Nhạc sỹ Phạm Duy: Ra Hà Nội, tìm bóng thời gian
- Chi tiết
- Báo Thể Thao Văn Hóa
- Lượt xem: 3654
Hồi hương định cư, sống tại ngôi nhà ngõ nhỏ đường Lê Đại Hành, quận 11, TP HCM, năm nào Phạm Duy cũng ra Hà Nội. Ở đó, người bạn ông, Hoàng Cầm vừa nằm xuống.
Tháng 3/2009, đêm nhạc "Phạm Duy - Ngày trở về" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đêm nhạc mơ ước của đời ông Phạm Duy tóc trắng cước, cười duyên lắm, mắt tinh anh, bủa vây hoa và lời chúc mừng. Giây phút hạnh phúc ấy, hiếm nghệ sĩ có được.
Hòa quyện trong cơn nhớ triền miên về xứ sở, tình tự Hà Nội lồng trong nhiều bài hát của Phạm Duy. Những hồi ký, tác phẩm của Phạm Duy đã được xuất bản thành sách, sách nhạc, album, cùng các live show.
Hà Nội là máu thịt...
Qua giọng nói đầy nhạc cảm rõ nét Hà Nội gốc hào hoa, tinh tế, mỗi lời kể của Phạm Duy tràn ngập hình ảnh và xúc cảm, như những bài ca ông viết.
Không sống những năm cuối đời ở Thủ đô, song Hà Nội là máu thịt của ông, luôn hướng về bằng thương nhớ. Hà Nội, là tàu điện chạy gần phố nhà 100 thước. Là phố xưa chuyên bán dầu. Là người mẹ thanh tú sớm góa bụa, dùng sen ướp trà, chưa được bao lâu êm ả, đã tong tả lên thượng du mua xương cọp về nấu cao hổ cốt, buôn bán bươn chải nuôi con.
Hà Nội có hồ thiêng gắn với truyền thuyết trả gươm, với rùa thần; mỗi lần cụ rùa nổi lên và bao niềm thành kính và màu nước hôm nay vẫn xanh khát vọng hòa bình của đất ngàn năm.
Chốn Kẻ Chợ kinh kỳ là vùng địa linh của anh tài, tao nhân, chí ỹ. Phạm Duy khởi sự loại nhạc hùng với chuỗi hình ảnh cổ điển, bài "Gươm tráng sỹ (1944): “Gươm tung lên như gió như mưa/ Như muôn nghìn đấng linh hồn xưa/ Như bao năm lòng dân đợi chờ/ Đến nay gươm thần chưa hết bén/ Ta mong chờ ai nâng kiếm lên."
Vào Nam sinh sống, không quên được Hà Nội, Phạm Duy có đoản khúc "Ra đi từ lúc trăng tơ": “Trăng lên đầu cửa ô xa vẫn chưa mờ/ Im nghe lời Thủ đô chào/ Hai bên nhà cửa thân yêu/ Ơi người ơi người ơi/ Đã mấy lần để đám rêu xanh thay màu gạch ngói/ Thăng Long buồn phải chia phôi/ Tháp, Tháp Rùa ơi, Tháp,Tháp Rùa ơi!”.
Năm 2000, Phạm Duy từ Mỹ về Hà Nội. Ông viếng mộ Văn Cao, đến 43 Lý Quốc Sư thăm Hoàng Cầm, người viết những bài thơ để Phạm Duy phổ nhạc thành mảng "Hoàng Cầm ca." Ông trở lại ngôi nhà cũ nay đã qua nhiều chủ. Không phải thảng thốt gọi nữa, ông nhiều lần dạo quanh Hồ Gươm, lúc nào muốn “ôm” lấy tháp Rùa cho thỏa.
Tối 2/10 vừa qua, sinh nhật tuổi 90 của Phạm Duy, ông giới thiệu hai CD nhạc, kèm theo sách "Hẹn hò, Mơ giấc mộng dài." Nghe tình ca đắm say, nồng nàn của Phạm Duy, không thể ngờ là của người qua tuổi xưa nay hiếm. Ông thành thạo máy tính, viết nhạc trên máy tính hai thập kỷ nay, vào mạng mỗi ngày.
Đi mãi cũng để trở về
Hồ Gươm nơi “thế giới nhỏ” của ông hẹp lại, trong thành phố mở rộng đông đúc, Phạm Duy vẫn tìm bóng thời gian trên mặt hồ Lục Thủy, những hàng cây góc phố, con đường tuổi nhỏ. Lần nào ra, đều trú tại khách sạn Salute số 7 Hàng Dầu, để có cảm giác ở tại phố xưa nhà cũ.
Mỗi lần về Hà Nội, là bạn bè lại vắng khuyết thêm. Còn lại hiếm ai biết và được xem, Kiếp hoa - bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam do Công ty Kim Chung điện ảnh sản xuất năm 1953, có Phạm Duy đóng vai... chính mình, ông hát bài "Cây đàn bỏ quên," "Dư âm" (Nguyễn Văn Tý). Bầu Long (chủ đoàn hát Kim Chung) viết kịch bản.
Tuổi Tân Dậu, sinh năm 1921, ông họ Phạm đa tài một đời đào hoa được trời thương cho hưởng toại nhiều điều. Phương Nam đã làm phim tài liệu về Phạm Duy đi từ Lạng Sơn tới Cà Mau. Dù đi đâu, ông đều nhớ quê hương mình, nỗi đeo đẳng như lúc viết "Mơ dạo Xuân Hà Nội."
Hôm 30/9, Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa cấp phép thêm 18 bài do Phạm Duy đặt lời cho nhạc của các nhạc sỹ lừng danh thế giới "Ave Maria" (Bach), "Dạ khúc" (Schubert), "Khúc hát thanh xuân" (J.Strauss), "Khi màu nhung mở ra" (Beethoven)... quen thuộc với người Việt yêu nhạc khắp nơi.
Như kết cấu live show tại nhà hát Hòa Bình "Con đường tình ta đi" (do Phạm Duy viết lời dẫn), nhạc sỹ lãng tử và lãng mạn này với số phận suốt gần một thế kỷ sống qua hai thế kỷ nhiều biến động, chỉ một con đường - đường tình. Không có giới hạn ngăn cách nào thay đổi cản bước người đi con đường ấy, như sự không giới hạn của sáng tạo và tình yêu.
Đi mãi cũng để trở về.
Phạm Duy tuổi 90, trong mắt tôi và những người yêu nhạc ông, mãi là chàng - trai - đang - yêu trong tình tự Hà Nội ngút ngàn./.
(TT&VH/Vietnam+)
http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Nhac-sy-Pham-Duy-Ra-Ha-Noi-tim-bong-thoi-gian/201010/3450.vnplus