Hồ Văn Xuân Nhi - Ai Giết Nổi Phạm Duy ?
- Chi tiết
- Hồ Văn Xuân Nhi
- Lượt xem: 3605
Con số nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại bắt đầu trở về nước tìm đường ca hát, tính đến nay đã lên gần cả trăm người. Số lượng nghệ sĩ hải ngoại được cấp giấy phép trình diễn ở Việt Nam cũng đã khá đông, khoảng 70 ca nhạc sĩ, nhiều người đã từng là những ngôi sao sáng chói ca nhạc hải ngoại.
Nếu nói rằng những nghệ sĩ hải ngoại trở về nước ca hát vì họ đã hết thời, già nua, đang bị sân khấu đào thải vì tuổi nghề đã quá cao, hay không còn khán giả ở hải ngoại nữa, đó là một nhận xét hơi có vẻ sỉ nhục người nghệ sĩ quá đi, có thành kiến vì chính kiến. Thực tế có nhiều nghệ sĩ còn trẻ lắm, đang là ngôi sao sáng hay vẫn còn đang là siêu sao ở hải ngoại, cũng đã trở về hay đang tìm đường trở về. Thực tế, nếu có cơ hội và được cho phép dễ dàng, sẽ có thêm cả trăm nghệ sĩ hải ngoại ùn ùn kéo nhau về Việt Nam ca hát, trong đó có rất nhiều siêu sao đương thời. Nếu cánh cửa Việt Nam mở rộng thêm hơn, đừng bày vẽ những thủ tục giấy phép rắc rối, nhiều trung tâm văn nghệ ở đây cũng quay về tìm thị trường trong nước, hay dùng sân khấu trong nước cho những sản phẩm văn nghệ của họ bên này. Chỉ cần cánh cửa Việt Nam mở rộng thêm hơn, chứ chẳng nghệ sĩ hải ngoại nào đòi hỏi phải có một đất nước đổi thay chủ nghĩa, chế độ, họ mới trở về.
Cho nên sự trở về của nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại không phải chỉ có thế hệ già, hay những ngôi sao đang rụng tàn, hay chỉ những người không còn nồi cơm ở đây nữa, mà hầu hết những nghệ sĩ càng đang sáng chói, ăn khách ở hải ngoại, lại càng muốn về mau chóng hơn. Bởi vì họ còn có nhiều thời gian để xây dựng một sự nghiệp ca hát thành công hơn ở trong nước trong khi họ còn là những ngôi sao sáng hôm nay. Dù là thương trường kinh tế hay thương trường văn nghệ, nơi mà cơ hội có 80 triệu người khách hàng vẫn quyến rũ hơn cơ hội của một cộng đồng chỉ có 2 triệu người. Những nghệ sĩ hải ngoại nào sở dĩ chưa về, vì họ chưa thể trở về hay vì còn sợ bể nồi cơm ở nước Mỹ này... vì sợ bị chửi, bị biểu tình bên đây, chứ không phải vì họ chưa muốn về. Hay có nhiều người, biết rằng, mình không thể hát cạnh tranh nổi với nghệ sĩ trong nước, sẽ không thích về mà thôi.
Bất cứ một người nào đã sinh ra ở Việt Nam, đều muốn có cơ hội quay trở về quê hương. Với những người của một thế hệ đã có hơn nửa đời mình sống và lớn lên trên đất nước Việt Nam, họ càng mong muốn những ngày cuối đời được sống hay chết trên mảnh đất quê hương. Nếu có những ai tuyên bố mình không bao giờ muốn trở lại Việt Nam nữa, đa số là những người đã quên mất cội nguồn hay không còn nghĩ mình là một người Việt Nam. Có nhiều người tuy sinh ra ở Việt Nam, hay nói tiếng Việt, nhưng đang nghĩ mình là một người Mỹ, người Tây, không thể ăn nước mắm, mà chỉ thích hamburger hay pizza mà thôi, cho dù họ có sinh hoạt với cộng đồng Việt Nam đi chăng nữa, họ cũng nghĩ nơi đây mới là quê hương của họ. Chúng ta cũng không thể trách họ được, bởi vì quả thật đối với nhiều người trẻ, nước Mỹ mới chính là quê hương.
