Ngày trở về của Người hát rong thế kỷ
- Chi tiết
- Hà Minh
- Lượt xem: 4004
Ngày trở về
anh bước lê, trên quãng đường đê,
đến bên lũy tre, nắng vàng hoe,
vườn dâu trước hè cười đón người về...
("Ngày trở về" - Phạm Duy)
Người hát rong thế kỷ nay đã trở về nhà. Ra đi từ phố Hàng Dầu ngay Bờ Hồ, Hà Nội, gót chân ông đã chu du khắp các nẻo đường đất nước: từ Hà Nội ông đi Hải Phòng, Móng Cái, Quảng Ninh, vào Nam trong gánh hát Charlot Miều, rồi lại ra Bắc, ông đi kháng chiến, về chợ Đại Cống Thần, lên Việt Bắc, rồi "dinh tê" cùng vợ qua một chặng đường đầy gian khổ để về Hà Nội, rồi năm 54, ông bỏ lại "mồ mả cha ông" theo dòng người di cư vào Nam cùng nhiều văn nghệ sĩ như Lê Thương, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng, Tạ Tỵ, v.v. Hai mươi mốt năm sau, biến cố 30-4-75 một lần nữa đẩy ông cùng gia đình gạt nước mắt lên "thuyền viễn xứ" trôi dạt về miền đất tự do nhưng xa lạ. Rồi ba mươi năm sau nữa, những tiếng thì thầm của cố hương "Về thôi, Về thôi! Làm gì có trăm năm mà đợi? Làm gì có kiếp sau mà chờ?" đã gọi ông trở về, như cánh chim thiên di phiêu bạt nay tìm về mảnh đất cội nguồn. Xung quanh cuộc trở về này của ông có nhiều ý kiến ngược chiều, phức tạp. Với tình cảm của một người sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nguyên nhân của sự ly tán của rất nhiều người Việt khắp chân trời góc bể, tôi chịu nhiều ảnh hưởng của những tình khúc Phạm Duy, vì vậy xin được tản mạn đôi chút về ngày trở về của Người hát rong thế kỷ, Người tình già trên đầu non, Cây đại thụ của nền tân nhạc Việt nam.
Ngày trở về lần này của ông vui lắm, có hàng trăm người hâm mộ chờ đón ông, có biểu ngữ, băng-rôn in hình ông và dòng chữ "Welcome back home", những bàn tay vẫy những bó hoa tươi, các con ông và bè bạn. Trong bữa cơm trưa có cả cái nóng ẩm hừng hực của Sài Gòn, có bát canh mướp mồng tơi và đặc biệt có thêm cả đám phóng viên săn hình săn ảnh cả lúc ông ăn cơm [1] . Cái cảnh đoàn viên đương nhiên đã xảy ra như trong mơ... ánh mắt trong ánh mắt, tiếng cười trong tiếng cười ở nơi Đất Mẹ, Đất Nàng. Thực là một hình ảnh cảm động và tiền bạc chắc chắn không mua được những khoảnh khắc hạnh phúc như thế. Tôi thấy ông thực giống như Hạ Tri Chương trong hai áng thơ Đường trác tuyệt sau đây:
Hồi hương ngẫu thư – Kỳ nhất
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tùng hà xứ lai
Hạ Tri Chương
Ngẫu nhiên khi về quê (Bài một)
Còn trẻ ra đi, lão mới về
Tóc thưa cằn cỗi, tiếng còn quê
Trẻ con trông thấy mà không biết
Cười hỏi "Khách từ mô đến tê?"
