PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

30 Phút Đối Thoại Với Phạm Duy

Từ Tâm
7/8/2003



Ông lại quay về, với sự cả quyết và xác tín nhiều hơn về mối dây không thể nào dứt của mình: tình cảm của ông đối với quê hương đất nước. Một đứa con không bao giờ có thể dứt được nỗi nhớ khôn nguôi với người mẹ - nơi ông đã được kết tinh bằng máu và nước mắt, bằng nỗi đau và sự ngọt ngào, bằng tất cả tấm chân tình của niềm kiêu hãnh, rằng mình là người Việt Nam. "Tôi là người Việt Nam, tôi sống vì người dân Việt Nam, yêu thương mảnh đất Việt Nam và yêu thương tất cả mọi người Việt Nam".

PV: Thưa ông Phạm Duy, ông đã về Việt Nam bao lần rồi?

Phạm Duy (P.D): Lần này là lần thứ 9.

PV: Nghe nói lần này về ông định xin phép được tổ chức một chương trình nhạc Phạm Duy ở Việt Nam?

P.D: Không, là mấy người con làm. Tôi chẳng làm gì nữa, giờ có tuổi rồi, chỉ đi chơi thôi.

PV: Theo ông từ trước tới nay ai hát nhạc của ông hay nhất?

P.D: Xưa thì có Thái Thanh, Duy Quang, nay thì có Thái Hiền, trước đã được nghe và thích giong ca Lê Dung (tại Paris)

PV: Ông có thể cho vài nhận xét về nhạc sĩ trẻ và tác phẩm của họ bây giờ như thế nào không ?

P.D: Nhạc trong nước thì phải thoát ra ngoài, nghĩa là anh em phải đi nhiều ra ngoài mới tìm ra "nhac phong" của mình được. Nhạc ở hải ngọai thì rất tiếc là chính họ lại cầm tù họ bằng những đề tài khắc nghiệt. Chúng ta cần sọan nhạc bằng tâm hồn, bằng sự hồn nhiên trong sáng... và cả bằng đời mình nữa.
Tôi sống lâu hơn ông Văn Cao, ông Trịnh Công Sơn là vì sao? Vì tôi không cần uống rượu để có hứng mà cần có đàn bà để gợi hứng. Có thể vì thế tôi mà viết được nhiều bài với nhiều ngõ ngách của tình yêu.

PV: Tôi thích bài "Tìm nhau" của ông, theo tôi đó là bài hát có ca từ xuất sắc.

P.D: Đấy là một trong những bài tôi thích. "Tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu". Lời ca là một sự thách đố, vì có bao giờ hai thứ cực đoan tìm được nhau ? Nhưng đã là nghệ sĩ thì phải có ước mơ.

PV: Tôi thích sự gần gũi và cảm giác được yêu thương, hòa bình của bài hát. Nhưng có một câu hát làm cho tôi còn chưa hiểu hết, đó là "Gặp nhau trong vinh dự của cuộc đời, người ơi" (... Gặp nhau với đức tin bao la phơi phới...). Với câu hát này, ông thực sự đã nói điều gì vậy, thưa ông?

P.D: "Gặp nhau trong vinh dự của cuộc đời" là những cuộc gặp gỡ chứa chan niềm tin yêu, những kiêu hãnh và sự tôn trọng lẫn nhau để cùng yêu thương, chia sẻ cho dù đã trải qua nhiều đau thương, mất mát. Sau bao nhiêu nếm trải...

P.D: Thật ra, quê hương quyến rũ tôi ở hai điều: ngôn ngữ và phong cảnh. Tôi mê tiếng Việt và thích đi khắp đất nước để được chiêm ngưỡng thiên nhiên. Tôi vừa đi Chùa Hương về. Ông già 84 tuổi như tôi mà vẫn trèo được lên chùa đấy. Tôi luôn luyện tập để được khỏe mạnh và cuối tuần này (8-10/8) tôi sẽ cùng cả nhà đi mấy tỉnh miền Tây, đến tận Cà Mau.

PV: Hiện giờ ông sống với ai và còn sáng tác thường xuyên không?

P.D: Tôi vẫn sống với con cái kể từ khi Thái Hằng, vợ tôi đã mất đi. Tôi thương vợ tôi lắm. Hạnh phúc của gia đình tôi là con cái luôn luôn ở cạnh cha mẹ. Đó cũng là điều mà vợ tôi cũng có được: luôn luôn có chồng và các con bên cạnh cho đến cuối đời. Mặc dù Thái Hằng mất vì căn bệnh ung thư ở tuổi 73, nhưng tôi vẫn ao ước giá mà vợ tôi vẫn ở cạnh tôi lúc này thì hay biết mấy.

Bọn nhóc vẫn gọi tôi là "ông Hai Tếch" vì tôi là nhạc sĩ tiên phong trong phong trào sáng tác nhạc bằng computer và là nhạc sĩ có trang web sớm nhất: http://www.phamduy.com.

