Đêm Thơ Nhạc Nhớ Phạm Duy: Ngàn Lời Thơ
- Chi tiết
- Huỳnh Kim Quang
- Lượt xem: 5673
1/2/2018
Mùa xuân năm 2013, vào ngày 27 tháng Một, nhạc sĩ Phạm Duy từ giã chúng ta ra đi. Ba ngày sau, một nhóm thân hữu yêu nhạc đã tụ tập ở tòa soạn Việt Báo cùng nhau hát những dòng nhạc Phạm Duy tiễn biệt Ông. Đúng năm năm sau, chiều thứ Sáu ngày 26 tháng Một, 2018, mới 6 giờ chiều, Gallery Việt Báo một lần nữa lại mở rộng cửa đón bạn hữu văn nghệ và những người yêu nhạc, yêu thơ.
Dưới ánh đèn bên trái sân khấu của thính phòng, ngay bên trên chiếc đàn dương cầm là bức họa chân dung cố nhạc sĩ Phạm Duy với vầng trán cao rộng quen thuộc do họa sĩ Ann Phong cùng với kiến trúc sư Hùng Lê thực hiện mực còn chưa ráo. Những bóng đèn tròn chỉ vừa sáng tim đèn được thả từ trần cao xuống tạo ra một không gian màu vàng tiệp màu với chiếc áo vàng của người nhạc sĩ trong tranh. Sát bên, sân khấu nhỏ được dựng lên rất “thơ” với nền sân khấu là những trang báo và trang sách ngang dọc. Trên tấm màn xanh là tấm bích chương vuông kẻ dòng chữ “Chiều Thơ Nhạc” với hình ảnh của bốn vị cố thi sĩ lớn của nền thơ văn Việt Nam: Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo. Chương trình còn một tiếng nữa mới bắt đầu mà những hàng ghế kê vòng cung quanh sân khấu đã không còn chỗ trống. Mọi người với ly rượu, chén trà trên tay cùng hàn huyên kể chuyện về những kỷ niệm thơ nhạc cùng nhớ về người nhạc sĩ đã viết ngàn lời ca cho kho tàng âm nhạc Việt.
Thính phòng và quan khách Đêm Thơ Nhạc Nhớ Phạm Duy
Đúng 7:30PM Cô Lê Đình Ysa, người MC thông minh duyên dáng của các chương trình giàu chất văn học nghệ thuật bước ra sân khấu, nhắc lại ngày này cách đây 5 năm, nhạc sĩ Phạm Duy qua đời tại Việt Nam. Cô thay mặt ban tổ chức cảm ơn mọi người đã đến cùng ngồi lại với nhau, cùng góp phần vào chương trình thơ nhạc nhân dịp giỗ năm thứ 5 của người nhạc sĩ tài hoa. Quả là chưa bao giờ trong một không gian nhỏ như thế này mà có thể hội tụ quá nhiều những khuôn mặt, những tên tuổi tài hoa của cả một nền văn học, nghệ thuật Việt. Họ là những người bạn cùng thời với nhạc sĩ Phạm Duy. Họ là những cây cổ thụ văn hóa. Họ là những người con cháu. Họ là những thế hệ lớn lên được hít thở, bồi dưỡng trí óc bởi những dòng nhạc từ ngàn ca khúc Phạm Duy. Họ đến mang theo tình yêu mến dành cho thơ nhạc Việt và với chân tình, họ ngồi bên nhau nghe thơ, nghe nhạc, “nghe con tim chạy miệt mài”, nghe những “dòng sông” chảy miên man.
Ysa giới thiệu nhóm chủ xướng đọc thơ: Đỗ Quý Toàn, Trần Dạ Từ-Nhã Ca khi giới thiệu nhà thơ Đỗ Quý Toàn bước lên sân khấu mở đầu chương trình. Từ thập niên 60, Đỗ Quý Toàn đã cùng bạn hữu đọc thơ khắp nơi tại những sân khấu thơ nhạc ở Sài Gòn. Hôm nay, trở lại sân khấu thơ, Đỗ Quý Toàn đã chinh phục nhiều trái tim, như lời Ông nói: “Thơ làm cho mình bị quyến rũ là bởi vì có những chuyện mình nhìn hàng ngày, nghe hàng ngày, tự dưng có anh thi sĩ đụng vào, viết ra những điều đó – cũng là những điều mình vẫn thấy đó, nhưng hình như cách nhìn của mình về điều đó bỗng dưng đã thay đổi...”.