(Bản dịch của Hải Đà Vương Ngọc Long [2] )
Nhạc sĩ Phạm Duy đã vào những nốt cuối của cung "bát độ" (octave) cuộc đời như Hạ Tri Chương, xa nhà lâu hơn cụ Hạ và phiêu bạt giang hồ cũng hơn cụ Hạ, cho nên tình cảm của ông chắc chắn phải dạt dào không kém. Bài thơ thứ hai tôi xin trích sau đây cũng thể hiện đúng tình cảm và hoàn cảnh trở về của ông:
Hồi hương ngẫu thư (Kỳ nhị)
Ly biệt gia hương tuế, nguyệt đa
Cận lai nhân sự bán tiêu ma
Duy hữu môn tiền kinh hồ thủy
Xuân phong bất cải cựu thời ba
Hạ Tri Chương
Ngẫu nhiên khi về quê (Bài hai)
Năm tháng xa nhà chắc đã lâu
Bạn bè mất nửa, nửa về đâu
Hồ gương trước cửa lung linh nước
Gió chẳng làm thay gợn sóng sầu
(Bản dịch của Hải Đà Vương Ngọc Long)
Những đêm họp mặt những người bạn tri kỷ từ thời "Cách mạng kháng chiến" như nhà thơ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Trần Văn Khê, ca sĩ Ngọc Bảo... thật là cảm động, những người bạn cố tri của ông như nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Bùi Xuân Phái... nay cũng chẳng còn, có chăng ông chỉ còn gặp hậu duệ của họ mà thôi. Người nghệ sĩ tự do nay đã trở về, đứa con xưa đã tìm về nhà, tuy rằng nhà ông ở phố Hàng Dầu nay đã chỉ còn là hoài niệm.
Cuộc đời Phạm Duy đầy ắp những sự kiện, ông là chứng nhân của những biến động lớn lao nhất ở Việt Nam xuyên suốt qua hai thế kỷ, ông tham dự và có mặt vào hầu hết những biến cố lịch sử của đất nước và tiến trình hình thành nền tân nhạc Việt Nam, ông là người bạn của những văn nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam trên các lĩnh vực văn, thơ, nhạc, họa, kịch, như Văn Cao, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Văn Tý, Tạ Tỵ, Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái và rất nhiều người khác, do vậy ông cũng gián tiếp tham dự vào tiến trình phát triển của những lĩnh vực văn học nghệ thuật này.
Trong Hồi ký Phạm Duy, Phần một: "Thời thơ ấu vào đời", ông viết về thời thơ ấu của ông ở Hà Nội rất hay và rất sinh động bằng giọng văn kể chuyện rất trong sáng, giản dị. Bản chất của ông là thích lãng du, ông không chịu ngồi lâu một chỗ bao giờ, con người rất ưa "xê dịch" phóng khoáng này đã từng nhận mình là:
Ma cà bông (vagabond) mà cà cúi
Lúi húi vườn hoa
Ông Tây bắt được hỏi nhà mày đâu?
Nhà tôi ở Phố Hàng Dầu
Số nhà 54, đứng đầu... du côn!
Đọc những trang hồi ký về thời thơ ấu của ông, tôi bồi hồi xúc động nhớ về những con phố thân yêu của Hà Nội, nơi mình sinh ra và lớn lên, do điều kiện mưu sinh, mình không còn được ở lại nơi đó nữa nhưng những tình cảm với nơi chôn rau cắt rốn vẫn còn đầy ắp. Phải nói rằng ông chẳng những là nhạc sĩ tài hoa mà còn là một nhà văn rất "tài tử". Và việc ông trở về cố hương đối với tôi là một hình ảnh đẹp, rất đẹp: hình ảnh của một ông già "tóc bạc phơ phơ" thong thả dạo bước quanh Hồ Gươm liễu rủ, bồi hồi nhớ về thời niên thiếu của mình. Ông đã từng ở phố Lò Đúc một thời gian, tôi cũng đã từng sinh ra và lớn lên ở đó, phố Lò Đúc của những hàng cây sao, cây xà cừ cao vút, nơi một thời cò về đậu trắng ngọn cây, cho nên phố tôi đã từng được mệnh danh là "bang cò ỉa" và có những biệt thự hai tầng kiểu dáng thuộc địa đẹp như Đà Lạt ngày xưa. Tôi yêu Hà Nội qua những trang viết của Thạch Lam [3] , của Vũ Bằng [4] , của Tô Hoài [5] , của Nguyễn Công Hoan [6] , của Chu Thiên [7] ,của Nguyễn Tuân, của Quang Dũng, Ngô