Không trách những người trẻ đã chọn nước Mỹ làm quê hương, càng không thể trách những người lớn tuổi chỉ có thể chọn Việt Nam làm quê hương. Dù sau 30 năm, hay bao nhiêu năm ở Mỹ đi nữa, con tim của họ vẫn là Việt Nam, cuộc đời của họ vẫn là Việt Nam, máu mủ của họ gắn liền với đất nước Việt Nam, và họ chỉ vui được khi họ trở về với Việt Nam. Cho dù ngày hôm nay, Việt Nam vẫn còn chế độ cộng sản đi nữa, chúng ta cũng không thể trách những người muốn quay về Việt Nam.
Không phải họ là những người chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Không phải họ là những người bị cộng sản chiêu dụ trở về. Không phải họ là những người phản bội chính nghĩa quốc gia. Khi cuối đời đã đến, không còn thiết tha với tiền tài, danh vọng, sự nghiệp, nhiều người chỉ muốn trở về với một nơi đã từng là kỷ niệm, là quê hương, hay đơn giản chỉ vì muốn được chết trong lòng quê hương. Lên án sự trở về của những người này, là sự lên án quá khắt khe, quá cực đoan.
Sau 30 năm, công đồng Việt Nam ở hải ngoại đã có nhiều bước trưởng thành, đã phát triển về mọi mặt, kinh tế, chính trị, văn hóa, người Việt hải ngoại đã thay đổi và tiến xa. Nếu chúng ta ở nước người đã có thay đổi và tiến xa, chúng ta cũng phải nên nhìn nhận Việt Nam hôm nay đã có nhiều thay đổi và tiến xa.
Dĩ nhiên chúng ta, những người miền nam Việt Nam tî nạn và lưu vong, vẫn muốn nhìn thấy một nước Việt Nam tiến xa và đổi mới nhiều hơn nữa. Chúng ta muốn nhìn thấy một nước Việt Nam có nhiều sinh hoạt chính trị dân chủ và tự do tôn giáo hơn. Ai cũng muốn thấy những điều đó, kể cả những người đã quay về. Không phải những người đã quay về hôm nay vui lòng chấp nhận những gì ởø một nước Việt Nam hôm nay, không phải họ thỏa mãn những thay đổi trong nước. Việt Nam quả thật cần có nhiều thay đổi hơn. Nhưng mà, nhìn lại lịch sử đất nước 30 năm qua, nếu không lấy chính kiến và chủ nghĩa xét đoán, chỉ cần đánh giá trung thực, chúng ta phải thừa nhận Việt Nam 2005 hôm nay khác hơn Việt Nam 1975, Việt Nam 1985, hay Việt Nam 1995. Mỗi thập niên trôi qua, có nhiều biến đổi hơn, mà nếu khách quan nhận định, phải nói là những đổi mới tốt hơn rồi đó.
Những đổi mới đó, những điều tốt hơn đó, người Việt hải ngoại có quyền hãnh diện đã đóng góp nhiều phần trong đó. Từ những đấu tranh đối lập cho đến lực lượng Việt kiều quay trở về hay là do áp lực của Hoa Kỳ, của quốc tế, cũng là do sự đóng góp của cộng đồng người Việt hải ngoại mà thôi. Tôi vẫn thường hay buồn cười khi thấy nhiều chuyện mà cộng đồng Việt Nam hải ngoại chúng ta đấu tranh đòi hỏi hay đã chỉ trích nhà nước Việt Nam mấy chục năm qua, đến khi điều đó thay đổi hay đạt được, nhiều người cực đoan bảo thủ, cứ lại sợ cho rằng đó là những âm mưu, giả vờ, hay có thể là chiến dịch chiêu dụ của chính quyền cộng sản. Sao không cho đó là chiến thắng của chúng ta đấu tranh ở hải ngoại này?
Tôi không dám bàn luận về khía cạnh chính trị, chính kiến, và chủ nghĩa trong bài viết này. Tôi chỉ xin nêu lên những ý kiến riêng về khía cạnh văn nghệ.
