Radio Australia Phỏng Vấn Phạm Duy năm 1998
- Chi tiết
- Minh Nguyệt
- Lượt xem: 2573
10.1998
Phạm Duy 1998 (photo Châu Đình An)
1. Trong cuộc đời bác, bác thích giai đoạn nào nhất ? Tại sao ?
ÐÁP : Tôi chưa bao giờ buồn bã về một đoạn đời nào của tôi cả ! Tôi thích tất cả những giai đoạn được nổi trôi theo mệnh nước, dù rằng có phải trải qua một hai giai đoạn tối ám như những năm đầu phải xa xứ, xa bạn bè, xa đồng bào và nhất là xa bốn người con yêu quý chẳng hạn. Tôi đã có một bài hát nói về cái bệnh rất khó chữa của tôi là bệnh YÊU ÐỜI, YÊU NGƯỜI và YÊU MÌNH. Ðó là bài TÔI CÒN YÊU, TÔI CỨ YÊU...
2. Ðọc các cuốn hồi ký của bác, cháu có cảm tưởng khi viết về giai đoạn kháng chiến chống Pháp, bác có vẻ sảng khoái và hào hứng nhất. Ðó có phải là tâm trạng chung của giới văn nghệ sĩ thuộc thế hệ của bác hay không ?
ÐÁP : Có lẽ vì trong giai đoạn đó, tôi và các văn nghệ sĩ đồng thế hệ hãy còn rất trẻ, với cái tuổi mới ngoài 20 hãy còn xanh mướt mà có luôn hai công việc lớn lao để làm. Một là được vinh dự thành lập một nền nhạc mới để thay thế cho một mớ nhạc cổ đã mòn rồi. Hai là đem ngay cái ngành nghệ thuật mới toanh này ra để phục vụ cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
3. Xin bác giải thích về sự quyến rũ của cuộc kháng chiến đối với tầng lớp văn nghệ sĩ thời bấy giờ.
ÐÁP : Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào thời 45 không chỉ quyến rũ giới làm văn học nghệ thuật mà thôi, nó quyến rũ tất cả mọi tầng lớp dân chúng, từ trẻ tới già, từ thành thị tới thôn quê, từ Bắc qua Trung vào Nam. Nó không phải chỉ được một mặt trận mang tên Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh phát động mà nó đã được hun đúc từ các phong trào hay tổ chức Cần Vương, Văn Thân, Việt Nam Quốc Dân Ðảng v.v... Nó là một giấc mơ dài gần 100 năm, gặp được lúc trở thành sự thực, cho nên nó phải có một quyến rũ cực kỳ lôi kéo chứ !
4. Mặc dù có sức mê hoặc kỳ lạ, và mặc dù đã tạo ra được một số nhạc phẩm hay, trong đó có cả sáng tác của bác, tuy nhiên, cháu vẫn thấy là nhìn chung, số lượng các nhạc phẩm hay trong thời kháng chiến hình như cũng không nhiều. Xin bác cho biết lý do tại sao.
ÐÁP : Có nhiều đấy chứ, riêng tôi đã có tới bốn mươi bài ca kháng chiến, đâu có phải là ít ? Có rất nhiều nhạc phẩm của Văn Cao, Ðỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Ðình Phúc, Lương Ngọc, Văn Chung, Phạm Văn Chừng, Nguyễn Văn Thương và của hàng trăm nhạc sĩ khác... không những có giá trị lịch sử mà còn có thêm cả giá trị nghệ thuật nữa, nghĩa là nhạc thuật trong đó có phần cao hơn nhiều nhạc phẩm soạn ra sau này... Rất có thể vì sự hẹp hòi của Ủy ban hay Tổ chức chọn lựa và phát huy nhạc phẩm kháng chiến cho nên người yêu nhạc chưa có dịp thưởng thức toàn thể những bài ca, bản nhạc phản ảnh một thời oanh liệt của Việt Nam chăng ?