Quân Miện, Trần Lê Văn [8] , của Nguyễn Huy Thiệp [9] , và tôi càng yêu Hà Nội qua nét bút tài hoa tài tử của Phạm Duy [10] . Tôi yêu những bài thơ, những ca khúc trữ tình trước đây và sau này viết về Hà Nội như bài thơ "Nhớ về Hà Nội" của Tạ Tỵ, "Hướng về Hà Nội" của Hoàng Dương rất thướt tha tiểu tư sản, những ca khúc lãng mạn say đắm lòng người của Đoàn Chuẩn, Từ Linh, "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi, "Em ơi Hà Nội phố" thơ của Phan Vũ được Phú Quang phổ nhạc, rồi... sau này lại có "Một thoáng Tây Hồ" của Phó Đức Phương hay "Mùa thu Hà Nội" của Trịnh Công Sơn, "Hà Nội đêm trở gió", "Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa", v.v. và chắc chắn còn rất nhiều tác phẩm tuyệt vời về Hà Nội mà tôi không thể kể ra hết ở đây. Tôi là một kẻ vô danh còn có những tình cảm thiết tha với quê hương như thế thì một tâm hồn lớn như ông: tác giả của tình ca bất hủ "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời" làm sao không khắc khoải nhớ cố hương cho được.
Vậy tại sao ông về nước lại làm nhiều người không vui? Ông ra đi, website phamduy.com đã ngừng hoạt động "cái rụp", chỉ còn lại hai chữ good bye !!! còn đó nỗi buồn [11] một nỗi buồn da diết cho những người còn ở xa quê đã từng yêu mến ông, tình cảm này cũng chả có gì khó hiểu. Họ cảm thấy dường như họ đã mất ông, hoặc như bị ông bỏ rơi. Là người yêu Phạm Duy, ta vẫn có thể tìm thấy một "mirror" của website phamduy.com vẫn còn truy nhập được, đó là: http://kicon.com/phamduy/. Chỉ sợ rằng nếu website này hoạt động không được sự cho phép của ông thì tôi sẽ rất buồn nếu một ngày nào đó ông hoặc các con ông ra lệnh "đóng cửa" nó. Ông đã chia tay bạn bè thân hữu còn ở lại và nói với họ rằng: Nếu quý vị hát nhạc tôi thì tôi vẫn còn chứ! Nhưng từ bây giờ họ biết tìm nhạc của ông ở đâu: tìm đâu những ngày xinh như mộng? tìm đâu? biết tìm đâu? đâu rồi?. Những bạn bè và người yêu mến ông còn ở lại miền đất tạm dung đã tiễn ông về "miền quá khứ" như lời bài hát của chính ông:
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Tôi rất thấm thía và chia sẻ những "đớn đau" ấy. Về những câu trả lời của ông trên báo chí trong nước: nhiều người phản ứng bực bội cho rằng ông "ồn ào", v.v. Theo tôi nghĩ, qua "lăng kính" của báo chí mọi chuyện đều có thể bị "méo mó" đi không nhiều thì ít theo một dụng ý nhất định của người viết. Ta không nên ngây thơ để lại bị rơi vào một sự hiểu lầm tai hại về ông. Ông về nước với một tâm thế thanh thoát, rũ bỏ những mặc cảm còn đeo bám ông suốt ba mươi năm. Mặc cảm và những sự mất mát của ông cũng không phải nhỏ khi phải từ bỏ hết để di tản khỏi Sài Gòn. Vậy mà ông đã vượt qua được những mặc cảm ấy. Điều này chỉ những nhân cách lớn mới làm được [12] . Phía trong nước đã chìa bàn tay với các con ông. Nếu ông có nói tốt cho chế độ thì cũng là lẽ thường vì họ đã tạo điều kiện cho các con ông trở lại sân khấu và hoạt động biểu diễn, và ông đã nói thẳng ra rằng: Giữa một vài triệu người với 80 triệu người, anh chọn ai? Xét về mặt nào đó ông đã tỏ ra thức thời, ít nhất cho sự nghiệp ca nhạc của gia đình ông, ông đã có một lựa chọn dứt khoát. "Cá chuối đắm đuối vì con". Về phía chính quyền, họ cũng đã đi được một nước cờ hay: đã thu phục bộ ba "xe, pháo, mã" gồm một "binh", một "nhạc", một "tăng" để tô điểm thêm cho tiến trình "đổi mới toàn diện".