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn
Cũng với lối giải thích dễ hiểu, có duyên, Ông chỉ ra cho mọi người việc đọc thơ và nghe thơ có cái thú vị rất “thơ” của nó. Ông phân biệt việc đọc thơ khác với ngâm thơ như thế nào, khẳng định rằng khi nhà thơ llàm thơ trong đầu không phải ngâm mà là đọc. Đọc thì trung thành với bài thơ hơn. Rồi ông đọc mấy câu thơ trong bài thơ “Nụ Hôn Đầu” của nhà thơ Trần Dạ Từ:
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh cỏ biếc trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trỗ bông…
Ông ngâm 2 câu đầu và nói ông không có ý ngâm thơ mà chỉ thử ngâm để thấy nó khác với đọc ra sao. Người nghe cười rộ lên. Rồi ông tiếp tục đọc bài thơ “Độc Ẩm” của nhà thơ Nguyễn Bá Trạc:
Những hôm lòng sáng như trời
Tâm lành như Bụt miệng cười như hoa
Một mình ngồi ở trong nhà
Giữa một bình trà với sáu cái ly.
Ông tâm đắc với 2 câu cuối, “Một mình ngồi ở trong nhà, Giữa một bình trà với sáu cái ly.” Ông nhắc lại và cho ví dụ về việc đọc thơ mình sẽ phát hiện ra những điều bất ngờ mà lâu nay mình không hề thấy dù đã rất quen thuộc, như cảnh thi sĩ ngồi một mình giữa 6 cái ly. Ông thêm rằng: “Có lúc chúng ta phải chính thức công bố một điều rất thường tình”, và ông gật gù đọc lại “một mình ngồi ở trong nhà, giữa một bình trà với sáu cái ly.” Tiếng cười lại rộ lên.
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn tiếp tục đọc bài thơ “Đồi” của nhà văn Nhã Ca, một bài thơ mà ông thú thật là mới đầu đọc vào không nghĩ là thơ của Nhã Ca, và khi biết là thơ của Nhã Ca, ông đọc và càng cảm thấy lý thú hơn. Nhưng cảm xúc nhất là khi ông đọc bài “Thơ Sớm Mai.
...Con nói đi, kìa, mặt trời mọc
Mặt trời đang mọc, mặt trời hồng
Mặt trời đang mọc, ba đừng khóc
Mưa gió nào chôn nổi rạng đông
Con nói đi, kìa sáng Chủ nhật
Chủ nhật sao đầy ắp cửa nhà
Nụ cười trong máu hơi trong đất
Tiếng nói con đầy lịch sử ta
Sáng Chủ nhật cùng khắp mọi người
Con nói đi, mặt trời đang mọc
Mặt trời mọc, mọc rồi, mọc rồi
Mặt trời mọc mà sao mẹ khóc
Dường như có cảm xúc vừa trào lên trong tâm trạng của người đọc và người nghe thơ! Sớm Mai là tên con gái đầu lòng của nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ. “Mặt trời mọc mà sao mẹ khóc,” phải chăng đây là niềm vui trào nước mắt! Niềm vui của người mẹ chịu cảnh banh da xé thịt cho con ra đời. Mẫu tử tình thâm thật đã làm cho người ta mềm lòng, cảm động. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn cũng đọc bài “Thược Dược” và “Sáng Tạo” của nhà thơ Quách Thoại, người thi sĩ đa tài mà yểu mệnh.
…
Mặt trời mọc!
Mặt trời mọc!
Rưng rưng mùa hoa gạo
Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
Đểå nhìn các anh như vừa gặp buổi hôm nào
Và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo:
Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo.
Cả thính phòng như chùng xuống, nhớ đến nhà thơ trẻ tài hoa đã khuyến khích người ta tiếp tục con đường sáng tạo nghệ thuật, còn ông thì đột ngột từ giã thế giới này mà đi biền biệt!
Nữ tài tử Kiều Chinh
Nữ tài tử Kiều Chinh trước khi đọc thơ của nhà thơ Mai Thảo nói đây là lần đầu tiên Bà đọc thơ. Bà nhắc năm nay cũng là tròn 20 năm nhà thơ Mai Thảo qua đời, ngày 10 tháng 1 năm 1998. Bà nói đây cũng là dịp để thắp nén nhang tưởng niệm nhà thơ quá cố:
Em đã hoang đường từ cổ đại
Anh cũng thần tiên tự xuống đời
Đôi ta một lứa đôi tài tử
Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi...
