Phạm Duy, nhạc xây tình người
- Chi tiết
- Quỳnh Giao
- Lượt xem: 4739
Trong dòng suối nguồn tân nhạc của Việt Nam, Phạm Duy có chỗ đứng đặc biệt, vì ở bất cứ một nhánh quanh co hay bát ngát nào của dòng nhạc Việt, ta cũng gặp ông. Ông nhập cuộc rất sớm và theo đuổi cầm ca như niềm hạnh phúc và một cái nghề hơn là cái nghiệp, cho tới gần đây khi đã trên 75. Cho nên ta không dễ gì nói về nhạc của Phạm Duy trong vỏn vẹn một chương trình.
Nhưng, người ta như lại dễ nói về Phạm Duy, nếu chúng ta kể ra bao điều đã được viết về ông.
Vẫn biết rằng như đỉnh cao trên dãy Trường Sơn trùng điệp của tân nhạc, ông là cây cao nên chịu gió lớn, và ông mới bị phê phán về cả trăm điều, mà đa số lại ở ngoài âm nhạc. Phải chăng sự việc đó cho thấy rằng chúng ta quá yêu nên đòi hỏi quá nhiều ở một nghệ sĩ đã có công lao rất lớn với tân nhạc của dân tộc? Nói chung, dư luận khó có thể dửng dưng với Phạm Duy, mà nếu Phạm Duy có dửng dưng trước dư luận thì lại chẳng bao giờ dửng dưng với cuộc đời... Chúng ta nên trả cho Phạm Duy những gì của đời sống riêng tư của ông, và chỉ hân hoan đón nhận những gì ông viết cho tân nhạc, và cho tình yêu, chủ đề của chương trình hôm nay...
Bài ca mãi mãi gắn liền tên tuổi Phạm Duy với tân nhạc - khiến lời ca là thành ngữ được trích dẫn trong nhiều tác phẩm khác - Phạm Duy lại không viết cho tình yêu đôi lứa. Bản Tình Ca bất hủ được ông viết tại Saigon, vào năm 53, cho quê hương. Ðây là bài hát tiêu biểu nhất cho thể tài hoài hương mà chúng ta đã giới thiệu trong một chương trình trước. Chúng ta không thể có một chương trình đặc biệt về Phạm Duy mà không nhắc tới Tình Ca. Bài này, Quỳnh Giao xin quý thính giả thưởng thức qua tiếng hát Thái Thanh...
Y như nhạc Phạm Ðình Chương vẫn chưa được công khai trình diễn trong nước, nhạc Phạm Duy cũng chưa được phép trình bày trọn vẹn, dù người ta thuộc và hát khá nhiều cho nhau nghe. Một trong rất nhiều nguyên nhân của điều đáng buồn này có thể được tìm ra từ thuở ban sơ của nhạc kháng chiến: khi cả nước đang sôi nổi nói và hát lời tranh đấu, thì Phạm Duy lại viết... nhạc tình. Thực ra, như ông tâm sự, Phạm Duy đã vu vơ lãng đãng viết nhạc tình từ trước, như Cô Hái Mơ với thơ Nguyễn Bính năm 42, như Cây Ðàn Bỏ Quên năm 45 hay Khối Tình Trương Chi năm 46.
Nhưng, Bên Cầu Biên Giới mới là một trong mấy bản tình ca đầu tiên của ông, viết trên nhịp Tango ngay giữa chiến khu Lào Cai năm 47, và viết cho một người tình có thật, làm tình báo cho kháng chiến. Phạm Duy vốn chẳng sợ sấm sét, kể cả sấm sét ái tình, nên không muốn chối bỏ bài hát, và ra đi từ 1951. Chúng ta hãy nghe Vũ Khanh kể lại tình khúc tiền oan này của Phạm Duy...
Ngay giữa chiến khu Việt Bắc, yêu người đang làm nghĩa vụ, rồi lại mơ... sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên bờ sông Danube, người nghệ sĩ quả là có sự lãng mạn khó tha thứ!
Sang thập niên năm sau, nhạc tình Phạm Duy phát triển qua nhiều hướng khác. Có bài dìu dặt nhịp 3/4 của hạnh phúc trăng mật, như Thương Tình Ca, ông viết năm 56; có bài mang nhiều não tính về lẽ tử sinh của cuộc đời, như Ðường Chiều Lá Rụng, ông viết năm 58; có bài lại đầy chất đa cảm mà thánh thiện như Ngày Ðó Chúng Mình ông viết năm 59.
Thương Tình Ca là một tác phẩm đẹp, ở cả lời lẫn nhạc, dù giản dị mà vẫn phong lưu đằm thắm. Bài ca dễ hát dễ cảm lòng người nên được mọi cặp tình nhân nhớ tới trong cõi hạnh phúc. Bài này sẽ do con trai của Phạm Duy là Duy Quang trình bày sau đây.
Ở trên tuyệt đỉnh hạnh phúc, người ta cũng có thể thấy mé bờ bên kia, thấy nơi trở về. Cho nên, Thương Tình Ca mới chấm dứt với cặp tình nhân "dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu"... Có lẽ, trước Trịnh Công Sơn, Phạm Duy nhìn thấy mối đồng cảm lạ kỳ của tình yêu và cái chết. Nóng lạnh thế nào thì chỉ trong cuộc mới hay. Bài Ðường Chiều Lá Rụng của ông vì vậy là một bản tình ca tuyệt vời về nỗi chết. Ðây là tác phẩm siêu thực ở lời và siêu tuyệt ở nhạc, ít được hát, mà chỉ được nói tới như điển hình của một toàn bích trong dòng nhạc tình của Phạm Duy.