Tôi cầu chúc cho cuộc trở về của nhạc sĩ Phạm Duy là một câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu. Cầu mong cho ông có những ngày êm đẹp tại quê hương, tiếp tục cống hiến phần đời còn lại của ông cho quê hương xứ sở, cũng như các con cháu ông được tiếp tục phát huy tài năng để phục vụ đồng bào ở tại quê nhà.
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.
Hà Minh
© 2005 talawas
[1]http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=79085&ChannelID=58
[2]http://www.vuonghaida.com/VAN/HoiHuongNgauThu.htm
Hạ Tri Chương tự Quý Chân, người quê Vĩnh Hưng thuộc Việt Châu (nay là Hợp Phố tỉnh Quảng Đông). Ông đỗ Tiến sĩ đời Vũ Hậu, làm quan đến chức Bí thư giám. Ông mất năm 86 tuổi. Thơ văn của ông phần nhiều phục vụ cung đình. Có một số ít bài thơ xuất sắc phải kể đến là hai bài "Hồi hương ngẫu thư" của ông sáng tác khi từ quan về quê thăm nhà sau hơn năm mươi năm xa cách. Ông đã từ giã quê hương ra đi để mưu tìm công danh sự nghiệp vào những năm còn trai trẻ, và qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể của cuộc đời, bây giờ tóc đã rụng thưa, phơ phơ sương điểm, nhưng giọng nói quê cũ của ông vẫn chẳng bao giờ đổi thay, đã chứng tỏ tình cảm của ông vẫn luôn còn gắn bó tha thiết với quê hương cố quận, cho dù sống tha phương ngàn trùng xa cách, tận chân trời góc bể nào. (Trích từ website: http://www.vuonghaida.com/VAN/HoiHuongNgauThu.htm)
[3]Thạch Lam: Hà nội ba mươi sáu phố phường
[4]Vũ Bằng: Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội và Bốn mươi năm nói láo
[5]Tô Hoài: Giăng thề, O chuột, Quê người, Cát bụi chân ai
[6]Nguyễn Công Hoan: Đống rác cũ
[7]Chu Thiên: Bóng nước Hồ Gươm
[8]Quang Dũng, Ngô Quân Miện, Trần Lê Văn: Bút ký Gương mặt Hồ Tây
[9]Nguyễn Huy Thiệp: Tuổi hai mươi yêu dấu
[10]Phạm Duy: Hồi ký, Thời thơ ấu vào đời.
[11]Tạ Tỵ: "Phạm Duy còn đó nỗi buồn"
[12]Cũng giống như những mất mát của nhóm Nhân văn-Giai phẩm: Văn Cao, Hoàng Cầm, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần..., của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Cuối đời họ đã được "phục hồi danh dự". Có lần tình cờ tôi được biết nhà văn kiêm họa sĩ Trần Duy có một bức tranh rất lớn "tặng" Bộ Nội vụ để treo tại Nhà khách của Bộ ở phố Trần Bình Trọng, nơi đã ra lệnh quản thúc ông suốt thời Nhân văn-Giai phẩm. Đúng là những nhân cách lớn.