PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Trường Ca Con Đường Cái Quan

Tôi đã chủ trương những cuộc lên đường trong âm nhạc... thì còn cuộc lên đường nào thú vị hơn là đường đi vào quê hương với những trường ca ?

Trường Ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN được thai nghén từ 1954, vào lúc các cường quốc vừa chia đôi nước Việt Nam ra thành hai miền Quốc-Cộng với bản Hiệp Ðịnh Geneve. Tôi đang đi học nhạc tại Paris và bằng trường ca này, tôi phản đối sự chia cắt đó. Vào năm 1960, tôi hoàn tất phần còn lại của Trường Ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN.

Trường ca gồm 19 đoản khúc, đại đa số bài nằm trong âm giai ngũ cung và có thêm nhạc thuật chuyển hệ. Nhưng tôi cũng không ngần ngại pha trộn vào trường ca một số bài nằm trong âm giai thất cung Tây Phương.

 


Trường Ca
CON ÐƯỜNG CÁI QUAN
(tặng người bạn đường)

Trường ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN đưa ra một lữ khách đi trên con đường xuyên Việt, đi từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mâu, đi từ ngày mới lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ xở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối lền được lòng người và đất nước.
Trường ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN gồm có ba phần :
Phần Thứ Nhất : Từ Miền Bắc, mang tính chất hào hùng của miền quê cha đất tổ.
Phần Thứ Hai : Qua Miền Trung, với tình thương yêu chan chứa niềm xót xa.
Phần Thứ Ba : Vào Miền Nam, tỏ sự vui mừng của con người đã cả thắng thiên nhiên để hoàn thành nước Việt.
Trường ca là sự tổng hợp của nhiều đoản ca mang những tên riêng biệt và có thể trình bày lẻ loi. Toàn bài còn là một nhạc cảnh, trình diễn với đầy đủ nhân vật mang sắc phục ba miền và cảnh trí phù hợp.

Phần Thứ Nhất
TỪ MIỀN BẮC


Mở đầu là tiếng hát vu vơ của một thôn nữ miền Bắc...


1. ANH ÐI TRÊN ÐƯỜNG CÁI QUAN


Cô Cắt Cỏ:
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại
Dừng chân đứng lại
Cho em đây than đôi lời
Ði đâu vội mấy anh ơi...

Lữ khách trả lời...


2. TÔI ÐI TỪ ẢI NAM QUAN


Lữ Khách:
Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường
Năm mươi người ngược núi rừng
Ðã dựng vòng biên ải
Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng
Tôi theo người vượt quan san
Ơi người ơi Ơi người ơi
Vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn dường giặc Hán
Tôi chưa về Ải Chi Lăng
Ơi người ơi Ơi người ơi
Dưới chiến bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn...

Người còn nhớ thương ai hơn là nàng Tô Thị lúc này đang đứng đợi người ở đầu nguồn. Nhưng người vọng phu lại khuyên người đi đừng có trở về, vì nếu người về thì nàng chẳng thành đá và chẳng còn được người đời thương mến nữa.


3. ÐỒNG ÐĂNG CÓ PHỐ KỲ LỪA


Tô Thị:
Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị (ý y a) đứng (a) chờ... đợi (ỳ) ai
Và khuyên người chẳng tái hồi
Cho ngàn năm được (ý y a) sống đời... vọng (a à) phu...

Người lữ khách đi trong miền thượng du. Có dân chúng vùng núi rừng hát tiễn đưa...


4. NGƯỜI VỀ MIỀN SUÔI


Dân thượng du:
Người về miền suôi đem theo tình người miền núi
Nhà sàn lả lơi đứng bên đường hoang vắng soi
Ðưa chân anh qua đồi
Cơm lam đem theo người
Lên cao anh ôm trời
Ðể dòng suối lẻ loi...
Lữ Khách:
Ðường về ruộng dưới ngát hương củi rừng gạo núi
Vượt tầm đèo khơi thấy con đường lúa tươi cười
Ðường về miền suôi biết bao đò bao quán mới
Ðường dài mà vui hỡi người bạn đường nặng vai
Rồi một ngày mai có qua nhịp cầu tả tơi
Nhìn bọt bèo trôi nhớ chăng mầu tóc xanh ngời...
Hát chung:
Ðường ngược đường suôi
Nhớ nhau vì chuyện đầu môi
Tạm biệt một nơi
Thấy nhau ở cuối chân trời...

Người lữ khách về tới vùng trung du. Qua đò ngang, gặp cô lái đò...