5. Sau này, bác có hay liên lạc với các bạn bè văn nghệ sĩ cũ của bác sau năm 54 sống ở miền Bắc hay không? Như Văn Cao hay Quang Dũng trước đây hay như Hoàng Cầm hiện nay vẫn còn sống ở Hà Nội?
ÐÁP : Từ khi có sự cởi mở ở Việt Nam, nghĩa là từ 1990 cho tới nay, tôi đã có nhiều dịp trao đổi thư từ và điện đàm với hầu hết các bạn đồng nghiệp cũ như Phạm Văn Ðôn, Văn Cao, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Ðang, Ðoàn Chuẩn, Dzoãn Mẫn, Ngọc Bảo v.v... Cũng chỉ là những câu hỏi thăm nhau về sức khoẻ, về gia đình hay nhắc lại những kỷ niệm xưa mà thôi.
6. Theo bác, số lượng những văn nghệ sĩ tài năng bị những hoàn cảnh chính trị độc tài kềm hãm, làm cho thui chột như vậy, trên đất nước của chúng ta trong gần một thế kỷ nay có nhiều lắm không ?
ÐÁP : Tôi không có tí ti thẩm quyền nào để nhận định về những bạn bè đã từng xa nhau gần nửa thế kỷ.
7. Trong số đó, người nào là người mà bác cho là có nhiều tài năng nhất và do đó, đáng tiếc nhất ?
ÐÁP : Xin nhắc lại : Tôi không có tí ti thẩm quyền nào để nhận định về những bạn bè đã từng xa nhau gần nửa thế kỷ.
8. Riêng đối với bác, những biến cố chính trị lớn trên đất nước suốt mấy chục năm qua đã ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tác của bác như thế nào ?
ÐÁP : Trong tôi có ba con người : (1) con người tình cảm soạn ra những bản tình ca cho riêng mình hay cho đôi lứa; (2) con người xã hội soạn nhạc khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nhưng với một chủ đích rõ rệt là hoá giải những oan khiên mà những cơn lốc chính trị đã gây nên cho đất nước; (3) con người tâm linh soạn những bài thiền ca, đạo ca, rong ca để làm chiếc cầu liên lạc giữa con người với thiên nhiên, với vũ trụ... Trong ba loại nhạc này, nhạc xã hội của tôi có thể làm cho mọi người chú ý hơn... do đó có thể đem đến cho tôi ít nhiều ngộ nhận.
9. Bác sáng tác rất nhiều loại đề tài khác nhau với những phong cách khác nhau. Làm thế nào bác có thể hoá giải những sự khác nhau kinh khủng như vậy? Chẳng hạn giữa tâm ca hay đạo ca với tục ca, giữa những ca khúc mang hơi hướm thiền, hơi hướm triết lý và những bé ca, chẳng hạn?
ÐÁP : Khi đã vạch ra cho mình ba con đường để ra đi thì phải biết tạo ra những phong cách khác nhau, phù hợp với từng loại nhạc. Nhưng phải công nhận một điều là dù sao đi nữa, tôi đã có may mắn được sống cuộc đời của một nghệ sĩ hoàn toàn tự do trong sáng tác cho nên mới có thể luôn luôn làm mới, hay là làm khác những gì mình đã làm.
10. Một trong những loại nhạc của bác được nhiều người yêu chuộng nhất chắc chắn là nhạc tình. Xin bác cho biết bác đã sáng tác được tổng cộng bao nhiêu tình khúc? Và bác đặc biệt tâm đắc với những tình khúc nào nhất? Tại sao?
ÐÁP : Tôi chưa có thì giờ để ngồi đếm xem đã soạn ra bao nhiêu bản tình ca để ghi lại những cuộc tình của mình, nhưng tôi biết chắc chắn rằng trong bất cứ bài nào cũng có hình ảnh tuyệt vời của một người yêu. Và mỗi khi có diễm phúc ngồi nghe lại một bài nào thì tôi chỉ... muốn khóc !