Tôi không chống đối chuyện nghệ sĩ hải ngoại về nước. Trái lại, tôi vẫn mong có nhiều nghệ sĩ hải ngoại trở về nước ca hát và thành công. Nếu nhiều người cực đoan, bảo thủ sợ rằng lực lượng nghệ sĩ trong nước đang sang Mỹ hát là một phần trong mặt trận văn hóa của chính quyền Việt Nam, đưa người sang đây giao lưu văn hóa, để tạo một ảnh hưởng gì đó trong cộng đồng người Việt, cách phản công của cộng đồng chúng ta là để cho nghệ sĩ hải ngoại về nước ca hát, giao lưu văn hóa ngược chiều. Nhưng thật ra, tôi vẫn luôn nghĩ sự trở về của nghệ sĩ hải ngoại là một chiến thắng của cộng đồng người Việt chúng ta hơn là một sự thật bại chính trị.
Những năm xa xưa, khi chính quyền Việt Nam còn đóng cửa, kiểm soát văn hóa khắt khe, một lời văn hay chữ viết hay một giòng nhạc viết ở hải ngoại cũng bị cấm cửa về Việt Nam. Người dân trong nước muốn nghe, muốn đọc, muốn hát cũng không được. Ở bên này, chúng ta chỉ trích nhà nước Việt Nam là làm ngu dân để dễ trị nước. Ngày nay, văn hóa người Việt hải ngoại đang xâm nhập vào Việt Nam dễ dàng hơn, nhiều phần là đi vào cửa ngỏ chính thức, nhưng nhiều người vẫn mặc cảm không tin đó là chiến thắng của chúng ta bao nhiêu năm đấu tranh đã tạo được ảnh hưởng cho sự cởi mở đó. Ngày xưa chúng ta cho rằng nhà nước Việt Nam làm ngu dân, bây giờ họ mở cửa cho sinh viên đi du học, cán bộ sang đây tu nghiệp, học hỏi, chúng ta cũng mặc cảm sợ hãi và nghi ngờ. Sao không nghĩ rằng chúng ta đã đạt được những chiến thắng làm mở rộng cửa đất nước. Chính phủ Mỹ khuyến khích sinh viên trong nước sang đây du học, tìm cách cho các đoàn quan chức cán bộ Việt Nam sang đây học hỏi, với mục đích mở mắt người dân Việt Nam, nhồi vào trong óc những chất xám hình ảnh một nước Mỹ dân chủ tự do đem đến thịnh vượng quốc gia. Nhưng nhiều người cực đoan chúng ta lại la ó phản đối chuyện chúng nó sang đây. Sao chúng ta không thể giúp chúng nó sáng mắt hơn, chẳng lẽ muốn chúng nó cứ ngu dân hoài?
Nếu chúng nó không sang đây, dân ta suốt đời ngu muội, suốt đời bị bịt mắt không nhìn thấy thế giới bên ngoài, không học được gì hay hơn. Ðất nước muôn đời vẫn là một đất nước cộng sản nghèo đói và ngu dốt. Trong sinh hoạt văn hóa hay văn nghệ cũng thế, sự sang đây của những nghệ sĩ trong nước hay sự trở về của những nghệ sĩ hải ngoại, sẽ làm nên những biến cố và biến đổi cho một sinh hoạt văn nghệ văn hóa nhiều văn minh và tự do hơn. Khi người dân trong nước có thể hội nhập được văn hóa từ người Việt hải ngoại đưa về, dù chỉ là những bước tiến còn chậm nhưng chúng ta đang giúp đẩy đưa một cuộc cách mạng đi dần dần đến dân chủ hơn.
Chúng ta đã nhìn thấy rõ ràng văn hóa văn nghệ trong nước hôm nay đã khác biệt nhiều. Tình cảm con người, tiếng nói con tim, và hội nhập văn hóa nước ngoài đã dần dà thay thế một nền văn hóa văn nghệ của ngôn ngữ cách mạng, hình ảnh đấu tranh chống Mỹ hay nhồi sọ tư tưởng người cộng sản. Sao không nghĩ rằng chúng ta, người Việt hải ngoại, đã đóng góp một phần trong cuộc cách mạng thay đổi văn hóa văn nghệ hôm nay?
