Mẹ Việt Nam Trong Nhạc Phạm Duy
- Chi tiết
- Đặng Tiến
- Lượt xem: 4360
Ghi, sao lại 16.3.1992
Tả cảnh chiều quê Việt Nam, trong tất cả sắc độ và tâm tình, Phạm Duy có một lời hát thần sầu :
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười...
Vài luống khoai, hình ảnh quê nghèo. Hai chữ thoi thóp và hiu hắt gợi hình và gợi tình. Thoi thóp so sánh ánh nắng chiều với hơi thở hay nhịp đập trái tim, nhẹ dần, yếu dần, hoang mang, thấp thỏm. Ðồng thời chữ hiu hắt chập chờn ngọn lửa tàn hơi, ánh đèn cạn sức, hao mòn trước gió. Ánh nắng nhoà trong tiếng cười, buổi chiều lồng vào tuổi già. Buổi chiều già, bà mẹ quê. Chiều quê và mẹ già. Ánh sáng vừa chắt chiu, vừa phôi pha tình cảm mong manh mà vĩnh cửu trong lòng người.
Bài Quê Nghèo này Phạm Duy làm tại Quảng Bình năm 1948; ở lứa tuổi hiếu động, hiếu sắc, anh đã có cái nhìn trầm lặng, sâu lắng. Không những ở các ca khúc tân nhạc, mà trong cả văn thơ, những câu hay, hàm súc về mặt thẩm mỹ, tính dân tộc và nhân đạo như thế, không nhiều lắm đâu.
* * *
Cũng năm đó, Phạm Duy còn sáng tác bài Bà Mẹ Gio Linh nổi tiếng, kể chuyện thật, những thống khổ của chiến tranh xẩy ra tại Quảng Trị. Bà mẹ có con đi du kích, bị Tây bắt, chặt đầu bêu giữa chợ; bà điềm tĩnh đi nhận lãnh đầu con, bọc vào khăn, mang về chôn.
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
(...)
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Ðem ra giữa chợ cắt đầu
(...)
Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
Bà mẹ Gio Linh có thật, đã nghe bài hát và biết Phạm Duy. Mãi mười năm sau, khi có nhóm văn công đi qua làng, bà cụ còn hỏi thăm tin tức cậu nhạc sĩ trẻ tuổi ngày xưa.
Thời gian này, Phạm Duy đã vẽ ra được một hoạt cảnh thanh bình, tươi sáng trong bài Bà Mẹ Quê (1949) :
Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu
(...)
Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa
Lời nhạc Phạm Duy đặm đà tình tự dân tộc vì bản thân anh thấm nhuần ca dao, tục ngữ và những làn điệu dân ca ''từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời''. Lời ca Phạm Duy có khi cũng xa vời, nhưng vì nghe quen, chúng ta không còn để ý và lười tìm hiểu. Ví dụ mưa nhiều càng tươi bông lúa nói lên niềm tin lạc quan của người nông dân, qua tục ngữ trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa. Nhưng câu trên ''ướt áo mẹ già'' với ta chỉ là một hình ảnh cần lao vất vả, cảm động, ta quên rằng Phạm Duy đã rung cảm từ những câu hát đối đáp nam nữ :
- Trời mưa ướt bụi ướt bờ
Ướt cây ướt lá, ai ngờ ướt em
- Trời mưa ướt lá trầu vàng
Ướt em, em chịu, ướt chàng, em thương
Niềm lưu tâm, lo lắng cho nhau biểu hiện tình yêu. Tình yêu trai gái sổi nổi, tha thiết đã được Phạm Duy chuyển sang lòng yêu bà mẹ quê ''chỉ biết cần lao'' và đã đạt tới những lời hát thật tình nghĩa, sắc sảo.
Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy
Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy
Ít ai mê gái như Kim Trọng, đến máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao. Khi chàng nhớ nàng Kiều:
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình
Nghĩa là chàng vẫn uống trà, không có cái khao khát khô đắng rất cụ thể của Phạm Duy khi nhớ bà mẹ quê miệng khô nhớ bát nước đầy... Thật ra trong thơ dân tộc đã có những tình cảm ngọt ngào dịu mát ấy :
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau
Nỗi lòng nhớ mẹ cũng đã từng quặn thắt :
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chìu ruột đau
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chìu
Phạm Duy đã đưa vào nhạc mới lời lẽ ''thời sự'' hơn, tức tối hơn:
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê mẹ mà không có đò
(Mẹ Việt Nam 1964)
* * * * * *
Nhớ mong càng khắc khoải, giờ phút mẹ con gặp lại càng thiêng liêng -- ''ngỡ trong giấc mơ''.