Nhà thơ Du Tử Lê
Nhà thơ Du Tử Lê, người thi sĩ đã xuất bản 60 tác phẩm văn và thơ và nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc bước lên đọc bài thơ “Thanh Xuân” của Nhã Ca. và bài thơ của chính ông, “Tôi Trôi Theo Tôi, Con Sông.”
…
tôi đi xuyên qua mùi nhang,
thấy như buổi sáng điệu đàng… vết thương.
tôi đi xuyên qua cội, nguồn
thấy em. thương lắm. chọn nhầm tôi. hư!
Lại có tiếng cười đâu đó dưới các hàng ghế. Nhà thơ cũng mỉm cười. Chừng như người đọc và người nghe có cùng chung cảm nhận về điều gì đó trong bài thơ…
Nhà văn Nhã Ca
Dưới tấm bích chương có hình cố nhà thơ Nguyên Sa đội mũ do họa sĩ Nguyên Khai vẽ, nhà văn Nhã Ca bùi ngùi đọc bài thơ “Tiễn Anh” do chính bà làm để tiễn người anh lớn Nguyên Sa, mất vào tháng 4 năm 1998 tại California. Sau đó bà đọc bài “Tiếng Chuông Thiên Mụ”:
…
Tôi thức dậy rồi đây chuông ơi chuông hỡi
Tôi thức dậy đây tôi thức dậy rồi
Thức dậy thực sự rồi
Thức dậy cùng giông bão, thức dậy cùng tan vỡ
Thức dậy cùng lịch sử
Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay
Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay
Trên mặt nước trên mặt người mặt lộ
Bài thơ không chỉ ngân vang tiếng chuông Chùa Thiên Mụ, mà còn vọng lên niềm “thức dậy cùng lịch sử” của người thi sĩ trên đoạn đường đời bà đã đi qua.
Nhà thơ Trần Dạ Từ
Người đọc thơ cuối cùng là Trần Dạ Từ, bắt đầu với bài “Tết Bính Thìn 1976” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn om xòm cả bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.
…
Nhà thơ Trần Dạ Từ cho biết bài thơ này thi sĩ Vũ Hoàng Chương làm 8 tháng sau biến cố 1975, như một điềm báo họa. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã bị bắt giam trong khám Chí Hòa, Sài Gòn vào tháng 4 năm 1976. Trong tù ông bệnh nặng và đã được trả về nhà. 5 ngày sau thì chết ở Gác Bút, Khánh Hội, Sài Gòn, vào ngày 6 tháng 9 năm 1976. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương sinh năm 1916. Ông mất lúc 60 tuổi, là nhà thơ đầu tiên chết trong tù Cộng Sản. Ông tiếp tục đọc bài thơ “Tiễn Bạn” của nhà thơ Nguyên Sa viết tiễn biệt nhà văn Mai Thảo từ giã cõi đời vào ngày 1 tháng 10 năm 1998. Ông đọc bài thơ “Biệt Tăm” của nhà thơ Tô Thùy Yên. Rồi bài thơ “Môi Em In Kiếp Khác” của nhà thơ Du Tử Lê. Bài thơ “Mỵ Châu” của nhà thơ Đỗ Quý Toàn viết nhân lúc 3 người bạn – Dương Nghiễm Mậu (đã mất năm 2016), Trần Dạ Từ và Đỗ Quý Toàn – đi lang thang ở Đà Lạt năm 1957. Trong đó 2 câu cuối:
Bốn người từ trên đồi đi xuống.
Nói cho nghe rừng núi chập chùng.
Nhà thơ Trần Dạ Từ nói ông suy nghĩ hoài tại sao có 3 người mà nhà thơ họ Đỗ lại viết thành 4. Sau này ông mới hiểu ra người thứ 4 có lẽ là hồn của những cánh rừng, hồn của những ngọn đồi mà 3 người đi lang thang. Đến đây thì ông đọc bài thơ ông làm cách đây vài tháng, tháng 8 năm 2017 lúc ông và nhà thơ Đỗ Quý Toàn xuống San Diego thăm nhà văn Lê Tất Điều. Mấy câu cuối của bài thơ làm cho người đọc khó quên:
-Ê, mày biết, ngay lúc này, thế giới này
Bọn mày là thú hiếm, rất hiếm
Như tình yêu, mày sống sót
Và mày là Thi Sĩ.