Tôi ủng hộ người nghệ sĩ hải ngoại trở về quê hương, vì những người này sẽ vô tình là những người đóng góp cho một chiến thắng của người Việt hải ngoại trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Khi 80 triệu người Việt Nam chỉ biết yêu nhạc tình, quên mất nhạc cách mạng, mặt trận văn hóa đã thay đổi ghê gớm lắm trong chiều hướng của người Việt tự do chúng ta. Khi con người Việt Nam biết sống với nhau bằng con tim, cộng sản không còn là cộng sản chính thống nữa.
Câu chuyện nhạc sĩ Phạm Duy trở về Việt Nam tháng Giêng năm nay đã là một biến cố văn nghệ và chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại. Một vài tờ báo và vài hội đoàn chính trị đã lên án, đả kích sự trở về của ông. Tôi không viết thêm về quãng đời và sự nghiệp văn nghệ của Phạm Duy. Như bao người nghệ sĩ Việt Nam khác, tôi cũng gọi Phạm Duy là bố già âm nhạc Việt Nam. Ông xứng đáng với tên gọi đó. Bao nhiêu đó đã đủ nói về sự nghiệp của Phạm Duy.
Tôi không chống đối chuyện ông trở về nước. Những người chống đối Phạm Duy trở về Việt Nam không phải là đa số. Tôi cũng không biết hư thực về những lời tuyên bố của nhạc sĩ với báo chí ở trong nước, có đúng hay sai, ai thêm ai bớt trên báo chí trong nước và hải ngoại? Nhưng tôi không nghĩ rằng Phạm Duy trở về Việt Nam là một sự phản bội người Việt cộng đồng hải ngoại.
Phạm Duy không trở về Việt Nam vì ông đã là một nhạc sĩ hết thời. Phạm Duy chưa bao giờ là một nhạc sĩ hết thời, bởi vì cho đến ngày hôm nay, nhạc của ông, những tác phẩm của ông, vẫn được ưa chuộng vẫn được hát khắp nơi hải ngoại. Có chương trình ca nhạc nào mà không có một ca khúc Phạm Duy được trình bày, có CD hay DVD ca nhạc nào mà không có một bài của Phạm Duy trong đó. Kể cả trong nước, dù 30 năm bị cấm hát, nhưng nhạc Phạm Duy vẫn được hát trong dân gian, vẫn được những người miền nam nhớ đến, thuộc làu. Và khi ông trở về, không phải chính quyền vỗ tay chào mừng ông, mà khán thính giả của ông, già có, trẻ có, đã tìm đến chào mừng ông. Tôi đã có lần chứng kiến hình ảnh đó.
Một người nhạc sĩ cả một đời cống hiến cho âm nhạc Việt Nam, cho quê hương, nay đã hơn 80 tuổi đời, còn sống bao lâu nữa với sức khỏe hôm nay, trở về lại cố hương, để được chết và chôn trên mảnh đất quê hương, là một cái tội hay sao? Là sự phản bội quốc gia hay sao? Phạm Duy không hết thời, để tìm về lại Việt Nam xây dựng hay tìm lại sự nghiệp của mình. Âm nhạc, tên tuổi, và sự nghiệp của ông còn sống mãi đời đời, cho dù có bao nhiêu viên đạn chính kiến và chủ nghĩa đang tử hình ông hôm nay. Tôi còn nhớ nhà văn Duyên Anh đã từng có viết một bài viết với tựa đề: Phạm Duy, Không Ai Giết Nổi Anh. Ðúng thôi, không ai có thể giết Phạm Duy hôm nay được cả.
Với một người nghệ sĩ, nhạc sĩ, khi họ cống hiến cuộc đời và sự nghiệp của mình cho âm nhạc, văn nghệ, họ không cần huân chương hay được tuyên dương. Ðừng ai bắt tâm hồn của những người nghệ sĩ phải giống tâm hồn của những người đi làm chính trị hay đấu tranh. Như thế không có nghĩa rằng, những người nghệ sĩ không hành động giống như một người lính, một nhà đấu tranh chính trị, là những người phản bội cộng đồng, phản bội quốc gia. Chúng ta cũng không thể kết án những người quay về Việt Nam hôm nay dù là đi về thăm viếng gia đình, du lịch, hay buôn bán làm ăn, hay trở về sinh sống hồi hưu, hay ca hát bên đó, là những người đã bị chiêu dụ, ngu muội, hay phản bội cộng đồng bên này. Vì nếu nói như thế, chiến tuyến cộng đồng bên này chẳng còn ai hết, bởi vì nếu làm bài toán kiểm tra, còn lại bao nhiêu người, đã thực sự chưa một lần về lại Việt Nam?
