Viết Về Con Ðường Cái Quan (trích Hồi Ký III)
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3876
Trong thời thịnh trị của họ Ngô, ngoài anh Quỳnh ra, tôi có Võ Ðức Diên là người giúp tôi rất nhiều. Là công chức cao cấp của Nha Kiến Thiết, vì được lòng ông bà Ngô Ðình Nhu trong việc trang hoàng các dinh thự lớn (...) nên khi anh vận động ông Nhu để làm một tập san và mở một phòng trà thì anh được thoả mãn ngay. Tờ báo được đặt tên là Sáng Dội Miền Nam. Tôi được anh Diên mời cộng tác...
. . . . . . . . . .
Ðây là lúc tôi muốn hoàn tất trường ca Con Ðường Cái Quan. Khi tôi ngỏ lời được giúp đỡ để có thể đi từ Saigon ra Quảng Trị, lấy cảm hứng soạn nốt phần còn lại của trường ca thì anh Diên đồng ý ngay. Và anh cùng đi với tôi, còn kéo thêm 5 người đi theo nữa. Thế là có ngay một chuyến đi xuyên Việt của bẩy ''lữ khách''.
. . . . . . . .
Lần đi đường thiên lý này có vẻ thú vị hơn những lần trước. Tôi không còn là lữ khách lầm lũi trong thời nô lệ hay hấp tấp trong thời chiến tranh. Hai xe hơi đưa chúng tôi đi ven bờ biển Thái Bình, vượt qua những nơi đầy ắp kỷ niệm như Phan Thiết sáng sủa, Nha Trang ấm áp, Qui Nhơn lộng gió, Ðà Nẵng ồn ào, Huế thơ mộng và Quảng Trị cằn khô. Khi ghé Quảng Ngãi, Hồng Vân (nữ ca sĩ ) lúc đó còn bé tí teo, leo lên bờ tường khách sạn, ngồi rình xem mặt Phạm Duy. Chúng tôi có những giây phút trầm ngâm trước cảnh tượng hùng vĩ của Ðèo Cả, Ðèo Hải Vân và cũng không quên nhào xuống biển để tắm táp và kỳ cọ ở bãi Lăng Cô. Bản Con Ðường Cái Quan -- soạn xong phần đầu ở Paris năm 54 để phản đối ngay lập tức sự chia cắt đất nước -- sau sáu năm bỏ dở, bây giờ nhờ chuyến đi rất thanh bình này, được hoàn tất nhanh chóng. Trong khung cảnh trời cao biển rộng đường dài, trong hoàn cảnh chung của nước Việt trong thời kỳ đầu của nền độc lập, trong niềm hạnh phúc được tự do sáng tác của riêng mình... tôi có nhiều hứng khởi để diễn tả con đường mạch máu của đất nước và tấm lòng khao khát thống nhất của người dân Việt. Những ca khúc mạnh mẽ trong phần MIỀN BẮC diễn tả sự hào hùng của người đi khai sơn phá thạch.
Trong phần MIỀN TRUNG, ca khúc trở nên ngọt ngào, đôi khi xót xa như bước chân Huyền Trân Công Chúa. Phần MIỀN NAM rất hoan lạc vì đó là những bước chân thành đạt của lữ khách để cùng toàn dân hoàn thành nước Việt.
. . . . . . . .
Sau khi hoàn thành, Con Ðường Cái Quan được đăng trên báo Sáng Dội Miền Nam rồi được trình diễn tại quán ANH VŨ (. . . . .) Sau đó, qua ông Ngô Trọng Hiếu, trường ca còn có một ngân sách để tái lập giàn nhạc hoà tấu và mời nhạc sĩ người Ðức Otto Soellner làm hoà âm phối khí. Có thêm những buổi trình diễn tại Saigon, Dalat, Nha Trang. Tất cả những giọng hát tốt nhất của Saigon được huy động để đi trình diễn trường ca này. Vào năm 1960 này, Tân Nhạc ở miền Nam đã phát triển toàn diện. Ðã có khá nhiều xu hướng như :
* xu hướng nhạc theo trường phái cổ điển Tây Phương;
* xu hướng nhạc khiêu vũ;
* xu hướng nhạc hài hước;
* xu hướng nhạc của các tôn giáo;
* xu hướng nhạc tình;
* xu hướng nhạc dân ca.
