Đêm Nhạc Tâm Xuân: Phạm Duy – Phạm Thiên Thư – Đạo Ca Tưởng Niệm Ngày Giỗ Thứ Tư Của Nhạc Sĩ Phạm Duy
- Chi tiết
- Đoàn Hưng
- Lượt xem: 3541
23/12/2016
Để tưởng nhớ đến Phạm Duy - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam - nhân ngày giỗ thứ tư của ông, vào ngày 14/01/2017, tại hội trường Việt Báo, nhóm thân hữu Việt Báo sẽ tổ chức đêm nhạc với chủ đề Tâm Xuân: Phạm Duy – Phạm Thiên Thư – Đạo Ca. Đây cũng là dịp bác sĩ Bích Liên ra mắt CD Đạo Ca, do chính chị thực hiện.
Nhạc sĩ Phạm Duy sinh ngày 05 tháng 10 1921, mất ngày 27 tháng 01 2013. Với hơn 1,000 lời ca để lại cho đời, ông là một “nhạc sĩ của thế kỷ” của dân tộc Việt Nam. Như lời của ca sĩ Duy Trác nhận định: “50 năm trước, và 50 sau, Việt Nam sẽ không có một hiện tượng như Phạm Duy…”
Phạm Duy là người nhạc sĩ sáng tác nhiều thể loại và bền bỉ nhất trong nền tân nhạc Việt Nam. Hầu như trong mọi thể nhạc đều có dấu ấn của ông. Mà đều là những dấu ấn đậm nét, đặc sắc. Từ tình ca, hùng ca, dân tộc ca, rồi tâm ca, đạo ca, cho đến bé ca, nữ ca, và cả tục ca nữa. Trong thể nhạc viết theo chủ đề Phật Giáo, không kể những ca khúc đơn lẻ mang đậm thiền vị, Phạm Duy có 10 bài Đạo Ca viết từ trước 1975, và 10 bài Thiền Ca viết sau này tại Hoa Kỳ. Tâm Xuân-tên của chủ đề đêm nhạc- là tên của bài Đạo Ca thứ 10.
Đạo Ca là một kết hợp hoàn hảo giữa thơ Phạm Thiên Thư và nhạc Phạm Duy. Như chính nhà thơ Phạm Thiên Thư đã từng ví von “Tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy như một ngọn núi gặp một đám mây”. Đó là sự kết hợp giữa tĩnh và động. Một người là nhạc sĩ tràn đầy sức sống, rong chơi giữa đời, nhưng vẫn cảm nhận được chân lý của vận hành của vạn vật. Một người là thiền sư, từ chốn thiền môn vì nhân duyên mà nhập thế để cứu độ nhân gian. Thiền sư Nhất Hạnh đã từng nhận xét rằng giữa người nghệ sĩ và vị thiền sư có chung một điểm, đó là cách sống trọn vẹn từng giây phút, sao cho xứng đáng một đời người rất đáng trân quí. Cũng có thể vì điểm chung này mà Phạm Duy và Phạm Thiên Thư đã cộng hưởng tuyệt diệu trong 10 bài Đạo Ca, để “…viên thành đạo ca, cho đời ca hát...” (lời Đạo Ca 3, Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng).
Nghe Đạo Ca Một (Pháp Thân) và Đạo Ca 2 (Đại Nguyện) để thấy rằng, với cái nhìn toàn vẹn về vũ trụ & cuộc sống, con người sẽ phát sinh lòng thương yêu muôn loài không còn giới hạn. Hãy nghe chính tác giả giới thiệu về hai ca khúc này: “…khởi đầu sự đi tìm chân lý, vũ trụ được hiện bày như một toàn thể sinh hóa, một tương xuyên mật thiết không còn vực bờ hữu hạn, xóa bỏ mọi ý thức về ngã và phi ngã, xóa bỏ mọi dấu chân đi tìm ngoại vật. Một là tất cả, tất cả là một… Đi từ quan điểm toàn thể trên, để dẫn đến một tâm linh bao la diệu vợi, đó là lòng từ bi, là ý lực cứu độ muôn loài như cứu chính mình…”. Câu hát kết thúc của Đạo Ca 1: “ a ha! ta tuy hai mà một, a ha! ta tuy một mà hai…”, và câu kết của Đạo Ca 2: “…thương người như thương mình, thương người như thương thân…” thể hiện cái nhìn sâu sắc nhất của Đạo Phật về lòng từ bi: con người chỉ có thể thương yêu muôn loài khi biết thương yêu chính mình; thương người như thương chính mình vì giữa ta và người luôn có sự tương quan như một thực thể.
Tính nhập thế của Phật Giáo Việt Nam thể hiện rõ qua bài Đạo Ca 8, Giọt Chuông Cam Lộ. Đạo Ca 8 tôn vinh hình ảnh Thiền Sư Vạn Hạnh đời Lý, đã xuống núi để giúp đời:
…Một nụ mai nở giữa cơn gió rừng
Thiền Sư lững thững xuống non, chống gậy
Lòng tay nắm lấy tiết Đông giá lạnh
Giọt mưa lóng lánh, lắng trên gậy vàng
Gậy Thiền đưa xuống không gian vô tận
Gậy Thiền đưa xuống thế gian cõi thường
Thời gian mãi mãi, tiếng chuông sáng ngời
Thiền Sư xuống núi, cứu nguy cho đời
Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang...