Quỳnh Giao xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này, với phần hòa âm của Duy Cường, con trai Phạm Duy...
Ngày Ðó Chúng Mình là một bài thánh ca cho tình yêu. Tác phẩm được dùng làm nhan đề cho tập nhạc tình ông xuất bản năm 60, tập "Ngày Ðó Chúng Mình Yêu Nhau." Ðược chuyên chở bởi giai điệu uy nghi trang trọng tựa kinh cầu, lời ca đầy cảm tính lãng mạn của tác phẩm đã gây xúc động cho người nghe vào những thập niên 60-70. Bài này sẽ do Duy Trác diễn tả sau đây.
Bước sang thập niên 70, Phạm Duy tiếp tục gây sóng gió trong tâm tư của người yêu nhau.
Nếu Thương Tình Ca mở đầu cho hạnh phúc lứa đôi thì Nghìn Trùng Xa Cách là nỗi đau khép lại. Ðể từ năm 69 đó, tình ca Phạm Duy trở thành lời độc thoại. Trong nuối tiếc, người nhạc sĩ có thể tự huyễn bằng mơ ước lả lơi, như trong Cỏ Hồng viết năm 70... chứ tự thân, và cả người yêu nhạc của ông cũng đều thấy nỗi bơ vơ trong tâm khảm của người tìm về ký ức như niềm an ủi. Bài Kỷ Niệm có thể là điển hình cho phản ứng trở về ấu thơ đó. Chúng ta sẽ lần lượt nghe ba ca khúc tiêu biểu này, qua tiếng hát Lệ Thu, Tuấn Ngọc và Thái Hiền.
Mười năm sau bài Kỷ Niệm, ở bên ngoài quê hương, Phạm Duy quả là sống với kỷ niệm. Bài Tình Cầm ông viết trên đất Mỹ đã đưa ông về với lời thơ Hoàng Cầm bạn ông, về với quê nhà quạnh hiu. Một nhạc sĩ Canada có viết đại để rằng nếu ông không thể tưởng tượng nổi một Phạm Duy mà không có Việt Nam, thì cũng không thể tưởng tượng ra một Việt Nam mà không có Phạm Duy. Có lẽ, Việt Nam vẫn có Phạm Duy, vì người ta vẫn yêu và nhớ nhạc ông. Nhưng, Phạm Duy nay chỉ còn Việt Nam trong trí tưởng. Tình ca và tình cầm Phạm Duy vì vậy mới cho thấy cầm ca là cái nghiệp đớn đau. Ông cho quê hương rất nhiều, để nay nhận lại nỗi sầu lữ thứ.
Duy Quang, con trai ông, sẽ là người diễn tả cho chúng ta cái nỗi niềm đó, qua bài Tình Cầm.
Kính thưa quý thính giả,
Những tác phẩm quá lớn lao và phong phú của Phạm Duy đã là những cống hiến của văn học nghệ thuật Việt Nam cho đất nước Việt Nam, và in sâu vào tâm khảm của người Việt mọi nơi để thành một phần hồn của người Việt. Nhạc của ông là một di sản không thể xóa bỏ của nền nhạc Việt. Trong âm nhạc, sự phán xét về hay-dở phải thuộc vào công chúng, nhìn vào số lượng và giá trị của nhạc Phạm Duy, từ đầu thập niên 40 tới cuối thế kỷ này, ta đã thấy sự phán xét đó. Càng khắt khe nghiệt ngã, ta càng làm kho tàng văn hóa đất nước bị nghèo nàn đi.
Quỳnh Giao xin được kết thúc chủ đề về nhạc tình Phạm Duy, bằng chính câu hát của ông trong trường ca Con Ðường Cái Quan...
Người mơ ước tới: đường tan ranh giới
Ðể người được mãi
Ði trong một duyên tình dài
Lời kết đó, Quỳnh Giao cũng xin mượn làm lời từ biệt tới quý thính giả của chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam. Trong một chương trình có giới hạn, ở bên ngoài quê hương và sau bao nhiễu nhương bi thảm, Quỳnh Giao chỉ có thể thu thập và trình bày một phần nhỏ các ca khúc tân nhạc của đất nước, với nhiều thiếu sót về dòng nhạc miền Bắc từ 54 tới 75 và dòng nhạc trong nước từ 75 tới năm 1997 này.
Quỳnh Giao xin gửi lời cáo lỗi tới nhiều tài năng đã bị lãng quên, những tác phẩm đã bị tiêu hủy. Và cũng xin ngỏ lời tri ân sâu xa tới bao thế hệ nhạc sĩ đã làm đẹp cho đời, có khi làm giàu cho người, mà bản thân thường sống trong cô đơn nghèo túng với nghệ thuật và sự lãng quên của nhân thế. Những người yêu nhạc và yêu quê hương xứ sở có thể phần nào cố gắng san bằng những ranh giới đó của thời gian và tình người, để qua thế kỷ sau, người Việt mình sẽ biết là dân ta đã khóc cười theo mệnh nước nổi trôi như thế nào, ở trong thế kỷ này. Và để ngay trước mắt, có sự trân quý thắm thiết hơn dành cho các nhạc sĩ của mình.
Lời cuối ở đây là lòng tri ân của những người yêu nhạc và của riêng Quỳnh Giao được gửi tới đài BBC. Nếu không có sự ân cần giúp đỡ của BBC và quý vị làm việc trong đài, người Việt ta cũng khó có cơ hội đi tìm về suối nguồn tân nhạc của Việt Nam, trong hơn 60 năm qua.
Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt và xin cảm tạ quý thính giả đã liên tục theo dõi chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam...
Quỳnh Giao
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=200707&zoneid=97#.VLSq_Xtx5iY