại nhạc chỉ có tính cách biểu diễn cho mọi người ngồi nghe, dùng những ca sĩ mặt hoa da phấn với lời ca ngon ngọt để xoa dịu lòng người. Tôi bèn vác máy tape recorder có sẵn ampli, speaker hiệu AKAI (là loại tốt nhất lúc đó) và băng nhạc CON ÐƯỜNG CÁI QUAN tới sinh hoạt với sinh viên và thanh niên. Ðây là lần đầu tiên giới trẻ được tham gia mạnh mẽ vào các cuộc ca hát. Khi chế độ cũ ra đi thì trong nước tương đối có tự do, sinh viên cũng như tất cả mọi người bắt đầu có sự tự do sinh hoạt. Trước hết tuổi trẻ họp nhau lại, cùng hát chung những bản hùng ca cũ của ngày xưa. Bây giờ tôi đem tới cho họ bản trường ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN và cho in ronéo lời ca để phát cho các bạn trẻ, mời mọi người hát theo với ca sĩ trong băng nhạc.
Dù sao thì những anh hùng ca hay bản trường ca này là những bài hát mà thanh niên đã biết tới rồi. Muốn lôi cuốn tuổi trẻ, tôi cần phải có cái gì mới để cung cấp cho họ. Như đã nói ở trên, trong tình trạng xáo động và chia rẽ của thời này, ai cũng muốn đi tìm mẫu số chung. Không cần tìm ở đâu xa xôi, tôi thấy ngay rằng : Mẫu số chung là Mẹ Việt Nam vậy! Muốn tìm lại tổ quốc, đồng bào, con người, nhân đạo, phải tìm đến Mẹ Việt Nam. Tôi bèn soạn trường ca MẸ VIỆT NAM.
Sau khi thu thanh với giọng hát và với nhạc sĩ trong ban nhạc HOA XUÂN của tôi ở Ðài Phát Thanh, tôi lại xách bộ máy AKAI đi phổ biến bản trường ca rất hợp thời này. Cũng nên nhắc lại sự ích lợi của kỹ thuật trong việc phổ biến âm nhạc vào thời này, nếu không có bộ máy AKAI, chưa chắc MẸ VIỆT NAM đã được nhiều người biết tới.
Khi Bộ Chiêu Hồi in nhạc phẩm này ra, tôi có những lời mở đầu như sau: Nếu CON ÐƯỜNG CÁI QUAN là một hành ca ghi lại bước tiến của dân tộc ta trên một sinh lộ nhất quyết không chịu chia cắt thì MẸ VIỆT NAM là một âu ca, ca tụng Mẹ Tổ Quốc và những Mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà, đề tài và cảm hứng nhắm dựa vào Tình Thương Yêu và Tính Hiếu Hoà, tính tình này đã sinh tồn mạnh mẽ trên đất ta và phải được truyền đi trong thế giới tàn nhẫn hiện tại. Ðây là một Trường Ca trong đó, lúc trẻ tuổi, MẸ VIỆT NAM được biểu tượng bằng ÐẤT MẦU tươi tốt, đa tình, nền tảng của gia đình, ruộng nương, làng nước. Khi đứng tuổi, MẸ hiện thân là NÚI NON sắt đá, trong sự hi sinh ròng rã, vẫn bền bỉ đợi chờ và che chở người chinh phu chưa hết nợ đao binh. MẸ còn âm thầm xót thương lũ con SÔNG NGÒI, có những đứa dại dột, hiếu thắng, phản bội MẸ vì sự tranh giành lẫn nhau, gây oán hận phân chia, làm nát tan lòng MẸ. Vào lúc tuổi già, MẸ trở thành BIỂN CẢ đại lượng bao dung, kêu gọi và ôm đón đàn con giang hồ, thành công hay thất bại. Nước mắt vui mừng của MẸ lúc gặp con bốc lên trời cao làm mây đầy đặn và ấm áp, bay đi rửa sạch địa cầu bằng ơn mưa móc, nối chặt chu kỳ trường ca MẸ VIỆT NAM.