Me có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe...
Ở đây, ngôn ngữ Phạm Duy tân kỳ, ''tây'' hơn : thời gian ngưng cánh, o temps suspends ton vol... nhưng anh lại trở về với âm hưởng dân tộc ngay sau đó:
Chiếc bóng in trên vách nhà
Một ngày một đêm tóc sương phai mờ.
(...)
Me ơi ! Me ơi ! Chuông chùa nào la đà
Nhớ tới, nhớ tới những linh hồn vắng nhà
Một vòng hương trắng xoá...
(Người Về 1954)
Vài ba câu hát ấy đã vận dụng, chuyển hoá không biết bao nhiêu là cổ tích, ca dao, văn thơ cổ điển, phong tục tập quán Việt Nam. Nhạc Phạm Duy gây chấn động trong ta và sau đó còn lưu lại nhiều tiếng ngân dài như những ''giọt mưa trên lá'' làm sống lại những chồi dân tộc, những mầm nhân đạo có sẵn trong ta. Càng xa nước, ta lại cần Nguồn, cần Nghĩa Mẹ, như nước trong nguồn chảy ra. Mát ngọt, trong trẻo và vô tận.
Trường ca là một thể nhạc đặc biệt, trong đó Phạm Duy được xem như là chuyên gia bực thầy. Trường ca là một bài hát dài có nội dung ca ngợi, xưng tụng. Chỉ dài thôi, mà không xưng tụng thì Phạm Duy gọi là tổ khúc, như Bầy Chim Bỏ Xứ. Tâm ca ngày xưa và Thiền ca, Ðạo ca gần đây tuy dài vẫn không được gọi là trường ca.
Trường Ca Mẹ Việt Nam được sáng tác vào những năm 1962-64, khi chiến tranh Việt Nam đang phát triển đến cao độ ác liệt: chế độ miền Nam suy nhược, Mỹ trực tiếp can thiệp, ném bom miền Bắc, đổ bộ ChuLai... Việt Nam rách nát đau thương là đề tài chung, lớn lao của nhạc phẩm thời đó, đặc sắc là tác phẩm Trịnh Công Sơn. Và hình ảnh của người mẹ đã thường trực trong thơ nhạc từ xưa, bay lại hiện thân trở về, kêu gọi, thôi thúc cả hai bờ chiến tuyến, từ Người Mẹ Cầm Súng bên nọ tới Gia Tài Của Mẹ bên kia. Ðể hiểu sâu Trường Ca Mẹ Việt Nam, ta cần đặt nó vào hoàn cảnh khói lửa, vừ ngoại xâm vừa nội chiến lúc đó, giữa những đứa con ''tranh giành lẫn nhau gây oán hận phân chia làm nát tan lòng mẹ''. Phạm Duy tự giải thích, và gọi tác phẩm mình là một âu ca. Anh chơi chữ, mượn hình tượng mẹ Âu Cơ để nói lên khát vọng hoà bình, no ấm no và hạnh phúc. Trong tiếng Việt một chữ ''âu'' gói ghém trọn vẹn mơ ước Việt Nam.
Trường Ca Mẹ Việt Nam mở đầu bằng vẻ đẹp người phụ nữ nông thôn không son không phấn. Câu nhập đề theo thể phủ định (négation) ít thấy trong nhạc Phạm Duy; sau này, 1988 ở nước ngoài, làm bài Mẹ Năm 2000, Phạm Duy một lần nữa, lại khai đề bằng thể phủ định :''Mẹ đâu còn là mẹ ta xưa đó''. Ðiều này hệ trọng: tác phẩm Phạm Duy là tiếng gào gọi của một người con lạc mẹ. Bao nhiêu hình ảnh thiết tha về người mẹ, là bấy nhiêu thiếu vắng, ngay từ đầu : hiu hắt tiếng bà mẹ cười. Nụ cười hiu hắt chứ tiếng cười không hiu hắt trong thực tế. Âm hao hiu hắt ấy chỉ có trong tâm tư Phạm Duy, không phải của bà mẹ quê trong ánh chiều thoi thóp, mà của mẹ Phạm Duy, cụ bà Phạm Duy Tốn, goá bụa khi người con út mới lên hai, hay của người vú trẻ gốc quê ''trên môi lúc nào cũng có một nụ cười ngượng nghịu'' như Phạm Duy kể trong hồi ký.