Lại có tràng cười rộ lên dưới các hàng ghế. Có lẽ người nghe thơ đã ngộ ra được điều gì đó rất ư là thú vị. Thì ra, mấy chàng thi sĩ là “thú hiếm, rất hiếm”, là loài thú “tuyệt chủng” trên thế giới này.
Ca sĩ Bích Liên
Đang trầm mình trong cõi thơ mộng của những nhà thơ bất hủ trong nền văn chương Việt Nam, bỗng tiếng hát cao vút bay bổng của nữ ca sĩ Bích Liên cất lên trong nhạc phẩm “Gọi Tên Dòng Sông” làm mọi người bừng tỉnh như chợt thức giấc từ cõi mê ly của thơ sang thế giới thanh âm òa vỡ của những giai điệu.
Ngọn đèn nào bật sáng bức tranh
Nhìn lên ôi Hà Nôäi, đâu đình miếu xưa
Nhớ nhau, nhớ tháng Giêng mưa,
Sông Hồng nghe nước đọng
Bóng chưa nhập hình, tiễn nhau, sợi khói lung linh
Lênh đênh xương thịt như thấy mình ra đi.
…
Gọi tên dòng sông. Ngọn triều tung vỡ
Đâu bến đâu bờ. Quê quán thẫn thờ
Cây đàn rơi. Con chuồn bay
Về đâu ôi giấc mơ
Ca sĩ Bích Liên vừa dứt tiếng hát thì tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô vang lên bùng vỡ cả hội trường. Nhạc phẩm này gồm 3 bài: Thấy Mình Ra Đi, thơ Nguyên Sa; Đi và Trôi, thơ Du Tử Lê; và Gọi Tên Dòng Sông, thơ Trần Dạ Từ. Có 4 câu thơ dạo đầu của Mai Thảo và giai điệu của Phạm Duy, Chiều Về Trên Sông. Ca khúc để tưởng nhớ nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa và nhạc sĩ Phạm Duy.
Ysa kết thúc phần đọc thơ với cảm nghĩ và xúc động của chính Cô: “Dòng sông Phạm Duy, dòng sông Mai Thảo, dòng sông Nguyên Sa, dòng sông Trần Dạ Từ, dòng sông Nhã Ca, dòng sông Du Tử Lê, dòng sông Tô Thùy Yên... nhiều quá, Ysa ngồi ở dưới mà cảm thấy mình rất là may mắn nghe được, hiểu được những bài thơ, những bài thơ mà chính tác giả đọc, hoặc là đọc những bài thơ từ những người bạn rất thân của chính tác giả nữa. Ysa thật sự thấy mình thật là may mắn.”
Cảm nghĩ này của Y Sa cũng là cảm nghĩ chung của nhiều người nên nhiều người đã lên tiếng trong giờ giải lao, “chỉ một nửa chương trình đọc thơ thôi sao, nghe chưa đã..”. Mọi người sau đó trở vào lại hội trường để thưởng thức phần nhạc nhớ Phạm Duy với những ca khúc sống đời trong dòng âm nhạc Việt Nam.
Không khí hội trường trở lại sống động, tưng bừng và hào hứng hơn khi mọi người cùng hát bài Tâm Ca Số 10 “Hát Với Tôi” của nhạc sĩ Phạm Duy.
Hát với tôi đi nào hát với tôi nào
Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát
Hát với tôi nào hát với tôi
Hát với nhau những lời của người Việt Nam
Ca sĩ Tuấn Ngọc
Dường như mọi người đã chờ đợi sẵn từ bao giờ, nên khi thấy ca sĩ Tuấn Ngọc đang ngồi phía dưới với nữ ca sĩ Thái Thảo -con gái của nhạc sĩ Phạm Duy- bước lên sân khấu thì tiếng reo hò và vỗ tay vang lên. Ca sĩ Tuấn Ngọc nói ông tự nguyện giúp vui đêm nay để tưởng nhớ “bố vợ” của ông dù đang bị cảm. Trước khi hát bài “Tình Kỹ Nữ,” ca sĩ Tuấn Ngọc cho biết bài hát này nhạc sĩ Phạm Duy làm khi gặp một kỹ nữ tại Hà Nội năm 1945. Cả thính phòng im lặng như cùng cảm nhận giọt sầu pha vào nỗi thương cảm.