Mấy năm trứơc, vì CON ÐƯỜNG CÁI QUAN mang tính chất tả thực (réaliste) nên được xây dựng trên âm giai LA MAJEUR nghĩa là với những nốt nhạc có dấu thăng (dièse). Tôi muốn MẸ VIỆT NAM mang tính chất tượng trưng (symbolique) nên bây giờ tôi dùng âm thể MIb với những nốt nhạc có dấu giảm (bémol). Tôi cũng làm cái trò đối thoại với huyền sử hay dã sử khi soi bóng người Thiếu Phụ Nam Xương trên bờ đê (hơn là trên tấm vách) và cho rằng sự hoá đá của Mẹ Việt Nam không do bởi Mẹ đứng đợi người tình. Mẹ hoá đá vì quá mong chờ ngày hạnh phúc của dân tộc. Tôi soạn trường ca này vào lúc mà nước Việt đang trong hoàn cảnh khốn khó nhất. Trong bất cứ giai đoạn gay go của một nước nào, người nghệ sĩ của nước đó thường cất cao tiếng nói của tâm thức dân tộc. Ở Việt Nam, vào thời gian mọi người sống trong chia rẽ, khinh thị và kinh hoàng, với trường ca này, tôi cho rằng chúng ta chỉ có thể được cứu rỗi bởi một Tình Yêu Chung, hướng về Mẹ Tổ Quốc.
Trường Ca về MẸ được mọi người yêu mến vì ra đời đúng lúc. Rồi bởi cớ nước ta vẫn chưa ra khỏi số phận lạc loài, trường ca này lúc nào cũng có thể là bài hát hợp thời. Vào những năm cuối cùng của cuối thế kỷ, vẫn còn quá nhiều lũ con lạc lối đường xa, mà chưa hề có con nào nhớ Mẹ ta mà về... Ðoạn kết của trường ca, đoản khúc VIỆT NAM VIỆT NAM là một bài ca hầu hết người Việt Nam thuộc lòng. Có những người yêu nó, muốn nó trở thành bài quốc ca. Tôi xin nhũn nhặn thưa rằng: một tác phẩm văn nghệ được tung ra quần chúng rồi là nó tuột khỏi tầm tay của tác giả. Ai muốn dùng bài hát đó làm gì cũng được nhưng phải xin phép tác giả.
Soạn xong và hát lên hai bài trường ca vào thập niên 50-60, vài chục năm sau, tôi rất lấy làm vui mừng vì những giấc mơ tôi vẽ ra trong hai tác phẩm đó đều đã được thực hiện: Trong CON ÐƯỜNG CÁI QUAN, lữ khách mơ ước có ngày đường tan ranh giới để người được mãi mãi đi trong một duyên tình dài, trên con đường thế giới xa xôi, trong lòng dân chúng nơi nơi. Trong MẸ VIỆT NAM, tôi ước mơ có ngày được đem ngọn lửa thiêng của Việt Nam đi soi toàn thế giới. Những giấc mơ đó đã thành sự thực. Hai triệu người Việt Nam đang có mặt trên gần 50 quốc gia trong hoàn cầu.
Ðầu năm 1990, tôi hoàn tất một trường ca khác (mà tôi phải bỏ ra 15 năm để thai nghén, sáng tác và tu chỉnh): tổ khúc BẦY CHIM BỎ XỨ. Nửa phần đầu của Tổ Khúc này là một cơn ác mộng, nửa phần sau là một giấc mơ hồng. Giấc mơ cái tổ chim êm đềm (hay là tổ quốc cũng thế) đã có lúc bị vỡ tan khiến cho một bầy chim phải lìa tổ bay đi, đã tới lúc tất cả loài chim phải đồng lòng với nhau để xây dựng lại tổ chim đó. Không biết giấc mơ này có thể trở thành sự thật như những giấc mơ trong hai bài trường ca trước hay không ?
Phạm Duy