Với trường ca Con Ðường Cái Quan, tôi tiếp nối dòng nhạc xưng tụng quê hương của tôi với một tầm vóc lớn hơn, giống như Văn Cao đã làm trong kháng chiến với bản Trường Ca Sông Lô. Sau tôi, Hoàng Thi Thơ cũng soạn một trường ca nhan đề Ngày Trọng Ðại để xưng tụng chế độ Cộng Hoà do Ngô Tổng Thống lãnh đạo. Trường ca Con Ðường Cái Quan là một bài hát lên đường. Trước đây, tôi đã chủ trương xưng tụng những cuộc lên đường rồi. Hoặc lên đường tâm tưởng như Lữ Hành, Viễn Du. Hoặc bước đi trên những nẻo đường kháng chiến như Khởi Hành, Ðường Về Quê. Rồi còn phải đi trên con đường tình ái rất ướt át của mình nữa, với những bài dìu nhau đi trên phố vắng hay Ðường Em Ði. Ði thêm trong mộng mị với Mộng Du...
Trường ca Con Ðường Cái Quan có tới ba, bốn cuộc lên đường gom lại, vì lữ khách bây giờ đi trên con đường quê hương gấm vóc, đi trong lịch sử kiên cường, đi trong tình yêu, còn đi cả trong lòng của nhân dân nữa. Về hình thức, qua trường ca này, loại dân ca cải tiến được tôi phát triển lên mức độ cao nhất. Trường ca gồm 19 đoản khúc, đại đa số bài nằm trong nhạc ngũ cung, có thêm nhạc thuật chuyển hệ khiến cho giai điệu được phong phú. Nhạc sĩ người Ðức Otto Soellner, khi soạn hoà âm phối khí cho bản trường ca, nói rằng: có những đoạn trong trường ca giống như nhạc của Johann Sebastian Bach.
Nhạc học gia người Gia Nã Ðại Georges Etienne Gauthier, vì hiểu biết nhạc dân ca Việt Nam hơn, qua một bài viết đăng trên báo BÁCH KHOA vào năm 1970, cho rằng trường ca này dung hợp được tinh túy của cả hai loại nhạc Ðông Phương và Tây Phương. Khá nhiều người có uy tín trong giới nghệ sĩ như Trần Văn Khê, Nguyễn Ðình Toàn, vì có lòng yêu nên đánh giá cao tác phẩm dài hơi của tôi.
Và mỗi lần có đảo chính ở Saigon, trong khi nhân viên của Ðài chờ người làm chủ tình thế tới tiếp thu cơ quan truyền thông quan trọng này thì bản trường ca được phát thanh suốt ngày khiến cho nó được phổ biến rất mạnh mẽ trong dân chúng. Ngoài ra, còn có nhiều sinh viên ở nhiều nơi đã dựng tác phẩm này thành một hoạt cảnh, đúng như lời tôi ghi trong đoạn giới thiệu. Tôi xin trân trọng cám ơn tất cả những người hữu danh và vô danh kể ra trên đây.
Tôi còn muốn nói thêm một điều : Trong bản trường ca, khi đi tới cuối con đường xuyên Việt rồi, ước vọng của lữ khách là có ngày đường tan ranh giới để lữ khách được đi xa hơn nữa trên con đường dài của tình yêu, ở nơi thế giới xa xôi, và trong lòng dân chúng muôn nơi... Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình tôi và một số rất lớn đồng hương đã thực hiện được ước vọng đó ! Xin cám ơn cuộc đời !