Đêm nay khi tàn giấc mơ vàng
Ngồi đây sầu ngơ ngác
Ngắm bao tình khách giang hồ
Lòng ta nhớ duyên tình kỹ nữ
Lòng ta nhớ cung đàn mùa xưa.
Ca sĩ Tuấn Ngọc chưa dứt bài thì tiếng vỗ tay đã vang dội khắp thính phòng... “more, more…” Ca sĩ Tuần Ngọc cười nói “Tôi biết thânphận của tôi là vậy…” Và người ca sĩ tài danh với tiếng hát làm say mê bao người nghe vào đề cho nhạc phẩm thứ hai “Bao Giờ Biết Tương Tư” bằng câu chuyện năm ông 24 tuổi ở Sài Gòn lần đầu tiên hát nhạc Phạm Duy chính là bài này.
Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ,
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa...
Ở dưới các hàng ghế không biết có bao nhiêu cặp mắt, đôi tai đã từng tương tư giọng hát này.
Tiếp tục bước vào dòng nhạc Phạm Duy là hợp ca nữ với bài “Tiếng Sao Thiên Thai.” Ca sĩ Lưu Hiển trình bày ca khúc “Mùa Xuân Yêu Em.” nhạc Phạm Duy, thơ Đỗ Quý Toàn.
Nhà thơ Trần Dạ Từ trở lên sân khấu kể vài kỷ niệm với người nhạc sĩ tài hoa xuất chúng này. Ông nhắc lại nhạc sĩ Phạm Duy sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921 tại Hà Nội và mất ngày 27 tháng 1 năm 2013 tại Sài Gòn. Ông kể câu chuyện một ngày trong tháng 5 năm 2005 khi ông gặp nhạc sĩ Phạm Duy trước khi nhạc sĩ về Việt Nam. Ở trước căn nhà tại Midway City này, nhạc sĩ Phạm nói với ông rằng “Người nghệ sĩ như con chuồn chuồn, khi bay, khi ở. Lần này chuồn chuồn bay đi thì không còn sức để bay về Mỹ nữa.”
Nhà thơ Trần Dạ Từ nhắc lại lời phát biểu của ông trong đêm tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Duy 5 năm trước, chỉ 3 ngày sau khi ông qua đời được tổ chức tại Việt Báo, rằng “Chừng nào chúng ta còn hát nhạc Phạm Duy thì ông vẫn sống với chúng ta.” Ông nói thêm “Dòng sông quan trọng nhất với tôi là dòng sông Phạm Duy.” Ông cũng tiết lộ rằng một trong những vị thầy lớn nhất, quan trọng nhất của đời ông là nhạc sĩ Phạm Duy. Ông cho biết “nếu tôi biết làm thơ, biết yêu đất nước Việt Nam, yêu mọi người, tất cả là nhờ Phạm Duy.” Theo Ông, nhạc sĩ Phạm Duy là thi sĩ lớn, người làm cho mỗi chữ tái sinh trong các ca khúc. Ông đọc câu đầu trong nhạc phẩm “Đường Chiều Lá Rụng” của Phạm Duy:
Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều…
Ông phân tích “chiều rơi” thì dễ hiểu, chữ rơi” ở đây thường thấy, nhưng đến chữ rơi trong đoạn “có ta rơi giữa chiều” thì chữ “rơi” ở đây hoàn toàn mới lạ.
Ca sĩ Thương Linh
Ngay sau đó ca sĩ Thương Linh bước ra với nhạc phẩm “Đêm Xuân”:
Đêm qua say tiếng đàn
Đôi chim uyên đến giường
Chim báo tin Xuân đã về trong giấc mộng
Không biết Phạm Duy hồi ấy say tiếng đàn thế nào, nhưng hẳn là đêm nay, trong thính phòng nhỏ bé, biết bao người đã say tiếng hát của cô ca sĩ có chất giọng trong sáng, hớp hồn này.
Ban Nhạc Cát Trắng trình bày ca khúc “Chú Cuội” của nhạc sĩ Phạm Duy viết cho Thái Hằng lúc hai người đã lấy nhau và ông xem mình như “Chú Cuội.”
Cô ca sĩ trẻ nhất trong đêm, 17 tuổi, Mê Linh, đang học Trung Học tại Trường Irvine High School, trình bày ca khúc “Dạ Lai Hương” của nhạc sĩ Phạm Duy do Doãn Quốc Hưng đàn guitar. Mê Linh có chất giọng opera rất điêu luyện, là thế hệ thứ hai của người Việt tiếp tục cất cao tiếng hát nhạc Phạm Duy, khiến người nghe cảm thấy thật cảm động.