Sau đó, người phụ nữ - chưa là mẹ - hiện ra, tình tứ, lẳng lơ, ''nghiêng mắt xanh chải tóc mây ngàn... nằm phơi gió trăng... duỗi chân dài chờ mưa tuôn''. Những lời ca rạo rực dục tính như tuổi trẻ người phụ nữ sớm về nhà chồng, ''duyên thề chắp nối'' - sao lại chắp nối ? - cuộc đời trôi nổi... thầm mong tình uyên ương... nợ trả thay chồng vẫn giữ lòng sạch trong...'' là hình ảnh thực tế của cụ bà Nguyễn Thị Hoà, thân sinh Phạm Duy.
Rồi chiến tranh. Những thiếu nữ dù không theo chồng cũng ''bỏ cuộc chơi''. Chồng ra đi, rồi con cũng ra đi, ''mẹ hoen mắt trông về ngọn cờ'', như năm xửa năm xưa. Chiến tranh không dạy Phạm Duy điều phải trái, lẽ thắng lẽ thua, mà nhắc anh:
Mẹ vẫn nguyện cầu
Người sinh ra có nhau
Phải thương nhau mến nhau
Tư tưởng nhân đạo sẽ trở lại với Phạm Duy trong Tâm Ca:
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Rồi Mẹ hoá đá. Không phải vì chờ mong như trong truyền thuyết, nhưng vì thương những gieo neo trong cuộc sống, từ cô hàng bánh ế cuối ngày đến con ngựa người vất vả... Mẹ hoá ra hòn núi cao.
* * * * * *
Ðất nước chúng ta có dòng sông mang tên sông Thương xanh mát tình yêu, nhưng lại có sông mang tên sông Gianh là ranh giới phân chia đất nước, chia rẽ lòng người. Tính lại không biết bao nhiêu thế kỷ phân tranh, xương máu dù đi qua, hận thù còn đọng mãi.
Nước đi là nước không về
Chia đôi dòng nước chia lìa dòng sông
(...)
Nước ân tình đổi thành ra nước căm hờn
Nhưng nhạc sĩ nhìn dòng sông vẫn nuôi một giấc mơ. Ngày xưa Tản Ðà đã nhìn rất xa : nước đi ra bể lại mưa về nguồn. Phạm Duy sống vào thời đại nhiễu nhương, tình cảm đảo điên, đạo lý xáo trộn, không còn tư vô tà, tâm vô sự của Tản Ðà, nên giấc mơ ngắn ngủi hơn : chỉ mơ sông về đến biển. Ðến biển rồi thì sông Thương, sông Ngô, sông Gianh, Bến Hải hay Thái Bình, sông nào cũng chỉ là sông thôi, đó là hình ảnh Biển Mẹ:
Biển êm, sóng lặng, lăng, lắng nước nôi, nôi hiền lành...
Phạm Duy lại chơi chữ lặng, lăng, lắng và nhất là hai chữ nôi trong từ kép ''nước nôi'' và cái nôi đong đưa trong ''tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi''...
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, như trong lời hát Y Vân. Phạm Duy sâu sắc, hàm súc, trí tuệ hơn : Biển là cái ''nôi hiền lành'' của cuộc sống, con người và vũ trụ. Ðẹp quá, Biển là Mẹ Cuộc Sống, là cái Nôi Tình có nắng vỗ, gió ru, triều đưa, sóng đẩy.
* * *
Trường Ca Mẹ Việt Nam tổng hợp tất cả tình cảm của Phạm Duy đối với quê hương và những trầm luân của mệnh nước nổi trôi qua hình ảnh người mẹ, đồng thời cũng diễn tả trọn vẹn ơn sâu nghĩa nặng của cuộc đời đối với chúng ta. Gọi là Mẹ Việt Nam vì một cách nói, chứ Mẹ là Nguồn vốn không có quốc tịch. Mẹ là Sông - ta có chữ Sông Cái là Sông Mẹ - Mẹ là ''Biển Hồ, lai láng'', là Mẹ Trùng Dương:
Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương
(...) Sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại Mẹ hiền...
Nghe lại Mẹ Việt Nam, trở lại Mẹ hiền, là về lại Yêu Thương, về lại Cội Nguồn, về với Bản Thân.
Ðặng Tiến
20-3-1995