Tôi không đồng ý với nhiều bài báo so sánh sự trở về của Phạm Duy giống như sự trở về của ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông Nguyễn Cao Kỳ đã là một người lãnh đạo chiến tuyến chống cộng, đã là một vị tướng của VNCH. Thái độ của ông Kỳ người ta đặt để ở một vị trí khác hơn. Những phán đoán về ông Nguyễn Cao Kỳ, tôi không phản đối. Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy suốt đời là một nghệ sĩ. Với một người nghệ sĩ, chỉ có cảm xúc và cảm giác. Những tác phẩm của họ viết lên, thường đến vì cảm giác, cảm xúc hay vì một xúc động tình cảm có thể đến từ một biến cố nào đó, kể cả là biến cố của lịch sử đất nước, nhưng không có nghĩa họ sáng tác theo thời cuộc hay biến đổi chính trị.
Riêng với Phạm Duy, qua những tác phẩm của ông, người ta thấy rõ ông chỉ là một nghệ sĩ thuần túy, nhưng đã là một nghệ sĩ có lòng yêu quê hương Việt Nam. Nhưng mà yêu quê hương Việt Nam là yêu đất nước Việt Nam, yêu dân tộc Việt Nam, yêu hồn thiêng Việt Nam. Không có nghĩa phải là một người chiến sĩ có lập trường chống cộng. Chuyện chống cộng hay chống quốc gia là chính kiến của riêng mỗi người. Không ai có thể kết án người khác, nếu không chống cộng, hay là nếu không chống cộng giống như ta, thì chúng mày là những người không yêu quê hương hay là kẻ phản bội dân tộc. Không phải nghệ sĩ ủng hộ chủ nghĩa người quốc gia mới là nghệ sĩ yêu quê hương, còn nghệ sĩ trong chế độ cộng sản là nghệ sĩ phản bội dân tộc. Chẳng lẽ tất cả nghệ sĩ ca hát và sáng tác trong nước Việt Nam hôm nay đều là những người phản bội đất nước dân tộc?
Chuyện Phạm Duy và gia đình tìm trở về quê hương là chuyện riêng của một cá nhân, của một gia đình, giống như cả triệu người Việt hải ngoại cũng đã trở về quê hương. Tôi sẽ không hoan nghênh chuyện một số nghệ sĩ đứng trên sân khấu quê nhà tạ ơn nhà nước hay tạ ơn đảng đã cho phép trở về ca hát. Làm như thế là hèn quá, không cần thiết. Người nghệ sĩ khi trở về quê hương ca hát, chỉ nên cám ơn khán thính giả còn yêu thương họ, đón nhận họ trở về. Nhà nước Việt Nam có trải thảm đỏ chào đón ai đâu, cho nghệ sỹ quay về? Những thảm đỏ có trải ra, là do từ khán thính giả mà thôi.
Nhưng ở bên này, chúng ta cũng không nên lên án tử hình sự nghiệp của một người nghệ sĩ khi họ quay trở về. Chúng ta cần họ trở về. Trải qua 30 năm qua, cuộc đấu tranh lật đổ một chế độ một chủ nghĩa bên kia, cộng đồng hải ngoại chúng ta chưa thể làm nổi, vậy hãy để chế độ hay chủ nghĩa đó dần dần bị khai tử bằng thời gian, bằng thế hệ con người, bằng sự mở mang kiến thức, bằng những tiếp cận và hội nhập văn hóa. Hành trình trở về của những người nghệ sỹ hải ngoại, của nền văn nghệ người Việt hải ngoại, sẽ đóng góp phần nào trong cuộc cách mạng văn hóa đó.