Tiết mục tiếp theo được nhiều người yêu mến chính là hợp khúc hòa tấu với tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Đỗ Bằng Lăng và tiếng kèn của nhạc sĩ James Sherry thổi vào người nghe những giai điệu từ nhiều khúc nhạc tiêu biểu của Phạm Duy. Trong ánh nến lung linh dưới bức chân dung người cố nhạc sĩ là những tấm lòng bùi ngùi, thương nhớ.
Ca sĩ Mộng Thủy
Ca sĩ Mộng Thủy như thấu hiểu tâm tình của người nghe nhạc khi cô hạ giọng: “Bao nhiêu là thương mến, bao nhiêu là quyến luyến, với bao nhiêu niềm xao xuyến...”
Ca sĩ Bích Liên trở lại sân khấu với nhạc phẩm “Xuân Hành” của nhạc sĩ Phạm Duy. Bài hát mang âm ba của những nghi vấn về ý nghĩa triết lý của cuộc đời và thân phận con người.
Người là ai? Từ đâu đến?
Và người ơi, người sẽ bước chân về nơi nao?
Người vì sao mà chớm nở?
Rồi sớm tối, cánh hoa tươi tơi bời theo với những lá úa?
Giọng ca vững vàng mà tha thiết của Bích Liên cất lên như nói hộ tâm tình người nhạc sĩ đã khuất và cả những “linh hồn vắng nhà” của ông.
Thính phòng dường như tối lại, trong khi giọng của cố nhạc sĩ Phạm Duy vang lên ở đâu đó:
“Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết,
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?
Rồi mai đây tôi hóa kiếp
Trong lòng còn bao luyến tiếc
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?..”
Ca sĩ Khánh Ly
Khánh Ly bước ra sân khấu, bên tay trái của bà là dương cầm thủ Bee Uyên Phương, bên tay phải là nhạc sĩ vĩ cầm Hoàng Công Luận. Bà nói đã chờ đêm thơ nhạc để nhớ Phạm Duy này từ lâu lắm rồi. Bà kể rằng nhạc sĩ Phạm Duy là bạn với bố bà. Bà gặp nhạc sĩ Phạm Duy năm 16 tuổi và nhớ mãi nhạc sĩ Phạm Duy vỗ đầu bà và nói, “Con này khá!” Khánh Ly hát tiếp theo lời người cố nhạc sĩ bài “Những Gì Sẽ Đem Theo Về Cõi Chết,” bà hát nhạc tình “Đường Em Đi,” và “Xuân Thì,” với lời kết mở ra cõi tình thương mênh mông.
Người ôm nhân loại trong mình
Cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men.
Xen kẽ giữa các bài hát, Khánh Ly đã đọc một đoạn của lời của bài hát “Tiếng Hát To” mà theo bà, lời nhạc của Ông không chỉ là nhạc, mà chính là thơ, Ông không chỉ là nhạc sĩ, mà Ông là thi sĩ với Ngàn Lời Thơ nằm lòng trong tất cả chúng ta, những “lời yêu nhau, lời thương nhau cho đến dài lâu.”
Phần cuối, mọi người cùng nhau hát to những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy đã đi vào lòng người Việt từ bao thập niên qua, như “Ngày Trở Về,” “Người Tình Già,” “Xuân Ca,” “Lời Chào Bình Yên,” và cuối cùng bài “Mẹ Trùng Dương” trong trường Ca “Mẹ Việt Nam Ơi.” Hai chữ “Việt Nam, Việt Nam” vang to như nở tung từ lồng ngực từng người.
11 giờ đêm, ai nấy còn chưa chịu ra về. Có lẽ ai cũng còn bịn rịn với tiếng nhạc, lời thơ hay tự trong lòng mọi người, mùa xuân đã bất chợt đến sớm, mùa xuân của những ca khúc bất hủ Phạm Duy.
Đèn bật sáng, ai đó vẫn đang khe khẽ hát “Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui.”...
Huỳnh Kim Quang
Photo: Nguyễn Thiều Minh; Việt Phạm; Mark Nguyễn; Mark Legends.
Nguồn: https://vietbao.com/a277133/dem-tho-nhac-nho-pham-duy-ngan-loi-tho