5. NÀY NGƯỜI ƠI


Cô lái đò miền trung du:
Này người ơi ghé bến (y) sang sông
Lên đường đi tới bõ công em chèo thuyền
Mừng người đi tìm thấy tình duyên
Con đường đất nước nối liền lòng dân.
Lữ khách:
Sông Thương ơi nước chẩy đôi ba dòng
Anh về Hà Nội một lòng, lòng yêu em
Sông Thương ơi nước đục người đen
Anh về thành phố không quên cô mình.

Lữ khách đã về tới Thủ Ðô miền Bắc...


6. TÔI ÐI TỪ LÚC TRĂNG TƠ


Lữ Khách:
Ra đi từ lúc trăng tơ, trăng một miền hoa cỏ
Trăng lên đầu của ô xa vẫn chưa mờ
Im nghe lời Thủ Ðô chào, ôi lời mừng đông đảo
Ði trong lịch sử dân ta, luống nghẹn ngào.
Lữ khách và dân chúng thủ đô:
Hai bên nhà cửa thân yêu
Ơi người ơi Ơi người ơi
Ðã mấy lần để đám rêu xanh thay mầu gạch ngói
Thăng Long buồn tủi chia phôi
Tháp, Tháp Rùa ơi Tháp, Tháp Rùa ơi
Gió tiễn người về đến quê hương câu ca giọng Hời.

Phần Thứ Hai
QUA MIỀN TRUNG


Vào tới Miền Trung, thấy một lũ bé chạy ra đón lữ khách...


7. AI ÐI TRONG GIÓ TRONG SƯƠNG


Lũ trẻ:
Ai đi trong gió trong sương ơ
Phải mau ơ phải mau để mà tới người ơi
Kẻo đường ơi, người ơi còn xa
Kẻo đường ơi, người ơi còn xa...

Và một bà mẹ đang ru con...


8. AI VÔ XỨ HUẾ THÌ VÔ


Bà mẹ:
À á ơ a a à á ơi
Ai vô xứ Huế thì vô
Chớ sợ Truông nhà Hồ, chớ sợ Phá Tam Giang à ơi
À á ơ a a à á ơi
Ngó ra quê cha đường xa sông rộng
Ngó về quê mẹ núi lộng đèo cao
À á ơ a a à á ơi
Nhưng con ơi, con ngú ngủ sâu
Chứ nối lại nhịp cầu
Chứ đã có o ó ư... người đi
À á ơ a a à á ơi.

Qua thôn xóm, gặp lúc ngày mùa, lữ khách nghe thấy tiếng hò giã gạo.


9. AI ÐI TRÊN DẶM ÐƯỜNG TRƯỜNG


Dân làng:
Hò hô hò hò ơi hò
Ai đi trên đường là dặm đường
Ði mô mà vội vã à, cùng là hò khoan
Hố hô hò khoan
Hò hô hò hò ơi hò
Khoan khoan tôi mời là mời bạn
Vui là họp đoàn đêm nay chừ là à nay
Hố hô hò khoan.
Lữ khách:
Năm tê trong lúc sang Xuân
Tôi theo Công Chúa Huyền Trân tôi lên đường
Ðường máu xương đã lắm oán thương
Ðổi sắc hương lấy cõi giang san
Tôi đi theo bước ái tình
Ði cho trăm họ được hòa bình ấm no
Ðèo núi cao nghe gió vi vu
Thổi phấn son bay tới kinh đô.
Dân miền Trung:
Hò hô hò hò ơi hò
Anh đi trên đường là gập ghềnh
Mau mau đi kẻo lỡ a truyện tình nước non
Hố hô hò khoan.
Hò hô hò hò ơi hò
Mau mau đi kẻo là kẻo lỡ
Câu chuyện tình năm xưa là tình à xưa
Hố hô hò khoan.

Lữ khách muốn được như nàng Huyền Trân khi xưa, đi vào phía Nam bằng một tấm lòng, Lữ khách nghe thấy tiếng hát của Công Chúa vẳng lên từ những Tháp Hời...
... Công chúa Huyền Trân muốn nói rằng con đường thiên lý dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người. Nàng mong lữ khách nối tiếp công việc đi vào đất nước và lòng người của nàng khi xưa.


10. NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ÐI


Huyền Trân Công Chúa:
Nước non ngàn dặm (à a a) ra đi
Nước non ngàn dặm (à a a ra) đi
Dù đường thiên lý xa vời
Dù tình cố lý chơi vơi
Cũng không dài bằng lòng thương mến người
Bước đi vào lòng (ừ ư ư) muôn dân
Bước đi vào lòng (ừ ư ư) muôn dân
Bằng hồn trinh nữ mơ màng
Bằng tình say đắm ơi chàng
Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân
Nhưng ánh Tháp vàng
Cây quế giữa rừng
Chỉ một mùa tang là hương là sắc (ứ) tan
Tàn cả tình yêu
Vì hận còn gieo
Ðất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu
Mới hay tình nhẹ (è e e) như tơ
Mới hay tình nhẹ (è e e) như tơ
Mộng ngoài biên giới mơ hồ
Chẳng ngăn được sóng vỡ bờ
Với đêm mờ hồn về trên Tháp ma.

Lữ khách vội vã ra đi, và trong sớm tinh mơ nghe thấy giọng hò của cô gái Huế vẳng lên từ ngôi chùa Thiên Mụ bên sông Hương...


11. GIÓ ÐƯA CÀNH TRÚC LA ÐÀ


Cô gái Huế:
Ớ ơi hò ! Ớ hò ơi
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà điểm sương
Người về chưa ghé sông Hương
Ðã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay
Anh đi mau ơ để nối lại duyên may
Tình xưa là nghĩa cũ anh đắp xây cho thiệt bền
Ớ ơi hò ! Ớ hò ơi

Lữ khách cất tiếng hát qua đèo, vào vùng ven biển...


12. TÔI XA QUÊ NGHÈO RUỘNG NGHÈO


Lữ khách:
Hò hô hò hò ơi hò
Tôi xa quê nghèo là ruộng nghèo
Tôi leo qua cồn cát à, vượt đèo Hải Vân
Hố hô hò khoan.
Hò hô hò hò ơi hò
Tôi trông én liệng là từng đàn
Tôi gọi đàn chim ơi kià là à chim
Hố hô hò khoan.
Dân miền Trung:
Vua Lê dắt lính vô Trung
Anh theo Chúa Nguyễn vượt Cù Mông anh qua đèo
Ðể núi cao ngơ ngác trông theo
Ðễ tháp son thương nhớ trong chiều
Anh đi chân cứng đá mòn
Ði chưa thấy mỏi mà lòng còn say sưa
Biển thắm ru tiếng hát thiên thu
Làn gió xanh theo gót phiêu du.
Lữ khách:
Hò hô hò hò ơi hò
Lênh đênh ven bờ là biển sâu
Hương thơm là thoang thoảng à đất mầu miền Nam
Hố hô hò khoan
Hò hô hò hò ơi hò
Lênh đênh ven bờ là biển giàu
Nghe nhịp cầu đã nối tình là à xưa
Hố hô hò khoan.

Phần Thứ Ba
VÀO MIỀN NAM


Lữ khách vào tới miền Nam, nghe tiếng hò của một cô gái...


13. ANH ÐI ÐƯỜNG VẮNG ÐƯỜNG XA


Cô gái miền Nam:
Hò ơ ơ ớ ơ... hò
Bớ anh đi đường vắng đường xa
Dừng chân đứng lại (i ì)
Hò ơ ơ ớ ơ... hò
Nghe em đây ca đôi lời
Chiều về trên cánh Ðồng Nai
Chờ người xây đắp ngày mai...

Và lữ khách mừng rỡ hát khúc hành ca...
14. NHỜ GIÓ ÐƯA VỀ
Lữ khách:
Nhờ gió đưa về, về miền gió chan hòa
Thơm lòng đất phù sa
Trời nắng huy hoàng, trời sưởi ấm con đường
Cho ta vô miền sông nước
Chiến đấu với sình lầy
Với thú dữ ư tràn đầy
Với lũ muỗi ư đặc dầy như đám mây
Chiến đấu với rừng tràm
Ta như ong từng đàn
Lập cuộc đời trên đất rừng hoang
Vào tới xóm dừa, vào vườn chuối la đà
Ôi là mát lòng ta
Bầu vú sữa tròn và mảnh trái thơm ròn
Hương sầu riêng ngọt ngon
Có mái tóc xuề xoà, có khoé mắt thiệt thà
Ðôi môi xinh hàm răng xít xa
Có áo ngắn mặn mà, có tiếng nói đậm đà
Người yên lành như một giấc mơ...