11. Lý do nào đã thúc đẩy bác phổ nhạc những bài thơ của Cung Trầm Tưởng, hay Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Hoàng Cầm v.v...?
ÐÁP : Trong trang PHẠM DUY TỔNG QUÁT (PhamDuy Anthology) trên Mạng Lưới Hoàn Cầu (http://kicon.com/phamduy) có mục THƠ PHỔ NHẠC trong đó tôi ghi lại sự gặp gỡ giữa tôi và những nhà thơ tiền chiến như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Bích Khê và giữa tôi với các thi sĩ trẻ hơn là Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư... Nói chung, lý do khiến tôi phổ thơ của họ cũng rất giản dị : là con của một nhà văn và của một cô hàng bán sách hồi đẫu thế kỷ, tôi yêu chữ nghĩa từ khi mới biết đọc, biết viết rồi sau khi đã chót cầm đàn để sinh nhai thì thỉnh thoảng tôi quay về với mối tình đầu là văn thơ.
12. Theo kinh nghiệm của bác, khi phổ thơ thành nhạc, điều gì là khó nhất?
ÐÁP : Chẳng có gì là khó cả, khi đã chọn một bài thơ nào để phổ nhạc thì đã có sẵn mối cảm tình với bài thơ đó rồi, có sẵn lời ca đó rồi... Còn dễ hơn là soạn cả nhạc lẫn lời.
13. Bác dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn bài thơ này thay vì bài thơ khác khi phổ nhạc?
ÐÁP : Không có tiêu chuẩn nào hết ! Thích bài thơ nào là a lê, phổ nhạc... Ðừng quên là có những bài thơ hay mà tôi phổ nhạc dở ẹc !
14. Bác sáng tác trường ca Hàn Mặc Tử từ năm nào? Và bác có điều gì tâm đắc về trường ca này này về phương diện kỹ thuật cũng như tư tưởng?
ÐÁP : Câu hỏi này đòi hỏi khá nhiều thời gian để trả lời, vì cần phải minh họa bằng nhạc nữa. Xin mời lướt sóng vào trang Pham Duy Anthology trên Mạng Lưới Toàn Cầu để nghe bản TRƯỜNG CA HÀN MẶC TỬ và đọc những bài của Ðoàn Xuân Kiên (London), của Nguyễn Xuân Quang (Irvine, California), của hai linh mục Trần Cao Tường và linh mục Dao Kim (New Orleans, Louisiana) viết về nhạc phẩm này. Cách hay nhất là tổ chức cho tôi qua Úc để trình diễn trường ca đó.
15. Còn Minh hoạ Kiều thì sao? Hình như bác chưa hoàn tất hẳn?
16. Trong sáng tác mới này, bác chỉ minh hoạ Kiều thôi chứ không phải là là phổ nhạc các câu thơ Kiều, phải không bác? Tại sao bác lại chọn biện pháp minh hoạ mà không phải là phổ nhạc như bác vẫn thường làm đối với những tác giả khác trước đây?
ÐÁP : Cũng như trường hợp bản TRƯỜNG CA HÀN MẶC TỬ, trả lời hai câu hỏi về MINH HOẠ TRUYỆN KIỀU cần phải có những điều kiện tương tự. Xin nhắc lại : cách hay nhất là tổ chức cho tôi qua Úc để trình diễn MINH HOẠ TRUYỆN KIỀU.
17. Nhiều nhà văn cho rằng bản chất của bác là... một thi sĩ, vì lời ca trong các bản nhạc của bác thật ra là những bài thơ. Bác nghĩ sao về nhận định này? Và khi sáng tác, bác đặt lời ca trước hay soạn nhạc trước?