Chúng ta đang sống trong đất nước Mỹ. Người Mỹ đã chống cộng với chúng ta. Người Mỹ đã bỏ rơi chúng ta. Người Mỹ đã quay trở về Việt Nam và mở toang cửa cho chúng ta về bên đó, cho chúng nó sang bên đây. Người Mỹ có mục đích của họ. Họ không đem quân về dành lại dân chủ cho Việt Nam. Nhưng mà chất xám nước Mỹ, chất xám của một nền văn minh, văn hóa, tự do và dân chủ đang xâm nhập Việt Nam. Người Mỹ kiên nhẫn, vì họ biết, sẽ có một biến cố Việt Nam ngày phải tới. Cộng đồng chúng ta vẫn ca ngợi nước Mỹ và sự lãnh đạo của nước Mỹ. Nhưng chúng ta lại chửi mắng thậm tệ chính cộng đồng chúng ta.
Trong sinh hoạt văn nghệ, cộng đồng chúng ta cứ bạc bẽo tình đời với những người nghệ sĩ. Khi cần người nghệ sĩ đến với cộng đồng để kiếm tiền gây quỹ cho hội đoàn, cho chính trị gia, cho cộng đồng, người nghệ sĩ sẵn lòng. Khi người nghệ sĩ quay về Việt Nam, cộng đồng đem cả gia tộc hay sự nghiệp người nghệ sĩ để đấu tố và bức tử. Người nghệ sĩ có thể đầu óc họ chỉ đơn giản nhìn cuộc đời và cộng đồng trên khía cạnh văn nghệ hay sự sinh sống mà thôi. Nhưng đó đâu phải là cái tội, mà biết đâu chừng một người nghệ sĩ khi đứng giữa sân khấu trong nước ca hát, là đã vô tình, ở một khía cạnh nào đó, họ đang góp phần cho một cuộc cách mạng đổi mới đi vào lòng con người kể cả những người đang lãnh đạo một chủ nghĩa.
Riêng với Phạm Duy, bất kể ông đã nghĩ gì khi chọn con đường trở về, nhưng những đóng góp cho sự thịnh vượng của âm nhạc Việt Nam, những bài tình ca con người, những ca khúc quê hương của Phạm Duy đã đi vào lòng người dân nước Việt, quả là những công trạng đã quá lớn cho lịch sử. Hãy để cho người nhạc sĩ được sống với quê hương mà ông yêu mến một đời, vì mỗi chúng ta, nếu là người có trái tim Việt Nam cũng chỉ muốn trở về Việt Nam mà thôi. Người nghệ sĩ không phải là người lãnh đạo cộng đồng, không phải là một lãnh tụ, không phải là chính trị gia, không cần thiết phải có một cuộc sống hay hình ảnh nghiêm túc, đạo đức hay là tấm gương cho người khác phải đi theo.
Ðối với nhạc sỹ Phạm Duy, người ta sẽ nhớ ông vì những tác phẩm của ông, vì sự nghiệp âm nhạc ông đã đóng góp cho nền văn hóa văn nghệ Việt Nam suốt hơn 6 thập niên qua. Sự nghiệp đó, qúa vĩ đại, 30 năm giam hãm âm nhạc của ông của chế độ trong nước đã không giết được Phạm Duy, đã không khai tử được những tác phẩm của ông, thì hôm nay những lằn đạn mũi giáo của chính kiến và chủ nghĩa, cho dù ở bên nào, Phạm Duy cũng muôn đời vẫn sống mãi. Trong lòng khán thính giả người Việt, chỉ luôn luôn nhìn Phạm Duy qua những tác phẩm ca nhạc của ông.
Nhạc của Phạm Duy sẽ không có ai tẩy chay được khi mà chính nhà nước Việt Nam cũng đã không tẩy chay được. Người Việt Nam trong nước và người Việt Nam hải ngoại, nghệ sỹ hay là dân gian, sẽ vẫn ca hát nhạc Phạm Duy khắp nơi trên đất nước và đất người. Gia đình của ông, những người con người cháu nghệ sỹ trong gia đình ông, vẫn đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam như là một “Dynasty”.
Ðó là niềm an ủi và hạnh phúc của một đời nghệ sỹ Phạm Duy. Hạnh phúc đó sẽ làm cho ông sống muôn đời, ít nhất trong lòng những người khán thính giả văn nghệ chúng ta.
Hồ Văn Xuân Nhi
(2005)
Nguồn: phunuviet.org