Cô gái miền Nam muốn được đi bên lữ khách trên con đường và trong cuộc đời.
15. ÐI ÐÂU CHO THIẾP THEO CÙNG
Cô gái miền Nam:
Ði đâu cho thiếp theo cùng
Ðói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về...
Lữ khách:
Tới đây lạ xứ quen người
Trăm bề nhũn nhặn đừng cười tôi nghe
Ví dầu tình bén duyên thề
Thi xin kết bạn đền nghì trúc mai...

Từ biệt miền Bắc với tâm trạng của người chồng Nàng Tô Thị. Vào miền Trung với mối tình của Huyền Trân Công Chúa, nhưng tới miền Nam, lữ khách đã tìm được lương duyên ở cảnh và ở người. Lữ khách kết duyên cùng cô gái. Dân chúng miền Nam hát hò mừng đôi vợ chồng mới.


16. ÐÈN CAO CHÂU ÐỐC GIÓ ÐộC GÒ CÔNG


Dân chúng miền Nam:
Hò lơ hó lơ
Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ
Hò lơ hó lơ
Ðèn nào cao cho bằng đèn Châu Ðốc
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
Vợ chồng son đã nuôi lòng ước mong
Thuận vợ chồng sẽ cùng tát Biển Ðông
Hò lơ hó lơ
Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ
Hò lơ hó lơ.

Ðôi vợ chồng son cưỡi sóng Cửu Long Giang về miền Hậu Giang sinh sống.


17. CỬU LONG GIANG và VỀ MIỀN NAM
Ðôi vợ chồng trẻ:
Cửu Long Giang gió về vui trên sóng sông
Uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con
Người từ Tiền Giang đi về xa xăm
Cuối con đường say đắm là miền rộng thênh thang
Cửu Long Giang trôi về ôm ấp đất hoang
Thiết tha như gái yêu chồng trong chiều mênh mông
Người về Hậu Giang xây tổ uyên ương
Có cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông...
Ðôi vợ chồng trẻ và dân chúng:
Về miền Nam ôi quê hương mới ơi
Về Cần Thơ khơi kinh, khơi nước ngòi
Về Hà Tiên ta tiễn Chúa ra đảo khơi
Về Cà Mâu ta đốt biết bao lửa vui
Về miền Nam ta theo cơn gió đưa
Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa
Về đồng dưa ta tắm nắng vui đời ta
Về miền Nam... Về miền Nam
Người về đây trong gió bình an...

Thành lập xong cuộc đời trên đất miền Nam mầu mỡ, họ hát cám ơn...


18. GIÃ ƠN CÁI CỐI CÁI CHẦY và VỀ MIỀN NAM


Ðôi vơ chồng trẻ:
Giã ơn cái cối cái chầy
Ðêm khuya giã gạo, có mầy, có tao
Giã ơn cái nhịp cầu ao
Ðêm khuya vo gạo, có tao có mầy.
Dân chúng:
Về miền Nam đem theo sương gió xưa
Về đồng khô đem cơn mưa rét về
Người về đây thương nhớ lắm con đường xa
Về miền Trung, ra xứ Bắc yêu mẹ cha
Ðường từ xa đem ta đã tới đây
Chùa chiều nay rung chuông trên luống cầy
Người gửi ơn ra bốn phía chân trời mây
Ngẩng đầu lên dâng vút đóa linh hồn say
Ðường về đây... Ðường về đây
Trời về Tây nghe gió cuồng bay...

Lữ khách đã tới cuối con đường xuyên Việt. Tạm dừng chân, người mong con đường cái quan sẽ có ngày hết ranh giới để người được mãi mãi đi trong cuộc đời và trong tình người.


19. ÐƯỜNG ÐI ÐÃ TỚI


Toàn thể nhân dân:
Ðường đi đã tới... Lòng dân đã nối...
Người tạm dừng bước chân vui người ơi
Người mơ ước tới... Ðường tan ranh giới
Ðể người được mãi
Ði trong một duyên tình dài
Con đường thế giới xa xôi
Trong lòng dân chúng nơi nơi...

Thai nghén từ 1954
Bỏ dở dang trong những năm sau
Hoàn tất 1960


Trường Ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN chống đối sự chia cắt đất nước sau Hoà Hội Genève vào năm 1954. Trường Ca MẸ VIỆT NAM ra đời sau đó sẽ là lời kêu gọi đoàn kết giữa những người con của đất nước, trong một giai đoạn nhiễu nhương là khoảng 1963-64, với những cuộc chỉnh lý, xuống đường và với cuộc chiến tranh giữa hai miền đã gia tăng khốc liệt.