ÐÁP : Tôi khẳng định một điều : trước khi Tân Nhạc Việt Nam bước qua địa hạt NHẠC ÐA DIỆU, NHẠC THUẦN TÚY... nghĩa là không cần tới lời ca, hay nói cho đúng hơn là đi theo trường phái NHẠC CỔ ÐIỂN TÂY PHƯƠNG classic hay neo-classic... khi Tân Nhạc Việt Nam còn ở giai đoạn NHẠC ÐƠN ÐIỆU, còn ở giai đoạn CA KHÚC thì tối thiểu người soạn nhạc, ngoài tài năng về nhạc thuật ra, anh ta phải có thêm một tâm hồn thi nhân nữa. Tôi có may mắn là thoát thai từ một gia đình văn nhân, thi nhân, cho nên tôi soạn lời ca có vẻ thơ đấy... nhưng chưa bao giờ tôi dám nhận mình là một thi sĩ.
18. Cháu tò mò muốn biết bác có làm thơ không? (Nếu có, xin bác đọc một bài)
ÐÁP : Không... không dám !
19. Trong chặng đường sáng tác sau này của bác, cụ thể là sau năm 75, về phương diện kỹ thuật, người ta thấy bác tiếp nhận rất nhanh các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ cho sáng tác của mình. Xin bác nói thêm về khía cạnh này cho thính giả ở Việt Nam biết.
ÐÁP : Người Việt có câu : cái khó nó bó cái khôn, nghĩa là đối với một người soạn nhạc rồi sản xuất đĩa nhạc như tôi hiện nay ở Hoa Kỳ, cái khó nhất là có đủ tiền để thuê nhạc công, thuê studio, thanh toán những chi phí về phương tiện và chuyên viên đắt tiền... mà hoá giải được thì mới có hi vọng phát hành những nhạc phẩm như ý muốn. Chúng tôi đâu có đủ tiền để thuê cả một giàn nhạc gồm 50 nhạc công để thu thanh một dự án như trường ca Hàn Mặc Tử chẳng hạn. Kỷ nguyên vi tính cá nhân đã mở lối thoát cho mọi người và cho riêng gia đình tôi trong việc viết nhạc, thu thanh, hoà thanh (mixing), làm đĩa hát và nhất là sử dụng đầy đủ mọi âm thanh của mọi nhạc cụ mà không cần tới một nhạc công nào cả. Tôi còn có may mắn hơn nữa là có thêm người con thứ là Duy Cường, chỉ trong một thời gian ngắn đã nắm được tất cả những kỹ thuật vừa kể để hoà âm, phối khí, hoà thanh một chương trình âm nhạc mà không phải bỏ nhiều vốn ra. Tóm tắt lại : nếu chúng tôi bỏ qua những ích lợi mà khoa học và kỹ thuật đem lại thì nhạc của chúng tôi có lẽ cũng đứng ỳ một chỗ, giống như nhạc thời 75 mà thôi.
20. Bác không những là nhạc sĩ mà còn là nhà văn nữa. Xin bác cho thính giả đài Australia biết về các tập hồi ký mà bác đã hoàn tất. Ví dụ quá trình sáng tác hay sơ lược về nội dung.
ÐÁP : Khi ngồi viết và cho phát hành những cuốn HỒI KÝ ra, tôi không có cuồng vọng trở thành một nhà văn mà chỉ muốn đứng vào địa vị của một nhạc sĩ không muốn bị thời gian, không gian cũng như đường lối chính trị một chiều của một đảng phái cô lập tôi với người đương thời, với đồng bào ở trong nước và với đồng hương ở hải ngoại. Không muốn để cho cả một gánh nặng âm thanh soạn ra bằng mồ hôi nước mắt của mình dễ dàng đi vào lãng quên vì hoàn cảnh oái oăm của lịch sử hay bởi một số người hẹp lượng nào đó... tôi bắt buộc phải cho ra những cuốn HỒI KÝ và những cuốn VIDEO mà vào lúc này, tôi thấy rằng những cái đó xét ra cũng rất là thừa. Âu cũng là vì, vào lúc này, cùng với thời gian, tôi đã ung dung hơn trước.
Minh Nguyệt
Radio Australia
10.1998
Nguồn: http://phamduy.com/document/vietve/australia.html