Đạo Ca 8 có âm hưởng như tiếng chuông chùa ngân nga, khoan thai, thanh thoát. Tiếng chuông chùa như hơi ấm, như lòng từ bi lan tỏa, che chở cho dân lành. Tiếng chuông chùa tĩnh lặng, trầm hùng, như tượng trưng cho Tam Bảo, đã từ bao đời nay là chỗ nương tựa cho hồn dân tộc Việt Nam. Có nhiều người ở Việt Nam ngày nay cho rằng đạo Phật thoát tục, không tham gia vào các vấn đề của xã hội. Đó không phải là Đạo Phật của Việt Nam. Trong một thời buổi nhiễu nhương như đất nước VIệt Nam ngày hôm nay, tinh thần nhập thế của Thiền Sư Vạn Hạnh đang cần thiết hơn bao giờ hết.
Đạo Ca kết thúc với bài Đạo Ca 10, Tâm Xuân, như một khúc hoan ca của một người đã nhận ra chân lý của sự giải thoát. Xuân đến với đất trời, với loài người, nhưng rồi mùa xuân đó sẽ ra đi. Chỉ có mùa xuân trong cõi tâm mới là miên viễn. Tìm ra mùa xuân trong Tâm chính là trở về với nguồn cội tâm linh của chính mình:
Mùa Xuân có không?
Hay là cõi Tâm?
Về nguồn về cội
Để rồi vươn tới
Với lòng mênh mông…
Những lời thơ nhẹ nhàng nhưng đầy thiền vị, đã được “nhà phù thủy âm nhạc” chắp cánh, thăng hoa, biến Đạo Ca trở thành một trong những bộ ca khúc có giá trị nhất trong kho tàng âm nhạc Phật Giáo Việt Nam.
Cũng trong đêm nhạc Tâm Xuân, khán giả sẽ được nghe lại những tình khúc của “mối tao ngộ giữa mây và núi”, Phạm Duy phổ nhạc thơ Phạm Thiên Thư. Vào đầu thập niên 70, có bằng hữu kể rằng nhạc sĩ Phạm Duy thời đó vừa trải qua giai đoạn chán chường với những bế tắc của xã hội, với hàng loạt ca khúc trong Tâm Ca, Tâm Phẫn Ca, Hát Cho Quê Hương Tồi Tệ… Gặp được Phạm Thiên Thư, được nhà thơ trao những bài thơ tình tuyệt đẹp nhưng vẫn giữ được nét thoát tục của hương vị thiền, Phạm Duy như bay bổng trở lại, với Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Em Lễ Chùa Này, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu… Những tình khúc Phạm Duy-Phạm Thiên Thư không chỉ thăng hoa tâm hồn của riêng người nhạc sĩ tài hoa. Đó còn là những đóa hoa với hương sắc mới trong vườn hoa nghệ thuật đa sắc của Miền Nam trước 1975.
Có một sắc thái rất riêng biệt trong những tình khúc Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư, mà trước đó trong dòng tình ca Phạm Duy chưa hề có. Người nghe nhận ra bàng bạc sắc thái riêng đó qua hai bài nhạc phổ thơ lục bát Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng và Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu. Vẫn là âm hưởng ngũ cung, nhưng giai điệu của hai ca khúc này thanh thoát, du dương đến lạ lùng! Những câu luyến láy tình tứ vừa mang màu sắc lãng mạn của làng Quan Họ Miền Bắc, mà vẫn có nét vương giả, đài các của chốn cung đình Huế:
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi
Sông này đây chẩy một giòng thôi
Mấy đầu sông thẫm tóc người cuối sông…
Người nghe cũng nhận ra sắc thái riêng đó qua Ngày Xưa Hoàng Thị, bài thơ 4 chữ phổ nhạc. Vẫn là thứ giai điệu đài các, mơ mộng nhẹ nhàng, Ngày Xưa Hoàng Thị đã trở thành một hiện tượng. Ngày Xưa Hoàng Thị đã tạo nên một mẫu mực mới cho sự lãng mạn, trong sáng của những mối tình học trò. Tình học trò thì xưa nay thường vẫn nên thơ. Nhưng có lẽ chưa bao giờ lại trở nên thánh thiện như trong Ngày Xưa Hoàng THị. Hình như hầu hết những chàng trai học sinh, sinh viên của Sài Gòn đều đã có một lần hát thầm Ngày Xưa Hoàng Thị, khi theo một tà áo dài nào đó trong những buổi tan trường:
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay
Em đi dịu dàng
Bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường
Nằm im giấu mỏ
Anh theo Ngọ về
Gót giày lặng lẽ đường quê…
Từ đạo Ca đến tình ca, “mối tao ngộ giữa mây và núi” Phạm Duy-Phạm Thiên Thư đã để lại cho đời những ca khúc đẹp đẽ nhất. Đã nửa thế kỷ rồi, nghe lại nhạc Phạm Duy- thơ Phạm Thiên Thư, người nghe vẫn cảm thấy xúc động lạ lùng. Những tác phẩm đưa người nghe trở lại với một khoảng không gian, thời gian tuyệt đẹp của nền văn hóa Sài Gòn ngày xưa. Cảm ơn Phạm Duy. Cảm Ơn Phạm Thiên Thư. Cảm ơn một nền văn hóa Miền Nam tràn đầy chân-thiện-mỹ…
Đoàn Hưng
GHI CHÚ:
Chương trình Nhạc Thính Phòng Tâm Xuân bắt đầu tại Việt Báo ngày 14 tháng 1/2017, lúc 7:30 giờ chiều.
Để đặt vé, gọi Việt Báo (714) 894-2500.
Giá vé đồng hạng: $30; VIP: $50.
Nguồn: https://vietbao.com/p236582a261951/dem-nhac-tam-xuan-pham-duy-pham-thien-thu-dao-ca-tuong-niem-ngay-gio-thu-tu-cua-nhac-sy-pham-duy