Tôi luôn sáng tác, trong bất kỳ thời điểm nào. Như hôm nay, bài thơ mà tôi đọc lúc nãy cho các bạn nghe cũng đã phổ nhạc rồi. Tối về hotel chỉ cần ngồi chép lại thôi.

PV: Nghe nói ông đang thực hiện một công trình rất lớn: phổ nhạc truyện Kiều của Nguyễn Du. Hỏi ông điều này hơi tế nhị, vì sao ông lại chọn tác phẩm của một Đại Thi Hào mà không là một tác giả khác?

P.D: Tôi không chọn Lục Vân Tiên hay Nhị Độ Mai với lý do đơn giản: Truyện Kiều chính là thân phận người Việt. Vả lại cụ Nguyễn Du có để lại lời nhắn "Không biết 100 năm sau ai là người khóc Tố Như?". Nghĩa là hiểu được lòng cụ. Gần 200 năm sau, cụ đã có một người con làm tiếp công việc của cụ. Tôi đã phổ nhạc xong Kiều 1, Kiều 2, Kiều 3.

Kiều 1 là Kiều với Đạm Tiên, Kiều 2 là Kiều với Kim Trọng. Còn Kiều 3 là Kiều với 14 nhân vật: từ Mã Giám sinh, Thúc Sinh, Hoạn Thư đến Tú Bà, Sở Khanh... đó là đoạn đời gian nan, nhọc nhằn, bi thương, đau thảm của Kiều, của thân phận con người Việt Nam.

PV: Vậy lúc nào Kiều mới được giải thoát?

P.D: Tôi không đem lại một "happy-end" cho Minh Họa Kiều. Tôi đổi đi cho đúng với hiện tại. Kết thúc là cái chết của Kiều. Một cái chết không lối thoát.

PV: Có phải vậy không? Hay là sự tái sinh. Có phải cái chết của Kiều chính là cái chết của chính ông? Chết để được tái sinh, để tiếp tục làm công việc của mình chứ không chấp nhận một kết thúc có hậu để rồi không còn là gì cả nữa, chỉ là một người bình thường có một cuộc sống đời thường yên ổn như bao kẻ khác?

P.D: phải hiểu kỹ như thế mới được. Tôi ước ao có một thời gian nào đó được nói về tác phẩm này cho riêng bạn.

PV: ông còn nhớ album "Rong chơi năm 2000"? Trong đấy, ông có hát bài cuối "Có hai thằng mù cãi nhau với thằng điếc..."?

P.D: Có chứ. Bài đấy không người con nào chịu hát nên tôi phải hát.

PV: Nhưng ông hát mới đúng. Không ai chịu hát là đúng rồi. Chỉ có ông mới thể hiện được đúng tinh thần bài hát ấy. Ông đã hát bằng sự chua xót, chất chứ nhiều thương đau và cả nỗi thống khổ...

P.D: Ừ, tôi có nhiều thương đau cũng đúng vì tôi bướng lắm. Ngày xưa tôi ngang tàng và ương bướng.

PV: Cái này tôi cũng biết. Vì tôi đọc một bài luận của Jason Gibbs viết về ông. Trong bài có kể lại chuyện lãnh đạo cho ông đi Đức, nhưng ông đề nghị phải có vợ ông -- cô Thái Hằng (lúc ấy đang mang thai Duy Quang) -- theo thì ông mới đi.

P.D: Ừ, tôi là vậy. Tôi thương vợ lắm, vì lúc ấy nếu để Thái Hằng ở lại thì sẽ rất khổ. Mình sướng mà để vợ con khổ thì mình đâu còn là người có lương tâm nữa. Mà tôi thì sống một cách rất bản năng. Tôi sống rất tự nhiên thế nên tôi đã nghĩ đều ấy không phải là sự đòi hỏi, chỉ là một yêu cầu rất bình thường và nhân bản.
. . . . . .

Ông quay sang bảo Duy Cường (con trai thứ) chụp cho tôi và ông tấm ảnh chung. Chụp xong, ông cho tôi xem lại trên máy (máy ảnh kỹ thuật số mà!). Rồi ông cười bảo "Cũng đẹp đôi đấy chứ!". Tự nhiên tôi cảm thấy ông thật gần gũi và dễ mến. Tôi nghĩ, thật là tiếc nếu như một ngày nào đó không còn ông nữa. Vì một con người tài năng và yêu thương cuộc sống mãnh liệt như ông quả là vốn quý cho tinh thần Văn hóa Việt nam. Ông cô đơn lắm. Phải chăng đó là số mệnh của một Nghệ sĩ Lớn?

"Ngẫm thay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có Thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao"


Viết xong lúc 0 giờ 17 phút ngày 07/08/03

Từ Tâm

Nguồn: Hồn Quê